Bài viết của các phóng viên Minh Huệ Hạ Vân và Lưu Văn Hân tại Đài Bắc
[MINH HUỆ 10-12-2023] Ngày 10 tháng 12 năm 2023, Hội nghị Chia sẻ Trải nghiệm Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) Đài Loan đã được tổ chức tại Nhà thi đấu Bóng rổ Hòa Bình ở thủ đô Đài Bắc. Hơn 6.000 học viên đến từ nhiều vùng miền của Đài Loan, Hàn Quốc, Hồng Kông và Nhật Bản, đã tới tham dự Pháp hội. 18 học viên đã chia sẻ những trải nghiệm tu luyện của bản thân trên bục thuyết trình trong bầu không khí thần thánh và thiêng liêng. Các học viên tham gia đã được khích lệ rất lớn từ những bài chia sẻ này.
Học viên tham dự Pháp hội ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nhiều người trong số họ là những học viên trẻ bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ nhỏ cùng với cha mẹ và lớn lên dưới sự dẫn dắt của nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn của Pháp Luân Đại Pháp. Các bài chia sẻ khiến họ rất cảm động và nhận ra khoảng cách của bản thân, đồng thời cũng khích lệ họ quyết tâm tu luyện tinh tấn.
Hy vọng sẽ luôn ghi nhớ mình là người tu luyện
Cô Lâm Úc Đình đang theo học chuyên ngành tiếng Trung tại Đại học Quốc gia Gia Nghĩa. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi mới 5 tuổi cùng với mẹ của cô. Cô cho biết cô rất cảm động trước các bài chia sẻ của các học viên và thực sự ấn tượng với những học viên có thể hướng nội và nhìn nhận mọi việc trong cuộc sống hàng ngày từ quan điểm của một người tu luyện. Cô nhận ra những phương diện mình còn thiếu sót và cô luôn suy nghĩ làm sao để có thể cải thiện bản thân.
Cô Lâm Úc Đình, sinh viên năm thứ 3 chuyên ngành tiếng Trung tại Đại học Quốc gia Gia Nghĩa
Một học viên chia sẻ rằng cô ấy đã từng bị tai nạn xe hơi. Cô Úc Đình cho biết khi lái xe cô cũng dễ trở nên bực bội giống như người học viên kia. Cô đã đối đãi với việc lái xe bằng quan điểm của người thường thay vì từ cơ điểm của một người tu luyện. Trong những lúc đó, cô đã không tu luyện tâm tính của bản thân. Bài chia sẻ của người học viên đã nhắc nhở cô rằng cô cần phải luôn tu luyện tâm tính và coi bản thân là một người tu luyện trong cuộc sống hàng ngày.
Thông qua tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, Úc Đình có thể xử lý áp lực và mâu thuẫn với một tâm thái tích cực. Đồng thời, Đại Pháp đã khai mở trí huệ cho cô. Con người ngày nay có xu hướng đối mặt với áp lực một cách thụ động hoặc với thái độ tiêu cực. Nhưng với sự chỉ dẫn của nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, cô Úc Đình có thể đối đãi với nó bằng một tâm thái tường hòa và tích cực. Cô cho hay khi cô nghiên cứu triết học hay nhiều trường phái tư tưởng khác nhau ở trường đại học, cô nhận thấy Pháp Luân Đại Pháp bao hàm tất cả mọi khía cạnh trong các bài giảng của những môn này.
Cô cho biết: “Sư phụ đã dạy cho chúng ta về các triết lý này từ một góc độ đơn giản và toàn diện hơn”. Cô có thể nhìn nhận các nguyên lý mà cô đã học [trong trường đại học] từ một góc độ cao hơn và vĩ mô hơn.
