[MINH HUỆ 08-05-2022] Phạm Thanh Bình, trưởng Khu giam giữ 14 của Nhà tù Nữ Hà Bắc, đã tuân thủ chặt chẽ chính sách bức hại của ĐCSTQ nhắm vào Pháp Luân Công kể từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào tháng 7 năm 1999. Cùng với các viên chức và lính canh khác, bà ta đã giam giữ học viên trong phòng biệt giam và đánh đập, sốc điện họ bằng dùi cui điện, đóng băng, cấm ngủ, không cho họ sử dụng nhà vệ sinh, bức thực, bắt họ đứng trên những cái đĩa đang cháy, và dùng kim đâm vào họ. Một số học viên bị thương, một số tử vong, và nhiều người khác bị rối loạn tâm thần.

Khu 14 vốn được thiết kế dành cho những tù nhân mới đến hoặc những người sắp được trả tự do. Nhưng thực tế, nhà tù lại thường dùng nơi này để bức hại các học viên Pháp Luân Công. Bên cạnh việc tra tấn, lính canh tù còn phát những video bôi nhọ Pháp Luân Công và ông Lý Hồng Chí (Nhà sáng lập pháp môn) mọi lúc để tẩy não họ. Bị suy sụp bởi sự hành hạ tàn bạo cả về thể chất lẫn tinh thần, nhiều học viên đã buộc phải ký tên vào các bản tuyên bố từ bỏ đức tin trái với ý muốn của họ.

Dưới đây là một số nạn nhân bị Phạm Thanh Bình bức hại.

Cái chết của 2 học viên

Ít nhất 2 học viên đã qua đời do bị ta tấn tàn bạo ở trong nhà tù. Bà Cao Tố Trân, một học viên ở thành phố Thạch Gia Trang, đã bị kết án 4 năm tù sau khi ký tên vào đơn thỉnh nguyện giải cứu một học viên bị giam giữ. Ở trong Nhà tù Nữ Hà Bắc, bà đã bị tra tấn và làm nhục, khiến tính mạng nhiều lần gặp nguy hiểm. Cuối cùng, bà đã được tạm tha y tế do sức khỏe yếu sau khi gia đình bà nộp khoản tiền 30.000 nhân dân tệ. Trong năm kế tiếp, gia đình bà đã phải chi ít nhất 250.000 nhân dân tệ để bà nằm bệnh viện điều trị nhưng vô ích. Bà qua đời ở tuổi 64 vào tháng 3 năm 2018.

Theo bà Cao, khi bà bị giam trong Khu 14 của Nhà tù Nữ tỉnh Hà Bắc, lính canh đã đưa bà vào một căn phòng không có camera giám sát, túm tóc và đập đầu bà vào tường. Tù nhân chửi rủa, tát vào mặt và đập vào đầu bà. Họ còn cắn vào tay bà, viết những lời phỉ báng lên người bà và dùng bút đâm vào tay bà. Sự ngược đãi tương tự vẫn tiếp diễn sau khi bà được chuyển đến Khu 17.

Một học viên khác không rõ danh tính cũng đã qua đời vào đầu năm 2011. Vì sự kiên định tu luyện Pháp Luân Công của bà, lính canh tù nhân đã đánh bà bằng những tấm ván, thìa kim loại, băng ghế nhựa và các đồ vật khác mạnh đến nỗi khiến chúng bị gãy. Bà bị thương rất nặng và các cơ quan nội tạng liên tục bị tổn thương. Ở tron phòng biệt giam lạnh lẽo và ẩm ướt, đêm đêm bà không ngừng la hét vì quá đau đớn. Lính canh trực ban phớt lờ bà và bà đã chết vào đêm hôm đó. Tin tức về cái chết của bà không được công bố, và nhà tù đe dọa các tù nhân sẽ chịu hậu quả nghiêm trọng nếu dám tiết lộ thông tin. Vì vậy, tên của người học viên này hiện vẫn là một ẩn số.

Hai tù nhân (không phải học viên) cũng qua đời do bị Phạm bức hại. Một người là Mạn Quế Anh (45 tuổi) đã qua đời vào tháng 1 năm 2011, và một người khác (không rõ danh tính) cũng ở tỉnh Sơn Đông.

