Bài viết của Cao Vi Vi và Cao Ly Ly
[MINH HUỆ 04-10-2014] Tiếp theo Phần 1
Mười năm trước, các cai ngục đã dùng dùi cui điện sốc lên mặt cô Cao Dung Dung trong vòng hơn bảy giờ đồng hồ. Cuối cùng khi họ dừng lại, máu và tóc vẫn còn dính trên lớp da đã bị đốt cháy, các vết bỏng giộp trên mặt và cổ của cô. Loạt bài này nhắc lại sự kinh khủng mà cô Cao đã phải chịu đựng, từ góc độ nhìn nhận của các thân nhân của cô.
Cô Cao bị giữ trong một khu bệnh viện được canh gác cẩn mật gần năm tháng cho đến khi cô được một nhóm các học viên Pháp Luân Công giải cứu, tuy nhiên sáu tháng sau cô lại bị bắt trở lại. Cô đã bị tra tấn đến chết vào ngày 16 tháng 06 năm 2005. Khi đó cô 37 tuổi.
Cô Cao Dung Dung trở thành một trường hợp điển hình trong cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. “Tội” duy nhất của cô đó là kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.
Đã hơn chín năm trôi qua kể từ cái chết của cô, nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn chưa chấm dứt. Hai chị gái của cô hiện giờ đang sống ngoài Trung Quốc muốn chia sẻ nỗi đau của gia đình họ với công chúng với hi vọng rằng nhiều người hơn nữa có thể nhìn thấu bản chất tàn bạo của ĐCSTQ và đứng lên phản đối cuộc đàn áp vô nghĩa.
Trong loạt bài bốn phần này, các chị gái của cô Cao kể lại chi tiết các sự kiện đã diễn ra trong thời gian từ ngày 14 tháng 03 năm 2004, ngày mà họ phát hiện ra em gái mình bị tra tấn, đến ngày 16 tháng 06 năm 2005, ngày mà cô qua đời.
Trong Phần 1, Dung Dung đã kể về câu chuyện khuôn mặt bị biến dạng của cô tại Bệnh viện Công an Thẩm Dương.
Phần 2: Dung Dung yêu cầu chụp ảnh khuôn mặt cô và cho thế giới biết về tội ác
Ly Ly đã ở lại cùng Dung Dung tối hôm đó (tối ngày 14 tháng 05 năm 2004) tại Bệnh viện Công an Thẩm Dương. Trong lúc các lính gác đang đổi ca tối hôm đó, trước khi Vi Vi rời đi, Dung Dung đã nói với chúng tôi [hai chị gái của cô ấy, Ly Ly và Vi Vi] rằng cô ấy muốn chúng tôi chụp hình khuôn mặt bị biến dạng và chân bị thương của mình. Cô ấy nói rằng nhiều học viên khác cũng bị đánh đập và bị sốc bằng dùi cui điện vào sáng ngày 07 tháng 05.
Dung Dung nói: “Nhiều học viên khác còn bị tra tấn nặng hơn em. Tuy nhiên, các học viên Pháp Luân Công thường bị tra tấn ở những góc khuất của trại lao động cưỡng bức, những nơi đã được các quan chức che giấu. Khi quyết định nhảy ra khỏi cửa sổ, em đã nghĩ mình nhất định phải sống. Em cần trốn thoát và cho công chúng thấy những vết bỏng và vết thương của em, em muốn vạch trần những hành vi tà ác ra trước thế giới.”
Sáng hôm sau, Vi Vi mang đến một chiếc máy quay phim. Mẹ của chúng tôi cũng tới thăm. Bà đi thẳng đến chỗ các lính canh và chất vấn họ tại sao lại hành hạ con gái của bà như vậy. Bà theo họ tới ban công khi họ cố né tránh câu hỏi của bà.
Nhờ sự giúp đỡ của Vi Vi, Ly Ly đã chụp được các bức ảnh. Cô bật đèn flash và chụp được các bức ảnh rất rõ nét. Thực ra, Ly Ly vừa mua chiếc camera kỹ thuật số đêm hôm trước, và chúng tôi không biết làm thế nào để tắt đèn flash. Tất cả những gì chúng tôi muốn là chụp một vài bức ảnh trước khi các lính canh phát hiện ra, nhưng họ đã không bao giờ biết được điều đó.
