Theo phóng viên báo Minh Huệ ở khu Nội Mông Cổ, Trung Quốc
Tên: Lưu Chiêm Dư (刘占余)
Giới tính: Nam
Tuổi: 57
Địa chỉ: Thôn Tây Liễu, huyện Đột Tuyền, Nội Mông Cổ
Ngày mất: 18 tháng 01 năm 2013
Ngày bị bắt gần nhất: 11 tháng 11 năm 2004
Nơi bị giam gần đây nhất: Trại lao động cưỡng bức Uy Ninh (辽宁本溪威宁营劳教所)
Thành phố: Bản Khê
Tỉnh: Liêu Ninh
Hình thức bức hại: Sốc điện, cấm ngủ, lao động cưỡng bức, tẩy não, kết án phi pháp, đánh đập, bỏ tù, tra tấn, tống tiền, lục soát nhà cửa, giam cầm.
[MINH HUỆ 13-04-2013] Ông Lưu Chiêm Dư qua đời vào lúc 03 giờ sáng ngày 18 tháng 01 năm 2013, tại quận Bát Ngư Quyển, thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh. Ông qua đời sau nhiều năm bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại dã man, ông bị bức hại vì ông và gia đình có niềm tin vào môn tu luyện yên bình Pháp Luân Công.
Cả gia đình gồm vợ chồng ông Lưu và ba con trai của họ đều là học viên Pháp Luân Công. Gia đình họ thu được nhiều lợi ích từ việc tu luyện, nhưng họ đều bị bức hại dã man vì tín ngưỡng của mình từ năm 1999. Từng thành viên trong gia đình ông Lưu đều nhiều lần bị bắt giữ, bị kết án lao động cưỡng bức hay án tù, hoặc tra tấn tàn bạo. Cánh tay phải của ông Lưu đã bị tàn phế bởi tra tấn, thêm nữa ông còn bị mất trí nhớ cục bộ. Người con trai cả là anh Lưu Phúc Lợi, bị chấn thương xương đòn phải suốt đời. Người con trai thứ, anh Lưu Phúc Minh, bị mất cảm giác ở một chân. Cuộc bức hại đã đẩy gia đình này thành nghèo khó và vô gia cư. Họ phải làm những việc vặt để kiếm sống.
Ông Lưu Chiêm Dư
Vợ ông Lưu, bà Trương Văn Lĩnh bắt đầu tập Pháp Luân Công vào năm 1997 khi bà 46 tuổi. Bà đã tu luyện vì bà có nhiều vấn đề về sức khỏe, như bệnh viêm khớp, bị khó chịu ở cổ, viêm túi mật, viêm thận, có vấn đề tim mạch, và cao huyết áp. Những đau đớn của bà đã nhanh chóng biến mất sau khi bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Gia đình bà Trương đã chứng kiến điều kỳ diệu xảy ra với bà, vì thế tất cả họ đều bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công. Sau khi cuộc bức hại xảy ra, các viên chức địa phương thường xuyên đến nhà họ để sách nhiễu. Gia đình họ đã chuyển đến quận Bát Ngư Quyển, thành phố Doanh Khẩu, tỉnh Liêu Ninh để chạy trốn, nhưng cơn ác mộng vẫn tiếp tục.
Ông Lưu Chiêm Dư bị kết án lao động cưỡng bức phi pháp
Tháng 01 năm 2001, công an địa phương đã bao vây nhà họ ở quận Bát Ngư Quyển. Con trai cả của ông đã trốn thoát, nhưng công an đã tịch thu sổ tiết kiệm của gia đình với 6.000 nhân dân tệ, một điện thoại di động mới trị giá hơn 900 nhân dân tệ, một thẻ điện thoại di động trị giá hơn 600 nhân dân tệ và một xe ba bánh. Họ cũng lấy số tiền mặt 700 nhân dân tệ mà gia đình đã mượn của họ hàng. Cả nhà họ bị đưa đến Đồn công an Hồng Hải ở quận Bát Ngư Quyển, bị đánh, và bị buộc trở về quê nhà.
