Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 28-04-2025] Tôi đã đọc xong cuốn Chuyển Pháp Luân chỉ trong một ngày. Tôi ước gì mình tìm thấy cuốn sách này sớm hơn! Tôi xúc động đến mức vừa đọc vừa khóc. Nhân sinh quan của tôi đã hoàn toàn thay đổi kể từ khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp.

Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi đã bị nhân viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt giữ hơn mười lần. Vào thời điểm đó, tôi chưa có nhiều tâm từ bi, nhưng tôi không bỏ lỡ bất kỳ cơ hội nào để giảng chân tướng cho mọi người.

Giảng chân tướng trong trại tạm giam

Vào ngày 15 tháng 1 năm 2000, tôi bị bắt và bị đưa đến trại tạm giam ở địa phương. Dù trời lạnh cóng, tôi vẫn bị lột quần áo và phải đi chân trần dọc hành lang dài. Vừa bước vào phòng giam, một vài tù nhân dội nước lạnh vào người tôi. Họ nói đây là thủ tục đón người mới, lý do là người mới từ ngoài vào rất bẩn.

Phòng giam rộng khoảng mười mét vuông, bên trong giam giữ hơn mười tù nhân. Họ nằm ngủ theo hai hàng. Tôi không được phát chăn và phải ngủ gần nhà vệ sinh. Tôi đành phải mặc nguyên quần áo rồi đi ngủ. Tù nhân một ngày ăn hai bữa, mỗi bữa chỉ có một bát canh rau và hai chiếc bánh ngô mốc. Rau không hề được rửa nên dưới đáy bát thường có đất cát, còn có sâu bọ nổi lên phía trên. Tôi chỉ được phát một nửa cái bánh và một ít canh.

Hầu hết các tù nhân bị giam vì các hành vi lừa đảo hoặc các tội liên quan đến tiền bạc. Tôi đã giảng chân tướng cho họ. Một nữ giáo sư bị kết án tù chung thân. Bà ấy nói với tôi rằng bà từng nhận được một cuốn Chuyển Pháp Luân trong một chuyến đi sang Mỹ, nhưng bà chưa từng đọc. Sau khi nghe tôi giảng chân tướng, bà nói rất hối hận. Tôi nói với bà rằng vẫn chưa quá muộn để tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và bà đã bắt đầu tu luyện. Các tù nhân khác nói rằng các nguyên tắc của Pháp Luân Đại Pháp—Chân-Thiện-Nhẫn—rất tốt.

Tôi đã bị còng tay chỉ vì đả tọa luyện công. Sau đó, có thêm ba học viên bị đưa vào phòng giam. Họ đã bị bắt tại Quảng trường Thiên An Môn vào đêm giao thừa. Chúng tôi kiên trì luyện công, nhưng phụ trách trại giam nói: “Tôi biết Pháp Luân Đại Pháp là tốt, nhưng xin đừng để tôi vướng vào rắc rối. Các vị có thể được minh oan sau năm mươi năm nữa nhưng tôi cần giữ công việc của mình.” Chúng tôi hỏi liệu chúng tôi có thể ngồi ở tư thế xếp bằng không. Bà ấy đồng ý và nói: “Tôi biết ngồi xếp bằng không có nghĩa là ngồi thiền. Mẹ tôi cũng luyện như vậy.” Bà ấy đã tháo còng tay cho tôi. Từ đó, các phạm nhân nhìn chúng tôi với ánh mắt khác, hầu hết mọi người đều ủng hộ Đại Pháp.

Được trả tự do sớm

Ngày 20 tháng 6 năm 2001, tôi lại bị bắt. Tôi bị còng tay vào ống sưởi từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều, trong tư thế không thể đứng thẳng hay ngồi xổm. Quần áo tôi ướt đẫm mồ hôi. Khi cảnh sát thẩm vấn tôi, họ nói rằng tôi là trưởng nhóm Pháp Luân Đại Pháp địa phương, vì họ đã tìm thấy một lá thư tôi viết tại nhà của người điều phối. Tôi nói với họ rằng chúng tôi chỉ là học viên và không ai là người điều phối.