Sau khi đọc ba kinh văn gần đây của Sư phụ, “Vì sao có nhân loại”, “Tại sao cần phải cứu độ chúng sinh” và “Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc”, cô nhận ra đạo đức của con người quan trọng nhường nào. Cô nói: “Nếu mỗi người chúng ta có thể giữ vững đạo đức và làm việc tốt thì xã hội sẽ trở nên tốt đẹp hơn, tạo thành một vòng tuần hoàn tốt đẹp và tử tế”. Cô cho hay các kinh văn mới của Sư phụ có thể chỉ dẫn và giúp chúng ta làm tốt hơn.
Phân biệt rõ tốt xấu và không chạy theo thời thế
Cô Lã Huệ Hinh đến từ Malaysia. Cô đang theo học chuyên ngành quản lý kế toán tại Đại học Quốc gia Tôn Dật Tiên. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng cha mẹ từ khi còn nhỏ. Sau khi nghe các bài chia sẻ tại Pháp hội, cô nhận ra rằng cô đã không làm tốt ở nhiều sự việc nhỏ trong cuộc sống hàng ngày. Trước đây, cô đã không để ý tới chúng. Cô cho hay cô sẽ đặc biệt chú ý và cố gắng tu luyện bản thân ở những phương diện này.
Một học viên đã đề cập rằng coi thường người khác là một biểu hiện của tâm tật đố. Cô cho hay: “Điều này đã nhắc tôi phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ của chấp trước đó. Tâm tật đố còn gây ra tâm hiển thị và tâm sợ mất mặt”.
Cô Lã Huệ Hinh, sinh viên năm thứ 4 tại Đại học Quốc gia Tôn Dật Tiên.
Cô Huệ Hinh cho hay tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã giúp cô cải thiện mối quan hệ với những người khác và giúp cô học tập tốt. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp khi cô đang học lớp 1. Cô đã học cách giải quyết nhiều vấn đề chiểu theo nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn, luôn cân nhắc tới người khác trước và làm tốt nhất có thể. Cô đã thay đổi tâm tính để trở nên tốt hơn và hòa đồng với các bạn cùng lớp. Thông qua học Pháp và luyện công, cô không những trở nên tường hòa và tĩnh tại mà còn có thể hoàn thành bài tập về nhà hiệu quả hơn.
Sau khi đọc các kinh văn mới công bố gần đây của Sư phụ Lý (nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp), cô đã nhận ra sự nghiêm túc của tu luyện. Cô chia sẻ: “Có thể đắc được Pháp này quả là không dễ dàng gì. Hơn nữa, chúng ta còn có sứ mệnh, vậy nên chúng ta cần phải nghiêm khắc với bản thân”. Cô nói rằng cô thật may mắn khi đã bước vào tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ khi còn nhỏ, “Đạo đức [nhân loại] đang trượt trên dốc lớn, cám dỗ có ở khắp mọi nơi. Nhưng nhờ Đại Pháp dẫn lối, tôi có thể phân biệt đúng sai và sẽ không mù quáng chạy theo thời thế. Tôi sẽ trân quý cơ hội này để tu luyện [tinh tấn] hơn nữa”.
Được khích lệ to lớn từ các bài chia sẻ
Anh Lý Gia Duy mới tốt nghiệp chuyên ngành kỹ thuật cơ-điện tại Đại học Quốc gia Tôn Dật Tiên trong năm nay. Anh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng với mẹ từ khi còn nhỏ. Anh cho hay tu luyện Pháp Luân Đại Pháp đã khiến anh trở thành một người tốt hơn. Anh có thể bảo trì một thái độ tích cực và lạc quan khi gặp khổ nạn. Anh luôn nhắc nhở bản thân rằng mình là một người tu luyện. Nhờ có Pháp Luân Đại Pháp, anh cảm thấy càng trưởng thành anh càng kiên định và vững vàng hơn.
