Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-01-2018] Học viên Pháp Luân Công, bà Dịch Văn Quân – một họa sỹ 50 tuổi ở Thành Đô, đã nhiều lần bị bắt vì đức tin của mình. Chồng bà là ông Đinh Trung Bân, một giáo viên dạy vật lý 53 tuổi, đã bị giam giữ tổng cộng 5 năm 9 tháng.

Hai vợ chồng họ lại bị bắt vào ngày 17 tháng 10 năm 2017, một ngày trước phiên họp Quốc hội lần thứ 19. Họ bị giam giữ tại trại tạm giam huyện Bì trong 37 ngày và bị quản thúc tại gia trong 6 tháng sau khi được thả. Bà Dịch lại bị bắt vào ngày 30 tháng 11 và bị giam giữ trong 10 ngày. Dưới đây là lời tường thuật của bà Dịch mô tả lại những bức hại mà bà và chồng bà đã trải qua.

Lần gần nhất bị truy đuổi và bắt giữ phi pháp

Vào khoảng 10 giờ sáng ngày 17 tháng 10 năm 2017, tôi đang vẽ còn chồng tôi đang nằm nghỉ trên giường thì cảnh sát ở Đồn cảnh sát Thảo Đường gõ cửa. Họ khăng khăng đòi tôi mở cửa. Nếu tôi không mở, họ nói sẽ phá cửa để vào.

Tôi hỏi họ lý do là gì và chúng tôi đã vi phạm điều luật nào. Họ trả lời: “Điều tra nhân khẩu”. Tôi không mở cửa và yêu cầu họ rời đi vì tôi không có thời gian để tiếp họ.

Sau đó họ hỏi nhà này là của chúng tôi hay là nhà thuê. Tôi đáp rằng câu hỏi của họ không liên quan đến điều tra nhân khẩu.

Chồng tôi nghe hai bên đôi co và dậy khỏi giường mặc dù anh đang mệt. Anh đưa cho cảnh sát số chứng minh thư của mình. Khi chồng tôi nói tôi là vợ anh, họ muốn xem chứng minh thư của tôi. Tôi đã mất hơn 5 năm mới lấy được chứng minh thư đó sau khi bị giam giữ vào năm 2008.

Tôi mở cửa và nhìn thấy hai cảnh sát. Một người là Trịnh Hiểu Hồng, người đã liên tục tham gia bức hại tôi. Tôi quyết định đối mặt với họ một cách đường đường chính chính và đưa họ xem chứng minh thư của mình.

Tôi nói: “Những học viên chúng tôi tuân theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. Tại sao các anh không bắt tội phạm thực sự mà lại sách nhiễu và bức hại chúng tôi? Chúng tôi không sợ các anh. Thậm chí chúng tôi còn dám sử dụng tên thật của mình để kiện Giang Trạch Dân. Chúng tôi không muốn bị làm phiền. Các anh cần hiểu rằng cái gọi là “chiến dịch gõ cửa” là phạm pháp.”

Ngay khi tôi để họ vào nhà, Trịnh bắt đầu lục tung đồ đạc của chúng tôi trong phòng khách. Tôi cảnh báo ông ta về thái độ tồi tệ, thiếu tôn trọng người khác và vi phạm quy định của cảnh sát.

Trình chỉ vào máy tính, máy in và một số tạp chí như Tuần báo Minh Huệ và nói: “ Đây là những tài liệu Pháp Luân Công”. Tôi đáp: “Chúng tôi là những học viên Pháp Luân Công. Dĩ nhiên là chúng tôi có những thứ này.”

Sau đó, Trình cố gắng mở cửa vào phòng thờ của chúng tôi. Tôi ngăn anh ta lại còn chồng tôi nói: “Mọi thứ trong căn phòng này không có gì bí mật. Anh có thể mở cửa nếu có lệnh khám xét.”

Khi Trình gọi điện thoại, tôi đã khuyên anh ta ngừng bức hại Pháp Luân Công, nhưng anh ta đã phớt lờ những lời tôi nói.

Hơn chục cảnh sát xuất hiện. Tống Lâm, một cảnh sát điều tra tội phạm của Đồn cảnh sát Thảo Đường mang theo lệnh khám xét và máy quay.