Một cảnh sát trẻ hỏi tôi tại sao tôi lại tới thành phố phía Nam Trung Quốc. Tôi nói vì lý do cá nhân. Không hài lòng với câu trả lời đó, cậu ấy liền ném đôi dép của tôi và nói: “Nếu một học viên Pháp Luân Đại Pháp bị đánh chết thì sẽ được xem là tự sát.” Tôi nói: “Hãy cho tôi xem điều luật nào ghi như vậy.” Cậu ấy im lặng và ngừng thẩm vấn. Tôi bị chuyển sang trại giam khác vì bị cáo buộc “xúi giục” các tù nhân khác tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, ngay cả các tù nhân phạm tội giết người. Khi xe đi đến trại tạm giam mới, tôi kiên quyết không xuống xe và yêu cầu họ phải đưa ra lời giải thích.

Họ nói tôi khó đối phó, nên đã mời bí thư Đảng ủy ra nói chuyện với tôi. Tôi yêu cầu họ thả tôi ngay lập tức và nói rằng tôi sẽ tuyệt thực nếu không được thả. Bí thư Đảng ủy nói rằng họ sẽ không đánh tôi. Viên cán bộ trại tạm giam lúc đầu nói ba ngày nữa họ sẽ đến đón tôi. Tôi nói: “Nếu các vị thất hứa, tôi sẽ tuyệt thực.” Bí thư Đảng ủy đã đồng ý với các điều kiện của tôi.

Đến sáng ngày thứ năm, không ai từ trại tạm giam kia đến đón tôi. Tôi thông báo cho bí thư Đảng ủy rằng mình sẽ tuyệt thực ngay lập tức. Ông ấy thông cảm với các học viên Pháp Luân Đại Pháp nên đã gọi điện cho trại tạm giam. Cán bộ từ trại tạm giam đầu tiên đã đến đón tôi vào ngày hôm sau và trả tự do cho tôi ngay sau đó.

Các học viên không còn bị yêu cầu trực ban

Vào ngày 16 tháng 9 năm 2001, tôi bị giam tại trại tạm giam quận vì đã phân phát tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp. Các học viên trẻ đã bị đàn áp rất tàn bạo và phải trả giá đắt nếu vi phạm quy định khi trực đêm. Trước Quốc khánh ngày 1 tháng 10, một tù nhân đã tự sát vì chế độ quản lý quá hà khắc của nhà tù. Tất cả các nhà tù, trại tạm giam và trung tâm giam giữ đồng loạt siết chặt giám sát. Trại tạm giam gia tăng bức hại và nỗ lực ép chúng tôi từ bỏ đức tin. Có học viên bị còng tay treo lên, có người bị bức thực. Một số người bị phạt tiền. Tuy nhiên, không ai chịu khuất phục.

Đến lượt tôi phải trực ban và các học viên tuyên bố sẽ không đồng ý tuân theo các quy định. Các lính canh đã chửi rủa thậm tệ. Tôi từ chối nhận nhiệm vụ. Trưởng buồng giam đã ném chăn của tôi xuống sàn. Tôi không đôi co, chỉ lặng lẽ ngồi xuống. Tới hiệu lệnh đi ngủ, mọi người đều nằm xuống. Tôi cũng nằm xuống.

Thiết bị giám sát gắn trên tường phát ra tiếng động, mọi người biết nguyên nhân là do tôi. Họ liền quát mắng, yêu cầu tôi ngồi dậy và ra vị trí trực ban, nhưng tôi không hề nhúc nhích. Không lâu sau, một lính canh đến và vỗ nhẹ vào vai tôi. Tôi nói với cô ấy rằng mình bị chóng mặt. Cô ấy không nói gì rồi bỏ đi.

Ngày hôm sau, đội trưởng đến và hỏi tôi còn chóng mặt không. Tôi nói: “Vẫn còn. Các học viên chúng tôi không được ăn đủ no. Các tù nhân khác ăn hết mọi thứ, nên chúng tôi không có đủ đồ ăn. Họ phân phát thức ăn cho những người khác và chỉ cho các học viên một ít canh rau. Dù vậy chúng tôi không hề phàn nàn. Trước khi tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi bị cao huyết áp và các bệnh khác. Các anh cấm không cho tôi luyện công nên bệnh của tôi có thể tái phát bất cứ lúc nào.

