Bài viết của đệ tử Đại Pháp tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 13-11-2022] Con xin kính chào Sư phụ từ bi! Kính chào các đồng tu!

Tôi là đệ tử Đại Pháp đắc Pháp năm 1998, cảm ân Sư phụ đã từ bi khổ độ! Dưới đây, tôi muốn chia sẻ thể hội tu luyện của tôi trong thời gian gần đây, mong các đồng tu giúp chỉnh lý, vừa để hồi báo lên Sư phụ, cũng là để cùng giao lưu cùng các đồng tu.

Cả nhà chúng tôi có bốn người, đều là đệ tử của Sư phụ. Tôi cùng con gái, con rể đều là đệ tử Đại Pháp trước ngày 20 tháng 7 năm 1999, còn cháu ngoại năm nay 15 tuổi, là tiểu đệ tử lớn lên trong Đại Pháp.

Tôi tính cách bộc trực, nhiệt tình; con gái tôi tâm địa thiện lương, đơn thuần; cháu ngoại người cao ráo, dịu dàng ít nói, thông minh, dễ thương, trước đây cháu học đàn tranh, giờ đang học đàn tỳ bà. Chúng tôi đều là người Đông Bắc, còn con rể là người miền Nam, không nói nhiều nhưng có chủ kiến, không giống với tính cách hướng ngoại của chúng tôi. Năm đó, vì con rể là đồng tu nên tôi chủ động khuyên con gái chia tay với bạn trai là người thường, rồi gả con gái cho con rể hiện nay, hơn con gái tôi vài tuổi, những mong ba người chúng tôi hình thành một chỉnh thể tu luyện, cùng tinh tấn trong Pháp.

Oán hận dồn tích thâm sâu

Hai, ba năm đầu sau khi cuộc bức hại xảy ra, ba người chúng tôi đã đi nhiều nơi để cùng nhau làm tài liệu, phát tài liệu chứng thực Pháp, phối hợp với nhau tương đối tốt. Trong 20 năm sau này, tôi luôn chấp trước vào trạng thái của con rể. Tôi không thích việc con rể tối nào cũng ra ngoài dạo bộ đến nửa đêm vẫn chưa về nhà, có khi còn ngủ trong công viên. Vì con rể tôi đã từng bị bắt, nên có thể do áp lực từ việc bị bức hại mà thành ra như vậy. Điều đó khiến tôi luôn có ấn tượng rằng con rể vẫn luôn ở trạng thái lúc tu lúc không.

Ban đầu, con rể tôi không có việc làm. Sau này, con gái tôi giới thiệu cho chồng một vài công việc. Hiện tại, công tác của con rể tôi rất tốt, mỗi tháng kiếm được 6.000-7.000 nhân dân tệ. Tiền lương kiếm được bao nhiêu con rể tự giữ hết, không đưa cho con gái tôi mà cũng rất ít khi mua đồ cho gia đình. Những thứ trong nhà như dầu, giấy ăn không vô duyên cớ gì mà cứ ít đi. Bởi con rể và con gái tôi tình cảm vẫn luôn rất lạnh nhạt. Tôi thấy sau khi con rể đi làm rất thích chưng diện, ngày nào cũng bảo làm tăng ca, về nhà khuya. Cả hai ngày thứ bảy, chủ nhật được nghỉ thì cũng chỉ ở nhà lơ vơ cả ngày. Có lần, con rể tôi nói làm tăng ca hai ngày cuối tuần, tôi đã không giữ vững tâm tính, liền âm thầm đến đơn vị của con rể để kiểm tra xem liệu con rể có tăng ca thật hay không. Kết quả, bảo vệ nói đơn vị họ thứ bảy, chủ nhật không tăng ca. Tôi liền biết ngay con rể từ trước đến nay vẫn luôn nói dối gia đình.

