Bài của Thiên Đức, học viên người Việt

[MINH HUỆ 27-6-2019] Để chia sẻ rõ hơn nhận thức của tôi về tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư”, tôi xin phép dùng cách so sánh với tôn chỉ của một môn tu luyện khác, thông qua đó nêu bật ra được những gì cần biểu đạt.

“Dĩ Pháp vi Sư” so với “dĩ Giới vi Sư”

Tu luyện trong Phật giáo là khác rất nhiều nếu so với tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, trong đó chỗ một khác biệt rất nổi bật là ở phương diện tôn chỉ nền tảng này.

a)

Năm đó khi Phật Thích Ca sắp sửa nhập niết-bàn, các đồ đệ hỏi Ngài rằng sau này khi Thế tôn không còn tại thế thì thế nào? Đức Phật trả lời: Hãy lấy Giới làm thầy, “dĩ Giới vi Sư”. Tu luyện Giới-Định-Huệ chính là như thế. Ai mà đổi đi thì không còn là pháp tu mà Phật Thích Ca truyền ra những năm đó nữa. Tất nhiên, trong Phật giáo cũng yêu cầu phải hiểu Pháp Lý, nhưng mà tôn chỉ nền tảng của họ là “dĩ Giới vi Sư”. Có Giới thì mới có Định, có Giới có Định thì mới có Huệ. Tức là, trí huệ là đạt được thông qua phương thức ấy, lộ tuyến nhận thức là khác với Pháp Luân Đại Pháp. Nói cách khác, các trạng thái tham ngộ của họ là khác.

b)

Đã vậy, thì Pháp Lý của họ cũng là khác. Nói nôm na là, khi soạn giáo trình đào tạo 20 năm 30 năm từ bé chưa biết chữ cho đến thành tiến sỹ, nếu Bộ Giáo dục quyết định tôn chỉ học tập sẽ là dĩ Giới vi Sư, thế thì toàn bộ giáo trình ấy sẽ được soạn theo cách khác, các bước đề cao nhận thức, cảnh giới tư tưởng, v.v., cũng khác. Phân chia các chủ đề cho năm học và đề thi các năm cũng khác. Bộ giáo trình cho phương thức đào tạo kiểu “dĩ Giới vi Sư” hiển nhiên sẽ khác bộ giáo trình cho phương thức đào tạo kiểu “dĩ Pháp vi Sư”. Cái này quá hiển nhiên.

Đương nhiên, Pháp được giảng trong Pháp Luân Đại Pháp là Pháp vũ trụ, cho nên bản thân việc so sánh đã là không thích đáng. Vốn dĩ không so sánh được. Hơn nữa, khi một bậc Giác Giả giảng Pháp ra, thì có vô lượng vô số nhân tố mà kẻ tầm thường như tôi không biết. Do đó tại đây tôi chỉ là miêu tả theo góc độ “tôn chỉ” tu luyện thôi, và cũng chỉ là để làm sáng tỏ cái ý của bài viết này mà thôi.

c)

Một khác biệt rõ nhất có thể thấy được giữa hai bộ giáo trình này, chính là Phật Thích Ca cố ý không giảng ra một số chủ đề liên quan đến nguồn gốc xuất xứ hay những gì mà Ngài cho là quá xa xôi. Kinh điển Phật giáo kể rằng, có người hỏi Đức Phật những thứ kiểu như nguồn gốc nhân loại là gì, v.v., ý tứ là phải hiểu những cái đó thì người đó mới quan tâm tu luyện theo Phật Thích Ca. Người đó, tuy ngưỡng mộ Phật Thích Ca, nhưng vì chưa rõ những thứ đó nên còn vướng mắc trong tâm, và chưa quyết định theo. Phật Thích Ca trả lời rằng, ví như có người kia bị trúng tên tẩm thuốc độc, thầy thuốc đến chuẩn bị nhổ mũi tên ra và chữa trị, thì người kia bèn nói: Khoan đã nào, hãy cho tôi biết mũi tên này do ai bắn, bắn là mục đích gì, độc chất là gì, v.v., rồi sau hãy rút. Thầy thuốc bèn bảo rằng, giờ cứ nhổ mũi tên ra thôi, chứ tìm hiểu xong những cái đó thì đã muộn mất rồi.