Lần đầu tiên ông Lưu bị bắt là vào ngày 16 tháng 10 năm 2001, khi đi giảng chân tướng ở thành phố Cái Châu, tỉnh Liêu Ninh. Ông bị đưa đến đồn công an ở thành phố Cái Châu để thẩm vấn. Ông bị giữ tại Trại tạm giam thành phố Cái Châu trong 15 ngày, ông còn bị dọa nạt, hăm dọa, cấm ngủ, buộc phải ngồi trên một tấm ván trong thời gian dài, tra tấn trong tư thế đau đớn được gọi là “lái máy bay” (đứng cúi theo tư thế 90 độ với hai tay kéo đằng sau). Họ đưa ông Lưu đến trại tạm giam huyện Đột Tuyền ở Hưng An Minh, Nội Mông Cổ, 119 ngày sau đó. Lính canh ra lệnh cho tù nhân đánh và không cho ông ngủ. Ông bị kết án một năm lao động cưỡng bức vào tháng 12 năm 2001 và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Đồ Mục Cát tại Nội Mông Cổ trong tháng 01 năm 2002. Ông còn bị cưỡng bức lao động nặng nhọc. Ông đã bị bức thực bằng nước muối khi yêu cầu được trả tự do.
Ở Trại lao động cưỡng bức Đồ Mục Cát, các lính canh dùng đủ mọi cách để tra tấn ông Lưu nhằm bắt ông từ bỏ tín ngưỡng của mình. Các hình thức tra tấn bao gồm: đứng trong thời gian dài, liên tục phải đếm số, học thuộc điều luật của trại, đứng dưới ánh nắng gay gắt trong thời gian dài, bị đánh bằng dùi cui điện. Hai tay bị trói ra sau lưng với dây thừng trói một tay vòng qua vai và tay kia kéo xuống. Một cây gậy gỗ được đặt ở giữa sợi dây để buộc cho chặt. Kết quả là xương đòn phải của ông bị gãy, xương vai của ông cũng bị gãy và trật khớp. Điều đó khiến ông về sau không thể duỗi thẳng tay được. Các tù nhân cũng dùng cạnh của tấm bảng gỗ để đánh vào vai, đầu, người ông. Kết cục trên người ông Lưu bị chấn thương hơn 20 chỗ với những vết rách dài từ 10 đến 15 cm. Một cánh tay của ông còn bị sưng to bằng chân của ông.
Thời hạn ở trại lao động của ông còn bị kéo dài thêm một tháng, và ông Lưu đã trở về nhà vào năm 2003.
Kết án hai năm lao động cưỡng bức phi pháp
Công an ở huyện Đột Tuyền, Hưng An Minh, Nội Mông Cổ; Phòng công an thành phố Doanh Khẩu ở tỉnh Liêu Ninh; và Đội An ninh nội địa Bát Ngư Quyển đã bắt anh Lưu Phúc Minh, con trai thứ hai của ông Lưu vào ngày 11 tháng 11 năm 2004, rồi đưa anh đến trại tẩy não ở thành phố Ô Lan Hạo, Hưng An Minh. Công an đã gọi điện lừa ông Lưu Chiêm Dư đến đồn công an để đem chiếc xe ba bánh của con trai út của ông về. Khi ông đến, công an đã bắt giữ ông.
Nhà ông Lưu đã bị lục soát, các sách Đại Pháp, băng hình luyện công, các băng ghi âm, và nhiều vật dụng khác đã bị tịch thu. Họ đưa ông đến trại tạm giam Bát Ngư Quyển. 15 ngày sau, ông bị kết án hai năm lao động cưỡng bức và bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Uy Ninh Doanh ở thành phố Bản Khê, tỉnh Liêu Ninh, nơi ông bị cưỡng bức lao động nặng nhọc. Họ cũng bắt ông xem các băng hình phỉ báng Pháp Luân Công và viết “cảm nghĩ”. Hai năm sau, khi thời hạn giam kết thúc, ông được thả.
Kết quả của việc tra tấn tàn bạo và liên tục là cánh tay phải của ông Lưu đã thành tàn phế và vai phải của ông bị sa xuống. Ông bị một khối u ở xương đòn. Ông bị mất trí nhớ vì bị sốc điện và thường xuyên bị đánh vào đầu. Ông trả lời rất chậm chạp và cần liên tục nhắc làm những việc căn bản nhất. Ông cũng bị đau đầu và phải uống thuốc cho bệnh tim. Khi ông sợ hãi, người ông toát mồ hôi đầm đìa và phải nằm xuống. Cuộc đàn áp đã khiến ông Lưu bị tổn thương đến mức không thể phục hồi sức khỏe, ông qua đời lúc 03 giờ sáng ngày 18 tháng 01 năm 2013.
Vợ ông Lưu bị bức hại
Bà Trương Văn Lĩnh đã bị bắt vì phát tài liệu giảng chân tướng trong khu Đại Thạch Kiều tỉnh Liêu Ninh vào ngày 09 tháng 01 năm 2002. Sau đó, công an ở Đồn công an Lữ Vương đưa bà đến trại tạm giam Đại Thạch Kiều và bắt bà làm việc hơn 10 tiếng một ngày. Bà bị kết án hai năm ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia sau khi bị bắt 05 tháng.
