Bài viết của Trịnh Thủy, một học viên ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 25-05-2022] Người ta thường nói rằng “giang sơn khó đổi, bản tính khó dời.” Để thay đổi tính cách của một người quả là rất khó, cho dù người đó thực sự cố gắng. Tôi muốn kể lại câu chuyện về cách Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi tôi từ một cô gái nổi loạn và một người vợ đanh đá thành một người luôn quan tâm đến người khác như thế nào.

(Tiếp theo Phần 2)

Trại lao động cưỡng bức

Sau khi con gái tôi bắt đầu đi học vào năm 2001, mẹ chồng tôi tiếp tục chăm sóc cháu. Ở trường cháu học giỏi mà không cần đi học thêm như bạn bè đồng trang lứa. Lan, cô em chồng của tôi, sau khi kết hôn cũng sống ở gần nhà tôi. Hằng ngày cô ấy đều đến thăm mẹ chồng tôi và giúp bà làm việc nhà. Năm 2002, Lan ly dị chồng và đưa con trai về sống cùng mẹ và gia đình tôi. Như vậy gia đình chúng tôi đã chung sống với nhau như vậy suốt 20 năm qua, Lan giúp tôi chăm sóc cho gia đình, giúp tôi đề cao tâm tính và giúp tôi tránh bị cảnh sát sách nhiễu.

Vào dịp trước Tết năm 2002, một hôm tôi ra ngoài để sơn dòng chữ “Pháp Luân Đại Pháp hảo.” Trên đường về nhà, tôi đã bị bắt cóc và sau đó bị giam phi pháp 1 năm trong trại lao động cưỡng bức.

Trong trại lao động chúng tôi phải làm rất nhiều loại công việc khác nhau như gấp giấy, dán đồ chơi hình con chim, làm thú nhồi bông. Học viên nào từ chối từ bỏ đức tin của mình sẽ bị buộc phải lao động không công vào ban ngày và tham gia vào những lớp tẩy não cường độ cao vào mỗi buổi tối. Một tháng sau, những kẻ muốn tẩy não tôi đều từ bỏ ý định. Họ nói tôi quá ngang bướng, không thể “chuyển hóa.”

Tôi nhận thấy lính canh thường tôn trọng những học viên kiên định vào đức tin của mình. Khi nói chuyện với tôi, những người này không dám nói những lời khó nghe. Mỗi khi có học viên mới bị đưa đến trại lao động, nhà nước sẽ cấp thêm vài ngàn nhân dân tệ cho trại lao động. Trại lao động quy định hàng tháng mỗi người đều phải viết một bản “báo cáo tư tưởng.” Tôi luôn luôn viết về vẻ đẹp của Đại Pháp và sự sai trái của cuộc bức hại, rồi ký tên “đệ tử Đại Pháp.” Sau đó nghĩ lại thấy rằng cho dù những nội dung như vậy cũng không nên viết, nên quyết định không viết nữa.

Một lần, trại lao động tổ chức cho mọi người xem video dàn dựng vu khống về vụ tự thiêu trên Quảng trường Thiên An Môn. Họ yêu cầu mọi người viết một bản tổng kết cảm nghĩ về việc này. Tôi trích dẫn những lời giảng trong Bài giảng thứ bảy của cuốn Chuyển Pháp Luân rằng Pháp Luân Công cấm chỉ sát sinh và tự sát, những kẻ tự thiêu trong vụ dàn dựng này hoàn toàn không phải là học viên.

Có một vài tù nhân biết rằng cuộc bức hại này rất phi lý nên họ âm thầm bảo vệ các học viên mà họ đang được giao nhiệm vụ giám sát. Tuy nhiên cũng có những tù nhân khác ngược đãi các học viên vì họ đã bị tẩy não bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Có lần một tù nhân đánh và dùng đinh cào vào cổ tôi. Tôi đã viết thư báo cáo cô ấy. Ngay sau khi nhận được thư của tôi, giám đốc trại lao động đã cho một lính canh chuyển lá thư này đến tù nhân đã dùng đinh đánh tôi.

