[MINH HUỆ 19-9-2015] Nhiều học viên Pháp Luân Công hiện đang sử dụng quyền pháp lý của mình để khởi tố Giang Trạch Dân vì đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công và khiến họ phải chịu những đau khổ cùng cực trong suốt 16 năm qua. Làn sóng mạnh mẽ khởi kiện cựu độc tài Trung Quốc đang gia tăng mỗi ngày.

Mỗi ngày Minh Huệ Net nhận được rất nhiều bản sao đơn khởi tố Giang Trạch Dân từ nhiều học viên. Trong báo cáo này, chúng tôi trình bày tóm tắt một số đơn khởi tố của các học viên mà Minh Huệ nhận được trong hai ngày 19 và 20 tháng 9 năm 2015.

Ông Tôn Quan Châu (孙冠洲)

Nghề nghiệp: Giáo sư tại Đại học Sư phạm thành phố Vũ Châu

Quê quán: Thành phố Vũ Châu, tỉnh Hà Nam

Sự kiện chính:

Đội An ninh Nội địa đã phái sáu nhân viên đến nhà ông Tôn trong khi ông đang dùng cơm vào ngày 3 tháng 3 năm 2008. Để vào nhà ông, các nhân viên đó đã nói rằng họ đang kiểm tra vi-rút máy tính. Khi họ được vào trong nhà, họ đã lục soát nơi ở và tịch thu máy tính, các sách Đại Pháp, và các vật dụng cá nhân của ông Tôn.

Ông bị bắt và bảy ngày sau ông đã qua đời.

Gia đình ông Tôn được báo tin rằng tình trạng của ông không tốt vào ngày 6 tháng 3, và họ đã đưa ông đến bệnh viện. Bác sỹ nói rằng ông Tôn không thể ở trong trại tạm giam được nữa bởi sức khỏe của ông quá yếu. Gia đình ông đã khẩn thiết đề nghị họ cho ông được ở lại bệnh viện để điều trị, nhưng đề nghị đã bị từ chối.

Sau đó gia đình ông đã hỏi Cảnh Tùng Đào rằng liệu ông ta có thể thả ông Tôn ra được không. Đầu tiên, Cảnh đòi khoản tiền 50.000 nhân dân tệ, và sau đó giảm xuống 25.000 nhân dân tệ. Vợ ông Tôn chỉ có thể xoay xở được 5.000 nhân dân tệ. Cảnh nói với vợ ông Tôn rằng chừng đó tiền không đủ để thả ông Tôn ra.

Vợ ông Tôn đã nhận được một cuộc điện thoại vào ngày 9 tháng 3, và họ bảo bà hãy đến bệnh viện. Khi bà đến nơi, bà chỉ còn thấy di thể lạnh lẽo của ông Tôn.

Bài viết liên quan

Ông Tôn Quan Châu qua đời chỉ sau bảy ngày bị giam giữ ở tỉnh Hà Nam (Ảnh)

Chi tiết đơn kiện bằng tiếng Trung

Ông Dương Bảo Xuân (杨宝春)

Nghề nghiệp: Công nhân

Quê quán: Thành phố Hàm Đan, tỉnh Hà Bắc

Sự kiện chính:

Ông Dương Bảo Xuân đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1999. Ông bị bắt và bị đưa vào trại lao động cưỡng bức, ông bị giam giữ ở đó trong hai năm.

Mùa đông năm 2000, một lính canh đã ném đôi giày vải của ông lên mái nhà vì anh ta đã nhìn thấy ông Dương đang luyện các bài công pháp của Pháp Luân Công trong buồng giam. Ông Dương bị bắt đi ra ngoài và chân trần đứng trong tuyết. Khi ông được phép trở vào trong, lính canh đó đã dội nước sôi vào bàn chân ông. Kết quả là, bàn chân của ông Dương bị bỏng rộp và bị nhiễm trùng. Chỗ nhiễm trùng đó nhanh chóng lan ra cẳng chân của ông. Một thời gian sau, ông bị đưa đến Bệnh viện của Cục Dệt may Hàm Đan để điều trị khẩn cấp, nhưng đã quá muộn. Chỗ nhiễm trùng đã đe dọa đến mạng sống của ông Dương và ông phải cắt bỏ đi chân phải của mình.

