Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 17-04-2025]
Họ và tên:Trần Kim Phượng
Tên tiếng Trung: 陈金凤
Giới tính:Nữ
Tuổi:74
Thành phố:Mẫu Đan Giang
Tỉnh:Hắc Long Giang
Nghề nghiệp:Thủ thư trường đại học
Ngày mất:Ngày 27 tháng 3 năm 2025
Ngày bắt giữ gần nhất: Ngày 29 tháng 4 năm 2009
Nơi giam giữ gần nhất: Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang
Ngày 27 tháng 3 năm 2025, bà Trần Kim Phượng, ở thành phố Mẫu Đan Giang, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời trong cuộc bức hại Pháp Luân Công. Bà Trần đã thụ án lao động cưỡng bức một lần và hai lần thụ án tù với tổng thời gian là 13 năm. Sự tra tấn không ngừng đã gây tổn hại nghiêm trọng đến sức khỏe của bà và cuối cùng đã cướp đi sinh mạng của bà. Bà hưởng thọ 74 tuổi.
Bà Trần Kim Phượng
Bà Trần từng làm thủ thư tại Trường Đại học Phát thanh và Truyền hình Lâm nghiệp Mẫu Đan Giang. Bà bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1998 và nhanh chóng khỏi nhiều bệnh nặng gồm đau dây thần kinh sinh ba, tăng sản xương, huyết áp thấp và nhược cơ (một bệnh tự miễn thần kinh cơ mãn tính gây yếu cơ xương dao động). Sau khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, bà đã nhiều lần bị bắt giữ, bị giam cầm và tra tấn vi kiên định tu luyện Pháp Luân Công.
Ngoài việc bị giam cầm và tra tấn trong nhiều năm, Trường Đại học Phát thanh và Truyền hình Lâm nghiệp Mẫu Đơn Giang đã sa thải bà và giữ lại lương hưu của bà kể từ tháng 8 năm 2000, điều này phù hợp với chính sách bức hại “vắt kiệt tài chính của các học viên Pháp Luân Công” do cựu lãnh đạo Đảng Cộng sản Giang Trạch Dân đề ra.
Trong thời gian bà Trần bị cầm tù, con trai bà khi đó đang học đại học đã phải chật vật để trang trải học phí và bị suy dinh dưỡng. Mặc dù trường đề nghị anh nghỉ học vì lý do sức khỏe, anh vẫn tiếp tục đi học và làm các công việc vặt để tự nuôi sống bản thân. Nhưng do thiếu tài chính, cuối cùng anh đã phải bỏ học và không thể tốt nghiệp đại học.
Hai vụ bắt giữ đầu tiên và hai năm lao động cưỡng bức
Ngày 24 tháng 7 năm 2000, bà Trần bị bắt lần đầu sau khi bị cảnh sát theo dõi trong lúc đang phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Cảnh sát đã lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công, máy ghi âm và tài liệu Pháp Luân Công của bà. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam thành phố Mẫu Đan Giang trong sáu tuần. Lính canh đã tống tiền bà 3.000 nhân dân tệ và buộc bà phải nộp thêm 250 nhân dân tệ tiền ăn.
Ngày 5 tháng 10 năm 2000, bà Trần bị bắt giữ lần nữa vì thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Tại trại tạm giam huyện Hoài Nhu, một cảnh sát đã ép bà phải giữ tư thế cúi gập người trong sáu giờ. Họ còn còng tay bà và dùng khăn kéo còng về phía trước cho đến khi bà ngã quỵ xuống đất. Sau đó, họ giẫm lên tay bà. Họ còn xé sách Pháp Luân Công và lăng mạ Pháp Luân Công trước mặt bà.
Vài ngày sau, hai cảnh sát đưa bà đến Văn phòng Liên lạc thành phố Mẫu Đan Giang ở Bắc Kinh. Họ đã tống tiền bà hàng nghìn nhân dân tệ để chi trả cho kỳ nghỉ cá nhân của họ ở Bắc Kinh, sau đó đưa bà trở lại Mẫu Đan Giang vào ngày 10 tháng 10 năm 2000. Bà bị giam giữ tại trại tạm giam địa phương và bị chuyển đến trại lao động cưỡng bức (ngay trước Tết Nguyên Đán) để thụ án hai năm vào tháng 1 năm 2001.
Tháng 10 năm 2002, sau khi bà Trần được trả tự do, cảnh sát đã cố gắng đưa bà đến một trung tâm tẩy não. Bà phản đối và cuối cùng cảnh sát đã để bà đi.
Án tù 5 năm lần đầu sau vụ bắt giữ lần thứ 3
Ngày 29 tháng 4 năm 2003, bà Trần bị bắt giữ lần thứ ba sau khi bị trình báo vì dán tài liệu Pháp Luân Công. Trong khi thẩm vấn bà tại Đồn Công an Hướng Dương, cảnh sát của Đội An ninh Nội địa quận Ái Dân đã còng tay bà lại, ghì chặt bà xuống đất và giẫm lên đầu bà.