Nhiệm vụ của các chị là giám sát các tù nhân. Nhưng các chị lại giao cho các tù nhân và học viên làm việc đó. Các học viên chúng tôi không phạm tội gì cả. Các chị đã giam giữ chúng tôi bất hợp pháp. Bây giờ các chị ép chúng tôi phải trực ban nhưng chúng tôi cực lực phản đối. Các học viên trẻ đã hy sinh rất nhiều, thậm chí cả mạng sống của họ. Tôi già rồi, nên tôi không sợ. Nếu các vị quá khắc nghiệt với các tù nhân, họ có thể tự làm hại bản thân. Trách nhiệm đó sẽ thuộc về ai? Quản lý của các chị đã bị giáng chức và chuyển sang vị trí khác vì một tù nhân đã tự sát.”

Đội trưởng không nói gì thêm với tôi. Thay vào đó, cô ấy đưa cho tôi một quả táo. Ngày hôm sau, cô ấy đến phòng giam và thông báo: “Kể từ nay, các vị cần phải đặt trước suất ăn của mình. Khi chia khẩu phần ăn, bắt buộc phải có ít nhất một học viên Pháp Luân Đại Pháp tham gia, và tên các học viên sẽ được rút khỏi danh sách trực ban.”

Ngăn các tù nhân đánh đập các học viên

Sau khi bị chuyển tới trại lao động cưỡng bức, mức độ đàn áp còn dữ dội hơn. Các học viên bị cấm trao đổi với nhau và phải xin phép trưởng nhóm trước khi làm bất cứ việc gì; trưởng nhóm sẽ chuyển lời xin phép tới đội trưởng. Nếu đội trưởng không phê duyệt, chúng tôi tuyệt đối không được thực hiện.

Các học viên không chuyển hóa đều bị đánh đập. Một giáo viên trẻ là nghiên cứu sinh cao học đã bị nhốt trong phòng giam và bị các tù nhân lôi đi và đánh đập dã man. Cô bị buộc phải ngồi xổm sau cánh cửa và không được phép sử dụng nhà vệ sinh.

Tôi đã đến gặp đội trưởng và nói với bà ấy rằng các tù nhân đã đánh đập học viên. Bà ấy giả vờ ngạc nhiên và hỏi ai đã đánh ai. Tôi kể lại những gì đã xảy ra và nói: “Đánh người là vi phạm pháp luật. Nhưng khi người ta đánh đập các học viên thì không có hậu quả gì. Một ngày nào đó khi Pháp Luân Đại Pháp được minh oan, những người đó sẽ phải chịu trách nhiệm.” Tôi đã đưa ra một số ví dụ về việc những kẻ làm điều ác trong Cách mạng Văn hóa đã bị trừng phạt như thế nào. Bà ấy nói: “Tôi không hề biết việc đánh đập, cảm ơn chị đã báo cho tôi. Hãy trông chừng bọn họ. Họ không được phép làm vậy.”

Khi tôi trở về buồng giam, tôi lớn tiếng nói với các phạm nhân: “Đội trưởng bảo tôi giám sát các chị. Tốt nhất đừng đánh các học viên nữa!” Một đêm nọ, phó đội trưởng đang trực đã đánh thức tôi dậy và hỏi tôi về việc các tù nhân đã đánh đập học viên như thế nào. Tôi biết rằng bà ấy là người đã minh bạch chân tướng. Sau này, khi trại lao động cưỡng bức chuyển địa điểm đến nơi khác, bà ấy đã lấy lý do sức khỏe để được ở lại.

“Nếu cô sống ngay chính, ai cũng sẽ tôn trọng cô”

Vào tháng 9 năm 2004, tôi bị bắt và bị giam giữ vì phát tài liệu về Pháp Luân Đại Pháp. Vào tháng 8 năm 2005, tôi bị kết án và đưa đến nhà tù nữ. Khi ấy, nhà tù đang làm hồ sơ xin xét duyệt danh hiệu “Nhà tù kiểu mẫu”. Các trưởng phòng giam đã ra lệnh cho toàn bộ phạm nhân hỗ trợ bằng cách lập hồ sơ và biên bản giả. Mọi người đều phải ghi chép lại “công việc hàng ngày” của mình. Đó là một khối lượng công việc khổng lồ.