Tôi có linh cảm rằng người giám đốc này sẽ duy hộ chính nghĩa. Nhờ chính niệm này, lá thư này đã phát huy tác dụng và nhiều người hơn nữa đã biết về việc này. “Các học viên Pháp Luân Công không hề làm điều gì sai trái và họ không phải là tội phạm. Bị giam giữ ở đây đã là một sai làm chứ đừng nói đến chuyện bị ngược đãi,” tôi viết trong lá thư. “Bất kỳ lời nói xúc phạm hay hành động bạo hành đối với các học viên đều là phạm tội.”

Sau đó, tù nhân đó đã xin lỗi tôi và kể từ đó không còn ngược đãi tôi nữa. Các đồng tu tiếp tục nhẩm thuộc Pháp, phát chính niệm và khích lệ nhau vượt qua giai đoạn khó khăn này. Trại lao động cho phép gia đình đến thăm một tuần một lần và hầu như tuần nào chồng tôi cũng đến. Đôi khi anh mang theo con gái, cháu luôn cư xử lễ phép. Một lần cháu thậm chí còn mang tặng tôi một bức tranh do chính cháu vẽ. Một lần khác, Lan, em chồng tôi, và một vài người họ hàng khác nữa cũng đến thăm tôi. Ngay sau khi gặp tôi, họ đều thúc giục chồng tôi ly hôn với tôi. Họ đều là những phụ nữ nóng nảy và lớn tiếng.

“Tìm con cóc ba chân mới khó, chứ tìm một người đàn bà hai chân dễ thôi mà,” một người trong số họ lớn tiếng nói.

“Hôm nay cậu gửi đơn ly dị đi, ngày mai chúng tôi sẽ giúp cậu tìm một người phụ nữ tốt hơn,” một người khác thêm lời. “Cậu không phải lo chuyện tiền bạc. Cần bao nhiêu tiền chúng tôi cũng giúp.”

Chồng tôi yên lặng. Tôi nói với anh ấy: “Anh vẫn còn trẻ và không phải người tu luyện. Vậy nên anh không cần phải chịu khổ cùng em đâu.”

“Đúng là chuyện gì cũng có khởi đầu và kết thúc. Nhưng em không biết rõ khi nào cuộc bức hại sẽ kết thúc,” tôi nói tiếp. “Bất kể anh chọn chờ đợi em hay ly dị, quyết định cuối cùng vẫn là ở anh. Nhưng dù anh nộp đơn ly dị, em cũng không oán trách anh đâu.”

Chồng tôi không nói gì thêm. Người lính canh có mặt ở đó cũng khuyên anh ấy ly dị tôi.

“Ngoài việc tu luyện Pháp Luân Công mà các anh cho rằng là vấn đề, thì vợ tôi là người phụ nữ hoàn hảo,” chồng tôi giải thích.

Lan và những người họ hàng kia liền mắng chửi anh. Sau đó họ đi về cùng chồng tôi.

Một lần khác, trại lao động yêu cầu các học viên nếu từ chối từ bỏ đức tin thì phải uống một viên thuốc màu trắng. Ai không chịu sẽ bị ép uống. Đến lượt tôi, tôi để viên thuốc rơi xuống áo trong. Tù nhân được chỉ định giám sát tôi kiểm tra tay, miệng và phần dưới lưỡi nhưng không tìm thấy gì cả. Cô ấy nghĩ rằng tôi đã nuốt viên thuốc.

Thời gian ở trại lao động của tôi đã bị kéo dài thêm hai tháng vì tôi không chịu từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công.

Cưỡng chế tẩy não

Sau khi thời hạn ở trại lao động kết thúc, chồng tôi đến đón tôi về nhà. Thế nhưng Phòng 610 đã đưa tôi đến thẳng trung tâm tẩy não. Chồng tôi cũng cùng đi đến đó. Trên xe cảnh sát, anh bảo tôi ở nhà mẹ chồng và em Lan đã nấu rất nhiều món ăn ngon mừng tôi trở về nhà. Không ai nghĩ tôi sẽ tiếp tục bị giam.

Khi chúng tôi tới trung tâm tẩy não, họ bảo chồng tôi phải đóng 1.000 nhân dân tệ tiền ăn một tháng cho tôi. Anh trả lời: “Tôi không có một xu nào ở đây. Nếu các anh muốn giữ vợ tôi lại thì phải lo ăn ở và các khoản chi phí cho cô ấy.”

Nói rồi anh đi về. Từ đó không ai hỏi tôi về tiền ăn nữa.