Các lính canh đã cố gắng thoái thác trách nhiệm, nói rằng ông Dương đã bị thần kinh và chân của ông bị thương tổn như vậy là do ông tự gây ra. Không đầy hai tuần sau khi chân của ông bị cắt bỏ và miệng vết thương vẫn chưa lành, ông Dương đã bị đưa đến Bệnh viện Tâm thần An Khang.

Giám đốc Bệnh viện Tâm thần An Khang thường cho các loại thuốc không rõ nguồn gốc vào thức ăn của ông Dương. Sau đó, ông cảm thấy rất yếu ớt và không còn sức sống. Ông liên tục chảy nước dãi không kiểm soát. Lưỡi cứng đơ và không thể nói chuyện rành mạch được.

Ông Dương cũng bị đánh đập và sốc bằng dùi cui điện. Cuối cùng, sau khi vợ ông phải trả một khoản tiền lớn, ông đã được thả ra khỏi bệnh viện tâm thần vào năm 2004. Tuy nhiên, ông vẫn bị các đồng nghiệp làm ở bộ phận bảo vệ của công ty theo dõi 24/24.

Vào khoảng 11 giờ đêm ngày 17 tháng 2 năm 2008, giám đốc của Bệnh viện Tâm thần An Khang cùng năm đến sáu bác sỹ khác đã lái xe đến nhà của ông Dương và bắt ông phải quay trở lại bệnh viện tâm thần. Sau một thời gian dài bị cưỡng bức uống thuốc, ông xuất hiện các chứng bệnh tâm thần. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2009, khi gia đình ông đưa ông về nhà, họ thấy rằng ông thực sự đã bị tâm thần. Quá đau khổ và tuyệt vọng, gia đình ông đã phải đưa ông trở lại bệnh viện tâm thần.

Tình trạng hiện tại:

Tính đến tháng 9 năm 2015, ông Dương Bảo Xuân đã phải ở trong bệnh viện tâm thần hơn năm năm.

Các bài viết liên quan:

Câu chuyện của anh Dương Bảo Xuân: ĐCSTQ đã sử dụng bệnh viện tâm thần để bức hại các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc như thế nào

Ông Dương Bảo Xuân bị mất đi chân phải của mình vì bị tra tấn và liên tục bị nhốt trong bệnh viện tâm thần

Chi tiết đơn kiện bằng tiếng Trung

Ông Hàn Khải (韩凯)

Nghề nghiệp: Chưa rõ

Quê quán: Thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh

Ngày nộp đơn kiện: Ngày 8 tháng 7 năm 2015

Sự kiện chính:

Ông Hàn Khải buộc phải sống lang bạt trong 12 năm để tránh bị sách nhiễu và bắt giữ. Vợ ông bị tra tấn đến chết vào tháng 2 năm 2005, và con trai ông bị kết án bốn năm tù giam khi anh còn đang học đại học.

Ông Hàn bị đưa đến một trại lao động cưỡng bức trong một năm vào năm 1999 vì đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công. Điện thoại đi động, và 2.700 nhân dân tệ tiền mặt, chứng minh nhân dân, và chìa khóa nhà của ông đều bị tịch thu.

Vợ ông Hàn bị tra tấn đến chết

Vợ ông Hà, bà Tôn Tố Trân, bị giam giữ một năm trong trại lao động cưỡng bức vào năm 2000 vì đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.

Bà bị bắt một lần nữa vào tháng 5 năm 2001 khi bà trở về quê nhà để chăm sóc cho người cha đang bị thương của mình. Công an đã cố gắng ép bà phải nói cho họ nơi ở của chồng bà. Bà đã trả lời họ rằng bà không biết.

Công an đã bẻ vặn tay bà ra sau lưng, khiến tay bà bị gãy. Sau đó bà Tôn bị đẩy vào một chiếc xe công an. Cơn đau khiến bà bị ngất xỉu khi ở trong xe công an. Một công an đã đá mạnh vào bà, nói rằng bà đang giả vờ. Ngày hôm sau, công an dùng một chiếc máy khoan điện để đột nhập vào nhà bà. Họ lục soát nhà bà và tịch thu 4.000 nhân dân tệ.

Trong thời gian bị giam ở trong tù, một lính canh đã dùng dùi cui điện sốc điện vào chân bà Tôn và đá bà. Nhiều năm sau khi bà được tại ngoại để điều trị y tế, đôi chân bà vẫn còn bị bầm tím và đau nhức.