Tra tấn tàn bạo

Bà Tào Thục Lan, một học viên ở thành phố Thương Châu đã bị bắt vào tháng 1 năm 2012, sau đó bị Tòa án Vận Hà kết án 7,5 năm tù. Bà bị giam tại Khu 14 trong 16 tháng và bị cưỡng chế đứng nghiêm liên tục 24 giờ. Hai tay, hai cẳng chân và bàn chân của bà bắt đầu sưng lên đến mức bà đi lại rất khó khăn.

Khi lính canh ra lệnh cho bà đọc tài liệu phỉ báng Pháp Luân Công, bà đã phản kháng và Khổng Lệnh Quang đã dùng dùi cui điện sốc điện vào mặt và cơ thể bà cho đến khi dùi cui hết điện. Hòng ép bà ký tên vào bản tuyên bố từ bỏ đức tin của mình, lính canh và tù nhân còn từng cấm bà ngủ trong 7 ngày.

cbcec4fc592638445f7829bb67d3efcd.jpg

Tái hiện phương thức tra tấn: Sốc điện bằng nhiều dùi cui cùng lúc

Bà Tôn Phú Cầm, một giáo viên tiểu học ngoài 50 ở thành phố Trương Gia Khẩu, bị tới Khu 14 vào tháng 5 năm 2012. Lính canh lệnh cho tù nhân tra tấn bà hàng ngày. Một hôm, một lính canh đã ra lệnh cho bảy tù nhân khiêng bà đến văn phòng rồi nhét giẻ vào miệng bà và dùng dùi cui sốc điện vào xương đòn của bà. Vùng vai của bà bị đau và bà đã ngất đi trong khi cơ thể không ngừng co giật. Do bị tra tấn về thể xác và tinh thần trong thời gian dài, bà xuất hiện vấn đề về huyết áp và nhịp tim không đều.

Một học viên khác là bà Trương ở thành phố Đường Sơn. Bà đã bị kết án 5 năm tù vào tháng 1 năm 2009 và bị đưa vào Khu 14 của Nhà tù Nữ Hà Bắc. Mặc dù bà đã ngoài 70 tuổi, nhưng lính canh vẫn sốc điện vào phần dưới của bà bằng dùi cui điện. Họ cũng dùng kim đâm vào người bà, bắt bà đứng trên những cái đĩa đang cháy và không cho bà ngủ.

Bà Lưu Hiểu Vinh, 43 tuổi, là một bác sĩ ở huyện Long Hóa. Sau khi bị đưa vào Khu 14 vào tháng 5 năm 2006, bà và ba học viên khác đã tuyệt thực để phản đối sự ngược đãi. Phó giám đốc nhà tù Trương Nghị và một người họ Hàn đã ra lệnh cho các tù nhân tra tấn bà. Họ bức thực bà ba lần một ngày và giám sát bà 24/24 để hạn chế sự tự do của bà. Các tù nhân Lan Kỳ Chí, Xà Xảo Linh và những người khác thay phiên nhau tẩy não bà từ 7 giờ sáng đến 9 giờ tối mỗi ngày.

Bà Lý Tú Mẫn, 56 tuổi, đã nghỉ hưu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Bắc. Sau khi bị đưa đến Khu 14 vào tháng 2 năm 2008, bà bị cưỡng bức lao động không công với những công việc xâu chuỗi hạt, xếp các tấm nhựa và cắm hoa, từ sáng cho đến sau 10 giờ tối. Cuối cùng, bà đã gặp phải các vấn đề về mắt. Trong một lần kiểm tra ở bệnh viện, một bác sĩ nói rằng bà mắc bệnh về mắt. Bà Lý nói với Phạm về việc các học viên đã được thụ ích như thế nào từ Pháp Luân Công và họ đã bị bức hại một cách oan uổng. Phạm đáp lại: “Có vẻ như bà là một người tốt, chúng tôi sẽ đưa bà đến một nơi nào đó để ‘chuyển hóa’ bà“. Đến tháng 3 năm 2008, bà Lý bị đưa đến Khu 13 để tẩy não cường độ cao.