Vì con rể tôi nhiều năm qua vẫn luôn về nhà rất khuya, tôi lại biết việc nói dối làm tăng ca nên thường hoài nghi con rể có gia đình riêng bên ngoài. Người tu luyện mà có nhân tâm nặng đến vậy, cựu thế lực sẽ dùi vào sơ hở và gia cường những tư duy phụ diện ở tôi, đối với việc nghi ngờ con rể ngoại tình, trong đầu tôi luôn tự biên tự diễn ra mọi tình huống, hôm nay hoài nghi cái này, ngày mai lại hoài nghi cái kia. Rõ ràng là, tôi và con rể cùng sống dưới một mái nhà, là trạng thái gì vậy?! Con rể không hài lòng khi bị tôi quản, không hài lòng khi bị tôi hoài nghi. Tôi không hài lòng khi con rể không tu luyện tốt và bỏ bê gia đình. Chấp trước của tôi đối với con rể chưa buông bỏ hết, lúc tốt lúc không. Con rể đối với tôi lại càng giống như kẻ địch, còn xua đuổi tôi. Oán hận chất chứa đã lâu.

Mâu thuẫn đột nhiên xuất hiện

Cách đây hơn một tháng, một hôm, lúc gần trưa, tôi chuẩn bị nấu cơm trưa. Vì gạo cũ nên hơi bị mùi, tôi bèn vo kỹ, con rể thấy vậy liền quát lên: “Ai bảo mẹ vo thế? Ai bảo mẹ chà như thế? Vo gạo như thế thì mất hết cả dinh dưỡng.” Tôi không động tâm, nói: “Không vo thì mẹ ngâm vậy.” Con rể lại quát: “Ai bảo mẹ ngâm!” Lúc đó, cháu ngoại trong phòng nghe thấy, tức giận, vội chạy ra nói với bố: “Sao bố lại quát lên như vậy, bố lúc nào cũng quát bà ngoại. Nấu cơm thôi còn nấu sai được sao? Bố lại không cho vo cũng không cho ngâm.”

Cháu ngoại thấy tôi đi thái thịt, kích động nói với tôi: “Bà ngoại, bà đừng thái nữa, để cho bố con thái đi.” Cháu gái đẩy tôi vào phòng, rồi nói với bố cháu: “Bố lúc nào cũng ngang ngược với bà, một chút thái độ tường hòa cũng không có. Bố vừa về nhà liền phát hỏa, lúc nào cũng nổi cáu. Bà ngoại con đã nói gì nào? Bà chưa nói gì cả, mà bố đã tức giận. Chẳng ai nói gì, mà bố cứ nói.” Cháu ngoại giận muốn khóc.

Lúc đó cũng sắp đến 12 giờ, tôi theo cháu ngoại vào phòng. Phát chính niệm xong, đi ra, thấy con rể cũng không nấu cơm, tôi nghĩ, mình đi nấu vậy. Vừa nấu cơm, tôi vừa hướng nội tìm ở bản thân, phải chăng tôi nên rời nhà con gái? Tôi đã ở cùng con gái 20 năm rồi, việc cơm nước, giặt giũ, nội trợ, cơ bản đều do tôi lo hết, duy trì cái nhà này. Về phương diện tu luyện, tôi đốc thúc con gái, con rể, cháu ngoại. Sáng sớm, tôi thường gọi con gái dậy luyện công; buổi tối, bốn người chúng tôi cùng học Pháp, con rể lúc học lúc không. Hiện nay, con rể lại có thái độ như vậy, tôi không nên làm giúp cho các con nữa, không thì tôi ra ngoài thuê nhà, chứ tôi ở đây, con rể không vừa ý.

Khéo thay, hôm đó có đồng tu A đến nhà tìm tôi, nói: “Chị à, chị đến giúp cho nhà tôi, tôi bận quá. Tôi đã tìm hai người giúp việc cho bố tôi để giúp bố tôi học Pháp nhưng cũng không học đến cùng được. Chị đến nhé.” Tôi nói: “Được, tôi giúp chị, nhưng giúp chị cũng không thể để lỡ tôi làm ba việc đâu. Chị đưa tôi bao nhiêu tiền cũng được. Tôi từ thứ hai đến thứ sáu, sáng sớm phải đưa đồ cho đồng tu, chín giờ tôi mới đi được, năm giờ chiều phải về rồi, để trên đường còn có thể giảng chân tướng, cuối tuần còn phải học Pháp.” Trong tâm, tôi cũng muốn rời nhà con gái, để gia đình nhỏ của con có cuộc sống độc lập xem thế nào.