Phật giáo chính là không giảng ra những chủ đề thuộc loại đó. Nhưng mà, phương cách tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp là khác. Không chỉ nguồn gốc nhân loại, mà cả nguồn gốc của Tam giới và nhiều điều lớn hơn cũng được giảng ra rồi. Không chỉ nhân loại và Tam giới của vũ trụ cũ, mà nguồn gốc xuất xứ và ý nghĩa tồn tại của nhân loại và Tam giới trong vũ trụ mới, quan hệ của nhân loại và Tam giới với các tầng thứ cao hơn, thì cũng đã được giảng ra rồi. Sư phụ còn giảng rằng, đến thời Pháp Chính Nhân Gian thì còn giảng chi tiết hơn nữa. Nhìn thoáng thì thấy Phật giáo nói rất nhiều về Tam giới và luân hồi, Kinh sách giáo điển rất nhiều; nhưng nếu so với giáo lý của Đại Pháp, thì điều Phật giáo giảng chỉ là bức tranh rất nhỏ hẹp. Ở đó chủ yếu chỉ là miêu tả trạng thái hiện có lúc bấy giờ, tại thời điểm bấy giờ mà thôi. Trong khi Đại Pháp chính là giảng ra nguồn gốc, quá trình biến hóa cũng như nguyên lý của sự biến hóa, và cả sau này rồi sẽ thế nào. Đẳng cấp hoàn toàn khác biệt.

Phật Thích Ca giảng Giới-Định-Huệ, tôn chỉ ở Giới. Có Giới rồi có Định. Có Giới có Định rồi sau đó mới có Huệ. Người tu sẽ biết được những gì đáng được biết thông qua quá trình ấy. Toàn bộ hệ thống Pháp Lý cũng là xoay quanh các bước tham ngộ như thế. Giảng ra quá nhiều những thứ xa xôi thì không cần thiết, thậm chí còn bị coi là sẽ khiến người tu mất phương hướng. Cũng có thể còn lý do ẩn giấu là vì Thiên cơ chưa được phép tiết lộ vào lúc đó. Nhưng dù thế nào đi nữa, tu luyện Đại Pháp hoàn toàn không như thế. Tu luyện Đại Pháp chúng ta, người tu cần biết cách đặt con đường tu luyện của mình trong bức tranh rộng lớn hơn. Người tu cần nhìn ra con đường tu luyện của mình và đi thành con đường tu luyện của mình trên cơ sở hiểu biết về vũ trụ, xã hội, và nhân loại. Toàn bộ quá trình nhận thức là theo một lộ tuyến khác, ngay từ những bước đi đầu tiên, đã là khác.

Nếu học viên nào lầm tưởng rằng những phần giảng Pháp về nguồn gốc, cấu tạo và biến hóa của vũ trụ, xã hội, và con người, cũng như Thiên tượng biến hóa trên hình thế rộng lớn là những thứ xa vời và không liên quan nhiều đến tu luyện của mình, thế thì đó là sai lầm và thiếu sót rất lớn. Nếu nghĩ: Ta tu là tu tâm, bỏ các tâm chấp trước là được rồi, những cái đó xa vời quá và không liên quan đến ta lắm, v.v., thế thì đó là chưa hiểu cách tu của Đại Pháp. Bên Phật giáo họ có thể coi những thứ đó là xa vời viển vông; và chủ trương của họ là thế. Còn chúng ta không thế. Nếu mang chủ trương đó sang Pháp Luân Đại Pháp thì sẽ là can nhiễu rất lớn. Chúng ta là tu theo tôn chỉ dĩ Pháp vi Sư, không phải dĩ Giới vi Sư.

d)

Không chỉ khác nhau ở phương diện cao hơn là trạng thái tham ngộ, mà ngay từ phương diện buông bỏ các tâm chấp trước của người thường cũng đã khác rồi. Giới, ấy là dùng phương thức từ bỏ vật chất, từ bỏ hành động để đạt mục đích buông bỏ cái tâm. Còn chúng ta đi theo lộ tuyến khác.

