Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc

[MINH HUỆ 03-08-2024]

Họ và tên: Lưu Tường
Tên tiếng Trung: 刘祥
Giới tính: Nam
Tuổi: 75
Thành phố: Thiết Lực
Tỉnh: Hắc Long Giang
Nghề nghiệp: Chưa biết
Ngày mất: Ngày 28 tháng 2 năm 2024
Ngày bắt giữ gần nhất: Ngày 7 tháng 6 năm 2018
Nơi giam giữ cuối cùng: Trại tạm giam thành phố Thiết Lực

Ông Lưu Tường ở thành phố Thiết Lực, tỉnh Hắc Long Giang đã qua đời vào ngày 28 tháng 2 năm 2024, hưởng dương 75 tuổi. Ông Lưu ra đi để lại người vợ 76 tuổi, hai con gái và một con trai.

Sự ra đi của ông Lưu đã kết thúc cuộc bức hại hàng thập kỷ cùng với vợ ông là bà Lý Tú Vinh vì cùng chung đức tin vào Pháp Luân Công. Kể từ khi chính quyền cộng sản Trung Quốc ra lệnh bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, ông Lưu đã bị bắt giữ 6 lần và bà Lý bị bắt giữ 5 lần. Cả hai vợ chồng đều thụ án tại trại lao động cưỡng bức và bị kết án tù cùng với quản chế vào năm 2018.

Dưới đây là lời kể của ông Lưu vào năm 2019 về cuộc bức hại mà ông và vợ phải chịu đựng.

Vụ bắt giữ lần 1: Bị giam giữ 7 tháng

Tôi bị bắt giữ lần đầu vào tháng 4 năm 2002 sau khi bị trình báo vì photo tài liệu Pháp Luân Công. An Tích Quân, phó trưởng Đồn Công an thị trấn Song Phong, đưa tôi tới đồn công an. Trong khi đó, Quách Hỷ Quyền (giáo đạo viên) dẫn theo hai cảnh sát là Chu Nham và Trương Vĩnh Khiêm tới lục soát nhà tôi. Họ tịch thu các sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công, các băng nhạc luyện công và băng hình các bài giảng Pháp Luân Công của tôi. Vợ tôi cũng bị đưa tới đồn công an để thẩm vấn. Sau đó, cả hai chúng tôi bị đưa tới Trại tạm giữ thành phố Thiết Lực.

Trong khi chúng tôi bị giam giữ, cảnh sát thường sách nhiễu người thân của chúng tôi và tống tiền họ 4.000 nhân dân tệ. Ban đầu, cảnh sát nói rằng họ sẽ giam giữ chúng tôi 15 ngày nhưng 7 tháng sau đó họ mới thả chúng tôi.

Vụ bắt giữ lần 2: Án lao động cưỡng bức

Cả hai vợ chồng tôi đều bị bắt giữ vào tháng 5 năm 2004 vì phân phát tài liệu Pháp Luân Công. Vương Ngọc Trương, Trưởng Đồn Công an Vệ Quốc, đã thẩm vấn chúng tôi. Bởi chúng tôi từ chối trả lời thẩm vấn, nên đã bị họ đánh đập, tát vào mặt và còng lại. Cảnh sát đưa vợ tôi về nhà và lục soát nơi ở của chúng tôi. Tài liệu Pháp Luân Công của chúng tôi bị tịch thu lần nữa.

Sau khi đưa chúng tôi tới Trại tạm giữ thành phố Thiết Lực, cảnh sát thường xuyên quay lại thẩm vấn chúng tôi. Tôi bị kết án 1 năm 9 tháng tại Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa và vợ tôi bị kết án một năm tại Trung tâm Cai nghiện Ma túy Cáp Nhĩ Tân mà không thông qua thủ tục pháp lý. Do tình trạng sức khỏe của vợ tôi yếu, trung tâm này đã từ chối tiếp nhận bà và đưa bà trở lại trại tạm giữ. Bởi tình trạng sức khỏe của bà tiếp tục suy giảm, cuối cùng trại tạm giữ đã cho bà về nhà vì sợ rằng bà có thể chết trong nhà giam của họ.

Tại Trung tâm Tẩy não Tuy Hóa, mỗi người trong số hơn 200 học viên Pháp Luân Công tại đây đều bị hai tù nhân giám sát cả ngày lẫn đêm. Chúng tôi không được phép nói chuyện hay đi lại xung quanh mà chưa có sự đồng ý của họ. Mỗi ngày, họ buộc chúng tôi ngồi trên ghế đẩu nhỏ mà không được cử động và phải giữ thẳng lưng. Những người từ chối từ bỏ Pháp Luân Công còn bị cấm ngủ.

