Bài viết của một phóng viên Minh huệ ở tỉnh Hắc Long Giang

[MINH HUỆ 11 – 12 – 2013] Bà Đàm Quảng Tuệ từng có một gia đình đầm ấm, hòa thuận, nhưng môi trường của bà thay đổi khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) phát động một cuộc bức hại toàn diện lên Pháp Luân Công vào tháng 07 năm 1999.

Bà Đàm đến Bắc Kinh vào tháng 06 năm 2001 để thỉnh nguyện cho quyền được thực hành đức tin của các học viên Pháp Luân Công. Sau đó, bà bị giam giữ bất hợp pháp và bị đưa đến Trại lao động Cưỡng bức Vạn Gia. Ở đó, bà bị ép tiêm một loại thuốc phá hủy thần kinh. Các lính canh đã ném bà vào một phòng giam nam để làm nhục và tra tấn bà. Một ngày nọ, ba lính canh lần lượt cưỡng hiếp bà. Kết quả là bà Đàm đã bị suy sụp tinh thần.

Bà Đàm Quảng Tuệ trước khi ĐCSTQ bức hại Pháp Luân Công

Bà Đàm đến từ thị trấn Tùng Giang, tỉnh Hắc Long Giang và làm nhân viên bán hàng cho một cửa hàng địa phương. Sau khi Giang Trạch Dân ban lệnh bức hại Pháp Luân Công, tất cả các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc đã được chỉ đạo để phỉ báng và làm mất uy tín của môn tu luyện và người sáng lập pháp môn, ông Lý Hồng Chí. Bà Đàm đã bị sốc và bàng hoàng trước làn sóng dối trá đang dâng cao về Pháp Luân Công. Bà và gia đình biết rằng Pháp Luân Công là tốt, vì sức khỏe và tinh thần của bà đã trải qua những thay đổi sâu sắc sau khi bà bắt đầu tu luyện vào tháng 03 năm 1998.

Bà và cô con gái 18 tuổi của mình đã đi đến Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào tháng 06 năm 2000 để thỉnh nguyện cho quyền tự do tín ngưỡng của các học viên. Hai người đã bị cảnh sát bắt đi và bị giam trong một trung tâm giam giữ địa phương. Con gái của bà Đàm cảm thấy rất quẫn trí về toàn bộ những khổ nạn này, bao gồm cả việc cảnh sát tống tiền 3.000 nhân dân tệ từ cha cô trước khi đồng ý thả cô.

Khi con gái của bà Đàm trở về nhà, Lí Hân Phương, Giám đốc Đồn Cảnh sát thị trấn Tùng Giang và Sở Cảnh sát huyện Tân đã đưa bà Đàm đến Trại lao động Cưỡng bức Vạn Gia ở thành phố Cáp Nhĩ Tân để thụ án một năm chỉ vì bà thực hiện quyền hiến pháp của bà là thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công.

Nhiều học viên Pháp Luân Công đã bị giam giữ bất hợp pháp trong trại. Lính canh ở đó xúi giục các tù nhân tra tấn các học viên bằng cách thưởng tiền mặt, từ hàng trăm nhân dân tệ cho đến hàng ngàn nhân dân tệ. Bà Đàm Quảng Tuệ bị đánh đập nhiều lần, và bị tra tấn bằng nhiều thủ đoạn trong thời gian bị giam ở đó. Sau đó bà đã tuyệt thực tám ngày để phản đối việc bức hại các học viên Pháp Luân Công trong trại lao động.

“Bà nên mau chóng viết một bản tuyên bố từ bỏ đức tin,” các lính canh đe dọa bà: “Lệnh này là từ cấp cao nhất!”

Bị giam trong phòng giam nam

Sau đó người ta phát hiện rằng Sở Cảnh sát thành phố Lang Phường, tỉnh Hà Bắc nhận được mật lệnh từ các quan chức cấp cao để lập một phương pháp gồm hai bước nhằm buộc các học viên nữ từ bỏ đức tin của họ. Bước đầu tiên là tra tấn, sỉ nhục, rồi cưỡng hiếp các học viên. Bước thứ hai là tra tấn đến chết học viên nào vẫn kiên định, và lấy lí do cái chết là “mắc bệnh” hoặc “tự sát”.

Ngay khi mỗi học viên nữ đến trại, một nhóm nhân viên sẽ cùng nhau tẩy não cô và ép cô từ bỏ đức tin. Những người không hợp tác thì bị tẩy não và bị biệt giam, hoặc bị giám sát chặt chẽ bởi những nhóm tù nhân hình sự. Những người vẫn kiên định với đức tin của họ thì bị đưa đến một trại giam nam, ở đó họ bị sỉ nhục, lạm dụng, và bị tra tấn tàn bạo, thường là đến chết.

Các lính canh nam thường được đưa vào phòng giam của các tù nhân nữ. Vào ngày 24 tháng 05 năm 2001, Sử Anh Bạch, Phó giám đốc trại giam, cùng với đội trưởng Trương Ba, đã ra lệnh đưa khoảng 50 học viên nữ kiên định vào phòng giam nam để tra tấn. Bà Đàm Quảng Tuệ, bà Lưu Phượng Trân, bà Tạ Kim Hiền, và những người khác bị trói và treo lên bằng còng tay, bị đánh đập, bị kéo lê trên mặt đất, bị tra tấn bằng dùi cui điện, và bị ép phải đứng yên từ sáng đến tối.

