Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 17-01-2015] Ông Vương Chấn Quảng, một công dân ở thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã bị giam giữ 15 tháng kể từ khi bị bắt giữ phi pháp vào tháng 10 năm 2013. “Tội” duy nhất của ông là tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện bản thân hiện đang bị Đảng Cộng sản Trung Quốc bức hại.

Vào tháng 02 năm ngoái, viện kiểm sát địa phương đã chuyển vụ việc của ông Vương sang tòa án địa phương, tuy nhiên phiên tòa xét xử vẫn chưa được tiến hành. Tòa án đã viện đủ mọi lý do để không chấp nhận đơn của luật sư bào chữa đại diện cho ông Vương.

Trong khi đó, các công tố viên cố thuyết phục ông Vương bãi bỏ việc thuê luật sư bào chữa để đổi lấy một bản án nhẹ hơn, theo như lời của luật sư gần đây đã trực tiếp gặp thân chủ của ông vào ngày 12 tháng 01.

Khi luật sư chất vấn tại sao chính quyền không tuân theo các thủ tục pháp lý trong việc truy tố thân chủ của ông, một nhân viên tại viện kiểm sát đã buột miệng nói: “Ngày nay, quyền lực chính trị đứng trên luật pháp.”

Vào thời điểm viết bài này, ông Vương vẫn bị giam giữ tại Trại tạm giam thành phố Cát Lâm.

Luật sư biện hộ: “Thân chủ tôi bị giam giữ vượt quá thời hạn pháp lý cho phép“

Theo Điều 202 Luật Tố tụng Hình sự: “Tòa phải tuyên án trong vòng hai tháng, chậm nhất là ba tháng kể từ thời điểm thụ lý vụ án.”

Ông Quách Hải Dược, luật sư của ông Vương đã chỉ ra rằng không phiên tòa nào được lên kế hoạch và không có phán quyết nào được thống nhất kể từ khi vụ việc của thân chủ của ông được gửi đến các cán bộ của Tòa án quận Thuyền Doanh vào tháng 02 năm ngoái. Như vậy, thân chủ của ông đã bị giam giữ vượt quá thời hạn pháp lý cho phép.

Tuy nhiên, khi luật sư nộp đơn khiếu nại tòa án, cả Viện kiểm sát quận Thuyền Doanh và Viện kiểm sát thành phố Cát Lâm đều từ chối gặp ông.

Viện kiểm sát cấp quận: Có chính sách cụ thể với những trường hợp của Pháp Luân Công

Đầu tiên, ông Quách đã tới Viện kiểm sát quận Thuyền Doanh để khiếu nại về việc Tòa án quận Thuyền Doanh từ chối nhận đơn đề nghị quyền đại diện hợp pháp cho ông Vương, cũng như khiếu nại về việc thân chủ của ông bị giam giữ quá thời hạn pháp lý.

Nhân viên Lý Quảng Quân gọi điện cho công tố viên Bạch Tuyết và thẩm phán Lý Trung Thành để được tư vấn. Sau khi cúp máy, ông ta đã nói với ông Quách rằng: “Chúng tôi có những chính sách cụ thể với Pháp Luân Công.”

“Vậy ông làm theo lệnh hay theo luật pháp?” ông Quách hỏi.

Lý đã hét lên: “Bây giờ quyền lực chính trị đứng trên luật pháp!”

Viện kiểm sát cấp thành phố: Tên tôi là bí mật

Luật sư Quách và gia đình ông Vương sau đó đã tới Viện kiểm sát thành phố Cát Lâm, ở đây họ gặp một nhân viên cố đẩy trường hợp của họ trở lại Viện kiểm sát quận Thuyền Doanh.

Khi ông Quách yêu cầu nhân viên ghi lại biên bản và mục đích của buổi làm việc theo đúng quy định của pháp luật, nhưng nhân viên này đã từ chối.

Khi được hỏi tên, nhân viên này nói: “Tên tôi là bí mật.” Sau đó ông ta đuổi gia đình ông Vương và ông Quách ra khỏi văn phòng. Nhân viên này sau đó được xác nhận tên là Thường Trúc Liên.

Ông Vương không phải là trường hợp duy nhất. Hơn 30 học viên địa phương cùng bị bắt với ông vào tháng 10 năm 2013 cũng đã gặp nhiều cản trở khi cố gắng thuê luật sư để thiết lập quyền đại diện hợp pháp cho mình.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2015/1/17/303272.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2015/1/24/148090.html

Đăng ngày 07-03-2015; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share