Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-11-2023] Bố chồng tôi đã sống cùng chúng tôi suốt hơn 10 năm qua do sức khỏe yếu. 10 năm qua đối với tôi mà nói quả thực là một quá trình đề cao trong tu luyện.
Khi bố chồng tôi chuyển đến, ông hành xử như thể ông là chủ ngôi nhà và thiết lập các quy tắc mà chúng tôi phải tuân theo. Ông thường xuyên gây sự với chúng tôi. Ông nói bát cơm đáy nhỏ quá khó cầm và nhất quyết yêu cầu chúng tôi mua cho ông chiếc bát mới. Vào buổi sáng, khi chồng tôi tắt chăn điện để đảm bảo an toàn (do có thông tin có trường hợp chăn điện bị cháy), ông phàn nàn chúng tôi chỉ quan tâm đến việc tiết kiệm tiền điện. Khi chúng tôi mua một chiếc giường mới cho ông, ông nói giường mỏng quá, nằm không vững, đang ngủ có thể bị ngã thì phải làm sao?
Khi chồng tôi tỏ ra mất kiên nhẫn với ông, tôi đều nhẫn nại khuyên can, tôi tự nhắc nhở mình là một học viên Pháp Luân Đại Pháp, bất cứ sự việc gì xảy ra đều là cơ hội để đề cao tâm tính bản thân.
Sư phụ giảng:
“thì bình thường chúng ta [luôn] phải bảo trì tâm từ bi, tâm thái hoà ái. Khi đột nhiên gặp một vấn đề nào đấy, thì chư vị sẽ có thể xử lý nó được tốt. [Nếu] thông thường toàn tâm của chư vị luôn hoà ái từ bi như thế, [thì] khi đột nhiên xuất hiện vấn đề, chư vị sẽ có thêm một khoảng hoà hoãn, [để] cân nhắc thêm.” (Bài giảng thứ tư, Chuyển Pháp Luân)
Tuy nhiên, tu luyện đâu có thuận buồm xuôi gió như vậy, sau khi tôi nghỉ hưu vào năm 2017, có nhiều thời gian hơn, mỗi ngày chăm lo ba bữa ăn cho bố chồng, mỗi ngày đều tương tác trực tiếp với ông, những vấn đề phản ánh ra ngày càng nhiều hơn.
Chủ yếu là thói quen sinh hoạt khác biệt quá nhiều. Ông thường xuyên làm bẩn bồn cầu, nhổ thức ăn lên bàn và thậm chí lên tường. Tôi nghĩ, ông ấy tuổi đã cao, không khống chế tốt bản thân, làm bẩn chỗ nào thì tôi dọn dẹp chỗ đó. Tuy nhiên, có một điều tôi không thể chấp nhận được là ông luôn khạc nhổ vào bồn rửa mà sau đó không xả nước để rửa đi. Tôi nhẹ nhàng nói với ông: “Ba ơi ba có thể khạc vào khăn giấy rồi vứt vào thùng rác hoặc xả nước sạch bồn rửa giúp con được không?” Ông gật đầu đồng ý nhưng vẫn tiếp tục làm như vậy. Hai tháng sau tôi lại nhắc ông, ông nói được, nhưng vẫn không thay đổi. Hai tháng nữa lại trôi qua, khi tôi lại nhắc ông một lần nữa, ông liền nổi giận. Tôi không hiểu sao ông lại trở nên giận giữ. Tôi không nói gì nhưng không thể buông bỏ trong tâm.
Tôi cố gắng hướng nội: “Mình là một người tu luyện, lỗi sai đều ở mình, mặc dù mình không hận ông ấy, nhưng cũng không thích ông ấy. Tại sao tôi lại không thích ông ấy? Vấn đề này khiến tôi băn khoăn suốt mấy năm qua.”
Một hôm tôi về nhà mẹ đẻ và chia sẻ với một đồng tu ở đó. Chị ấy hỏi tôi: “Nếu mẹ của em cũng hành xử giống như bố chồng em thì em có khó chịu đến thế không?” Tôi nói: “Không.” Thực ra mẹ tôi đã không thể tự chăm sóc bản thân trong nhiều năm nhưng tôi không hề phàn nàn khi chăm sóc bà. Đồng tu nói: “Đó, đó chính là vấn đề. Em chưa bao giờ chăm bố chồng em như bố mẹ đẻ của mình.”
Tôi hoàn toàn đồng ý với lời chia sẻ đó. Vì tôi không đối xử với ông ấy như cha ruột của mình nên trong lòng tôi đã trách móc và coi thường ông ấy. Tôi nhận ra rằng mình thật ích kỷ. Làm sao tôi có thể đề cao nếu không tu bỏ điều đó? Nếu bố chồng tôi là một khảo nghiệm giúp tôi tu bỏ tâm ích kỷ trên con đường tu luyện, thì tôi nên cư xử như thế nào?
Nhận ra điều này, tôi đột nhiên cảm thấy thân tâm vô cùng nhẹ nhõm, cảm thấy cả trường không gian trở nên kiền tịnh, trong sạch.
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/14/468157.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/22/213433.html
Đăng ngày 28-02-2024; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.