Sau đó bà Đàm và các học viên khác bắt đầu tuyệt thực để phản đối tra tấn. Sau khi một lính canh làm gãy một răng cửa của bà Đàm, hắn chuyển bà đến một phòng giam đầy tội phạm vị thành niên. Bà Đàm đã giới thiệu Pháp Luân Công cho các cô gái trẻ và bảo với họ rằng nếu họ ghi nhớ Chân – Thiện – Nhẫn là tốt, họ có thể được thả ra khỏi tù sớm hơn vì sự tốt bụng của mình.

Các lính canh cưỡng hiếp bà Đàm

Một ngày nọ, bà Đàm và hơn 20 học viên bị khóa trong một căn phòng nhỏ thuộc khu vực tù nhân nam trong trại. Họ ngồi túm tụm với nhau trên sàn xi măng lạnh, bà Đàm ngồi phía cuối hàng. Vào khoảng nửa đêm, một lính canh đưa bà vào một phòng khác với vài lính canh có mặt tại đó.

Ban đầu, bà Đàm không biết các lính canh định làm gì. Rồi bà nhận ra rằng họ muốn hãm hại bà, bà cảnh báo họ: “Nếu các người động đến tôi, các người sẽ phạm tội, và các người chắc chắn sẽ bị quả báo!” Một kẻ tội phạm trả lời: “Chúng tôi không quan tâm!”

Các lính canh tiêm vào bà một loại thuốc không rõ nguồn gốc khiến cho bà bất tỉnh. Không lâu sau đó, bà cảm thấy buồn ngủ và yếu ớt đến nỗi không thể nói được. Bà nghe thấy một người được gọi là “đội trưởng” nói với các lính canh: “Bà ấy đáng tuổi mẹ các anh. Tại sao các anh lại gây rối cho bà ấy?”

Bà Đàm cố hết sức để giữ tỉnh táo, nhưng bị tác dụng của thuốc mê đánh bại. Bà thấy các lính canh cưỡng hiếp bà, nhưng quá bất lực để phản kháng và bị mê đi mà không thể lên tiếng. Trong bóng tối của màn đêm, ba lính canh ở trại đã cưỡng hiếp tập thể bà.

Lời khai của một số người trong cuộc

Học viên Pháp Luân Công A: “Năm 2001, khoảng 20 người chúng tôi bị đưa đến một căn phòng trống rất lạnh thuộc khu giam giữ phạm nhân nam trong Trại lao động Vạn Gia. Chúng tôi ngồi trong một góc và túm tụm với nhau cho ấm. Tôi ngồi cạnh bà Đàm Quảng Tuệ, người cuối cùng trong hàng chúng tôi. Khi tôi tỉnh dậy, tôi không thấy bà ngủ cạnh tôi, rồi tôi lại ngủ thiếp đi. Vài giờ sau đó khi tôi tỉnh dậy, tôi thấy bà Đàm bên cạnh tôi. Ngày hôm sau, chúng tôi hỏi bà Đàm là bà đã đi đâu vào tối hôm trước.

Bà nhìn chằm chằm thẳng về phía trước và không thốt nên lời. ‘Bà có thấy lạnh không?’ Tôi hỏi. Bà có vẻ sợ hãi và không trả lời tôi. Chúng tôi cảm thấy có vấn đề gì đó khủng khiếp đã xảy ra với bà và để mắt đến bà rất cẩn thận. Bà có vẻ sợ nói ra, và tránh ánh mắt của mọi người. Một vài ngày sau, bà Đàm bắt đầu nói hơi lảm nhảm với một vẻ mặt sợ hãi. Các lính canh theo dõi bà rất chặt chẽ. Một ngày nọ, bà đột nhiên nhảy ra khỏi cửa sổ tầng hai của quán ăn và ngã xuống một mái hiên kim loại ngay dưới cửa sổ. Nếu không có mái hiên, bà có thể đã chết vì ngã.

Học viên Pháp Luân Công B: “Khi tôi sắp được thả từ Trại Lao động Vạn gia, một đồng tu bảo tôi phơi bày vụ việc ba lính canh đã cưỡng bức tập thể Đàm Quảng Tuệ trong nhà giam nam. ‘Cô chắc không?’ tôi hỏi. ‘Chắc chắn,’ cô trả lời. ‘Đàm là một học viên rất kiên định và từ chối từ bỏ đức tin.’”