Trung tâm tẩy não nằm trong một tòa nhà 3 tầng. Tầng 1 dành cho cái gọi là các “nhân viên,” trong khi hai tầng ở trên được dùng để giam giữ những học viên không đồng ý từ bỏ tu luyện sau khi kết thúc thời hạn trong tù và trại lao động. Tôi bị giam ở tầng 2. Mỗi phòng có một chiếc bàn, một chiếc ghế và một chiếc giường, một chậu rửa cùng với bàn chải và kem đánh răng. Đèn trên trần nhà được bật sáng suốt cả đêm.

Hằng ngày họ đưa thức ăn lên phòng. Khi ăn chúng tôi phải ngồi trên một chiếc ghế nhìn ra cửa sổ để lính canh có thể nhìn xem có ai tuyệt thực không, nếu người nào không chịu ăn sẽ bị bức thực. Cửa sổ được hàn chặt bằng các thanh kim loại và che kín bằng rèm quanh năm suốt tháng. Mỗi cánh cửa đều có một khe hở nhỏ để lính canh có thể nhìn vào bên trong.

Ngay khi bị đưa vào phòng, tôi cảm thấy mất phương hướng với đủ mọi ý niệm bất hảo xuất hiện trong đầu. Những lời nói của một lính canh cũng vang lên trong tâm trí tôi: “Đừng nghĩ đến chuyện ra khỏi đây trừ phi cô bị chuyển hóa (bị buộc từ bỏ tu luyện Pháp Luân Công).” Chẳng còn hy vọng thoát khỏi đây một cách nhanh chóng, tôi cảm thấy tinh thần kiệt quệ và suy sụp. Tôi khao khát được gặp lại gia đình và các đồng tu, tâm trí tôi lúc này tràn ngập đủ loại suy nghĩ.

Dần dần tôi đã cố gắng bình tâm lại. Tôi nhớ đến Sư phụ và Pháp Luân Đại Pháp. Nhìn những vết máu trên tường, tôi biết đây là bằng chứng của việc tra tấn các học viên ở đây. Tôi cố gắng hết sức để nhẩm thuộc các bài giảng Pháp của Sư phụ và phát chính niệm để bình tĩnh lại.

Những nhân viên ở đây được điều đến từ rất nhiều đơn vị. Họ được nhận lương cao và các khoản tiền thưởng béo bở. Thông thường, hai người trong số họ lập thành một đội để giám sát các học viên. Cũng có một số người làm ca 24 tiếng. Một số nhân viên chịu trách nhiệm tẩy não các học viên trong khi những người còn lại đánh đập chúng tôi. Trong số họ thậm chí có cả những người tin vào Phật giáo. Đứng trước những cám dỗ của danh lợi và vật chất, những người này đã đánh mất nhân tính và lương tâm, biến trung tâm tẩy não thành một nơi còn tồi tệ hơn cả trại lao động.

Ngoài việc bị buộc phải tham gia các buổi tẩy não, tôi không có ai để nói chuyện cùng. Chồng tôi rất lo lắng cho tôi nên thường đến thăm tôi 1 tuần 1 lần. Mỗi lần đến anh đều mang theo hoa quả và đồ ăn. Anh thường xách theo 2 túi, một túi cho nhân viên phụ trách và một túi cho tôi. Tôi bảo anh đừng mua đồ đến nữa để tiết kiệm tiền, nhưng anh không nghe.

Mỗi lần đến, chồng tôi đều nói chuyện với các nhân viên ở đây. Họ nói đồ ăn ở đây ngon và tuyệt thực cũng vô ích vì lính canh sẽ bức thực những ai có ý định tuyệt thực. Họ sẽ không thả người một cách dễ dàng ngay cả khi gia đình họ chịu trả rất nhiều tiền. Duy chỉ có một ngoại lệ là người đó bị mắc các bệnh truyền nhiễm.

Hai người thanh niên được giao nhiệm vụ “chuyển hóa” tôi. Tôi nói với họ rằng tôi có thể nói chuyện với họ nhưng nếu họ đánh tôi thì đó là phạm luật. Họ nói họ sẽ không đánh đập tôi. Hằng ngày họ dẫn tôi đến một căn phòng, đóng cửa lại và nghịch điện thoại mà không thực hiện bất kỳ việc gì liên quan đến tẩy não. Sau đó, một người theo Phật giáo đến tham gia chuyển hóa tôi. Hằng ngày mỗi khi ông ấy đọc kinh Phật, tôi sẽ ngồi phát chính niệm ngay trước mặt ông ấy. Ông ấy bị đau đầu mỗi khi nhìn thấy tôi, nên về sau ông ấy không đến nữa.

