Bài viết của Trịnh Ngữ Yên, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 12-9-2015] Trong tháng 8 năm 2015, hai mươi sáu học viên Pháp Luân Công cùng thân nhân của họ ở Hồng Kông đã đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Họ thúc giục Viện kiểm sát Nhân tối Cao và Tòa án Nhân dân Tối cao ở Bắc Kinh đưa Giang Trạch Dân ra trước công lý vì đã lạm dụng quyền lực để phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công ở Trung Quốc.
Các nguyên đơn có độ tuổi từ 30 đến 80 tuổi, và họ có nghề nghiệp khác nhau, bao gồm nghề buôn bán, tài chính, kinh doanh, cũng như giáo viên đã nghỉ hưu và nội trợ. Họ đã cùng hơn 180.000 người đệ đơn kiện hình sự Giang Trạch Dân kể từ cuối tháng 5 năm 2015.
Bốn học viên cầm các bưu kiện đơn kiện của họ
Cầm tù và tra tấn phi pháp
Học viên Lương Ngọc Trân đã nhiều lần thỉnh nguyện kể từ tháng 6 năm 2000 cho quyền được tu luyện Pháp Luân Công, và bà đã bị giam giữ hết lần này đến lần khác. Bà bị giam giữ một năm trong Trại lao động cưỡng bức nữ Tam Thủy ở Quảng Đông vì đã phân phát tài liệu chân tướng Pháp Luân Công vào năm 2001. Tháng 2 năm 2009, bà bị kết án tù tại Nhà tù nữ tại Quảng Đông bốn năm rưỡi vì phát tán thông tin về Pháp Luân Công.
Bà bị tra tấn và tẩy não trong các trại lao động và nhà tù. Một phương thức tra tấn mà bà phải chịu đựng là bị khóa chân, tay, và cổ bằng một dây xích lớn, khiến bà không thể đứng hay đi lại. Bà nhớ lại: “Tôi bị tê liệt và không thể tự bước đi, thậm chí là đến ba tháng sau đó. Tôi bị mất 14 chiếc răng do bị đánh đập khi ở trong tù.”
Bên cạnh tra tấn về thể xác, công an còn uy hiếp người nhà của bà, hòng ép bà từ bỏ đức tin của mình.
Toàn thế giới đều cần kiện Giang Trạch Dân bởi ông ta đã phá hủy những giá trị phổ quát
Học viên Hà Kiến Hoa đến Thâm Quyến làm việc vào năm 1997, và ở đó ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Công an bắt giữ ông vào năm 2001 và giam giữ ông trong 15 ngày. Sau đó họ chuyển ông tới một trung tâm tẩy não và giam ông ở đó trong ba tháng.
“Các bạn bị bắt phải nghe và đọc những nội dung tẩy não. Các bạn cũng bị cưỡng bức lao động và bị đối xử như là phạm nhân.“ Ông Kiến Hoa nghẹn ngào nói trong nước mắt. Ông nhấn mạnh: “Giang Trạch Dân không chỉ bức hại người dân Trung Quốc, mà ông ta còn đầu độc người dân toàn thế giới. Mọi người đều nên kiện ông ta.”
Bà Lâm Tuấn Khanh, 65 tuổi, bắt đầu tu luyện từ năm 1996. Bà cùng hai học viên khác đã đến Bắc Kinh thỉnh nguyện cho môn tu luyện. Bà bị giam giữ và bị trục xuất. Bà đã bị từ chối tái nhập cảnh vào Trung Quốc. Điều đó khiến bà không thể tham dự lễ tang của cha mẹ bà ở Trung Quốc. Bà rất khổ tâm.
Bà Lâm nói rằng em gái bà ở Trung Quốc cũng tu luyện Pháp Luân Công. Công an địa phương sách nhiễu em gái bà hết lần này đến lần khác. Bà ấy bị buộc thôi việc, và bị giam giữ một năm vào năm 2003. Bà Lâm nói: “Tôi kiện Giang vì ông ta bức hại Pháp Luân Công. Truyền thông của ĐCSTQ, gồm có báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình, đều vu khống Pháp Luân Công. Những lời dối trá đã lừa gạt cả thế giới.”
Học viên Tào Chí Tiên gần 70 tuổi. Trước kia bà từng bị bệnh ung thư, và đã hoàn toàn khỏi bệnh sau khi tu luyện Pháp Luân Công. Bà đã đến Bắc Kinh để thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công vào năm 2000 và bị bắt giữ. Bà cũng cũng bị cấm tái nhập cảnh vào Trung Quốc. Bà cho rằng việc kiện Giang Trạch Dân là rất trọng yếu: “Pháp Luân Công là tốt. Tôi nghĩ mọi người đều cần lên tiếng và kiện Giang Trạch Dân.”
Bối cảnh
Năm 1999, Giang Trạch Dân, khi đó là Tổng Bí thư ĐCSTQ, bất chấp sự phản đối của các ủy viên thường vụ Bộ Chính trị khác, đã phát động cuộc đàn áp tàn bạo đối với Pháp Luân Công.
Cuộc đàn áp đã dẫn đến cái chết của nhiều học viên Pháp Luân Công trong 16 năm qua. Nhiều người bị tra tấn bởi niềm tin của họ và thậm chí bị giết để cướp nội tạng. Giang Trạch Dân và đồng phạm phải chịu trách nhiệm trực tiếp đối với việc phát động và duy trì cuộc đàn áp tàn bạo này.
Dưới sự chỉ đạo cá nhân của Giang, ĐCSTQ đã thành lập một cơ quan an ninh ngoài vòng pháp luật, “Phòng 610”, vào ngày 10 tháng 6 năm 1999. Tổ chức này vượt trên các lực lượng công an và hệ thống tư pháp trong việc thi hành chỉ đạo của Giang đối với Pháp Luân Công theo chính sách: bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể.
Luật pháp Trung Quốc cho phép công dân là nguyên đơn trong các vụ kiện hình sự, và hiện tại nhiều học viên đang thực hiện quyền đệ đơn kiện hình sự truy tố kẻ cựu độc tài này.
Bản tiếng Hán: www.minghui.org/mh/articles/2015/9/12/315610.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/9/20/152611.html
Đăng ngày 06-10-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.