Bài viết của Cao Vi Vi và Cao Ly Ly

[MINH HUỆ 03-10-2014]

Mười năm trước, các cai ngục đã dùng dùi cui điện sốc lên mặt cô Cao Dung Dung trong vòng hơn bảy giờ đồng hồ. Cuối cùng khi họ dừng lại, mặt của cô đã trở nên biến dạng nghiêm trọng. Máu và tóc của cô dính trên lớp da bị bỏng. Các vết bỏng giộp lan trên mặt và cổ do các cú sốc điện lặp lại nhiều lần tại cùng một điểm. Loạt bài này nhắc lại sự kinh khủng mà cô Cao đã phải chịu đựng, từ góc độ nhìn nhận của các thân nhân của cô.

https://en.minghui.org/u/article_images/f47e03fb8bd8f214a945808c7ad07e44.jpg

Cô Cao Dung Dung trước khi bị bức hại

https://en.minghui.org/u/article_images/3907b7eae1dce6314d469a25d6a0836b.jpg

https://en.minghui.org/u/article_images/67cba715ef04093252532cc663c177f1.jpg

https://en.minghui.org/u/article_images/6f01fde1e95ae9b1e13b62215b1479cc.jpg

Cô Cao Dung Dung: 10 ngày sau khi bị tra tấn sốc điện trong bảy giờ liên tục

Sau khi tra tấn sốc điện vào ngày 07 tháng 05 năm 2004, cô Cao bị giam gần năm tháng tại một bệnh viện được canh giữ cẩn mật cho đến khi cô được một nhóm các học viên Pháp Luân Công giải cứu vào ngày 05 tháng 10. Tuy nhiên, cô bị bắt lại một lần nữa vào ngày 06 tháng 03 năm sau và đã chết vì bị tra tấn chỉ sau đó ba tháng vào ngày 16 tháng 06 năm 2005. Khi đó cô 37 tuổi.

Cô Cao Dung Dung đã trở thành một trường hợp điển hình trong cuộc đàn áp của Đảng Cộng sản Trung Quốc đối với Pháp Luân Công, một môn tu luyện dựa trên các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn. “Tội” duy nhất của cô đó là kiên định đức tin vào Pháp Luân Công.

Đã hơn chín năm kể từ cái chết của cô Cao, nhưng cuộc đàn áp Pháp Luân Công vẫn chưa bao giờ ngừng. Đau buồn vì cái chết của em gái mình, hai chị gái của cô hiện đang sống ở ngoài Trung Quốc đã chia sẻ nỗi đau của gia đình họ với công chúng với hi vọng rằng nhiều người hơn nữa có thể nhìn thấu bản chất tàn bạo của ĐCSTQ và đứng lên phản đối cuộc đàn áp vô nghĩa.

https://en.minghui.org/u/article_images/ce3a73cd725a6e9d32d1defc5ea9dfa6.jpg

Bà Cao Vi Vi (bên phải) trước lãnh sự quán Trung Quốc để kháng nghị về cuộc đàn áp của ĐCSTQ và cái chết của cô Cao Dung Dung.

Trong loạt bài 4 phần này, các chị gái của cô Cao kể lại chi tiết các sự kiện đã diễn ra trong thời gian từ ngày 14 tháng 03 năm 2004, ngày mà họ phát hiện ra em gái mình bị tra tấn, đến ngày 16 tháng 06 năm 2005, ngày mà cô qua đời.

Phần 1: Dung Dung kể chuyện về khuôn mặt biến dạng của mình tại Bệnh viện Công an Thẩm Dương

Phần 2: Dung Dung yêu cầu chụp ảnh khuôn mặt cô và cho thế giới biết về tội ác

Phần 3: Dung Dung bị chuyển tới Bệnh viện số 1 tại Đại học Y Trung Quốc và bị giám sát chặt chẽ

Phần 4: Thỉnh nguyện đòi công bằng cho Dung Dung dẫn đến việc gia đình bị sách nhiễu và cái chết bất ngờ của em gái chúng tôi

https://en.minghui.org/u/article_images/48e97fa544d27d9d6bd736a666074dcc.jpg

Gia đình hạnh phúc một thời: Cô Cao Dung Dung (bên trái) cùng cha mẹ và các chị gái của mình