Vào buổi chiều, trung tâm tẩy não tập trung tất cả các học viên lại và bắt chúng tôi xem các video phỉ báng Đại Pháp. Vì đây là thời gian duy nhất các học viên có thể gặp nhau, chúng tôi gửi đến nhau những ánh nhìn khích lệ mà không cần nói một lời. Đây cũng là cơ hội để chúng tôi có thể phát chính niệm cùng nhau. Sau đó, họ không còn tổ chức những buổi xem video như vậy nữa.

Hằng ngày tôi đều cảm thấy bất an vì không có cơ hội học Pháp hay giảng chân tướng. Một tháng sau, tôi cầu xin Sư phụ giúp đỡ để thoát ra khỏi trung tâm tẩy não. “Thưa Sư phụ, con sẽ tuyệt thực và rời khỏi đây để đi cứu người,” tôi tự nhủ. Từ đó tôi bí mật nhịn ăn uống. Tôi không muốn làm việc này một cách công khai bởi vì lính canh sẽ bức thực tôi nếu họ biết. Tôi đã thử nhịn ăn trong hai ngày và đã có hiệu quả.

Hằng ngày, tôi bỏ thức ăn vào một chiếc túi nhỏ và đổ nó vào bồn cầu khi đi tắm. Một lần, đội trưởng lính canh của trung tâm tẩy não đến hỏi tôi về thời gian tôi ở trại lao động. Anh ấy tự lẩm bẩm rằng mình bị bệnh tim mạch vành và hậu quả là bị đau ngực và đau lưng. Khi tôi hỏi anh ấy tại sao bệnh tim mạch vành lại dẫn đến đau lưng, anh ấy nói không biết tại sao lại như vậy. Tôi cũng không rõ tại sao anh ấy lại nói với tôi như vậy.

Vào ngày thứ ba tôi bí mật nhịn ăn, một nhân viên phụ trách nói trông tôi gầy hơn trước. Tôi chỉ cười mà không nói lời nào. Ngày hôm sau, tôi bị đau cổ họng và khạc ra đờm màu đen lẫn với máu. Tôi cố tình nhổ nó vào chậu nước để lính canh xem. Khi họ mang đồ ăn sáng tới, tôi bảo rằng mình không khỏe và không thể ăn. Anh ấy đi ra ngoài báo cáo với cấp trên. Một lính canh khác đến và nhìn thấy mắt tôi hõm sâu và bảo trông tôi không khỏe nên mở cửa sổ để thoáng khí hơn và gọi một y tá vào.

Họ cũng gọi điện cho chồng tôi và yêu cầu anh ấy đến ngay lập tức. Khi nhìn thấy trong chậu có đờm lẫn máu, họ hỏi có phải ngày xưa tôi bị bệnh lao không. Tôi nói không phải, tôi chỉ bị như thế này sau khi đến đây.

“Ở đây chúng tôi đâu có đánh chị,” một lính canh nói.

“Trước khi đến đây tôi đâu có bị như vậy,” tôi đáp.

Sau khi đo huyết áp và nhịp tim của tôi, y tá hỏi tôi khó chịu ở đâu. Tôi chợt nhớ đến lời của đội trưởng đội bảo vệ và nói rằng lưng tôi bị đau.

Lúc đó chồng tôi đến và đã bị sốc khi nhìn thấy tôi.

“Họ đã làm gì em thế này?” Anh ấy hét lên.

Lính canh nói họ không hề đánh tôi và sẽ đưa tôi đến bệnh viện.

“Tôi không có tiền để khám cho cô ấy đâu,” chồng tôi nói.

Cuối cùng bảo vệ vẫn quyết định đưa tôi đi bệnh viện. Lúc đó tôi đã rất yếu, tôi bảo chồng tôi rằng mình bị như thế này là do bị bức hại. Sau khi họ đưa tôi đến bệnh viện công an, một bác sỹ khám và chẩn đoán tôi bị bệnh tim cấp tính và bệnh lao. Ông ấy đề nghị tôi nhập viện. Tôi không đồng ý và chồng tôi nói rằng anh ấy cũng không có tiền cho tôi nhập viện. Trung tâm tẩy não đã liên lạc với Phòng 610 và một nhân viên đã tới bệnh viện. Anh ấy quen biết chồng tôi và sau đó đã quyết định cho tôi về nhà.

