Bài viết từ một phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-01-2023] Bà Lâm Kiến Bình, một phụ nữ 66 tuổi ở thành phố Tê Hà, tỉnh Sơn Đông, đã bị đưa ra xét xử vào ngày 19 tháng 12 năm 2022 vì đức tin của bà vào Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện đã bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999. Bà bác bỏ những cáo buộc phi lý của công tố viên và cảnh sát vì những thông tin ngụy tạo mà họ đã sử dụng để chống lại bà.

Vụ bắt giữ và truy tố

Bà Lâm Kiến Bình đã bị bắt vào ngày 6 tháng 2 năm 2022 ngay phía trước trụ sở Công an Thành phố Tê Hà vì nói với một cảnh sát về Pháp Luân Công. Sau khi Trại tạm giam Mưu Bình từ chối tiếp nhận bà vì lý do sức khỏe, bà được thả và bị giám sát tại nơi cư trú trong 6 tháng. Ngày 21 tháng 10, Viện Kiểm sát Thành phố Tê Hà đã buộc tội bà “lợi dụng một tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một cái cớ thường được chính quyền sử dụng để hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc).

Bà Lâm đã đệ đơn khiếu nại Diêm Chí Cao (đội trưởng Đội An ninh Nội địa) và công tố viên Lý Hồng Quân. Sau khi Diêm phát hiện ra vụ khiếu nại, ông ta đe dọa bà vào ngày 13 tháng 12 rằng bà không được phép viết đơn khi đang bị giám sát tại nhà và nếu viết thì cũng phải xin phép ông ta trước.

Bác bỏ cáo buộc của công tố viên

Trong phiên xét xử bà Lâm tại Tòa án Thành phố Tê Hà vào ngày 19 tháng 12, không một cảnh sát nào liên quan đến vụ án của bà (kể cả người thụ lý vụ án Diêm và Lâm Thọ Quang) có mặt tại tòa.

Thẩm phán đã yêu cầu thư ký phát đoạn video ghi cảnh bà Lâm bị đưa đến Đồn Công an Trang Viên. Trong video, bà Lâm đang bị còng tay. Bà yêu cầu cảnh sát đưa ra cơ sở pháp lý cho vụ bắt giữ bà, nhưng cảnh sát không hồi đáp.

Một đoạn video khác được chiếu trong phiên tòa ghi lại việc cảnh sát lục soát nhà bà vào lúc nửa đêm. Họ bắt chồng bà gọi hàng xóm đến làm nhân chứng. Khi chồng bà ấy nói rằng ông không muốn làm phiền hàng xóm xung quanh, cảnh sát đã đe dọa sẽ gọi cho bảo an khu phố tới.

Đoạn video tiếp theo ghi cảnh bà Lâm đang ngồi trên ghế ở đồn công an vào khoảng thời gian nhà bà bị lục soát. Tuy nhiên, cảnh sát ghi trong tài liệu vụ án là bà đã có mặt trong vụ đột kích đó và bà còn từ chối ký vào biên bản tịch thu đồ vật.

Bà Lâm đã yêu cầu thẩm phán đưa ra những đồ vật liên quan đến Pháp Luân Công mà cảnh sát đã lấy của bà, nhưng thẩm phán nói rằng công tố viên không giữ chúng.

Thẩm phán quay sang hỏi công tố viên có câu hỏi nào dành cho bà Lâm không và công tố viên trả lời rằng vì bà từ chối nhận tội nên anh ta sẽ bỏ qua việc chất vấn.

Ngược lại, bà Lâm quay sang hỏi công tố viên: “Công tố viên đã buộc tội tôi ‘phá hoại việc thực thi pháp luật’ cũng như ‘gửi tài liệu Pháp Luân Công tới đồn công an và viện kiểm sát’, vậy tại sao công tố viên lại không đưa ra số tài liệu mà tôi đã gửi đó và đọc to chúng trước tòa? Ngoài ra, trong tất cả các luật hiện hành ở Trung Quốc, tôi đã phá hoại việc thực thi điều luật nào?” Công tố viên đã lấy cớ là thẩm phán sẽ đưa ra câu trả lời để lảng tránh câu hỏi và giữ im lặng.

Sau đó, công tố viên nói với bà Lâm: “Bà không thừa nhận số tài liệu đó là của bà phải không?”

Bà Lâm nói: “Chúng là của tôi. Nhưng anh đã không giải thích được việc tôi đã phá hoại việc thực thi pháp luật bằng những tài liệu đó như thế nào.” Bà Lâm yêu cầu thẩm phán và công tố viên trả lại tất cả những đồ vật đã tịch thu của bà.