Một vài đồng tu lo rằng việc công khai các bức ảnh về khuôn mặt biến dạng của cô ấy sẽ khiến cô ấy bị nguy hiểm hơn. Khi chúng tôi nói với Dung Dung về chuyện này, cô ấy đã suy nghĩ một lúc và nói một cách điềm tĩnh: “Chúng ta sẽ vạch trần bức hại. Những năm qua, đã có quá nhiều học viên bị tra tấn tàn ác, nhưng thật khó để vạch trần bức hại. Nhiều học viên ở thành phố New York hiện giờ đang nâng cao nhận thức cho mọi người. Xin hãy gửi những bức ảnh cho họ.” Cô ấy cũng muốn được các phương tiện truyền thông quốc tế phỏng vấn qua điện thoại.
Vào ngày 07 tháng 07 năm 2004, một bức ảnh khuôn mặt bị cháy xém của Dung Dung đã được đăng trên trang web Minh Huệ. Khoảng sáu tuần trước đó, ngày 21 tháng 05 năm 2004, Minh Huệ Net đã báo cáo về sự tra tấn mà cô ấy đã phải chịu đựng.
Bạn của gia đình: “ĐCSTQ đúng là ác quỷ.”
Một trong những người bạn của chúng tôi, một người đàn ông cao tuổi, biết rất rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tà ác như thế nào. Ông đã sớm suy nghĩ về việc mang ảnh của Dung Dung tới Mỹ và vạch trần cuộc đàn áp, những ông ấy cũng có chút lo ngại.
Ông nói: “Đây là con dao hai lưỡi. Ngay khi bức ảnh được công bố trước cộng đồng quốc tế, ĐCSQT có thể nhượng bộ một chút, nhưng nó cũng có thể điên cuồng hơn. Hậu quả là chúng có thể sẽ đối xử với Dung Dung còn tệ hại hơn. Tuy nhiên, nếu chúng ta không vạch trần cuộc bức hại, ĐCSTQ sẽ tăng cường bức hại Dung Dung để che dấu bằng chứng. ĐCSTQ chính là tà ác như thế. Dù gì đi nữa, thì nó vẫn cứ làm ác và làm ác để đạt được mục đích thôi.”
Chuyên gia xác nhận các vết thương gây ra do bị sốc bằng dùi cui điện
Trong khi vạch trần bức hại, chúng tôi bắt đầu thảo luận với các chuyên gia để giám định các vết thương của Dung Dung. Chúng tôi đến gặp chuyên gia giám định thương tích trên thân thể, một trong những người giỏi nhất trong lĩnh vực này. Chúng tôi nói với ông về chuyện cảnh sát ở Trại lao động cưỡng bức đã sốc điện và làm biến dạng khuôn mặt của em gái chúng tôi như thế nào, tuy nhiên các quan chức từ trại lao động cưỡng bức và cục tư pháp tuyên bố rằng thương tích của em ấy là do bị ngã. Chúng tôi muốn biết liệu ông ấy có thể xác định nguyên nhân gây ra thương tích của Dung Dung không. Chúng tôi nói với ông: “Chúng tôi tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, vì vậy chúng tôi không nói dối. Em gái của chúng tôi bị sốc bằng dùi cui điện nhiều giờ liền. Nhiều năm qua, các học viên Pháp Luân Công đã phải chịu đựng tất cả các loại hình thức tra tấn.”
Ông nhìn vào bức ảnh, không nói gì, sau đó nhận đĩa của chúng tôi. Ông ngồi trước máy vi tính, phóng to ảnh của Dung Dung, và phân tích. Một lúc sau, ông bảo chúng tôi hãy nhìn vào bức ảnh đã được phóng to. Ông nói với chúng tôi: “Hãy nhìn vào phần đã bị cháy xém trên mặt, tay và chân của cô ấy. Chúng đi kèm với những cặp đốm trắng. Đó là vết tích do bị sốc bằng dùi cui điện. Những đốm trắng như vậy chỉ có thể gây ra bởi hai cực của một dùi cui điện.”