Một ngày sau khi tôi về nhà, tất cả các triệu chứng đã biến mất. Tôi đã khỏe mạnh trở lại. “Anh đừng tin cảnh sát nữa. Anh chỉ cần tin vào Pháp Luân Đại Pháp,” tôi nói với chồng mình. Tôi cũng nói cho mẹ chồng và Lan biết ĐCSTQ đã đàn áp Pháp Luân Công và tôi đã bị ngược đãi trong trại lao động như thế nào.

“Thật là vô lý!” mẹ chồng tôi thốt lên. “Làm sao họ có thể đối xử với người ta như thế chỉ vì họ tu luyện Pháp Luân Công chứ?”

“Nếu họ còn tới bắt chị nữa, chúng ta sẽ không nhẫn nhịn đâu!“ Lan nói thêm.

Sự ủng hộ của gia đình

Tháng 7 năm 2003, 2 nhân viên từ đồn cảnh sát địa phương đến nhà tôi. Một trong hai người này có tật nói lắp. Họ yêu cầu tôi ký vài giấy tờ có nội dung cam kết từ bỏ đức tin của mình. Tôi nói tôi cần đi tìm bút và lấy cớ này để bỏ đi, chỉ còn Lan ở nhà.

“Khi nào chị…dâu chị…mới về?” người bị lắp nói.

“Tôi…không…biết,” Lan trả lời.

“Sao… cô…cũng…bị nói lắp hả?” người này hỏi lại.

“À vì anh…nói lắp…nên tôi cũng…nóilắp,” Lan trả lời.

Người cảnh sát còn lại không nhịn được nên đi ra ngoài cười. Sau đó họ sớm bỏ đi.

Thực ra đây cũng không phải là lần đầu cảnh sát đến sách nhiễu tôi. Họ không hề biết tôi và chồng sống trong căn nhà hai gian phía sau nên khi đến họ thường đi thẳng vào căn nhà 3 gian phía trước mà bố mẹ chồng tôi và Lan đang ở.

Một lần khác khi cảnh sát quay lại, họ yêu cầu Lan mở cửa nhưng cô ấy đã từ chối.

“Các anh tới đây mà không có lệnh khám xét là vi phạm pháp luật,” cô nói. “Hơn nữa, anh trai tôi có đồ trang sức và tiền mặt trị giá 50.000 nhân dân tệ. Lỡ sau khi các anh đi chúng cũng biến mất luôn thì sao?”

Cảnh sát lại bỏ đi.

Một lần khác hai cảnh sát mặc thường phục đỗ xe phía ngoài và đi vào trong sân mà không gõ cửa.

Lan nhìn thấy họ và lớn tiếng gọi bố chồng tôi: “Bố ơi, mau đóng cửa lại. Có kẻ trộm vào nhà!”

“Không, chúng tôi là cảnh sát!” cảnh sát nói lớn và chạy ra ngoài.

“Vậy sao các anh không mặc đồng phục? Các anh làm gì vậy, bây giờ đã muộn rồi! Lan hô lớn. “Người khác có thể sợ các anh, nhưng chúng tôi không sợ đâu. Để xem các anh còn dám đến đây nữa không!”

Hai viên cảnh sát này liền bỏ đi.

Một lần khác khi cảnh sát đến vào giờ ăn tối. Tôi đi ra ngoài và nói rằng cần đi vệ sinh. Hai người này liền theo sát tôi. Tôi nháy mắt với Lan, sau đó cô ấy chặn họ lại và bắt đầu nói chuyện với họ. Đúng lúc họ nhận ra thì tôi đã thoát ra ngoài. Vì họ không tìm được tôi nên họ bảo với Lan rằng hãy báo tin cho họ khi tôi trở về. Cô ấy đã không nói lời nào.

Một lần khi Lan đến đồn cảnh sát để giải quyết một số việc, một viên cảnh sát hỏi cô ấy tại sao không báo cáo cho họ khi tôi về.

