Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-11-2023] Một người phụ nữ 50 tuổi ở huyện Nông An, tỉnh Cát Lâm đã bị kết án 3,5 năm tù và phạt tiền 10.000 Nhân dân tệ vào ngày 18 tháng 8 năm 2023 vì tu luyện Pháp Luân Công, một pháp môn tu luyện cả tâm lẫn thân đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bức hại từ tháng 7 năm 1999. Ba ngày sau phán quyết, bà Phan Diễm Quân đã nộp đơn kháng cáo và Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân vẫn đang xử lý vụ án.

2023-11-12-202457-0--ss.jpg

Bà Phan Diễm Quân.

Vụ bắt giữ ngày 2 tháng 3 năm 2023

Một nhóm cảnh sát của Đồn Công an thị trấn Thanh Sơn ở huyện Nông An đã đột kích vào ngôi nhà thời thơ ấu của bà Phan ở thôn Nam Đài Tử vào ngày 2 tháng 3 năm 2023. Sau đó, họ lại đột nhập vào nơi ở của bà tại huyện Nông An và bắt giữ bà. Ngày hôm sau, họ đưa bà tới Trại tạm giam huyện Nông An và bà hiện bà vẫn đang bị giam giữ tại cơ sở này.

Cảnh sát trưởng Lưu Hiểu Lâm đã chỉ đạo vụ bắt giữ và đề nghị truy tố bà tới Viện Kiểm sát huyện Nông An, sau đó chuyển hồ sơ lên Viện Kiểm sát thành phố Đức Huệ.

Gia đình bà Phan đã thuê luật sư từ Bắc Kinh làm đại diện. Tuy nhiên, Sở Cảnh sát huyện Nông An và Viện Kiểm sát Nhân dân huyện Nông An đã viện nhiều lý do khác nhau để không cho phép luật sư gặp gỡ thân chủ hoặc xem xét hồ sơ vụ án của bà (khi đó hồ sơ đang được Viện kiểm sát huyện thụ lý). Vì vậy, luật sư đã từ bỏ việc bào chữa cho bà.

Luật sư thứ hai mà gia đình bà Phan thuê được xem hồ sơ vụ án nhưng chỉ sau khi chúng được nộp lên Tòa án thành phố Đức Huệ. Luật sư không được phép đến thăm bà tại trại giam. Giám đốc trại giam đã liệt kê hơn 12 điều kiện luật sư phải đáp ứng nếu muốn gặp bà Phan, mặc dù theo luật, luật sư bào chữa có quyền gặp gỡ thân chủ đang bị giam giữ mà không cần bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.

Vì không được tiếp cận hồ sơ vụ án nên luật sư của bà Phan không có điều kiện bào chữa tốt nhất cho bà.

Bị đưa ra xét xử vào ngày 13 tháng 7 năm 2023

Thẩm phán Cổ Hiểu Thu đã xét xử vụ án của bà Phan tại Tòa án thành phố Đức Huệ ngày 13 tháng 7 năm 2023. Người nhà bị cáo không được phép tham dự phiên tòa.

Công tố viên Vu Hiển Hạ cáo buộc bà Phan vi phạm Điều 300 Bộ Luật hình sự, trong đó quy định rằng bất kỳ cá nhân nào lợi dụng một tổ chức “tà giáo” để phá hoại việc thực thi pháp luật đều sẽ bị truy tố với khung hình phạt cao nhất của pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, Vu còn viện dẫn cơ sở pháp lý Điều 22 của Bộ luật hình sự, trong đó quy định trường hợp đương sự chỉ đơn thuần là chuẩn bị những phương tiện, dụng cụ hoặc những điều kiện cần thiết để phạm tội, nhưng chưa thực hiện hành vi phạm tội, có thể được hưởng hình phạt nhẹ hơn, thậm chí được miễn hình phạt.

Luật sư của bà Phan đã bác bỏ điều này và nói rằng chưa từng có luật nào hình sự hóa Pháp Luân Công hay gán nhãn pháp môn này là một tà giáo ở Trung Quốc. Hơn nữa, việc tu luyện Pháp Luân Công của bà Phan không gây hại cho bất kỳ ai nói riêng cũng như xã hội nói chung, càng không làm suy yếu việc thực thi pháp luật. Vì vậy, Điều 300 Bộ Luật hình sự không thể áp dụng đối với trường hợp của bà Phan.

Luật sư nói rằng viện dẫn của Vu tới Điều 22 của bộ luật hình sự cho thấy phía công tố viên không có đủ bằng chứng chứng minh bà Phan phạm tội theo Điều 300, vì vậy đã dẫn chiếu điều khoản áp dụng tội nhẹ hơn là “chuẩn bị phạm tội” được quy định tại Điều 22 để loại trừ việc áp dụng Điều 300 trong trường hợp này.

Những tuyên bố mâu thuẫn liên quan đến luật hiện hành như vậy có thể do áp lực từ chính quyền cấp trên nhằm hình sự hóa các học viên Pháp Luân Công, những người không vi phạm pháp luật khi thực hiện quyền tự do tín ngưỡng theo Hiến pháp.

Công tố viên đề nghị mức án nặng từ 3-7 năm tù đối với bà Phan.

Bị kết án vào ngày 18 tháng 8 năm 2023

Giữa tháng 11 năm 2023, gia đình bà Phan mới biết bà đã nhận được bản án vào ngày 18 tháng 8, trong đó nói rằng bà đã bị kết án 3,5 năm tù và phạt tiền 10.000 Nhân dân tệ. Ngày 25 tháng 8, bà đã nộp đơn kháng cáo lên Tòa án Trung cấp thành phố Trường Xuân.

Đây không phải là lần đầu bà Phan bị chính quyền nhắm mục tiêu vì kiên định đức tin của mình. Cả bà và chồng (cũng là học viên Pháp Luân Công) đã nhiều lần bị bắt giữ và sách nhiễu trong 24 năm của cuộc bức hại đã qua. Trong khoảng 4 đến 5 năm, cảnh sát đã giữ giấy tờ tùy thân của hai vợ chồng khiến họ gặp vô vàn khó khăn trong cuộc sống. Họ cũng không thể đến địa phương khác để làm việc, vay tiền hay làm những việc rất đỗi bình thường khác, vì tất cả đều yêu cầu phải có thẻ căn cước công dân ở Trung Quốc.

Bài liên quan:

Bà Phan Ngạn Quân bị xét xử vì tu luyện Pháp Luân Công

Bản quyền © 2023 Minghui.org. Mọi quyền được bảo lưu.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2023/11/13/468170.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2023/11/17/212964.html

Đăng ngày 01-12-2023; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share