Một lính canh họ Triệu từng dùng giày của mình để giẫm nát ngón chân của một học viên. Móng chân của học viên bị bong ra. Ngón chân cái chảy nhiều máu và bầm tím. Tôi cũng nhìn thấy lính canh Thạch Kiếm đánh vào trán học viên Lý Thiếu Khiết, khiến trán ông bị sưng tấy và bầm tím. Đội trưởng Điêu Tuyết Tùng đã tát vào mặt ông Lý. Năm chiếc răng của ông đã rơi ra.

Chúng tôi còn bị biệt giam, sốc điện bằng dùi cui điện và bị đốt bằng thuốc lá. Ngoài việc bị ngược đãi về thân thể, chúng tôi còn bị buộc phải lao động cưỡng bức ít nhất 16 giờ một ngày mà không được trả công. Nếu chúng tôi không thể hoàn thành sản lượng hàng ngày, lính canh Kim Khánh Phú sẽ sử dụng roi tre để quất chúng tôi.

Khi thời hạn án lao động của tôi kết thúc vào tháng 9 năm 2005, Trần Thiết, trưởng Phòng 610 thành phố Thiết Lực và Nhiếp Vĩnh Lợi, giáo đạo viên của Đồn Công an thị trấn Song Phong, buộc gia đình tôi trả 500 nhân dân tệ trước khi trả tự do cho tôi.

Vụ bắt giữ lần 3: Bị kết án lao động cưỡng bức, từ chối tiếp nhận do sức khỏe yếu

Tháng 12 năm 2007, tôi được lệnh phải báo cáo cho Đồn Công an thị trấn Song Phương và ký tuyên bố từ bỏ Pháp Luân Công. Tôi từ chối hợp tác. Cảnh sát chỉ đạo cho giáo đạo viên Nhiếp tới nhà tôi và ra lệnh cho cảnh sát Lưu Xuân Giang và Chu Nham đến lục soát nhà tôi. Các sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công và các đồ vật mà tôi sử dụng để luyện các bài công pháp bị tịch thu. Trưởng công an Triệu Vận Khôn đã đánh đập và thẩm vấn tôi. Tôi bị đưa tới Trại tạm giữ thành phố Thiết Lực vào tối cùng ngày.

Cảnh sát cùng trưởng Phòng 610 Trần đã tới trại tạm giữ vào sáng ngày hôm sau và tiếp tục thẩm vấn tôi. Họ đã sử dụng chiếc thắt lưng có khóa kim loại để quất tôi. Khi tôi ngất xỉu vì đau đớn, họ đã đổ nước lạnh lên tôi để tôi tỉnh và tiếp tục đánh đập tôi. Tôi bị tra tấn hơn 4 giờ đồng hồ. Miệng của tôi đầy máu và bị bầm tím khắp người.

Sau đó, cảnh sát đưa tôi tới Trại Lao động Cưỡng bức Tuy Hóa để thụ án lần nữa. Tôi thậm chí không biết án lao động kéo dài bao lâu. Bởi sức khỏe tôi rất yếu, trại lao động đã từ chối nhận tôi. Tôi bị đưa trở lại trại tạm giữ và được trả tự do vào tháng 4 năm 2008 khi tình trạng của tôi tồi tệ hơn.

Vụ bắt giữ thứ 4: Gia đình bị cảnh sát tống tiền

Tháng 12 năm 2011, cảnh sát Lương Hỷ Văn của Đồn Công an thị trấn Song Phương và Vương Nhị Song của Sở cảnh sát Lâm Nghiệp xông vào nhà tôi và lục soát. Họ lấy đi các sách Pháp Luân Công, ảnh chân dung Nhà sáng lập Pháp Luân Công, bốn điện thoại di động, một đĩa DVD và các tài sản khác của tôi.

Cả tôi và vợ đều bị đưa tới Sở Cảnh sát Lâm Nghiệp. Vương đã tra tấn bà ấy trên ghế cọp. Khi bà ngất xỉu, ông ta đổ nước lạnh lên người bà và tiếp tục tra tấn khi bà tỉnh lại. Bà đã suýt chết. Trong suốt vài ngày bị giam giữ tại đây, chúng tôi bị cấm ngủ và không được cung cấp thức ăn.