Hai ngày đầu tôi ra ngoài làm, bọn trẻ được thay đổi không khí. Cháu ngoại rất vui, được bố cho tiền ăn ở ngoài. Cháu nói với tôi: “Bà ngoại à, bà không ở nhà, con cũng có đồ ăn ngon, sinh hoạt cũng tốt, mỗi ngày bố mua cho con sủi cảo, bánh bao.” Nhưng sau hai ngày, cháu ngoại ăn bên ngoài đủ rồi liền nói: “Cái gì cũng không ngon bằng bà ngoại con nấu.”

Con rể vốn đối với tôi rất lạnh lùng. Con rể về muộn, thường không phát chính niệm và học Pháp đúng giờ. Tôi lúc nào cũng phải dặn con rể: “Con năm giờ tan làm, sáu giờ về nhà là kịp phát chính niệm. Nhưng con hết giờ làm lại không về nhà, mà lúc nào cũng đi đâu, như vậy có nghĩa gì chứ. Con phát chính niệm không tốt, không chỉ hại mình mà còn hại cả người khác. Con phải chăm lo tốt trường không gian của mình chứ.” Tôi hễ nói, là con rể liền tức giận với tôi. Khi đến nhà đồng tu A giúp, tôi vẫn còn oán giận con rể, nên nghĩ lần này vậy là ổn rồi, mình cũng không cần cứ đến giờ là phải về nhà nữa. Bởi vậy, tôi từ nhà đồng tu A ra, liền đến thẳng nhà đồng tu khác học một bài giảng rồi tám giờ mới về nhà.

Về đến nhà, tôi thấy các con còn chưa ăn cơm. Các con đi làm về, còn phải tự nấu cơm nên chín giờ mới được ăn, rồi cũng không học Pháp được, học chưa được hai trang thì con gái đã buồn ngủ rũ ra, phát chính niệm cũng không lập trưởng. Tôi không quán xuyên gia đình là con gái, con rể đều bận rộn. Bản thân con gái cũng thấy rõ làm nội trợ cũng không dễ dàng, vừa làm hai ngày đã càu nhàu với tôi: “Ôi mẹ ơi, con mệt quá rồi”. Tôi nói: “Con sợ mệt, vậy mà mẹ làm cả mấy chục năm rồi, cũng không sợ mệt.” Trước kia, tôi để các con nộp tiền ăn, nhưng chúng chưa bao giờ đưa tiền cho tôi. Không phải là tôi chấp trước vào tiền, mà là ở tầng người thường này, tôi nấu cơm cho các con, phục vụ các con, muốn để con gái đưa cho tôi chút tiền sinh hoạt, mua thức ăn và đồ gia dụng, nhưng chúng chưa đưa tôi một đồng nào. Vì tôi biết con rể không đưa tiền lương cho con gái tôi, cũng rất ít mua đồ cho gia đình, con gái cũng eo hẹp, nên trong tâm vẫn luôn oán trách con rể.

Sau hai hôm học Pháp cùng đồng tu, thấy nhà con gái ăn cơm muộn như vậy, tôi liền tìm chính mình: Tôi có phải là người tu luyện không, hay tôi không đúng, tôi quá tự tư rồi. Tôi còn phải về sớm nấu cơm cho các con, để các con đi làm về là có cơm ăn. Thấy các con đến quần áo cũng không giặt được, tôi bèn giặt quần áo cho chúng. Tôi là người tu luyện, Sư phụ dạy tôi làm vì sinh mệnh của họ, sinh mệnh của vũ trụ mới đều là vì người khác, nghĩ vậy, tôi liền bỏ ngay tâm oán hận và những nhân tâm kia đi.

Buông bỏ chấp trước

Tôi cần triệt để buông bỏ chấp trước vào trạng thái của con rể, hay là vì tháng này tôi ra ngoài làm giúp việc. Đó có thể là an bài từ bi của Sư phụ, giúp tôi bước vượt qua quan lớn nhất trong tu luyện.