Học viên Pháp Luân Công C: “Sau khi bà Đàm bị cưỡng hiếp, các lính canh sợ rằng tội ác của họ sẽ bị phơi bày. Vì vậy, họ cố ý bôi nhọ danh tiếng của bà, nói rằng bà bị “bệnh tâm thần’ và tố cáo bà đã cố tự sát vài lần. Kết quả là, họ đã tạo ra một lý do giả để biệt giam bà Đàm trong bệnh viện trại, và cấm các học viên khác liên lạc với bà. Ngoài ra, mỗi ngày bà đều bị tiêm thuốc ngủ. Sau khi Đàm Quảng Tuệ tỉnh dậy, bà hét lên ‘Pháp Luân Đại Pháp hảo!’ Sau đó bà bị ép ngồi trên chiếc ghế sắt đặt ở giữa hành lang. Đôi khi tôi có thể trao đổi vài lời với bà trong giờ ăn. Bà bảo tôi rằng bệnh viện nhà tù đã tiêm một loại thuốc gây ra trạng thái hưng phấn vào người bà. Bà cũng nói rằng bà đã liên tục bị các lính canh cưỡng hiếp. Qua liên lạc hạn chế mà chúng tôi có với nhau, tôi thấy tâm trí bà rõ ràng và thanh tỉnh. Sau đó, bác sĩ nhà tù chỉ đạo một số tù nhân trói bà vào giường, nhằm không cho bà đi lại.”

Một vài ngày sau, vào ngày 15 tháng 07 năm 2001, chồng của bà Đàm được Phòng 610 huyện Tân thông báo, rằng vợ của ông đã bị suy sụp tinh thần. Ông được yêu cầu đến để đưa bà về nhà. Khi chồng của bà Đàm đến Trại Lao động Vạn gia, ông chú ý thấy vợ của ông hành động hơi lạ. Khi ông gọi tên bà, bà cứ cúi gầm mặt xuống và không nói chuyện với ông. Các lính canh đã tống tiền 900 nhân dân tệ từ ông trước khi thả bà.

Ông không được cung cấp bất kỳ hồ sơ y tế hay giấy tờ nào khác về tình trạng của vợ mình. Ngoài ra, ông cũng không biết rằng vợ ông đã bị tiêm các loại thuốc độc phá hoại hệ thần kinh trung ương, vì vậy khi tác dụng của thuốc bắt đầu giảm và bà đang trên bờ vực của cái chết, ông đã rất bối rối và lo lắng. Thật ra, trại lao động biết điều gì sẽ xảy ra với bà khi hết thuốc, đó chính là lý do tại sao họ gọi chồng bà đến để đưa bà về nhà.

Một gia đình tan vỡ

Lúc chồng của bà Đàm về nhà cùng với bà Đàm, bà đã thể hiện những triệu chứng bị tâm thần. Bà không có khái niệm về gia đình và thời gian, và không nhận ra được đồng nghiệp, bạn bè, hoặc gia đình của bà. Nhiều người thấy lo lắng cho bà khi họ thấy bà chạy lòng vòng bên ngoài suốt ngày đêm.

Đàm Quảng Tuệ đi tới lui không ngừng trong phòng ngủ nhỏ của bà

Bên ngoài nhà của bà Đàm Quảng Tuệ

Một lần nọ, khi gia đình đang ăn trưa, bà Đàm đi ra ngoài, chân mang dép lê, và nhanh chóng biến mất khỏi tầm nhìn. Chồng của bà và sáu người họ hàng sục tìm khu vực để kiếm bà. Vào ngày thứ ba, bà Đàm được tìm thấy nhưng thật khó để nhận ra. Bà đi chân không, có một vài cục u có kích thước trái trứng trên mặt bà, một vết bầm lớn trên hông, và ngón chân cái của bà bị gãy. Khi bà được hỏi điều gì đã xảy ra, bà nói rằng bà đã bị rơi xuống vực.

Thỉnh thoảng bà mở máy giặt lên, đổ nước vào trong bằng một cái bát, sau đó lấy nước ra khỏi máy giặt, đổ nó lên sàn và rồi chân không nhảy lên vũng nước. Lần nọ một người họ hàng đến thăm bà Đàm và hỏi con gái bà: “Mẹ của cô đâu?” Người con gái nói: “Trong tầng hầm. Chúng tôi không thể để bà lên trên.” Người họ hàng đi đến tầng hầm và thấy bà Đàm đang bắt những con cồn trùng nhỏ và ăn chúng. Thỉnh thoảng bà cũng ăn mầm khoai tây. Nhìn thấy tình trạng của bà Đàm, chồng của bà không còn lựa chọn nào khác ngoài việc đưa bà vào một bệnh viện tâm thần ở thị trấn Dân Chủ, thành phố Cáp Nhĩ Tân trong một tháng. Khi bà trở về nhà, ông không thấy bất kỳ sự cải thiện đáng kể nào, vì vậy ông đưa bà vào đó thêm 30 ngày nữa.

Dưới sự chăm sóc chu đáo và yêu thương của chồng, bà Đàm thỉnh thoảng lại ý thức được. Thỉnh thoảng bà Đàm gặp phải một người quen, bà sẽ thốt lên: “Không có từ ngữ nào trong ngôn ngữ loài người đủ để mô tả các hành động tội ác gây ra bởi các lính canh trong Trại lao động Vạn Gia!”


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/12/11/被万家劳教所三恶警强暴-谭广慧精神失常十二年-283841p.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2014/2/11/145323.html

Đăng ngày 11-03-2014; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share