Lấy một tình huống rất đơn giản để minh họa. Một học viên Pháp Luân Công nhặt được một cái ví có chứa nhiều tiền và những thứ giá trị cao. Học viên đó căn cứ theo nhận thức của mình từ Pháp về đức và nghiệp, mất và được; và học viên đó bỏ đi cái tâm tham tiền tài, tìm ra người chủ sở hữu tài sản đó và trả lại cho người ta. Mà câu chuyện cũng chưa dừng ở đó. Sau này, khi về nhà, học viên đó chợt nghĩ ra rằng, lúc mình trả lại cho người ta, mình đã xuất ra cái tâm rằng hẳn là người ta phải cảm ơn mình, người ta không cần nói ra miệng cũng được nhưng nên chăng trong tâm phải biết ơn mình. Mình đã xuất ra tâm háo danh rồi. Thế là không tốt. Lần sau chú ý, không nên xuất ra cái tâm háo danh này.

Như vậy, trong toàn bộ quá trình đó hoàn toàn không phải “giới” gì cả, không phải kiêng khem, không phải bỏ nhà bỏ cửa để rồi chỉ sở hữu mỗi y và bát, mà vẫn bỏ được cái tâm tham tiền tài, không cần phải từ bỏ chức vụ mà vẫn bỏ được cái tâm về danh. Tất nhiên một lần thì chưa bỏ được hết, nhưng nếu cứ kiên trì tu như thế thì dần dần nhất định sẽ bỏ được. Không cần giới luật. Ta là dựa vào nhận thức từ Pháp mà tu. Dĩ Pháp vi Sư. Còn như quan hệ nam nữ? An bài khảo nghiệm quan hệ nam nữ ở ngoài đời thì có thể xáo trộn cuộc sống? Vậy thì khảo nghiệm trong mơ. Người tu luyện vẫn kết hôn và duy trì cuộc sống gia đình hài hòa, con cháu đầy nhà, mà vẫn hoàn toàn có thể có được thăng tiến về tâm linh về phương diện này.

Hiển nhiên, dĩ Giới vi Sư là không theo lộ tuyến này. Đây là lộ tuyến của tôn chỉ dĩ Pháp vi Sư của môn phái chúng ta: Bằng vào nhận thức về Pháp mà tu.

Đương nhiên, chỉ có lý thuyết thì không đủ đâu, mà trong Đại Pháp có một bộ các thứ an bài, hoàn toàn khác với Phật giáo, để cho phương cách tu luyện thế này có thể thành công. Ví dụ, vợ hoặc chồng của đệ tử Đại Pháp là cũng được tịnh hóa đến mức nào đó mà không can nhiễu sang được, v.v. Những mâu thuẫn mà người tu gặp phải trong đời, thậm chí là người tu đi ngang qua và nghe thấy người khác có vấn đề gì, thì rất có thể đều là an bài để người tu có thể đề cao tâm tính. Đây là một bộ những an bài trong tu luyện Đại Pháp, mà Sư phụ giảng đã rất rõ ràng rồi.

Tương tự, Phật giáo cũng có một bộ an bài của họ, nhưng bộ an bài đó là khác hoàn toàn. Phật giáo an bài là lánh đời: Xuất gia. Nếu ai không xuất gia, mà làm cư sỹ, thì thực ra cũng phải lánh đời theo phương cách tương tự. Tuy thân xác là tại gia, nhưng cái tâm thực ra thì vẫn là lánh đời thôi, vì toàn bộ phương thức bỏ chấp trước của bên Phật giáo là như thế, toàn bộ hệ thống Pháp Lý (bộ giáo trình) cũng được giảng ra như thế.