Bà Lâm nói thêm: “Theo pháp luật quy định, một bằng chứng không thể được sử dụng để truy tố nếu nó không được giám định hoặc đối chất trước tòa. Nếu anh không thể trình ra bằng chứng trước tòa, thì anh không thể dùng nó để buộc tội tôi được. Ngoài ra, từ trước đến nay không có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công ở Trung Quốc. Nếu đã không có cơ sở pháp lý thì các vị không thể buộc tội tôi vi phạm pháp luật vì tu luyện Pháp Luân Công được. Luật pháp chỉ có thể trừng phạt một người vì hành vi phạm tội của người đó, chứ không thể trừng phạt một người vì suy nghĩ của họ.”

Thông tin giả từ cảnh sát

Bà Lâm cũng chỉ ra nhiều thông tin bịa đặt mà cảnh sát ghi trong tài liệu vụ án, như việc bà sinh năm 1962 nhưng lại ghi là 1960. Bà có bằng cao đẳng, nhưng cảnh sát ghi trình độ học vấn cao nhất của bà là trung học cơ sở.

Trong khi ghi lời khai, một nam cảnh sát trẻ tuổi đẫ đưa cho bà một tờ giấy và viết rằng bà đọc to tờ giấy đó trong khoảng ba phút và đã hiểu nội dung. Bà hỏi viên cảnh sát đó rằng bà không hề đọc nó, vậy tại sao cậu ta lại ghi rằng bà đã hiểu nội dung ghi trong đó. Khi bà từ chối ký tên vào biên bản lời khai, cảnh sát đã tự ý đưa thêm nhiều câu trả lời vào trong bản lời khai của bà ấy và yêu cầu chồng bà ký tên vào đó.

Tài liệu vụ án còn nói rằng một nữ cảnh sát tên là “Trâu Vân Na” đã thẩm vấn bà Lâm. Nhưng bà khẳng định rằng bà không gặp bất kỳ nữ cảnh sát nào từ lúc bà bị bắt cho đến khi được thả. Khi bà yêu cầu sử dụng nhà vệ sinh, cảnh sát thậm chí không tìm được một nữ cảnh sát nào để đi cùng bà ấy. Cuối cùng, một nam cảnh sát đã đứng bên ngoài để canh trừng bà Lâm khi bà đi vệ sinh

Ngoài ra, cảnh sát cũng tuyên bố rằng bà Lâm có mặt trong cuộc đột kích của họ vào nhà bà. Trước khi cảnh sát đến nhà bà, họ đã sắp xếp một số cảnh sát giám sát bà ở trong đồn công an. Người hàng xóm bị ép phải làm nhân chứng cho ​​cuộc đổ bộ đó đã vô cùng khiếp sợ.

Điều cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, đó là không có cảnh sát nào ký tên vào tờ chứng nhận trong bản “Ý kiến giám định”. Không những thế, mặc dù thực tế là bà ấy không hề thực hiện xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra xem có sử dụng ma túy hay không, nhưng cảnh sát vẫn điền vào trong hồ sơ vụ án là bà đã làm xét nghiệm. Tên của viên cảnh sát đã ký ở trong hồ sơ cũng là tên giả.

Trong phần biện hộ cuối cùng của mình, bà Lâm cho biết toàn bộ quá trình truy tố bà là vi phạm pháp luật. Nó đã làm tổn hại danh dự của bà ấy và làm xáo trộn và gián đoạn cuộc sống hàng ngày của bà, gia đình bà và hàng xóm xung quanh. Gia đình lúc nào cũng ở trong tình trạng lo lắng cho bà nên hiệu quả công việc và sức khỏe của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Bà cũng phải dành nhiều thời gian và sức lực để suy nghĩ làm thế nào để biện hộ cho bản thân. Bà nói rằng chính cảnh sát, công tố viên và thẩm phán mới thực sự là những người đã phá hoại việc thực thi pháp luật và cản trở việc thực thi công lý.

Bài liên quan:

Tỉnh Sơn Đông: Người phụ nữ tốt bụng đối mặt với truy tố một lần nữa vì kiên định đức tin

Sống sót sau 6 năm bị tra tấn dã man, người phụ nữ Sơn Đông một lần nữa đối mặt với truy tố vì đức tin của mình

Hồ sơ cá nhân của một phụ nữ ở Sơn Đông tiết lộ việc bị đánh đập, tiêm thuốc, tra tấn ở trong tù

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/1/4/454495.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/1/21/206529.html

Đăng ngày 09-02-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share