Tôi giảng chân tướng về Pháp Luân Công trong khi chồng tôi cố gắng giấu bằng cấp của anh ấy và 200 Nhân dân tệ có in các thông điệp về Pháp Luân Công. Tuy nhiên, nhân viên dân số ở Đồn cảnh sát Hồng Bài Lâu đã lấy đi số tiền đó và đưa biên nhận cho chồng tôi. Chồng tôi hỏi anh ấy làm sao anh ấy biết được chỗ ở của chúng tôi và anh ta chỉ vào Trình.

Tôi nói: “Tất cả những gì các anh làm với các học viên Pháp Luân Công trong 18 năm qua là phạm pháp. Các anh đã lạm dụng quyền lực của mình.”

Họ dường như rất phấn khích khi nhìn thấy ảnh của Sư phụ Lý Hồng Chí và các sách Đại Pháp trong phòng thờ như thể họ đã tóm được một vụ lớn. Tôi bảo họ sẽ phải nhận quả báo cho những việc xấu mà họ làm.

Họ chỉ cười. Một người nói: “Tất cả các học viên chúng tôi bắt đều đã nói vậy, và họ vẫn bị kết án nhiều năm tù.”

Chồng tôi và tôi bị đưa tới Đồn cảnh sát Thảo Đường vào khoảng 3 giờ chiều. Sau đó, cảnh sát lục soát nhà chúng tôi và tịch thu nhiều đồ dùng cá nhân.

Chồng tôi bị ốm và run rẩy vì lạnh khi chúng tôi bị bắt. Anh chỉ mặc quần áo thể thao nhẹ và đi giày mùa hè. Cả ngày, chúng tôi không được ăn gì. Tôi nhờ lính canh mua một chén cháo cho chúng tôi và ông ta từ chối.

Bị giam giữ trái phép ở Khu tạm giam huyện Bì, Thành Đô

Chúng tôi bị đưa tới Hoàng Điền Bá để thẩm vấn vào đêm khuya và kiểm tra sức khỏe tại Bệnh viện Tây Thành Đô.

Sáng sớm ngày 18 tháng 10, chúng tôi bị đưa tới Khu tạm giam huyện Bì và bị kiểm tra toàn diện. Khu tạm giam đã quá đông. Các tù nhân giống như lợn nhốt trong trại và phải ngủ trên sàn nhà ẩm ướt dẫn tới phòng vệ sinh. Mọi người tranh nhau sử dụng nhà vệ sinh.

Chúng tôi bị giam giữ trong 37 ngày. Cảnh sát ở Đồn cảnh sát Thảo Đường lại thẩm vấn chúng tôi trong hơn 20 ngày ở trại tạm giam và sau đó là nhân viên Viện kiểm sát quận Thanh Dương thẩm vấn trong vài ngày.

Vào ngày giam giữ thứ hai, chồng tôi bị đưa tới Bệnh viên nhân dân quận Thanh Dương. Anh bị buộc phải uống và tiêm những thuốc lạ không rõ nguồn gốc. Trong khi tay chân vẫn bị cùm xích, anh buộc phải thực hiện cuộc kiểm tra sức khỏe tàn độc này. Sau này anh nói rằng anh đã không biết liệu mình có sống sót không vì anh biết nhiều học viên đã bị tra tấn đến chết trong bệnh viện đó.

Chúng tôi được thả vào tối ngày 24 tháng 11 nhưng bị quản thúc tại nhà trong 6 tháng sau đó. Khi chúng tôi gặp nhau, tôi đã không thể nhận ra chồng mình. Anh trông như một người khác, anh nhăn nheo chỉ còn da bọc xương và râu ria xồm xoàm.

Tôi không biết chồng tôi đã bị ép tiêm thuốc độc gì. Anh ấy yếu ớt và đờ đẫn khi chúng tôi được thả.

Chúng tôi được đưa tới một đồn cảnh sát. Cảnh sát đe dọa bắt chúng tôi lần nữa nếu chúng tôi không “có thái độ tốt”. Khi chúng tôi về nhà, nhà của chúng tôi đã không còn đủ điều kiện sinh hoạt. Điện bị cắt và thức ăn trong tủ ôi thiu, bốc mùi kinh khủng.