Họ ca ngợi rằng xa rời cõi đời trần tục này thì tốt biết bao. Khiến người ta cảm thấy cái tâm của mình càng xa rời trần tục thì càng tốt, v.v. Đó là do phương pháp tu của họ là thế. Thoát ly các duyên thế gian. Chúng ta không thế. Chúng ta là tu luyện trong xã hội người thường, không phá vỡ các quan hệ xã hội. Càng tu tốt thì nói chung quan hệ xã hội sẽ càng tốt. Đến cơ quan, đồng nghiệp nói xấu mình với lãnh đạo, thì mình có phong thái cao, hàm dưỡng, không so đo với người ta, lấy Chân-Thiện-Nhẫn mà thiện giải. Về nhà, vợ khó chịu, thì mình bao dung nhường nhịn, cười nhẹ bỏ qua. Thế thì quan hệ xã hội chính là càng tu càng tốt, đúng không? Người tu Phật giáo nói rằng, chém sạch trần duyên, vượt qua chướng ngại cuộc đời mà đến với Đạo. Người tu Pháp Luân Công nói rằng, nhân loại là một tầng trong Pháp Chân-Thiện-Nhẫn của vũ trụ, đời và Đạo đối với tôi đã hòa làm một rồi.

“Vào thời Thích Ca Mâu Ni truyền Pháp, các đệ tử của Ông từng hỏi Ông: ‘Bạch Sư tôn, có thể không thoát ly các duyên thế gian mà tu thành Như Lai hay không?’ […] Thích Ca Mâu Ni nghĩ một lát rồi nói: ‘Vậy phải đợi đến lúc Chuyển Luân Thánh Vương hạ thế thì mới được’.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Quốc tế New York 2004)

e)

Dĩ Giới vi Sư là nhắm vào một mục tiêu cụ thể, một tầng thứ nhất định. Bộ giới luật cũng là một bộ các điều khoản cố định. Bộ giới luật của người xuất gia theo Phật giáo là cho phép hành giả đạt đến tiêu chuẩn người tu luyện và nhắm vào cái đích là quả vị La Hán. Cũng yêu cầu người ta thực hiện trọn vẹn cả bộ giới luật, dù đã hiểu được chưa, hay là hiểu sâu đến đâu.

Bức tranh tu luyện của Pháp Luân Đại Pháp rất rộng, phản bổn quy chân ấy, là không nhắm vào một tầng thứ cụ thể như thế. Người tu luyện chính là vừa thông qua nhận thức về Pháp, vừa bỏ dần các tâm chấp trước. Quá trình bỏ các tâm nếu dựa theo tôn chỉ dĩ Pháp vi Sư (như ví dụ trả lại ví tiền ở trên) thì đúng là sẽ diễn ra từng bước như thế: Hiểu đến đâu, thực hành đến đó. Giai đoạn đầu, các tâm chấp trước cần buông bỏ là các thứ dục vọng, là cái tình của người thường. Giai đoạn ấy, những cái tâm thô thiển thì dễ phát hiện ra và được bỏ đi trước; còn những cái tâm vi tế khó phát hiện thì thông thường được bỏ đi sau. Cho đến khi người tu luyện hiểu được dần dần các nội hàm của Pháp, thì khái niệm buông bỏ ấy thực ra là khái niệm rộng hơn: Buông bỏ những nhận thức ở tầng thấp, buông bỏ những hiểu chưa đúng đắn về Pháp, mà từ đó hiểu và thực hành theo Pháp ở các tầng cao hơn, chuẩn xác hơn.

Đây là sự chuyển tiếp giai đoạn nhận thức từ phạm vi hẹp là bỏ các tâm người thường, sang giai đoạn phạm vi rộng là bỏ những gì không hợp với tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn ở tầng thứ mà ta đang tu luyện. Sự chuyển biến này rất tự nhiên, không cần phải đặc biệt lưu ý; vì dù sao thì cũng là cùng một phương thức: Học Pháp và hiểu được cái nào cần tu sửa thì tu sửa cái đó. Nói chung nếu kiên trì tôn chỉ “dĩ Pháp vi Sư” thì sự chuyển tiếp này sẽ tự nhiên xảy ra.