Chuyên gia phóng to bức ảnh của Dung Dung và cho chúng tôi xem trán, mặt và cổ đã bị cháy xém của cô ấy trong khi giải thích cho chúng tôi. Chúng tôi có thể thấy những đốm trắng hình ô-van cỡ hạt gạo xuất hiện thành từng cặp.
Sau đó, ông tiếp tục phân tích: “Nếu đó là vết thương do bị ngã, thì mặt cô ấy tiếp xúc ở chỗ nào? Có lẽ cô ấy phải ngã vào chỗ nào đó có hình dạng tương tự mặt của cô ấy. Ngoài ra, nếu hốc mắt, mũi, cằm dưới và cổ của cô ấy bị thương như thế này, thì xương gò má phải vỡ và mẻ, phải không? Thấy không? Các vết thương trên gò má và lông mày cũng phải nghiêm trọng như phần dưới khuôn mặt, do bị ngoại lực tác động.”
Ông chủ của Dung Dung chịu khuất phục dưới áp lực của ĐCSTQ
Trong quá trình Dung Dung ở tại Bệnh viện Công an Thẩm Dương, bố và anh trai chúng tôi cũng đến thăm. Họ đã rất đau đớn. Dung Dung là con gái út trong gia đình, là người hoạt bát, ân cần. Bố của chúng tôi không thể chịu đựng được khi thấy khuôn mặt và những vết thương cháy xém của Dung Dung.
Chúng tôi đã gọi cho giám đốc Vi Nhĩ Thân của Học viện Nghệ thuật Lỗ Tấn nơi Dung Dung làm việc, nói với ông về những gì đã xảy ra và cho biết Dung Dung đang ở trong tình trạng nguy kịch. Ông đáp: “Có lẽ nào? Không, chuyện này không thể xảy ra được.”
Giám đốc Vi và hai đồng nghiệp khác của Dung Dung đã đến thăm cô ấy tại bệnh viện vài ngày sau. Họ đã bị các lính canh chặn lại ở hành lang. Khi một trong những đồng nghiệp của em cố nhìn qua khung kính trên cửa, lính canh Vương Xuân Mai đã bước qua và chặn lại.
Vi Vi đã đi ra gặp giám đốc Vi ở hành lang. Tuy nhiên, giám đốc Vi, một nghệ sĩ lâu năm, một đại biểu Quốc hội, đã bị các lính canh ở trại lao động đe dọa. Ông không dám tiến lên dù chỉ một bước nhỏ. Giám đốc Vi đã tích cực hợp tác với chính quyền địa phương để đàn áp các học viên Pháp Luân Công kể từ năm 1999.
Thực tế, Học viện Nghệ thuật Lỗ Tấn và Phòng 610 địa phương đã hợp tác với nhau trong vụ bắt giữ Dung Dung gần nhất, khiến cô ấy bị giam giữ bất hợp pháp tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn. Vào đầu năm 2004, khi Dung Dung đã rất yếu, các quan chức trại lao động đã định thả cô nếu ông chủ của cô tán thành. Tuy nhiên, giám đốc Vi, khi đến thăm Dung Dung đã nói với cô rằng, nếu không chịu “chuyển hóa” và từ bỏ Pháp Luân Công, ông ta không thể đưa cô ấy ra khỏi đây được.
Sau đó, Vi Vi nói với chúng tôi rằng giám đốc Vi đã nói trước khi ông rời đi rằng: “Cao Dung Dung xuất sắc ở mọi mặt, trừ việc cô ấy tu luyện Pháp Luân Công.” Vi Vi nói với ông ta rằng: “Thực ra việc Dung Dung tu luyện Pháp Luân Công chính là lý do khiến cô ấy trở nên xuất sắc như vậy.” Ông ta có vẻ hơi sửng sốt.
Một vài người thực sự đã đánh mất lương tâm của họ và lựa chọn trợ giúp tà ác trong cuộc đàn áp để đổi lấy lợi ích cá nhân. Ngay từ đầu, các nhân viên tại học viện đã có liên quan tới việc Dung Dung bị bức hại. Để giám sát một học viên khác ở học viện, họ đã thuê một người có nhiệm vụ chuyên giám sát học viên đó suốt ngày đêm.
(Còn tiếp)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/4/298482.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/23/146510.html
Đăng ngày 07-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.