Bài viết của một đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc
[MINH HUỆ 29-09-2024] Tôi bắt đầu tu luyện Đại Pháp vào năm 1996. Sau khi đắc Pháp, tôi phát hiện các đồng tu học thuộc Pháp, tôi nghĩ Đại Pháp tốt như vậy, mình cũng nên học thuộc. Vậy là tôi bắt đầu đặt tâm học thuộc Pháp. Tuy nhiên, tôi mới học thuộc được hết mục đầu tiên “Chân chính đưa con người lên cao tầng” của bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân, tổng cộng 7 trang, thì cảm thấy quá chậm nên không học thuộc nữa và lại quay về thông đọc. Lần đầu học thuộc Pháp, tôi đã dừng lại như thế.
Sau ngày 20 tháng 7 năm 1999, tôi đã cố gắng học thuộc Pháp được 6 lần. Lần thì học thuộc được hơn 10 trang rồi dừng, lần thì học thuộc được 20 trang lại dừng, lần học thuộc nhiều nhất tôi cũng chỉ học được hơn 30 trang và tôi không thể nào học thuộc Pháp từ đầu đến cuối.
Năm 2021, tôi 73 tuổi. Lần đó, tôi quyết tâm học thuộc toàn bộ cuốn sách. Bởi vì trong năm 2018 và 2019, tôi từng hai lần chép toàn bộ cuốn Chuyển Pháp Luân, cẩn thận từng chữ một. Việc chép Pháp đã cải thiện đáng kể tâm tính của tôi. Tôi từng rất thiếu kiên nhẫn khi làm các việc và chép Pháp. Tuy nhiên, thông qua việc chép Pháp, sự thiếu kiên nhẫn của tôi đã biến mất. Tôi cảm thấy nếu học thuộc Pháp, sự đề cao của tôi hẳn sẽ còn lớn hơn nữa.
Vì vậy, vào năm 2021, tôi lại bắt đầu học thuộc Pháp. Lần này tôi cảm thấy học thuộc khó hơn hẳn. Bởi vì tôi học không chỉ chậm mà còn mất nhiều thời gian hơn, nhưng tôi không bỏ cuộc. Hồi đầu tôi bỏ cuộc vì thấy quá chậm, nhưng khi đó tôi còn trẻ và có thể học thuộc Pháp nhanh hơn bây giờ rất nhiều. Thật tiếc là, tôi đã không trân trọng khoảng thời gian đó. Khó khăn trước mắt chính là do tôi tạo ra, tôi còn kêu ca gì được, vậy chỉ còn một cách là cố gắng cắn răng chịu đựng mà học thuộc.
Lần này, ngoài những lúc giảng chân tướng và cứu người, tôi dành hết toàn bộ thời gian còn lại để học thuộc Pháp. Tôi đọc đi đọc lại từng câu, cố gắng hiểu ý nghĩa rồi mới đọc thuộc lòng. Khi thuộc làu một đoạn không phạm bất cứ lỗi nào, tôi mới chuyển sang đoạn tiếp theo. Cứ như vậy, tôi mất 5 tháng để học thuộc lòng cuốn Chuyển Pháp Luân.
Vì là lần đầu tiên tôi đọc thuộc lòng được toàn bộ cuốn Chuyển Pháp Luân, tôi vui vẻ gọi điện cho các đồng tu thân để kể cho họ nghe. Sau đó, tôi tiếp tục học thuộc Pháp hết lượt này đến lượt khác và thời gian ngày càng tốn ít hơn. Đến lần học thuộc thứ 6, tôi phát hiện ra mình không thể đọc thuộc lòng nếu không theo đúng trình tự các bài giảng trong sách. Làm sao để đảm bảo rằng từng từ đều được in sâu vào tâm trí, để tôi có thể đọc thuộc lòng Pháp từ bất kỳ phần nào của cuốn sách? Chỉ có một cách duy nhất đó là học thuộc lòng từng bài giảng một, thay vì từng đoạn như tôi vẫn làm. Phải mất nửa năm để tôi học thuộc lòng bài giảng thứ nhất, sau đó chuyển sang bài giảng thứ hai cũng mất nửa năm, nhắc đến đâu tôi đều có thể đọc thuộc làu đến đó. Khi học thuộc bài giảng thứ ba, hàng ngày, đầu tiên tôi ôn lại bài giảng thứ nhất và bài giảng thứ hai một lượt rồi mới học thuộc bài giảng thứ ba. Hiện giờ tôi đang học thuộc lòng bài giảng thứ tư.
Việc học thuộc Pháp mấy năm qua đã mang lại rất nhiều lợi ích cho tôi. Giờ đây tôi hiểu được thế nào là chân tu. Tôi dùng Pháp lý để đo lường mọi suy nghĩ và hành động của mình. Theo lời của một đồng tu, tôi đã đề cao rất lớn sau khi học thuộc Pháp; còn theo lời của con gái tôi, tôi đã thực sự thay đổi. Tất cả là nhờ học thuộc Đại Pháp!