Phạm vi hẹp là có phần tương đồng về mục đích với phương pháp giữ giới của Phật giáo, cùng là mục đích buông bỏ các tâm người thường. Nhưng phạm vi rộng, thì đã vượt khỏi rồi. Đây là điều cho phép người tu luyện Pháp Luân Công tu vượt quá tầng La Hán, tu lên các tầng thứ cao hơn. Đại Thừa Phật giáo, khi triển khai phương thức tu luyện vượt quá tầng thứ La Hán, thì họ phải triển khai phương thức tu luyện khác với Phật giáo Nguyên Thủy. Khi đó, họ cần một số bổ sung khác nữa ngoài giới luật thuần túy như của Phật giáo Nguyên Thủy. Pháp Luân Đại Pháp chúng ta không cần chia các bước như thế. Chỉ cần một tôn chỉ dĩ Pháp vi Sư là tu một mạch từ đầu đến cuối.

f)

Ngoài ra, ép buộc giữ giới sẽ có một tỷ lệ xác suất dẫn đến sự cố thế này. Kinh Phật giáo kể rằng năm đó ông Nan Đà được Phật Thích Ca dẫn ra khỏi đám cưới của mình. Chú rể rời khỏi đám cưới và trở thành hòa thượng. Ông Nan Đà tu luyện mà vẫn vương vấn cái tâm về người vợ chưa cưới được và mong muốn tu luyện để có thể kết hôn các tiên nữ. Ông nhập ma mà không tự biết. Sau đó ông được Phật Thích Ca điểm hóa cho biết tương lai sẽ bị đọa địa ngục nếu vẫn tiếp tục như thế, rồi thì ông mới hiểu ra và tu thành La Hán.

Tu luyện Pháp Luân Công là không hề cổ xúy cách làm ép buộc thế này; do đó cũng không xảy ra tình huống vì bị ép mà thành ra sự cố kiểu như ông Nan Đà tu luyện mà suýt nữa thì đọa địa ngục. Kỳ thực, trường hợp ông Nan Đà là tương đối đặc thù, chứ bình thường thì Phật giáo cũng không ép người ta tu đâu. Cái tôi muốn nói ở đây là tính chất tự nhiên của “giới luật”, ấy là yêu cầu thực hành trọn bộ giới luật, mà không phải là làm từng bước thuận theo tiến bộ dần dần của người tu.

Tất nhiên, nếu học viên Pháp Luân Công nào mà đem lối ép người vào Pháp Luân Công, thì sự cố kiểu ấy là vẫn có thể xảy ra. Đó là do lẫn các thứ khác vào Pháp Luân Đại Pháp.

Tôi từng đọc một bài mà viết thế này. Kể rằng có người hỏi làm thế nào bảo người kia buông tay khỏi cái chén. Trả lời rằng hãy đổ nước nóng vào, người đó sẽ buông. Muốn người ta bỏ tâm chấp trước, thì cho họ khó nạn tương ứng là được. Bài này được khá nhiều đọc giả khen hay. Tôi cho rằng đây không phải là phong cách môn phái chúng ta. Vả lại phong cách “thân lừa ưa nặng” ấy cũng không thật sự tốt như một số người tưởng đâu. Nó có thể có tác dụng ở các tầng thứ tu luyện rất rất thấp mà thôi. Nhưng nó còn kèm phản ứng phụ nếu đương sự chưa có nhận thức đến đó hoặc là chưa nguyện ý làm thế (như trường hợp ông Nan Đà là một ví dụ). Chẳng hạn bố nông dân mẹ nông dân dùng roi dạy dỗ con trai và quất ra thành một anh nông dân. Cái đó công nhận là có tính khả thi. Nhưng bố nhạc sỹ mẹ nhạc sỹ có quất roi thành một anh nhạc sỹ được không? E rằng tính khả thi không cao. Tu luyện là tự nguyện. Công nhận rằng quất roi vào mông là có tác dụng, nhưng tác dụng hạn chế thôi. Lên cao tầng thì nhất định phải dựa vào học hiểu Pháp mà tu lên, mà đó mới là cái chính. Chúng ta tu luyện là dựa vào Pháp. Pháp vô cùng cao siêu. Pháp của vũ trụ. Dĩ Pháp vi Sư. Chúng ta có phong cách làm việc khác. Bức tranh mà chúng ta nhìn đến là rộng lớn hơn rất nhiều.

g)

Còn có khác biệt còn căn bản hơn nữa. Dĩ Giới vi Sư là mang tính máy móc cứng nhắc hơn, dĩ Pháp vi Sư là là mang tính uyển chuyển hơn. Do ngôn ngữ hữu hạn nên nói thế này không rõ ý. Tạm lấy ví dụ sau đây để minh họa.