“Vì tôi không làm theo yêu cầu của lính canh, nên tôi đã không được phép gặp người nhà. Tôi không có tiền để mua giấy vệ sinh khi ở trong tù. Tôi đã phải nhặt các giấy bọc đồ từ thùng rác để dùng khi đi vệ sinh. Đôi khi, họ bắt tôi phải đứng lên mặc dù tôi chưa dùng xong nhà vệ sinh,” bà kể lại trong đơn kiện từ nhiều năm trước.

“Tôi đã không đến kịp lúc các lính canh của nhà tù phát quần áo ấm độn bông mới. Bốn năm họ mới phát một bộ mới. Tôi có thể sử dụng bộ đồ cũ, nhưng vì tôi từ chối từ bỏ đức tin của mình, nên lính canh thậm chí còn không đưa cho tôi bộ đồ cũ. Do vậy tôi chỉ mặc quần áo giữ nhiệt của mình khi tôi bị đưa đến nhà tù, và trải qua mùa đông với những bộ quần áo mỏng manh (thời điểm lạnh nhất nhiệt độ khoảng từ -28 đến -34o C). Tôi không có tất, nên tôi phải dọn tuyết với đôi chân trần. Bàn chân tôi bị nứt nẻ và rỉ máu. Tôi phải ngủ trên một tấm phản gỗ mà không hề có một tấm chăn.

“Đói và kiệt sức, một hôm tôi bị ngã nhưng lính canh vẫn bắt tôi tiếp tục làm việc. Tôi nói với cô ấy rằng tôi không thể làm nổi. Rồi các lính canh dùng gậy gỗ đánh đập tôi. Hai ngày sau, tôi lại đổ gục xuống. Tim tôi như ngừng đập, một bên thân tôi bị tê liệt, và tôi bị mất kiểm soát. Tôi dường như sắp chết. Nhìn thấy tình trạng của tôi biểu hiện ngày một xấu đi, lính canh không muốn chịu trách nhiệm nếu tôi chết ở đó, nên họ đã cho phép tôi tại ngoại để điều trị y tế vào ngày 29 tháng 3 năm 2005.

“Gia đình tôi cũng bị sách nhiễu. Công an thường đến nhà hai chị dâu của tôi để sách nhiễu họ. Vào một buổi sáng sớm, họ đột nhập vào nhà của bố mẹ chồng của tôi, nhà chị dâu tôi, và em trai tôi. Mẹ tôi đã qua đời vì bị căng thẳng và lo lắng do tôi bị cầm tù. Bố tôi qua đời ba tháng sau khi mẹ tôi mất. Em trai tôi, mới chỉ 48 tuổi, cũng qua đời ngay sau cái chết của bố tôi.”

Các bài viết liên quan:

Bà Tôn Tố Trân, người ở thành phố Thiết Lĩnh, tỉnh Liêu Ninh, bị bức hại đến chết (Ảnh)

Bà Tôn Tố Trân bị bức hại đến chết trong Nhà tù Nữ tỉnh Liêu Ninh vào năm 2005

Chi tiết đơn kiện bằng tiếng Trung

Ông Khương Hợp Đức (姜合德)

Nghề nghiệp: Thương nhân

Quê quán: Thành phố Lai Tây, tỉnh Sơn Đông

Ngày nộp đơn kiện: Ngày 8 tháng 7 năm 2015

Sự kiện chính:

Công an của Đồn Công An Tân Hà Lộ đã lục soát nhà của ông Khương vào tháng 8 năm 2001. Họ tịch thu ba đầu máy cát-sét, toàn bộ sách Đại Pháp của ông, và 2.000 nhân dân tệ.

Tra tấn trong trại giam và trung tâm tẩy não

Ông Khương viết trong đơn kiện: “Tôi bị giam cầm trong Trại giam Lai Tây vào tháng 8 năm 2001 vì tu luyện Pháp Luân Công. Các lính canh yêu cầu tù nhân đấm và đá tôi. Tù nhân dùng gót giày của họ đá vào lưng tôi. Họ dùng ngón tay búng vào con ngươi của tôi và thụi đầu gối vào bụng tôi. Họ còn quấn giấy ni-lông quanh tai và các các ngón tay của tôi và kéo mạnh, khiến da bị tróc ra.