Cô Hoàng Tú Linh, 29 tuổi, đã tốt nghiệp Đại học Nông nghiệp Hà Bắc. Cô Hoàng đã bị giam trong Khu 14 vào cuối năm 2010. Lính canh Vương Dã (số hiệu cảnh sát 1335110) đã tẩy não cô gần 20 tiếng mỗi ngày. Sau đó, khi thấy không đạt được múc đích, Vương đã tra tấn cô bằng cách cấm cô Ngủ, cưỡng chế cô phải đứng yên trong một thời gian dài (đến nửa đêm hoặc 2 giờ sáng, rồi lại đánh thức cô dậy vào lúc 5 giờ sáng) và biệt giam cô. Vào ban ngày, cô Hoàng cũng bị cưỡng bức lao động không công. Sau khi bị buộc phải đứng yên trong hơn 2 tháng vào mùa hè, chân của cô Hoàng đã sưng đến mức không thể tự cởi quần áo của mình. Ngoài ra, lính canh còn không cho phép cô liên lạc với gia đình và từ chối để gia đình vào thăm cô ấy. Họ thậm chí còn cấm cô sử dụng nhà vệ sinh và tắm rửa.

Cô Trương Tân Hoa, 40 tuổi, cũng bị cưỡng chế phải đứng thẳng người và bất động trong 2 tuần. Cô bị đưa đến Khu 14 vào năm 2012. Lính canh giám sát cô 24/24 và không cho phép cô nói chuyện với bất kỳ ai. Vì kiên định không từ bỏ đức tin của mình mà cô đã bị những tù nhân khác chửi bới. Khi cô từ chối tạo dáng chụp ảnh, một số tù nhân đã túm tóc cô và chụp lại bức ảnh. Khi cô kiên trì muốn luyện công, tù nhân đã ngăn cô lại và lột sạch quần áo của cô.

Bà Triệu Bảo Lý, 57 tuổi, làm việc cho Công ty Cung cấp Điện Thừa Đức. Bà bị đưa vào Khu 14 vào tháng 1 năm 2012 và bị ngược đãi ở đó trong 13 tháng. Bà chỉ được phép sử dụng nhà vệ sinh 3 lần trong ngày, điều này đã gây ra nhiều khó khăn cho bà. Ngoài ra, bà buộc phải ngồi yên trên một chiếc ghế đẩu nhỏ bằng nhựa từ 6:00 sáng đến 9:30 tối mỗi ngày. Sau đó, bà bị buộc phải đứng yên từ 7:00 sáng đến 9:00 tối mỗi ngày. Ngoài ra, lính canh và tù nhân còn bắt bà phải xem những đoạn video vu khống Pháp Luân Công suốt cả ngày nhằm tẩy não bà.

Bà Bạch Tuấn Kiệt, 65 tuổi, ở thành phố Trương Gia Khẩu đã bị đưa tới Khu 14 vào tháng 1 năm 2006. Thời điểm đó, khu này được chia thành 13 tổ. Mỗi tổ có một tổ trưởng và người này sẽ ra lệnh cho các tù nhân khác tra tấn các học viên.

Một học viên khác không rõ danh tính, ngoài 50 tuổi, đã bị một số tù nhân, trong đó có Lý Ái Phân và Sử Mỗi Tiên, đánh đập thậm tệ đến nỗi toàn thân bầm tím. Người học viên này đã hô hoán cảnh sát nhà tù giúp đỡ, nhưng tù nhân vẫn không dừng tay còn cảnh sát cũng không can thiệp.

Một học viên khác cũng không rõ danh tính, 35 tuổi, đã bị buộc phải ngồi yên trên một chiếc ghế nhỏ cho đến nửa đêm và không được phép nói chuyện. Sau một thời gian, học viên này bị rối loạn tâm thần và đôi khi gặp ác mộng khiến cô ấy la hét vì sợ hãi. Điều này đã khiến cô bị ngược đãi tàn bạo hơn. Tù nhân thường đánh cô trong phòng tắm và bắt cô đứng ngoài hành lang. Thỉnh thoảng, tù nhân còn lột sạch quần áo của cô, dùng băng keo dán miệng cô lại và kéo lê cô trên sàn nhà trong tình trạng khỏa thân. Sau đó, cô bị bức thực bằng các loại thuốc hủy hại thần kinh.

Thông tin liên lạc:

Nhà tù Nữ Hà Bắc
Đường Thạch Đồng, quận Lộc Tuyền, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc
Mã bưu chính: 050222
Số điện thoại: +86-311-83939604

Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/8/442205.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/7/17/202285.html

Đăng ngày 10-10-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share