Một vị Phật có một thế giới mà Ngài chủ trì. Thế giới đó có vô vàn chúng sinh ở vô lượng tầng thứ khác nhau. Vị Phật quản thế giới đó thì có thể theo cách là đến bảo từng chúng sinh rằng hãy máy móc làm các bước 1 2 3 … nào đó không? Không. Vị Phật quản thế giới của Ngài là dựa vào Pháp. Tựa như tổng thống dùng luật pháp để quản lý quốc gia, nhà vua dùng vương pháp để quản lý vương quốc. Tất nhiên, so sánh đó là tương đối mà thôi. Pháp của thế giới thiên quốc là biểu hiện của từ bi vô hạn của Phật. Hoàn toàn không phải là tầng thứ thấp kém kiểu như luật pháp hay vương pháp nơi xã hội này. Đây là nói ví dụ, chỉ để làm rõ ý cần biểu đạt mà thôi.

Chẳng hạn vị Phật ấy tới thế gian nhân loại, và Ngài truyền ra Pháp của mình, phổ độ chúng sinh. Câu hỏi là, đệ tử thế nào thì nên được chọn là xứng được độ từ thế gian nhân loại lên thế giới thiên quốc? Đệ tử nhóm 1, người mà học theo cách là cho một bộ các bước cần làm theo (kiểu như cho một bộ giới luật rồi bảo làm đi) và sau đó có kết quả công việc? Hay là đệ tử nhóm 2, người mà cho họ một bộ các nguyên lý hoạt động, và họ tự biết cách áp dụng Pháp đó và hoàn thành công việc? Đương nhiên câu trả lời là đệ tử nhóm 2. Đây không chỉ thuần túy là nhóm 2 thông minh hơn, chỉ cần biết nguyên lý là có thể làm được rồi, mà còn chính là vì ở trên thiên quốc kia thì mọi thứ vốn dĩ là vận hành như thế. Nào có ai đến bảo làm từng việc cụ thể 1 2 3 … đâu?

Mà cũng chỉ đệ tử nhóm 2 mới thật sự hiểu Pháp. Nếu bảo người ta làm một cách máy móc như thực hành giới luật từng bước 1 2 3 … thì chắc gì làm xong thì đã hiểu, mà dù có hiểu thì chắc gì đã hiểu sâu. Còn nếu đúng theo tôn chỉ dĩ Pháp vi Sư của Pháp Luân Công, thì mỗi khi gặp vấn đề bèn lấy Pháp ra đo lường và lên kế hoạch giải quyết. Giải vấn đề xong thì Pháp ấy tự nhiên được hiểu rõ hơn. Mà cũng không chỉ vậy. Nửa năm sau, một năm sau, người ấy nghĩ: Lần đó mình làm vẫn chưa hoàn hảo, lẽ ra có thể làm thế này thì còn tốt hơn nữa. Như thế chẳng phải lại còn hiểu Pháp sâu hơn nữa, đúng không? Quá trình ấy, chính là quá trình tốt nhất, đảm bảo được rằng người tu luyện trải qua khó nạn mà hiểu Pháp, mà đồng hóa với Pháp.

Người tu theo Đại Pháp là được khuyến khích chia sẻ nhận thức với nhau, nhưng tuyệt đối không khuyến khích tu luyện bắt chước theo người khác. Chính là ý này đó. Mình tự có nhận thức của mình từ Pháp và đi thành con đường của mình. Đó mới là chân chính đồng hóa với Pháp, và cũng là cách tốt nhất. Chứ bắt chước người khác, người ta bước ra làm gì thì mình cũng bước ra làm, người ta đi về và không làm nữa thì mình cũng về thôi, thì đó không phải là phong cách tu luyện theo dĩ Pháp vi Sư của Pháp Luân Đại Pháp. Phong cách chúng ta là: Biết căn cứ theo Pháp mà làm, cho phép phạm sai lầm, sai rồi sửa; khuyến khích chia sẻ nhận thức, nhưng không được bắt chước người khác.