Một hôm, đội trưởng yêu cầu tôi hoàn thành một bản khảo sát cho tháng 6 năm 2003. Tôi nói: “Vào tháng 6 năm 2003, tôi không ở đây. Tôi sẽ không làm.” Cô ấy nói: “Xin hãy giúp để chúng tôi có thể được trao giải ‘nhà tù kiểu mẫu’.” Tôi từ chối. Cô ấy nói: “Chị thật ích kỷ. Mọi người khác đều đang làm. Chị không nghĩ cho nhà tù.” Tôi nói: “Tôi không quan tâm. Tôi tu luyện theo Chân-Thiện-Nhẫn. Tôi không nói dối.” Cô ấy nói: “Chị phải tuân theo mệnh lệnh.” Tôi nói: “Nhưng tôi có tự do tư tưởng. Tôi có tín ngưỡng của mình. Tôi sẽ không làm giả tài liệu. Tôi hy vọng cô tôn trọng quyết định của tôi.”

Cô ấy nhìn tôi. Tôi tiếp tục: “Cô còn trẻ. Cô cũng nên có suy nghĩ của riêng mình. Nếu cô sống ngay chính, mọi người sẽ tôn trọng cô.” Cô ấy không nói gì và bỏ đi.

Sau đó, cô ấy luôn tỏ ra lịch sự với tôi và không còn thô lỗ với các học viên khác nữa.

Rời khỏi trại tạm giam bằng chính niệm

Tôi đã bị bắt vào thời gian trước ngày 25 tháng 4 năm 2010 vì có tên trong danh sách truy nã của ĐCSTQ. Vì tôi không vi phạm pháp luật, tôi đã từ chối mặc đồng phục tù nhân, vì vậy lính canh đã cắt quần áo của tôi. Tôi đã không đến buổi thẩm vấn, không ký vào giấy tờ của họ, không để họ đo huyết áp và không uống bất kỳ loại thuốc nào. Khi họ cưỡng chế tôi uống thuốc, tôi liền nhổ ra. Tôi hoàn toàn không hợp tác với họ. Tôi đã tuyệt thực để phản đối bức hại. Lính canh đưa tôi đến bệnh viện. Tôi không để họ truyền nước cho tôi. Bác sĩ và lính canh nói rằng họ sẽ trói tôi vào giường và truyền nước cho tôi. Tôi nói với họ rằng họ chắc chắn không làm được. Họ im lặng và cuối cùng đưa tôi trở lại trại giam.

Đội trưởng nói với tôi: “Hành vi của cô đang làm hại các lính canh ở đây.” Tôi nói: “Tôi không làm hại ai cả. Nhịn ăn thì chỉ ảnh hưởng đến bản thân tôi thôi.” Ông ấy nói: “Chúng tôi sẽ không chăm sóc chị nữa. Chị có thể ăn và uống thuốc dù chỉ vài ngày được không?” Tôi từ chối và yêu cầu được thả ngay lập tức. Ông ấy nói rằng những gì tôi đang làm sẽ ảnh hưởng xấu đến con trai tôi. Tôi nói: “ĐCSTQ đã bức hại tôi về mặt tài chính. Con trai tôi có số phận của riêng nó. Điều nó có thể học được từ tôi là quyết tâm làm điều đúng đắn.” Đội trưởng nói sẽ báo cáo với giám đốc.

Ngày hôm sau, giám đốc nhà tù đến gặp tôi. Ông ấy hỏi tôi tại sao tôi tuyệt thực. Tôi nói: “Ông đã gặp nhiều học viên. Họ đều là người tốt. Nhưng rất nhiều học viên trẻ đã bị đánh đập dã man và bị thu hoạch nội tạng. Giang Trạch Dân (người đứng đầu ĐCSTQ vào thời điểm đó) là kẻ vô nhân đạo. Tôi không muốn chết, nhưng tôi không sợ chết.” Ông ấy nói: “Cô không thể chết ở đây. Khi rời trại, cô phải khỏe mạnh.” Tôi yêu cầu được thả ngay lập tức. Ông ấy nói: “Cho tôi một tuần. Xin hãy ăn chút gì đó.” Tôi vẫn từ chối. Tôi đã được trả tự do vào ngày hôm sau.

Trong 29 năm qua, tôi đã có rất nhiều trải nghiệm. Tôi đã đến nhiều nơi, biết nhiều học viên, chịu nhiều khổ nạn và có vô vàn câu chuyện để kể. Tôi đã giảng chân tướng cho nhiều người. Tôi luôn cố gắng tuân theo những yêu cầu mà Sư phụ đã đặt ra cho chúng tôi.

Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/28/491742.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/6/8/228411.html