“Rồi sau đó tôi bị đưa đến một trung tâm tẩy não vào tháng 9 năm 2001 và họ chỉ cho tôi một mẩu bánh bao nhỏ cho mỗi bữa ăn. Tôi không được phép đi vệ sinh. Khi tôi yêu cầu được đi vệ sinh, các tù nhân ngồi lên người tôi, khiến toàn bộ bàng quang của tôi bị thương tổn. Tôi đã hai lần bị vệ sinh ra quần mình. Tôi bị còng chặt tay và treo lên, với hai chân không chạm xuống sàn. Cơn đau dữ dội làm tôi vã mồ hôi.

“Tù nhân bắt tôi phải ngồi xổm cả ngày và cấm tôi ngủ. Vì bị ngồi quá lâu, nên gót chân của tôi đau đến mức tôi đã không thể đi lại được. Vào một đêm trong tháng 11, tù nhân bảo tôi giúp họ treo một học viên Pháp Luân Công lên, nhưng tôi đã từ chối. Vì tôi từ chối, nên tôi bị buộc vào một cái cây qua đêm. Tôi chỉ mặc một chiếc áo sơ mi và quần giữ nhiệt không co giãn. Tôi run rẩy trong giá lạnh, và quần của tôi bị tuột xuống. Tôi bị bỏ lại trong tình trạng như vậy cho đến sáng. Ngày hôm sau, tôi lại bị đẩy ra ngoài và tiếp tục đứng trong giá lạnh.

“Vì bị tra tấn tàn bạo và nghiêm trọng, nên các bệnh của tôi lại tái phát. Tôi yếu và gầy trơ xương, không thể ngồi hoặc đứng. Các lính canh sợ phải chịu gánh trách nhiệm nếu tôi chết ở đó, nên họ đã thả tôi ra.”

Hai năm lao động cưỡng bức

Ông Khương bị bắt một lần nữa tại của hàng của mình vào tháng 4 năm 2004 và bị giam giữ hai năm trong trại lao động cưỡng bức sau 15 ngày tạm giam.

Ông nói trong đơn kiện: “Nhằm cố gắng để tôi từ bỏ đức tin của mình, bốn tù nhân cùng một lính canh đã thay phiên nhau canh chừng tôi 24/24 và cấm tôi ngủ. Họ dùng một cây thước gỗ đánh rất mạnh vào đầu tôi nếu tôi ngủ. Họ đánh vào đầu tôi cho đến khi nó chảy máu.

“Một hôm, năm lính canh yêu cầu tôi phải sao chép các phần của luật pháp Trung Quốc, nhưng tôi đã từ chối. Tôi không hề vi phạm pháp luật, và tôi sẽ không làm điều đó. Sau đó, họ đã dùng dùi cui điện để sốc điện tôi cho đến khi dùi cui hết điện. Họ cũng bắt tôi phải xem các đoạn phim phỉ báng Pháp Luân Công.”

Chi tiết đơn kiện bằng tiếng Trung

Ông Trương Trị Hoa (张治华)

Nghề nghiệp: Chuyên gia pha chế trà

Quê quán: Thành phố Ma Thành, tỉnh Hồ Bắc

Sự kiện chính:

Ông Trương Trị Hoa từng bị bắt và giam giữ hàng chục lần bởi đức tin của ông vào Pháp Luân Công. Ông bị đưa đến trung tâm tẩy não địa phương hai lần và nhà của ông bị lục soát. Cuối cùng, ông phải chịu án một năm lao động cưỡng bức.

Trong thời gian bị giam giữ, ông phải lao động khổ sai từ 5 giờ sáng đến tận 11 giờ đêm. Hàng ngày, họ bắt ông phải ngồi trên một chiếc ghế đẩu nhỏ trong thời gian dài, và xem các đoạn phim phỉ báng Pháp Luân Công.

Tháng 5 năm 2000, công an Lô Tảo Lâm đã đột nhập vào và lục soát nhà ông. Các sách Đại Pháp, máy cát-sét, máy chạy video, và các vật dụng khác đều bị tịch thu. Gia đình ông bị bắt phải trả 4.700 nhân dân tệ.

Vì thường xuyên bị bắt giữ, nên việc kinh doanh của ông Trương bị gián đoạn, và ông bị thiệt hại ít nhất 500.000 nhân dân tệ doanh thu trong 10 năm qua.

Chi tiết đơn kiện bằng tiếng Trung

Bối cảnh

Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.

Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.

Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.

Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.


Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/9/19/315621.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/10/2/153054.html

Đăng ngày 15-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share