Toàn bộ nữ học viên Pháp Luân Công đều bị giam tại Đội số 01, số 02 và số 03 ở Mã Tam Gia; ở đó có tổng cộng 1.500 học viên. Bà Tống Á Văn, người bị kết án ba năm; bà Lý Lam; và bà Trương Phượng Vân đã bị giam cùng với bà Trương Văn Lĩnh. Lính canh đã dùng nhiều thủ đoạn để buộc các học viên từ bỏ tín ngưỡng của mình, gồm có tẩy não, đe dọa, buộc họ ngồi trên ghế nhỏ trong thời gian dài, và bắt họ xem các băng hình phỉ báng Pháp Luân Công. Các học viên đã bị tra tấn tại Tòa nhà Trung Hạc.
Hai con trai ông Lưu bị bức hại
Anh Lưu Phúc Lợi, 23 tuổi, và anh Lưu Phúc Minh, 21 tuổi, là các con trai của ông Lưu. Trưởng công an huyện và đồn công an địa phương đã bắt họ vào ngày 16 tháng 09 năm 2001, vì họ nói chuyện với mọi người về Pháp Luân Công ở huyện Đột Tuyền ở Nội Mông Cổ.
Họ đưa hai anh em đến Đồn công an Lợi Dân ở huyện Đột Tuyền, sau đó hai người bị tách ra. Trương Đức Trí, Trưởng công an Đột Tuyền, đã ra lệnh cho hơn 10 công an, gồm có Trương Thanh, Bùi Phúc Thành, Trần Quốc Tường, Vương Cảnh Hoa, Vu Hải Lâm, Dương Lập Xuân, thẩm vấn họ bằng tra tấn. Các công an luân phiên nhau tra tấn anh Lưu Phúc Lợi. Họ treo anh lên với hai tay còng sau lưng, đấm đá anh, rồi đánh anh bằng dùi cui điện đến khi máu chảy ra từ miệng và mũi anh. Một công an còn đè lưng anh để khiến anh qùy xuống, nhưng anh cự tuyệt. Sau đó công an bắt đầu đá vào ngực và giật tóc để kéo anh dậy, tát vào mặt anh nhiều lần, đánh vào đầu và cổ, đánh vào mặt anh bằng gót giầy, rồi dùng dùi cui điện để sốc điện anh. Công an còn đổ nước tiểu vào chai, sau đó đổ vào miệng anh. Sau đó họ đổ nước bẩn, hôi thối vào chai và bắt anh uống, nhưng anh cự tuyệt. Khi công an bức thực anh, anh gần như tắt thở. Anh bị đánh từ 08 giờ tối đến 03 giờ sáng ngày hôm sau.
Sáng hôm sau, công an lại đánh anh Lưu trong hai đến ba giờ rồi đưa anh đến trại tạm giam huyện Đột Tuyền. Lính canh ở đây ra lệnh cho tù nhân giày vò anh bằng cách bắt anh học thuộc điều lệ của trại tạm giam, bắt anh tắm nước lạnh, và đứng trên sàn bê tông với hai chân trần tới 09 giờ tối. Anh phải ngủ trên một tấm bảng gỗ mà không có chăn, bị cưỡng chế uống nước mà các tù nhân khác dùng làm nước rửa chân, và phải ngồi trên một miếng ván trong thời gian dài, với hai tay bị còng ra sau lưng với một tay vòng trên vai và tay kia kéo xuống từ chỗ thắt lưng trong hơn 50 phút. Sau đó lính canh sẽ đổi tay của anh trước khi lại còng tay tiếp như vậy trong 50 phút. Các lính canh đấm đá anh, dùng một thắt lưng để quất anh, dùng một chai bia để đánh anh, sau đó lột quần áo và dùng một cái chổi đánh vào bộ phận sinh dục của anh. Lính canh thậm chí còn tuyên bố họ sẽ dùng xăng để đốt anh đến chết và sau đó nói với mọi người là anh tự thiêu.
Anh Lưu Phúc Lợi bị kết án ba năm tù sau khi họ giam anh tại trại tạm giam hơn 11 tháng. Đầu tiên họ đưa anh đến Nhà tù Ô Lạp Cáp Đạt, 20 ngày sau, anh bị đưa đến Nhà tù Bảo An Chiểu ở Nội Mông Cổ. Anh được thả vào tháng 10 năm 2004 với thân thể tàn tật.