Sau đó, cảnh sát đưa tôi tới Nhà tù Lâm Nghiệp và đưa vợ tôi tới Nhà tù Thiết Lực. Bà bị buộc phải đeo cùm 15kg và thường bị hai tù nhân đánh đập và lăng mạ.

Quan chức Sở Cảnh sát Lâm Nghiệp thường sách nhiễu gia đình tôi và đe dọa kết án vợ chồng tôi nếu họ không nộp tiền cho cảnh sát. Anh vợ tôi cũng buộc phải chiêu đãi cảnh sát một bữa ăn và trả họ 3.000 nhân dân tệ. Ngay sau đó, chúng tôi được trả tự do.

Vụ bắt giữ lần thứ 5: Đối mặt với truy tố

Nhưng chỉ vài tuần sau khi chúng tôi được trả tự do, cảnh sát lại trình hồ sơ vụ án của chúng tôi tới viện kiểm sát và viện kiểm sát này đã truy tố chúng tôi rồi chuyển hồ sơ tới Tòa án Lâm Nghiệp. Để tránh bị kết án, tôi và vợ buộc phải sống phiêu bạt xa nhà. Nhưng cảnh sát tiếp tục sách nhiễu người thân của chúng tôi gồm hai con gái sinh sống ở thành phố khác.

Tôi bị bắt giữ tại thành phố An Sơn, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 23 tháng 10 năm 2027. Sau vài ngày giam giữ tại trại tạm giam An Sơn, tôi bị chuyển tới trại tạm giam thành phố Thiết Lực. Tôi bị cưỡng bức lau dọn các phòng và thường xuyên bị tù nhân đánh đập và lăng mạ.

Lý Di của Viện Kiểm sát Lâm Nghiệp đã giả mạo bằng chứng để buộc tội tôi. Sau đó, ông ta chuyển hồ sơ vụ án của tôi tới Viện Kiệm sát huyện Nam Xóa, viện kiểm sát này giao cho công tố viên Hứa Vĩnh Tường và Đường Hạo đến lấy lời khai của tôi nhiều lần. Sau khi vụ án của tôi được chuyển tới Tòa án huyện Nam Xóa, thẩm phán Vương Hiểu Đông và Lý Hạo cũng tới lấy lời khai của tôi.

Do tình trạng sức khỏe khẩn cấp, tôi được đưa tới phòng cấp cứu của bệnh viện vào ngày 10 tháng 2 năm 2018. Giám đốc trại tạm giam sợ rằng tôi có thể chết trong khi đang bị giam giữ và ngay sau đó đã cho tôi được bảo lãnh tại ngoại.

Vụ bắt giữ lần thứ 6: Bị kết án tù cùng với quản chế và bị phạt

Vợ tôi bị bắt giữ ở huyện Đài An, tỉnh Liêu Ninh vào ngày 19 tháng 12 năm 2017. Sau khi giam giữ một đêm tại trại tạm giam An Sơn, vợ tôi bị đưa tới trại tạm giam Y Xuân. Bà ấy bị buộc phải lau dọn các phòng và bị tù nhân giám sát nghiêm ngặt. Họ cho quá nhiều muối vào thức ăn, nước uống của bà và sẽ đánh đập bà nếu bà từ chối ăn chúng. Tù nhân đứng đầu đã buộc vợ tôi vệ sinh cơ thể cho cô ta khi cô ta đến kỳ kinh nghuyệt. Vợ tôi cũng nói với tôi rằng chính quyền thường thu thập mẫu máu của bà ấy, mẫu máu có thể được đưa vào cơ sở dữ liệu để lấy nội tạng. Bà phải chật vật với sức khỏe yếu do sự ngược đãi và bà bị sốc nhiều lần.

Tôi bị quan chức của Sở Cảnh sát thành phố Thiết Lực, tỉnh Liêu Ninh bắt giữ lần nữa tại thành phố Hải Thành vào ngày 7 tháng 6 năm 2018. Hai ngày sau, vợ tôi và tôi buộc phải hầu tòa cùng nhau tại Tòa án huyện Nam Xóa. Vợ tôi đã ngất xỉu trong phiên tòa xét xử. Họ đã hồi sức cho bà và tiếp tục phiên tòa xét xử. Thẩm phán Lý Bình đã kết án tôi một năm tù, một năm quản chế cùng 1.000 nhân dân tệ tiền phạt và kết án vợ tôi sáu tháng tù, một năm quản chế cùng 1.000 nhân dân tệ tiền phạt. Thư ký Tòa án Chu Đông Đế cũng có mặt tại phiên tòa.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/8/3/480433.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/8/4/219373.html

Đăng ngày 18-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share