Phần 1: Dung Dung kể chuyện về khuôn mặt biến dạng của mình tại Bệnh viện Công an Thẩm Dương

Vào ngày 14 tháng 05 năm 2004, ngay lúc đầu chúng tôi đã nhận ra có điều gì đó không ổn khi cố gắng đến thăm Dung Dung tại Trại lao động cưỡng bức Long Sơn, chỉ để biết rằng các chuyến viếng thăm được thông báo trước đó đã bị hủy vào ngày đó.

Chúng tôi nghe nói một học viên Pháp Luân Công khác bị giam giữ ở đó là Vương Tú Viện đã bị tra tấn đến chết trong cùng khoảng thời gian, vì vậy chúng tôi đã rất lo cho em gái của mình. Kể từ khi bị giam giữ vào tháng 06 năm 2003, cô đã bị cưỡng bức lao động, cấm ngủ, đánh đập tàn nhẫn và bị sốc bằng dùi cui điện.

Chúng tôi mất bình tĩnh nên giật mạnh cánh cổng sắt. Một người gác cổng cao tuổi đã cho chúng tôi vào sau khi nói với ông ấy mình là chị gái của Cao Dung Dung. Thay vì để chúng tôi làm thủ tục đăng ký và dẫn chúng tôi đến tòa nhà giam giữ các học viên Pháp Luân Công, ông ấy lại dẫn chúng tôi đến thẳng tòa nhà văn phòng đối diện cổng. Chúng tôi đã nghi ngờ rằng có điều gì đó không ổn.

Hai lính canh đã ra gặp chúng tôi. Người phụ nữ là Vương Tĩnh Tuệ, trưởng khu số hai. Chúng tôi hỏi: “Điều gì đã xảy ra với em gái chúng tôi? Tại sao cô lại đưa chúng tôi đến đây? Cho chúng tôi gặp em gái.” Cô ta đáp lại: “Cao Dung Dung bị thương nhẹ trong khi làm việc.”

Người đàn ông nói: “Cao Dung Dung đã ngã từ tòa nhà xuống.” Ly Ly ngay lập tức hỏi: “Ông lại tra tấn cô ấy, phải không? Không phải là ông đấy chứ Đường Ngọc Bảo?”

Ly Ly hỏi vậy vì từ khi em gái chúng tôi bị đưa vào trại lao động, Đường Ngọc Bảo đã đánh đập và sốc điện cô ấy nhiều lần. Ông ta cố buộc em gái chúng tôi từ bỏ niềm tin của mình, bắt lao động nặng nhọc và tham dự các buổi tuyên truyền phỉ báng Pháp Luân Công.

Liều mạng thoát ra từ cửa sổ tầng hai

Sau khi ngập ngừng một lúc, Đường Ngọc Bảo cuối cùng đã thừa nhận rằng ông ta đã sốc điện và đánh đập Dung Dung vào hồi tháng Ba. Sau đó ông ta nói thêm rằng lần này ông ta không đánh mà là do Dung Dung tự nhảy từ tòa nhà xuống. Tôi nói: “Không thể nào. Các phòng đều có các chấn song cửa sổ để giam các học viên. Sao cô ấy có thể nhảy từ đó được?”

Đường Ngọc Bảo khăng khăng rằng: “Cô ta đã nhảy từ phòng trên tầng hai. Không có chấn song cửa sổ nào ở đó. Cô ta đã cố gắng để trốn thoát.” Vương Tĩnh Tuệ nói thêm: “Cao Dung Dung muốn trốn thoát, và đã bị gãy chân.” Tôi hỏi: “Sao Dung Dung lại ở trong phòng đó được. Hẳn là các người đang tra tấn cô ấy.”

Các lính canh đe dọa bắt gia đình tôi phải chịu trách nhiệm về chi phí y tế trừ khi chúng tôi ký vào giấy phẫu thuật cho Dung Dung ngay lập tức. Họ từ chối nói cho chúng tôi bệnh viện mà em gái tôi bị chuyển đến. Chúng tôi tiếp tục hỏi và họ liên tục lảng chuyện. Chúng tôi không tin bất cứ điều gì họ nói. Ly Ly bắt đầu khóc và Đường Ngọc Bảo nhanh chóng rời khỏi văn phòng.