Khi học viên đặt câu hỏi quá cụ thể, thì Sư phụ không trả lời; còn nói rõ nếu trả lời thì là tước đoạt mất cơ hội tu luyện của học viên. Vì bản thân quá trình dùng Pháp đo lường và đối đãi các việc, đã là một phần không thể thiếu trong quá trình đồng hóa với Pháp.

Ví dụ trên ý là nói, dĩ Giới vi Sư là kiểu đệ tử nhóm 1, mà dĩ Pháp vi Sư là kiểu đệ tử nhóm 2. Mà nhóm 2 thì nhiều ưu điểm hơn rất nhiều.

Năm xưa thời tôi tu luyện theo Phật giáo, có một người tu chia sẻ với tôi thế này. Ông ấy nói ông ấy quyết định tu theo Tiểu Thừa, quyết định bỏ Đại Thừa mà theo Tiểu Thừa. Lý do là vì tu theo Tiểu Thừa mới rõ ràng minh bạch, ví như đi từ nhà ông đến Hồ Gươm, thì đi ra phố nào, đến chỗ nào thì rẽ trái rẽ phải thế nào, và theo đúng như thế sẽ đến Hồ Gươm. Ông quyết định theo Tiểu Thừa là vì thế, cho rằng tu từng bước rõ ràng thế mới tốt. Hồi đó tôi chỉ nghe mà biết vậy thôi. Sau này tôi mới hiểu, kỳ thực nhận thức của ông này là bị lùi, không tiến mà là lùi. Lúc bấy giờ tôi không nhận ra điều đó.

Kỳ thực, trong Phật giáo cũng yêu cầu học hiểu Pháp. Nhưng tôn chỉ dù sao vẫn là dĩ Giới vi Sư. Nếu không còn tôn chỉ này thì không còn là môn pháp mà Phật Thích Ca truyền ra những năm đó nữa. Một hòa thượng dù nói hay đến mấy mà không giữ giới cho tốt, thì người ta không coi đó là hòa thượng được đâu. Một hòa thượng khác mà nói không hay, thậm chí chủ yếu ngồi đó không nói gì không làm gì, nhưng giữ giới tốt, thì đảm bảo vẫn được coi là hòa thượng hợp cách. Cả một hệ thống Giáo Lý của Phật giáo nhìn chung cũng là xoay quanh tôn chỉ dĩ Giới vi Sư này. Cho nên, người học Phật giáo là thường có ấn tượng như vậy; không phải ngẫu nhiên mà ông kia hình dung con đường tu luyện nên phải giống như con đường từ nhà ông đến Hồ Gươm, tu luyện một cách máy móc theo từng bước.

Người học Pháp Luân Công không thể nào có lối nghĩ này. Cách trình bày, diễn đạt Pháp Lý, cách thực hành, v.v., cả một bộ là khác hoàn toàn. Đều là dĩ Pháp vi Sư, yêu cầu người tu qua học hiểu Pháp mà đi thành con đường tu của mình. Như vậy, ai mang lối nghĩ tu luyện một cách máy móc sang Pháp Luân Công, thì được coi là chưa biết cách tu luyện.

Một chi tiết nhỏ ngoài lề: Theo tôi biết, hiện nay Phật giáo có một xu hướng coi giáo điển của Phật giáo như một môn học thuật. Họ có các nhà Phật học, có cả chứng chỉ văn bằng, v.v. Những người tu luyện chúng ta không thế. Nội hàm của Pháp là nhờ tu rồi mới hiểu được một cách chân chính. Cảnh giới và chứng ngộ từ Pháp cũng phải thông qua tu luyện rồi mới đạt được.

Trên đây chỉ là nhận thức cá nhân, chắc chắn còn rất nhiều hạn chế. Có gì chưa thích đáng mong được các đồng tu từ bi chỉ ra.

*
*     *

Dĩ pháp vi Sư (bài 1/5): https://vn.minghui.org/news/131887-di-phap-vi-su.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 2/5): https://vn.minghui.org/news/131890-di-phap-vi-su-2.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 3/5): https://vn.minghui.org/news/131893-di-phap-vi-su-3.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 4/5): https://vn.minghui.org/news/131896-di-phap-vi-su-4.html
Dĩ pháp vi Sư (bài 5/5): https://vn.minghui.org/news/131899-di-phap-vi-su-5.html

Share