Bị giám sát chặt chẽ

Tôi tới đồn cảnh sát vào ngày hôm sau và yêu cầu trả lại những đồ đã bị tịch thu, trong đó có cả tiền mặt. Tôi cũng yêu cầu được bồi thường vì bị cắt điện. Họ bảo tôi nói chuyện với Trình và Tống Lâm vào thứ Hai, ngày 27 tháng 11.

Khi tôi quay lại đồn cảnh sát vào thứ Hai, tôi không được phép gặp Trình hay Tống. Thay vào đó, tôi bị chỉ đi hết chỗ này chỗ kia. Tôi giảng chân tướng cho cảnh sát và nói họ hãy dừng bức hại Pháp Luân Công.

Cuối cùng, tôi để lại cho họ một bản báo cáo trên trang Minh Huệ đăng tin về cuộc bức hại đối với chúng tôi và một đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân của tôi gửi đi ngày 12 tháng 1 năm 2016.

Tôi không bỏ cuộc và quay trở lại đồn cảnh sát vào ngày hôm sau. Tôi đã nói chuyện rất lâu với cảnh sát và khi tôi sắp rời đi, Tống đã xuất hiện. Anh ta từ chối trả lại đồ cá nhân cho tôi và cũng không bồi thường cho thức ăn đã bị hỏng.

Anh ta bảo tôi hãy tự thu xếp. Anh ta cuộn báo cáo Minh Huệ và đơn kiện của tôi rồi ném chúng xuống sàn. Sau này, luật sư của tôi nói rằng anh bị đe dọa đuổi việc nếu anh ta xử lý vụ việc cho chúng tôi.

Khi tôi sắp rời đi, một nhân viên làm nhiệm vụ đã đóng cửa chính và đẩy tôi ra ngoài sảnh. Trình xuất hiện và nói: “Sao bà dám phân phát các thứ liên quan đến Pháp Luân Công ở đây chứ!”

Tôi nói: “Các anh đã phạm tội khi bức hại Pháp Luân Công. Chúng tôi phân phát các tài liệu này để các anh hiểu được sự thật. Vì chính mình, các anh hãy ngừng làm những điều đó.”

Anh ta ra lệnh cho tôi rời khỏi nhà và sau đó gọi cho chủ nhà của chúng tôi để yêu cầu chấm dứt hợp đồng thuê nhà của chúng tôi. Anh ta cũng đe dọa vứt đồ đạc của chúng tôi nếu chúng tôi không rời đi ngày hôm sau. Anh ta cũng cấm chúng tôi thuê nhà trong quận Thanh Dương.

Máy tính và điện thoại của tôi đã bị tịch thu trong khi bị bắt giữ và tôi không có cách nào tìm kiếm nhà cho thuê trên mạng, do đó khoảng 6 giờ sáng hôm sau tôi đến nói chuyện với đại lý cho thuê nhà. Chồng tôi gọi điện vào khoảng 11 giờ sáng hôm đó thông báo Trình và các nhân viên cảnh sát đang đập cửa.

Bị bắt giữ phi pháp lần nữa

Chúng tôi dự định trở về quê để chồng tôi có thể phục hồi sức khỏe. Ngày 30 tháng 11, 3 nhân viên cảnh sát trong đó có Trình đã đến trong lúc chúng tôi đợi công ty vận chuyển tới để chuyển đồ.

Trình yêu cầu tôi khai báo tôi đã ở đâu ngày hôm trước và chồng tôi hiện đang ở đâu.

Tôi đáp: “Anh ấy có thể đi nơi nào anh ấy muốn. Anh không nghĩ là anh đã làm thế là đủ rồi sao? Anh nên biết rằng sẽ có quả báo đấy.”

Anh ta nói: “Các người vẫn đang bị quản thúc.”

“Cái gì gọi là quản thúc?” tôi trả lời “Chẳng phải anh đã lạm dụng quyền để buộc chủ nhà hủy hợp đồng thuê nhà của chúng tôi sao?”

Trình bảo tôi phải đi theo anh ta. Hai cảnh sát hai bên tóm chặt tay tôi đưa tới đồn cảnh sát. Tôi bị giam giữ nhiều giờ, kiệt sức, đói và khát.

Sau khi chúng tôi rời đi, chồng tôi về nhà. Không thấy tôi mở cửa, anh hiểu rằng chắc hẳn tôi đã lại bị bắt. Anh tới nhà người họ hàng để lấy chìa khóa dự phòng. Cảnh sát đã không bắt được anh khi anh trên đường trở về nhà.