Chúng tôi nói với họ rằng nếu họ không để chúng tôi thăm em gái của mình, chúng tôi sẽ nhờ pháp luật can thiệp. Lính canh Vương Tĩnh Tuệ nói cô ta cần xin phép cấp trên của mình và rời đi. Việc Ly Ly khóc to đã thu hút sự chú ý đối với những người đi ngang qua. Một người đàn ông cao lớn bước đến, nhìn chằm chằm vào Ly Ly và hỏi: “Vì sao cô khóc ở đây?”

Ly Ly nhìn thấy tên của ông ta trên thẻ là Phương Kim Khải, giám đốc trại lao động. Cô đã lớn tiếng với ông ta: “Ông phụ trách nơi này phải không? Có lẽ ông biết điều gì đã xảy ra với em gái tôi. Ai đã tra tấn em ấy” Phương nhanh nhảu nói: “Tôi không biết. Tôi không biết gì hết.” Ly Ly nói: “Ông đứng đầu nơi này. Ông phải biết chứ.” Ông ta vội vã rời đi.

Sau đó chúng tôi nghe nói khi Đường Ngọc Bảo và Khương Triệu Hoa sốc điện Dung Dung trong nhiều giờ, lúc đó là trong ca trực của Phương.

Sau một thời gian dài, Vương Tĩnh Tuệ trở lại cùng trưởng khu Vương Học Đào. Vương Tĩnh Tuệ nói họ sẽ đưa chúng tôi tới gặp em gái, nhưng cô ta từ chối cho chúng tôi biết đó là bệnh viện nào và tình hình của Dung Dung ra sao.

Cùng với Vương Tĩnh Tuệ, Vương Học Đào và một vài lính canh khác, chúng tôi được đưa đến Bệnh viện Công an Thẩm Dương. Khi nhìn thấy Dung Dung đang nằm trên giường với một bên mặt bị cháy và biến dạng, chúng tôi đã bật khóc. Nước mắt của Dung Dung cũng lặng lẽ lăn dài trên mặt. Dung Dung bị các lính canh vây quanh.

Chúng tôi hỏi: “Em bị sao vậy? Họ đã làm gì em?” Dung Dung kể với chúng tôi một cách yếu ớt cách mà Đường Ngọc Bảo và Khương Triệu Hoa đã liên tục sử dụng dùi cui điện để sốc lên mặt, tay, bàn chân và cẳng chân mình hàng giờ liền vào ngày 07 tháng 05 tại văn phòng khu số hai. Sau bảy đến tám giờ, một tù nhân bị một cơn đau tim, vì vậy Đường phải dừng việc sốc cô. Trước khi rời đi, ông ta đe dọa Dung Dung: “Tôi sẽ quay lại để tiếp tục sốc cô.”

Để trốn thoát, Dung Dung đã nhảy từ cửa sổ tầng hai. Em bị gãy hai xương hông, gãy chân trái và rạn gót chân phải sau cú ngã.

Một lính canh tên Vương Xuân Mai bắt đầu đe dọa chúng tôi. Chúng tôi yêu cầu họ để em gái mình rời khỏi đây và hỏi lý do tại sao họ lại phải đợi một tuần sau mới thông báo cho chúng tôi. Chúng tôi rất đau lòng nên đã khóc to. Vương Tĩnh Tuệ đã cười chúng tôi: “Tôi chưa bao giờ thấy học viên Pháp Luân Công nào như các chị.”

Thương tích nặng cùng với nhiều mối đe dọa ở bệnh viện

Dung Dung trở nên vô cũng yếu sau những năm bị tra tấn trong trại lao động. Vào đầu năm 2004, cô bắt đầu cảm thấy buồn nôn, đau gan và dạ dày. Cô rất gầy yếu. Khi cô yêu cầu được kiểm tra y tế, Vương Tĩnh Tuệ đã từ chối và cho rằng cô bị mất trí.