Cảnh sát trói bà vào ghế sắt, ép bà ăn dầu mù tạt và trùm túi nhựa lên đầu bà. Bà suýt bị ngạt thở. Họ thực hiện việc tra tấn này nhiều lần. Sau đó, bà bị đau dữ dội.
Cảnh sát nỗ lực ép bà cung cấp thông tin về các học viên Pháp Luân Công khác. Khi bà từ chối, sự tra tấn càng dã man hơn. Thịnh Hiếu Giang, phó giám đốc Sở Cảnh sát quận Ái Dân, hét lên: “Đánh chết bà ta đi! Không ai phải chịu trách nhiệm gì nếu bà ta chết.”
Một số cảnh sát trói bà vào ghế và kéo căng chân tay bà theo các hướng khác nhau. Đồng thời, một cảnh sát dùng dùi cui điện sốc điện vào tay bà. Bà đã bị ngất xỉu. Sau khi bà tỉnh lại, sự tra tấn vẫn tiếp diễn. Một cảnh sát đánh vào tay bà, khiến tay bà bầm tím và bà không thể giơ lên được. Họ còn trùm đầu bà và ấn cẳng chân bà vào cạnh bàn.
Sau nhiều giờ tra tấn, cảnh sát đưa bà Trần đến trại tạm giam. Bà bị chướng bụng do bị bức thực dầu mù tạt, khiến bà khó ăn hoặc nằm. Có lần bà không thể thở được và ngất xỉu. Các tù nhân cùng phòng của bà đã gọi cho bác sĩ trại tạm giam Dương, nhưng ông ta tỏ ra thờ ơ và từ chối điều trị cho bà.
Sau đó, Tòa án quận Ái Dân đã kết án bà Trần 5 năm tù. Do bà bị bệnh ghẻ, Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang đã từ chối tiếp nhận bà và đưa bà trở lại trại tạm giam. Giám đốc trại tạm giam Ư Trưởng Long rất tức giận. Ông ta ra lệnh cho lính canh lột quần áo của bà và trói bà vào giường trong tư thế “đại bàng sải cảnh” nhiều ngày, không cho bà sử dụng nhà vệ sinh. Tình trạng của bà xấu đi nhanh chóng.
Cuối cùng, sau 16 tháng giam giữ tại trại tạm giam, bà Trần bị đưa tới nhà tù vào ngày 4 tháng 9 năm 2004.
Tháng 10 năm 2006, bà Trần bị còng tay và cùm chân vào giường vì luyện các bài công pháp Pháp Luân Công ở trong tù. Bà bị tim đập nhanh và được chuyển đến bệnh viện nhà tù vào đầu năm 2007 sau khi mất khả năng vận động. Khi được trả tự do vào ngày 29 tháng 4 năm 2008, bà đã lâm vào tình trạng nguy kịch.
Án tù thứ hai 6 năm sau vụ bắt giữ lần thứ 4
Ngày 29 tháng 4 năm 2009, chỉ một năm sau khi được trả tự do, bà Trần bị bắt giữ lần nữa vì nói với mọi người về Pháp Luân Công. Bởi bà từ chối hợp tác với lính canh trại tạm giam, họ đã còng tay bà, đá vào đầu bà cho đến khi bà bất tỉnh, dùng kim đâm vào ngón tay bà và thúc cùi chỏ vào ngực bà. Bà đau ngực dữ dội trong nhiều ngày, khó thở và đi lại khó khăn.
Tháng 8 năm 2009, Tòa án quận Ái Dân đã kết án bà Trần 6 năm tù. Bà thụ án tại Nhà tù Nữ tỉnh Hắc Long Giang và được trả tự do vào ngày 29 tháng 4 năm 2015.
Cuối cùng bà đã qua đời
Sau khi bà Trần trở về nhà, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu bà và con trai. Ngày 11 tháng 7 năm 2022, các cảnh sát của Đồn Công an Dương Minh đã lục soát nhà bà và tịch thu các sách Pháp Luân Công cùng ảnh chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công của bà. Con trai bà cũng bị đưa đến đồn công an hai lần để thẩm vấn.
Sau nhiều năm giam cầm và tra tấn, bà Trần không thể tự đứng hoặc đi lại được. Bà có nhiều đờm vì tổn thương nội tạng. Bà liên tục cảm thấy yếu và đổ mồ hôi không ngừng. Răng bà rụng dần từng chiếc một. Bà còn bị loét miệng mãn tính. Trong những năm cuối đời, trí nhớ của bà bắt đầu suy giảm và bà thường bị nôn sau khi ăn. Cuối cùng, bà đã qua đời vào ngày 27 tháng 3 năm 2025, hưởng dương 74 tuổi.
Bài liên quan:
Bà Trần Kim Phượng ở thành phố Mẫu Đan Giang nằm liệt giường sau 13 năm bị giam cầm và tra tấn
Bản quyền © 1999-2025 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2025/4/17/492664.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2025/4/21/226322.html
Đăng ngày 08-05-2025; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.