Khi chồng tôi không có nhà, Trình lại dẫn cảnh sát tới cố gắng bắt anh.

Sau 2 giờ chiều, tôi bị đưa tới Hoàng Điền Bá. Trên đường, tôi đề nghị họ cho tôi lấy áo ấm và một ít tiền để mua thức ăn và nước uống. Họ từ chối. Họ lại thẩm vấn tôi và kiểm tra sức khỏe tôi lần nữa. Họ muốn biết tôi đã lấy các tài liệu Đại Pháp ở đâu và liệu Viện kiểm sát và Tòa án tối cao đã nhận được đơn kiện của chúng tôi hay chưa.

Tối đó, tôi bị giam giữ tại Đồn cảnh sát Thảo Đường và ngày hôm sau bị đưa tới một bệnh viện ở gần đồn cảnh sát để kiểm tra lượng urin trong máu. Sau đó tôi bị giam giữ tại Khu tạm giam huyện Bì trong 10 ngày. Tống Lâm, Tống Toàn Mẫn và Đồng Hạc chịu trách nhiệm giam giữ tôi.

Tại khu tạm giam, tôi đã gặp một học viên lớn tuổi bị giam giữ ở đó đã hơn 2 năm.

Khi tôi được thả, tôi kiểm tra túi và phát hiện bị mất 500 Nhân dân tệ. Đồng thời danh sách tên và số điện thoại của cảnh sát Đồn cảnh sát Thảo đường cùng quyển vở ghi những cái tên khác cũng bị mất. Họ gọi cho những tên trên danh sách để cố gắng tống tiền chúng tôi.

Những sách nhiễu trước đó

Tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1996. Tôi đã bị kết án phi pháp 3 năm vì tôi lên tiếng thỉnh nguyện cho Đại Pháp tại Bắc Kinh sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999.

Ngày 9 tháng 6 năm 2005, Trình và những cảnh sát khác đã bắt giữ tôi vì phân phát Cửu Bình cho một du khách đến từ Malaysia. Sau đó Trình đã nói dối mẹ tôi để thuyết phục bà cho anh ta vào nhà. Mẹ tôi đã đổ bệnh sau khi chứng kiến họ lục soát nhà chúng tôi.

Trình và một cảnh sát khác đã tới nơi chúng tôi thuê nhà vào tháng 4 năm 2008 để sách nhiễu chúng tôi. Họ yêu cầu chúng tôi xuất trình chứng minh thư và hỏi ai trong chúng tôi là họa sỹ. Tôi đang mang bầu 5 tháng vào thời điểm đó. Tôi đã vội vã chạy trốn và đã bị sảy thai. Sau đó tôi chạy trốn để tránh bị bức hại thêm và do áp lực quá lớn, tôi bị sảy thai lần nữa.

Chồng tôi đã đệ đơn kiện Giang Trạch Dân lên Viện kiểm sát Bắc Kinh và Tòa án tối cao Bắc Kinh vào tháng 8 năm 2015 nhưng không nhận được hóa đơn xác nhận. Sau đó chúng tôi được biết rằng Trình đã lấy đơn kiện ở bưu điện. Khi tôi buộc tội anh ta vi phạm pháp luật, anh ta nói rằng chúng tôi cứ việc đi trình báo về anh ta.

Chúng tôi đã thường xuyên bị sách nhiễu và bị giám sát chặt chẽ kể từ khi đó. Trong thời gian từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2016, một người họ hàng của tôi đã bị đánh cắp xe ô tô sau khi cô ấy đến thăm chúng tôi.

Những cá nhân và tổ chức liên quan đến vụ việc của chúng tôi:

Trịnh Hiểu Hồng, Đồn cảnh sát Thảo Đường: +086-189808060601

Lưu Vũ Hào, cảnh sát hộ tịch tại Đồn cảnh sát Hồng Bài Lâu: +86-13981866630

Tống Lâm, Đồn cảnh sát Thảo Đường: +086-028-86633570

Lưu Chuan, Đồn trưởng Đồn cảnh sát Thảo Đường: +086-028-86633570


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/1/13/359568.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/1/24/167697.html

Đăng ngày: 6-2-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share