Anh Lý Gia Duy, sinh viên mới tốt nghiệp tại Đại học Quốc gia Tôn Dật Tiên
Anh cho biết: “Mỗi bài chia sẻ của các học viên đều khích lệ tôi rất nhiều. Mọi người đều đối đãi nghiêm túc với việc tu luyện của bản thân. Họ hướng nội và đo lường mọi thứ trong cuộc sống hàng ngày theo tiêu chuẩn của Pháp. Họ tu luyện bản thân và giảng chân tướng cho mọi người. So với họ, tôi thấy mình không tinh tấn được như vậy và tôi vẫn truy cầu những thứ của người thường. Tôi đã nhìn ra những thiếu sót của mình và khoảng cách giữa tôi với họ”.
Một học viên chia sẻ rằng khi xảy ra mâu thuẫn với người khác tại nơi làm việc, anh đã không nhận ra vấn đề của mình. Anh đã phàn nàn về việc này và kết bè phái để xử lý người kia. Tuy nhiên, sau khi học các kinh văn gần đây của Sư phụ, anh đã hướng nội, tìm ra các chấp trước và chính lại chúng theo Pháp. Anh Gia Duy cho hay anh có cuộc sống khắc nghiệt trong môi trường quân đội và thường hay phàn nàn về người khác khi họ làm không tốt hoặc làm gì ảnh hưởng đến anh. Anh đã được khích lệ rất lớn từ bài chia sẻ của người học viên này.
Sau khi đọc bài kinh văn mới của Sư phụ “Tu luyện Đại Pháp là nghiêm túc”, anh Gia Duy nhận ra tầm quan trọng của việc tu luyện. Anh ngộ ra rằng để có thể trở thành một đệ tử Đại Pháp, trước khi chuyển sinh anh đã phải lập thệ ước bằng cả sinh mệnh của mình. Vì vậy, anh cần phải đối đãi nghiêm túc với thệ ước này. Anh cũng có nhận thức sâu sắc hơn về sứ mệnh của người tu luyện.
Tu luyện như thuở ban đầu
Cô Tăng Úc Lan là học cao học chuyên ngành lịch sử tại Đại học Quốc gia Thành Công. Cô bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng gia đình từ hồi cô học trung học cơ sở. Thông qua các bài chia sẻ của các học viên về cách để tu luyện tinh tấn như thuở ban đầu và vượt qua các khảo nghiệm về danh, lợi, tình, cô Úc Lan đã hiểu rõ hơn làm sao để làm được như vậy.
Cô Tăng Úc Lan đang học cao học tại Đại học Quốc gia Thành Công.
Cô Úc Lan rất cảm động trước bài chia sẻ của một học viên trẻ vốn là con gái lớn trong gia đình. Cô Úc Lan cũng là chị cả trong gia đình và cô cũng có tâm tranh đấu giống như học viên đó. Trong cuộc sống hàng ngày và trong học tập, cô luôn cố gắng trở thành người giỏi nhất để chứng tỏ bản thân và làm gương tốt cho các em. Cô nhận ra đằng sau tâm tranh đấu là chấp trước vào danh và tâm sợ mất mặt. Khi cố gắng làm việc, cô luôn mong được người khác ghi nhận. Đây là biểu hiện của việc truy cầu danh lợi cho bản thân.
Khi nghe một học viên chia sẻ rằng thuở mới bắt đầu tu luyện, mỗi ngày cô ấy đều đọc hết một cuốn sách của Pháp Luân Đại Pháp. Cô Úc Lan cho hay điều này nhắc cô phải hướng nội xem liệu cô có tu luyện như thuở đầu và có thực sự hiểu Pháp khi học hay không.
Sau khi đọc những kinh văn gần đây của Sư phụ, cô Úc Lan đã ngộ ra được rất nhiều điều. Cô nói: “Chúng ta đã chờ đợi thời kỳ này trong luân hồi đằng đẵng. Chúng ta cần phải trân quý cơ duyên, tu luyện bản thân và thức tỉnh những người hữu duyên xung quanh.”
Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/12/15/469304.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/12/20/213399.html
Đăng ngày 27-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.