Đồng tu A ở trong nhà có lúc không chú ý lắm, thái độ với cha mẹ không tốt. Thấy vậy, tôi rất kinh ngạc, người tu luyện sao lại như vậy chứ? Bỗng nhiên, tôi nghĩ đến tôi ở nhà chẳng phải cũng muốn mình nói là người khác phải nghe đó sao, mình nói mới được tính sao? Chính mình ở nhà chẳng phải chưa làm tốt đó sao. Làm sao chứng thực Đại Pháp là tốt đẹp được đây? Tôi phải sửa, triệt để sửa chữa. Tôi cứ mãi không đề cao, đem lại nhiều phiền não cho con rể, nên sự việc cứ luôn biểu hiện cho tôi thấy, cứ được hai ngày rồi lại đâu vào đấy, chưa bỏ được cái gốc rễ này. Tôi nói với Sư phụ: “Sư phụ à, cái gốc rễ đó con phải nhổ bỏ đi, đó là an bài của cựu thế lực, con đã không đề cao, còn làm hại con rể không về được nhà, chúng sinh của con rể con vẫn đang chờ đợi nó.

Tôi nghĩ, mình không được yêu cầu người khác, chỉ yêu cầu chính mình. Chính mình thay đổi tốt rồi thì cái gì cũng đều cải biến tốt lên. Con rể không phát chính niệm, thì tôi phát chính niệm thay con, thanh trừ những thứ bất hảo trong trường không gian của con, thanh trừ những thứ bất hảo khiến con rể hay ra ngoài, gia trì cho con rể tu tốt để đưa hết chúng sinh của mình trở về nhà. Tôi cũng không nghĩ tới những điều khác ở con rể. Mấy năm nay, tôi đã mắc bẫy của tà ác, thuận theo tư duy của tà ác mà đi, nay hoài nghi con rể điều này, mai hoài nghi điều khác. Hôm nay, minh bạch rồi, quay đầu nhìn lại, tôi thấy mình trước kia thật buồn cười, một bậc đại giác giả có thể nghĩ những thứ của con người sao? Nghĩ những thứ của con người chính là sai lầm. Không nghĩ đến việc cứu chúng sinh đi, lại còn nghĩ những thứ của con người. Từ căn bản mà nhìn, đúng là sai lầm lớn, thật là sai quá rồi!

Sư phụ giảng:

“Đạt đến cảnh giới của Phật căn bản là không có những thứ thấp kém này, hoàn toàn là cao thượng. Cái gì cũng biết, ngay cả tư tưởng của trâu, ngựa Ông cũng biết, nhưng Ông căn bản không động tâm, [đến] nghĩ cũng không muốn nghĩ, không cần động niệm, nhưng điều gì Ông cũng biết.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New Zealand [1999])

Tôi nghĩ những thứ của con người thì chẳng phải là cùng với tầng thứ với con người là gì? Những gì tôi nghĩ đều là những thứ phụ diện, chẳng có gì tốt cho con rể, đều là đẩy con rể xuống, tôi như vậy chẳng phải là làm việc mà tà ác muốn làm đó sao? Tà ác chẳng phải là muốn hại người tu luyện sao? Tà ác muốn gây mâu thuẫn và tạo gián cách, đều muốn kéo chúng ta xuống, không thể lên được.

Nghĩ tới những thứ này, tôi cũng thấy xấu hổ. Bây giờ, nếu xuất hiện suy nghĩ xấu hoài nghi con rể, tôi liền tóm lấy nó, phát xuất một niệm “diệt”, không nghĩ đến nó nữa, mà làm những gì mình nên làm. Tháng này đi làm giúp việc ở ngoài đã không uổng công, rời hoàn cảnh gia đình, tôi có thể tĩnh tâm nhìn lại chính mình. Làm xong việc thì lẳng lặng học Pháp, vừa học vừa đối chiếu bản thân, chỗ nào không phù hợp với yêu cầu của Pháp, chỗ nào không đúng. Hễ nghĩ như vậy, tôi thấy đều là lỗi ở chính mình.

Sư phụ giảng:

“Do đó có những lúc chúng ta không thể mang theo cái tâm của người thường quá mạnh mẽ, mà dùi sâu vào trong sừng bò, rồi mãi không ra nổi; càng nghĩ càng chấp trước, càng nghĩ thì cái tâm chư vị càng sôi lên, càng suy nghĩ thì ma kia lại càng lợi dụng.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Boston năm 2002)

Trong tâm, tôi nói với Sư phụ: “Sư phụ à, con như vậy đó, mấy năm nay, con chưa tu ở phương diện này. Con sao lại như vậy chứ?! Lần này, con phải nhổ bỏ tận gốc, ngay cả cái niệm kia cũng không được động. Nếu động thì chỉ động một niệm của giác giả: diệt trừ những thứ bất hảo, đồng thời diệt trừ những tư tưởng xấu, đây không phải con, mà là tà ác gia cường lên con, Sư phụ không thừa nhận, con cũng không thể thừa nhận.” Tôi cũng tăng cường thanh trừ những thứ bất hảo đằng sau con rể.