Tuy nhiên, Vương Tĩnh Tuệ cũng nhận thấy rằng sức khỏe của Dung Dung đang xấu đi. Cuối cùng, Đường Ngọc Bảo đã đưa cô đến bệnh viện để khám nhưng họ không bao giờ cho Dung Dung hoặc gia đình chúng tôi biết kết quả. Nếu không có gì sai, tại sao họ lại giấu kết quả?

Trong khi Đường Ngọc Bảo tra tấn Dung Dung vào tháng 03 năm 2014, ông ta đã huých mạnh khuỷu tay vào lưng cô. Kể từ đó, cô không thể đứng thẳng, và đi bộ càng ngày càng chậm. Theo kết quả chụp X-quang, xương sống của cô đã bị biến dạng.

Vương Tĩnh Tuệ và Vương Học Đào ra lệnh cho chúng tôi ký vào giấy tờ phẫu thuật của Dung Dung, nhưng chúng tôi đã từ chối. Thay vào đó, chúng tôi yêu cầu họ thả em tôi ngay lập tức và vô điều kiện, đồng thời chuyển cô đến một bệnh viện có trang thiết bị tốt hơn. Chúng tôi đã thề sẽ đưa những kẻ bất lương ra trước công lý. Vương Tĩnh Tuệ nói cô ta không thể gọi được điện thoại và vội vã ra khỏi phòng.

Dung Dung kể cho chúng tôi những gì đã xảy ra một cách chi tiết. Cô nhớ lại rằng mình đã không thể đứng sau khi nhảy từ cửa sổ tầng hai. Các lính canh đưa cô đến bệnh viện của trại giam và các bác sĩ nói rằng không đo thấy huyết áp của cô. Sau đó cô được đưa ra khỏi trại lao động thông qua cửa sau và được đưa đến Bệnh viện Quân sự Thẩm Dương lúc nửa đêm.

Lúc đó, Dung Dung đang trong tình trạng nguy kịch, huyết áp của cô chỉ có 40. Các bác sĩ đã sốc khi nhìn thấy khuôn mặt cháy xém của cô và hỏi điều gì đã xảy ra. Dung Dung nói với họ rằng cô bị sốc bằng dùi cui điện. Một trong những lính canh thì thầm: “Có lẽ chúng ta nên mặc thường phục thay vì đồng phục.”

Dung Dung được chuyển từ Bệnh viện Quân đội Thẩm Dương đến Bệnh viện Công an Thẩm Dương vào ngày 08 tháng 05. Phòng của cô hoàn toàn kín, ngay cả kính cửa sổ cũng bị che bằng giấy báo. Các lính canh khẳng định rằng vết bỏng trên mặt cô là do bị ngã.

Rất nhiều người, từ lính canh trại lao động cho đến các quan chức Cục Tư pháp của thành phố, đã tập trung tại phòng để ép cô ký vào giấy đồng ý phẫu thuật. Dung Dung từ chối. Khi Vương Tĩnh Tuệ hai lần cố gắng giả mạo chữ ký của cô, Dung Dung cảnh cáo rằng cô ta đang vi phạm pháp luật.

Dung Dung cũng yêu cầu nhanh chóng thông báo cho gia đình, nhưng các viên chức trại lao động đã không làm vậy. Dù yếu như vậy nhưng cô không được cung cấp bất kỳ thức ăn hay nước uống gì trong hai mươi giờ đầu, sau khi đến Bệnh viện Công an Thẩm Dương.

Khi chúng tôi gặp Dung Dung vào ngày 14 tháng 05, cô đang rất đau đớn. Cô được đặt ống dẫn nước tiểu, các vết thương trên tay và chân vẫn rất nặng. Chúng tôi không thể tưởng tượng được sự đau đớn do những vết bỏng trên mặt gây ra – có rất nhiều vết phồng giộp và mủ xung quanh vùng da thịt bị đốt cháy mặc dù đã qua một tuần. Cô cũng bị gãy xương chân và xương chậu.

(Còn tiếp)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2014/10/3/298469.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/10/22/146503.html

Đăng ngày 03-12-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share