Tôi xin kể một số ví dụ về cách tôi nhớ lại Pháp lý và hành xử theo đó.
Quá trình tu luyện được đề cao
Có lần, mười đồng tu chúng tôi cùng nhau làm một hạng mục Đại Pháp từ 7 giờ sáng đến 4 giờ chiều. Đồng tu điều phối giao cho tôi mở sẵn cửa trước 7 giờ sáng và đi chợ mua bữa trưa cho cả nhóm. Tôi đồng ý và nghĩ: Thời gian eo hẹp quá. Sáng hôm sau, phát chính niệm xong, tôi lập tức đi chợ để mua bữa trưa cho mọi người. Sau đó, tôi vội vội vàng vàng đến để mở cửa cho kịp giờ. Đến nơi, tôi nhìn đồng hồ là 7 giờ kém 5 phút. May thay, tôi đã không bị trễ. Tôi tất bật đến nỗi vã mồ hôi khắp người. Ngay sau đó, tất cả các đồng tu đến và lập tức bắt tay vào việc. Khoảng 10 giờ, đồng tu điều phối mới đến. Mọi người làm việc cùng nhau đến khoảng 4 giờ chiều.
Một thời gian sau, chúng tôi lại làm một hạng mục Đại Pháp và đồng tu điều phối lại phân công tôi mở cửa và mua bữa trưa, tôi sẵn sàng đồng ý. Ngày hôm sau, cũng giống như lần trước, tôi vội vàng chuẩn bị bữa trưa cho các đồng tu và mở cửa đúng giờ, người lại nhễ nhại mồ hôi. Các đồng tu đến đúng giờ và bắt đầu vào việc ngay. Còn đồng tu điều phối 10 giờ mới đến, các đồng tu hỏi cô ấy có chuyện gì không. Cô ấy nói không có chuyện gì cả. Ngày hôm đó chúng tôi làm việc rất nhanh, trước 4 giờ đã xong. Trên đường về, trong tâm tôi bắt đầu oán hận: “Hay thật. Cô là người điều phối, cô bảo không có chuyện gì xảy ra cả, sao cô không đến sớm mở cửa? Để mình tôi một thân tất bật. Cô mới 50, còn tôi đã ngoài 70 rồi. Cô không phải đang lợi dụng tôi sao?”
Sau khi về đến nhà, tôi chợt phát hiện: “Suy nghĩ này của mình sai rồi. Đây là công việc của hai người mà lại giao cho mỗi mình làm. Đây hẳn là Sư phụ đang dùng cô ấy để cấp cho mình cơ hội đề cao tâm tính, đề mình trừ bỏ chấp trước! Phải rồi, lúc trước mình cảm thấy bất công và oán trách đồng tu. Đó chẳng phải là tật đố sao? Mình lại không giữ vững tâm tính nữa rồi”. Tôi cảm thấy thật có lỗi với Sư phụ! Khi gặp vấn đề, tôi đã dùng nhân tâm để suy xét, tôi thành tâm nhận lỗi với Sư phụ. Tôi lập tức cầm cuốn Chuyển Pháp Luân lên và chăm chú đọc mục: “Tâm tật đố”.
Sau khi đọc xong, tôi chiểu theo Pháp để tìm ra những điều khiến tôi tật đố: “Đồng tu điều phối có con được cử đi làm nghiên cứu sinh; nhìn qua thì có vẻ là tôi hâm mộ, nhưng kỳ thực trong tâm tôi cảm thấy bất bình; rồi thì cô ấy tu lâu như vậy mà vẫn luyện sai các bài công pháp, nhìn qua thì là tôi phàn nàn, nhưng thực ra là tâm tật đố đang tác quái”. Tôi phát hiện ra rất nhiều chấp trước và sau khi buông bỏ chúng, tôi không còn buồn bực nữa. Nếu là trước đây, tôi sẽ oán hận trong nhiều ngày và đi phàn nàn với người khác. Nhờ học thuộc Pháp, tôi nhanh chóng nhận ra suy nghĩ của mình không chiểu theo Pháp mà là do nhân tâm gây ra, tôi lập tức dùng Pháp để quy chính bản thân. Tôi thầm nói từ tận đáy lòng mình: “Học thuộc Pháp thật tuyệt!”
Lần khác, vào một buổi sáng, khi chồng tôi đang nấu ăn, tôi ngồi trong phòng khách nghe radio. Để chồng tôi có thể nghe thấy, tôi vặn âm lượng khá to. Chồng tôi lao ra khỏi bếp và giận dữ nói: “Bà vặn nhỏ đi chút!” Tôi cứ ngồi im. Ông ấy nói: “Nếu bà không vặn nhỏ, tôi sẽ đập vỡ đài của bà!” Tôi nói mà không cần suy nghĩ: “Ông dám à!” Ông ấy đùng đùng nổi giận cầm lấy chiếc đài và quăng xuống đất. Thấy vậy, tôi không chịu nổi, liền mắng ông ấy, càng nói tôi càng tức giận đến chảy cả nước mắt. Ông ấy không đáp lại mà quay vào bếp nấu ăn. Khi tôi đang hăng say nói, thì một thanh âm vang lên bên tai: “Còn chưa dừng lại sao”. Tôi sửng sốt: “Là Sư phụ đang điểm ngộ, con lại sai rồi”.