Tâm sinh từ bi

Khi đã triệt để buông bỏ những suy nghĩ xấu về con rể, tôi thấy con rể cũng bắt đầu nói chuyện với tôi; trước kia, con rể thường không nói chuyện với tôi. Trước kia, đều là tôi chăm sóc, phục vụ mọi người, vậy mà người nhà còn coi tôi như oan gia, không muốn nhìn ngó đến tôi. Tôi nếu không ở nhà, người nhà lại vô cùng cao hứng, dường như tôi ở nhà, mọi người không có tự do. Bởi vì tôi luôn quản họ: đọc sách đi, học Pháp đi, phát chính niệm đi … Thúc ép mọi người tu cũng đâu phải là làm việc tốt. Tôi nghĩ, thôi cứ tùy kỳ tự nhiên, đều có Sư phụ quản, tôi không nên quản việc này.

Tôi đã cải biến từ nội tâm, từ bi đối đãi con rể, lúc này con rể cũng cùng học Pháp với chúng tôi, không khí trong gia đình cũng tường hòa. Con gái kể, con nhận ra con rể bộ dạng rất hài hước, nói chuyện nhìn vợ cũng không như trước. Trong tâm tôi lại chua xót, con cái ở cùng mình bao nhiêu năm như vậy, nhân tâm mình không bỏ, toàn là hại con, hôm nay dựng lên cái gốc này, ngày mai dựng lên cái gốc kia (ý chỉ mâu thuẫn với con), rồi hoài nghi con rể. Trước kia, hễ thấy con rể là nghĩ gì khác, nghĩ con rể có vấn đề, tôi nghĩ đó là những thứ của tà ác.

Tôi cũng từ bi với con dâu, trước kia tôi luôn muốn con dâu phải đến nhà đưa tiền cho mình, hiện giờ tôi không nghĩ vậy nữa thì con dâu lại cứ luôn đem tiền tới, không cần phải đi cùng con trai nữa. Tôi nghĩ, người đến nhà chúng tôi thì là người nhà chúng tôi rồi, tiêu tiền hay nhận tiền cũng là bình thường, tôi không được phân biệt tiền đó có là của con dâu hay không. Con dâu có nhớ đến con của chồng cũ cũng là bình thường, đều là chúng sinh cả. Tôi cũng thêm một niệm đối với con dâu: Con dâu cũng là vì Đại Pháp mà tới, sinh mệnh này nhất định phải thiện, nhất định phải được đắc cứu.

Hiện tại, con rể tôi muốn làm gì thì làm, tôi cũng không động niệm, có làm tăng ca hay không tôi đều không suy nghĩ, nghĩ gì khác đều là vị tư. Rốt cuộc, tôi phải nhảy ra khỏi bộ an bài của cựu thế lực.

Trước kia, con rể thường muốn gia đình nhỏ ba người của mình ra tiệm ăn, nhưng vì còn tôi ở nhà, nên bình thường con gái sẽ nói không đi, cháu ngoại cũng nói còn bà ở nhà nên cũng không đi, con rể rất không thoải mái. Bây giờ, vì để con rể có không gian riêng, không có áp lực gì cả, sáng sớm, nấu cơm xong, tôi liền về phòng mình và không ra ngoài nữa, ở trong phòng, học Pháp. Chờ con rể rửa mặt, ăn cơm, đi làm rồi, tôi mới ra ngoài. Buổi trưa, con rể, con gái đều không về nhà. Buổi tối, cơm nước xong xuôi, tôi cũng không ra khỏi phòng mà ở trong phòng học Pháp, phát chính niệm. Con rể về muộn cũng không nhìn thấy tôi. Có khi ba bốn ngày, con rể cũng không gặp tôi, chắc nghĩ không biết bà làm gì mà không ra, nên luôn hỏi con gái: Bà ngoại con có nhà không vậy? Tôi nghĩ, tôi cứ làm một sinh mệnh vị tha, không được gây áp lực cho con cái. Tôi nói với cháu ngoại: Bà ngoại chia sẻ với con này, đừng để ba con có áp lực nào cả, hãy để nhà này giống như nhà của ba con vậy, để ba con được sống thật sự thoải mái.

