Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 06-07-2024] Khi phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công vào năm 1999, Giang Trạch Dân, cố lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc, ban hành 3 chính sách bức hại: “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể” các học viên Pháp Luân Công. Trong những năm gần đây, việc bức hại về tài chính đối với các học viên Pháp Luân Công đã leo thang, đặc biệt thông qua hình thức đình chỉ lương hưu của các học viên.

Ở Trung Quốc, người lao động ở thành thị bắt đầu được nhận lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu. Hệ thống hưu trí bao gồm 3 nguồn: lương hưu từ chính phủ, từ người sử dụng lao động và tiền tiết kiệm cá nhân. Hai nguồn đầu được quản lý tập trung, và được các cơ quan an sinh xã hội phân bổ.

Những năm gần đây, các học viên Pháp Luân Công bị đình chỉ lương hưu trong khi thụ án tù oan sai vì đức tin, hoặc bị yêu cầu hoàn lại khoản lương hưu đã nhận trong thời gian thụ án trước khi tiếp tục được nhận lương hưu mới. Tệ hơn nữa, nhiều người bị sa thải vì kiên định đức tin, và bị xóa hết thâm niên làm việc, khiến họ không đủ điều kiện nhận bất kỳ khoản lương hưu nào.

Dưới đây là năm trường hợp các học viên Pháp Luân Công tại thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm bị bức hại tài chính.

Ông Quách Vân Khánh, vợ ông bà Đỗ Hồng Phương, và con trai, anh Quách Phương Nhiệm, từng là một gia đình hạnh phúc. Nhưng từ khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, ông Quách bị bắt giữ nhiều lần, và từng bị kết án 14 năm tù sau lần bắt giữ vào năm 2007. Bà Đỗ bị bại liệt sau 8 năm bị cầm tù và tra tấn, và con trai họ bị đuổi học và bị miệt thị ở mọi nơi mà anh tới.

3ff0e14d9b643357b1a23016a3b5144b.jpg

Bà Đỗ Hồng Phương và con trai 12 tuổi trước khi bị bức hại

9bda470f3fed6b6ad358dd55c5f006e2.jpg

Bà Đỗ Hồng Phương sau khi bị bại liệt do tra tấn trong tù

Phòng An sinh Xã hội đình chỉ lương hưu của ông Quách vào tháng 6 và của bà Đỗ vào tháng 7 năm 2020. Chính quyền thông báo đối với những người có tiền án, thì thời gian làm việc trước năm 1987 không được cộng thâm niên để tính lương hưu, và đối với thời gian làm việc sau năm 1987 thì sẽ bị khấu trừ thời gian họ ngồi tù.

Ông Quách bắt đầu làm việc từ năm 1976, và bà Đỗ là vào năm 1986. Họ bị cầm tù, lần lượt là 14 năm và 8 năm. Do đó, ông Quách bị khấu trừ 25 năm (11 năm trước 1987 và 14 năm trong tù) khỏi 45 năm lao động (tính đến năm 2020). Bà Đỗ mất 9 năm (1 năm trước 1987 và 8 năm trong tù) bị khấu trừ khỏi 35 năm lao động của bà (tính đến năm 2020). Với thâm niên còn lại ít ỏi sau khi bị khấu trừ, chính quyền đã đình chỉ lương hưu của họ.

Ngoài việc đình chỉ lương hưu, đôi vợ chồng này còn bị tịch thu hơn 100.000 Nhân dân tệ trong một lần truy bắt của cảnh sát vào năm 2007, khiến tài chính của họ ngày càng túng quẫn hơn.

Bà Văn Thục Kiệt bị vẹo cột sống bẩm sinh. Bà bị bắt vào ngày 25 tháng 4 năm 2009, sau đó bị kết án 7 năm tù. Khi đang thụ án tại Nhà tù Nữ Hắc Chủy Tử, bà bị tẩy não tăng cường, và bị bắt ngồi bất động trên ghế nhỏ trong nhiều giờ. Bà mãn hạn vào ngày 24 tháng 4 năm 2016. Phòng An sinh Xã hội đã đình chỉ lương hưu của bà vào tháng 7 năm 2020.

Bà Mễ Hồng, 58 tuổi, bị kết án 3 năm lao động cưỡng bức vào những năm đầu của cuộc bức hại, và 8 năm tù vào năm 2008. Bà bị tra tấn tàn bạo tại Trại Lao động Cưỡng bức Hắc Chủy Tử và Nhà tù Nữ Tỉnh Cát Lâm. Vào nửa đầu năm 2024, Sở An sinh Xã hội và Nhân lực Thành phố Cát Lâm thông báo thâm niên làm việc của bà bị xóa hết, và bà phải trả lại 180.000 Nhân dân tệ lương hưu đã nhận trong những năm qua.

Ông Mã Bình, cựu giám đốc Văn phòng Giám sát Ngân hàng Nông nghiệp Cát Lâm, bị Tòa án Quận Phong Mãn kết án 4 năm tù vào tháng 3 năm 2009. Cảnh sát tiếp tục sách nhiễu ông sau khi được thả. Cũng trong nửa đầu năm 2024, Sở An sinh Xã hội và Nhân lực Thành phố Cát Lâm xóa bỏ 4 năm tù của ông ra khỏi hồ sơ làm việc. Thâm niên làm việc của ông trước khi cải cách lương hưu để Sở An sinh Xã hội quản lý tập trung cũng bị khấu trừ, vì cơ quan của ông chỉ đóng góp vào tài khoản lương hưu của ông tại Sở An sinh Xã hội sau khi cải cách lương hưu. Việc khấu trừ những khoảng thời gian này đã cắt giảm nghiêm trọng bậc lương hưu, cũng như khoản thanh toán tương ứng của ông.

875eb8cdbdedcd2e7da52bcd6b560241.jpg

Ông Mã Bình

Bà Lý Lệ Văn, 60 tuổi, một giáo viên về hưu, bị bắt vào ngày 19 tháng 7 năm 2019, và bị kết án 3 năm tù vào tháng 11 cùng năm. Khi được thả vào ngày 21 tháng 4 năm 2022, bà phát hiện lương hưu của mình đã bị đình chỉ.

Bản quyền © 2024 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2024/7/6/479351.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2024/7/26/219216.html

Đăng ngày 02-08-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share