Lúc này, Pháp chợt xuất hiện trong tâm trí tôi. Đây là cơ hội mà Sư phụ an bài để tôi đề cao tâm tính, tôi choàng tỉnh như vừa trải qua một giấc mơ. Tôi tự trách mình đã lại hành xử như một người thường. Tất cả những việc lớn nhỏ mà một người tu luyện gặp phải đều không ngẫu nhiên, đều nhằm mục đích đề cao tâm tính của họ. Tại sao tôi cứ mãi không hành xử theo yêu cầu của Pháp? Tôi có thật sự muốn tu luyện hay không? Tôi xem việc tu luyện là nghiêm túc hay chỉ là trò đùa con trẻ? Nếu tôi muốn làm người chân tu, tôi phải xin lỗi chồng càng sớm càng tốt, nếu không thì chỉ là giả tu mà thôi. Bởi vì trước đây tôi là người phụ nữ mạnh mẽ, chỉ cần chồng con làm gì đó không đúng tôi sẽ mắng ngay, chồng tôi còn bảo tôi giáo huấn ông ấy như một cô giáo dạy bảo học sinh vậy. Tôi chưa bao giờ trực tiếp xin lỗi ông ấy dù chỉ một lần.
Lần này, tôi nghĩ mình không thể lại làm Sư phụ thất vọng. Tôi chắc chắn sẽ làm theo tiêu chuẩn của Pháp. Tôi phải cảm ơn chồng và xin lỗi ông ấy. Nghĩ vậy, tôi vào bếp và nói: “Tôi xin lỗi ông, tôi đã sai rồi. Tôi không nên nói chuyện với ông như vậy. Sư phụ dạy tôi phải cư xử như một người tu luyện, mà vừa rồi tôi ghê gớm quá. Ông tha lỗi cho tôi nhé!” Không ngờ, chồng tôi nói: “Tôi cũng không phải. Đồ ăn đã nấu xong rồi, chúng ta ăn thôi”. Tôi sững người, ông ấy giục: “Bà mau đi dọn cơm đi”. Cảnh tượng trước đó giống như một cơn bão nhưng bây giờ đã trời êm bể lặng. Chúng tôi đã có một bữa ăn vui vẻ.
Từ lần đó đến nay, vợ chồng tôi không bao giờ to tiếng. Hơn nửa năm sau, khi con gái tôi thấy bố nói chuyện với tôi một cách lạnh lùng, nhưng tôi vẫn mỉm cười đáp lại, con gái nhìn bố rồi lại nhìn tôi, cười lớn và nói: “Mẹ ơi, mẹ thay đổi thật rồi!” Tôi nói: “Học thuộc Pháp quả thực đã giúp mẹ thay đổi. Con cũng nhanh chóng học thuộc Pháp đi”. Con gái nói: “Vâng!”
Phần kết
Qua quá trình học thuộc Pháp trong mấy năm qua, tôi nhận ra rằng nếu muốn đề cao trong tu luyện, cần phải làm những điều sau:
1. Tín Sư tín Pháp một trăm phần trăm. Làm bất cứ điều gì Sư phụ dạy và Pháp yêu cầu, không được sai kém. Chính vì trước đây tôi không làm được như vậy nên rốt cuộc đã lãng phí hơn 20 năm quý giá. Giờ đây nghĩ lại, tôi thực sự thấy hối hận!
2. Phải học Pháp thật thấu đáo, hiểu được nội hàm của từng câu Pháp tại tầng thứ của mình và thực hành theo đó. Chỉ bằng cách này chúng ta mới có thể dùng Pháp để đo lường mọi việc, việc gì phù hợp với Pháp thì làm, việc gì không phù hợp với Pháp cần lập tức quy chính. Như vậy chúng ta mới tránh đi đường vòng và bước đi vững chắc trên con đường tu luyện.
3. Tận dụng mọi thời gian để làm ba việc. Hiện giờ thời gian còn lại cho chúng ta thực sự ngày càng ít đi. Chúng ta không thể lãng phí thêm thời gian nữa và cố gắng sử dụng tất cả thời gian có được để học Pháp. Chỉ bằng cách học Pháp nhiều hơn và học Pháp tốt hơn chúng ta mới có thể hoàn thành tốt sứ mệnh trợ Sư cứu người, mới xứng đáng là một đệ tử Đại Pháp.
Tôi biết mình vẫn còn kém xa yêu cầu của Sư phụ và tiêu chuẩn của Đại Pháp, nhưng tôi quyết tâm vâng lời Sư phụ, nghiêm khắc yêu cầu bản thân, học Pháp thật nhiều, học Pháp thật tốt và kiên định theo Sư phụ trở về nhà!
Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/9/29/483315.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/9/30/221069.html
Đăng ngày 19-10-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.