Hướng nội tìm

Kỳ thực, gia đình đúng là hoản cảnh tốt để tu luyện, mỗi một tư, mỗi một niệm đều phản ánh ra mình là người thường hay là người tu luyện. Người tu luyện không những cần tu khẩu, mà đến nghĩ cũng không được nghĩ, trong đầu nghĩ đến cả một mớ, đều là người thường, đều là dơ bẩn.

Ví dụ như, trước kia, tôi nếu thấy khăn mặt của ba người nhà con đều bẩn rồi nhưng không giặt, lại sợ mọi người dùng khăn mặt của mình, nên luôn giặt sạch sẽ khăn mặt của mình rồi đem cất vào phòng ngủ. Sau này, tôi ngộ ra rằng tu luyện không có việc nhỏ, đó chẳng phải là tự tư sao? Tôi bèn giặt sạch sẽ khăn của các con, rồi phơi lên.

Trước kia, kem đánh răng, dép của tôi, tôi đều không muốn người khác dùng. Hiện giờ, tôi đã thay đổi, không có tâm soi mói đồ của mình hay của người khác nữa, thấy bẩn thì đem giặt sạch sẽ.

Trước kia, tôi vào phòng vệ sinh mà con ở bên trong thì sốt ruột gọi to: Mau ra đi, mẹ chờ cả nửa ngày rồi đó, con còn không ra sao?! Cứ cằn nhằn như vậy, toàn là văn hóa Đảng. Giờ thì tôi gõ khẽ vào cửa, thấy cửa khóa thì lặng lẽ quay ra chờ, không nói gì, mà nghĩ cho người khác.

Tôi đã từng mua cho mình một cái khăn tắm mới vì không muốn sử dụng khăn của các con, nhưng tôi lại không thấy cái khăn mới đâu cả. Tôi bắt đầu ngộ ra: Vì sao không thấy khăn tắm chứ? Hóa ra, sau khi mua, tôi có ý nghĩ: “Không cho các con dùng”, là do có cái tâm không muốn cho người khác dùng; bây giờ không thấy chiếc khăn mới đâu nữa là đúng rồi, nếu không, tôi sẽ không nhận ra được cái tư tâm này.

Trước kia, tôi còn oán trách các con, đồ gì bẩn cũng không biết đem giặt, đều là do tự tôi giặt cả. Hiện giờ, tôi ngộ ra rằng, các con đều rất bận, đi sớm về muộn, tôi làm nhiều một chút, các con có thể học Pháp, đọc sách Đại Pháp nhiều hơn. Hiện tại, tôi nấu cơm cũng không còn oán trách nữa. Trước kia, chủ nhật tôi cũng phải nấu cơm, nội tâm cảm thấy bất bình, giờ tôi đã buông tâm xuống được.

Khi đồng tu A tìm tôi nhờ chăm sóc bố cô ấy, tôi đã nói sẽ giúp cô ấy một tháng, rồi đến lúc cháu gái khai giảng, tôi còn phải trông nom cháu. Tôi cần dẫn dắt tốt tiểu đệ tử Đại Pháp này. Hết một tháng, tôi nghỉ việc. Lúc này, lại có một vị đồng tu cao tuổi khác đang tìm giúp việc cho gia đình. Tôi nói với người nhà, mẹ chuẩn bị dọn ra ngoài, đi làm giúp việc. Cháu ngoại nói: “Bà ngoài à, bà về nhà đi, bà đừng đi làm công việc đó nữa.” Con gái tôi cũng nói: “Mẹ, mẹ đừng đi.” Tôi lần này không còn mang suy nghĩ chỉ mình nói mới được như trước nữa, mà thuận theo tự nhiên, nếu người nhà cần, tôi sẽ ở nhà chăm sóc cháu ngoại. Bốn người cùng nhau học Pháp, tu luyện, cùng Sư phụ trở về viên gia chân chính.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/11/13/451562.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/11/16/204774.html

Đăng ngày 24-12-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share