Anh Lưu Phúc Minh, con trai thứ hai của ông Lưu, cũng có trải nghiệm tương tự. Công an dùng thắt lưng đánh vào mặt và người anh hơn một tiếng, rồi sau đó còng hai tay của anh ra sau lưng, với một tay vòng trên vai và một tay vòng sau lưng. Còng tay còn cắt sâu vào thịt đến mức có thể nhìn thấy xương bên trong. Công an còn đốt tay anh bằng đầu thuốc lá. Họ buộc một cái thắt lưng vào ghế với đầu kia của thắt lưng vòng qua cổ anh, để dùng ghế như một vật nặng đè lên cổ anh. Sức nặng của chiếc ghế khiến lưng anh nghiêng một góc 90 độ. Họ dội nước sôi lên đầu anh, dùng ngón tay chọc vào mắt anh, và dùng que diêm để mở mắt không cho anh ngủ. Công an còn giật từng mảng tóc có lẫn da đầu của anh Lưu. Họ dùng một vỏ chai bia đánh vào mặt và đầu anh. Anh bị đánh đến mức co giật rồi bất tỉnh nhiều lần. Công an sau đó dội nước lạnh lên người anh và sốc điện bằng dùi cui điện để khiến anh hồi tỉnh, sau đó tiếp tục đánh anh. Việc tra tấn bắt đầu từ 08 giờ tối ngày 16 tháng 09 đến tận 06 giờ sáng ngày hôm sau. Anh Lưu bị đưa đến trại tạm giam huyện Đột Tuyền vào sáng ngày 17 tháng 09.
Anh Lưu bị đánh đập dã man ở trại tạm giam. Công an đã túm lấy ngón tay và bắt anh điểm chỉ lên tờ giấy. Anh bị kết án ba năm chín tháng sau khi bị bắt đến Nhà tù Ô Lạp Cáp Đạt. Anh bị đưa đến Nhà tù Bảo An Chiểu ở Nội Mông Cổ 20 ngày sau. Để bắt anh từ bỏ tín ngưỡng của mình, lính canh ở nhà tù đã sốc điện anh bằng dùi cui điện và tát vào mặt anh. Kết cục là anh bị mất cảm giác ở chân. Anh Lưu được thả sau khi thời hạn giam ba năm kết thúc.
Người con út bị bức hại
Anh Lưu Phú Trung, 19 tuổi, là con trai út của ông Lưu, công an ở phòng công an Kim Kiều ở thành phố Đại Thạch Kiều, tỉnh Liêu Ninh đã bắt anh trong tháng 11 năm 2001 khi anh đang giảng chân tướng. Sau đó họ đưa anh đến trại tạm giam Đại Thạch Kiều.
Công an không chỉ đá anh Lưu mà còn ra lệnh cho các tù nhân đánh anh. Họ đổ nước lạnh lên người anh chỉ vì anh đã luyện Pháp Luân Công ở đấy. Anh bắt đầu tuyệt thực để phản đối bức hại. Sau đó anh bị còng tay, đưa vào bệnh viện, và bị bức thực tàn bạo trong một tuần. Anh bị kết án một năm lao động cưỡng bức. Vào 26 ngày sau, họ đưa anh đến Đội số 05 Trại lao động cưỡng bức Doanh Khẩu ở tỉnh Liêu Ninh. Lính canh ở đây ra lệnh cho tù nhân bắt anh học thuộc các điều lệ của trại tạm giam, bắt anh ngồi trên một cái ghế nhỏ trong thời gian dài, và bắt anh lao động cưỡng bức hơn 10 tiếng một ngày.
Anh Lưu Phú Trung bị đưa đến Trại lao động cưỡng bức Uy Ninh Doanh vào ngày 22 tháng 11 năm 2002, sau một năm ở Trại lao động cưỡng bức Doanh Khẩu. Có hơn 50 nam học viên ở đây. Các lính canh bắt anh xem các băng hình phỉ báng Pháp Luân Công và cố tẩy não anh. Thời hạn giam của anh sẽ kết thúc vào cuối năm 2002, nhưng vì cả cha mẹ và hai anh đều bị giam ở các trại lao động, anh bị buộc phải ở lại lâu hơn. Anh được thả vào tháng 01 năm 2003. Trong thời gian đó, cha anh, ông Lưu Chiêm Dư, ở Trại lao động cưỡng bức Đồ Mục Cát ở Nội Mông Cổ, mẹ anh, bà Trương Văn Lĩnh, ở Trại lao động cưỡng bức Mã Tam Gia, và hai anh trai ở Nhà tù Bảo An Chiểu ở Nội Mông Cổ.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2013/4/13/长期被迫害-内蒙古法轮功学员刘占余离世-272014.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2013/5/12/139494.html
Đăng ngày 02-08-2013. Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.