“Anh nghĩ mình là ai?” Lan hét lên. “Tại sao tôi phải nghe lời anh? Anh trả tiền cho tôi à?”

Cảnh sát không hề nghĩ tới tình huống này nên câm lặng không biết xử lý ra sao.

“Không dễ đối phó với cô ấy đâu,” một người ở đó nhận xét khi Lan rời đi.

“Đương nhiên là không dễ rồi!” Lan tự nhủ.

Một buổi sáng mùa Đông, bốn người cảnh sát mặc đồng phục đến nhà chúng tôi lúc 6 giờ sáng với lệnh khám xét. Nhưng họ không biết là tôi đã đi làm từ trước 5 giờ sáng. Họ không biết mặt tôi và nghĩ rằng Lan là tôi. Vì vậy, họ đã đẩy cô ấy xuống sàn nhà để còng tay cô ấy.

“Các anh đang tìm ai vậy?” Lan hỏi.

Một cảnh sát nhắc tên tôi.

“Anh có chắc tôi là người đó không? Anh biết hậu quả của việc bắt nhầm người rồi đấy,” cô ấy nói. “Ôi, tim tôi! Tôi sợ quá, tôi nghĩ là mình bị đau tim rồi! (Cô ấy cũng bị bệnh tim) Hơn nữa, cha mẹ già của tôi đều ở đây. Nếu họ sợ quá mà phát bệnh, các anh sẽ chi trả tiền thuốc men chứ?”

Tình cờ, thời gian đó chị gái của cô ấy đến ở cùng với chúng tôi để chuẩn bị cho cuộc phẫu thuật ung thư cổ tử cung. Cô ấy cũng minh bạch chân tướng về Pháp Luân Công và thường niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo.” Ca phẫu thuật của cô sau đó diễn ra suôn sẻ mà không có biến chứng nào. Khi cảnh sát đến vào ngày hôm đó, cô ấy vẫn còn nằm trên giường. Nghe thấy tiếng nói chuyện chuyện giữa Lan và cảnh sát, cô ấy mặc đồ ngủ lao ra và hét lớn: “Ai đang bắt nạt em gái tôi?! Tôi liều mạng với các anh!”

Cảnh sát liền mở còng và đỡ Lan đứng dậy. Sau đó, họ xin lỗi cả hai chị em.

Một hôm con trai lớn nhà bác cả cũng sống cùng nhà với chúng tôi đang chuẩn bị đi làm thì bị cảnh sát ngăn lại.

“Tôi có thể nghỉ việc nhưng anh sẽ trả lương cho tôi chứ?” Cháu tôi trả lời và chạy ra ngoài.

Sau đó cháu gọi cho chú hai (anh trai thứ hai của chồng tôi) đưa cháu tới chỗ tôi làm và báo cho tôi tránh đi để không bị bắt cóc.

Một lần khác vào khoảng 8 giờ một buổi tối mùa hè, tôi đang đi dạo quanh nhà trong lúc chồng tôi và một người bạn đang chơi cờ. Ba cảnh sát mặc thường phục đến mà không bật đèn pha trên xe tuần tra. Họ chặn tôi lại và một người trong số họ giữ chặt tay tôi, hỏi giấy tờ tùy thân. Tôi nói mình cần đi vào trong nhà để lấy. Nhưng viên cảnh sát nọ không cho tôi đi. Chồng tôi nhìn thấy liền nắm chặt lấy vai của viên cảnh sát. Viên cảnh sát đã buông lỏng cánh tay đang giữ tôi, chồng tôi tiếp tục nắm chặt cánh tay của viên cảnh sát để ngăn anh ấy bám theo tôi. Tôi đã đi vào trong nhà, khóa cửa từ bên trong, sau đó nhảy ra khỏi cửa sổ để đi ra ngoài.

Sau đó tôi biết ba viên cảnh sát đã quay trở lại xe của họ, mặc đồng phục vào và gọi cho giám đốc đồn cảnh sát báo cáo rằng có người cản trở công vụ. Giám đốc đồn cảnh sát đã tới cùng hơn 20 viên cảnh sát bao vây nhà tôi.

Rất nhiều người dân xung quanh cũng đến xem. Nghe thấy tiếng ồn ào, Lan đề nghị bố mẹ chồng tôi đi ra ngoài. Sau đó cô ấy nói với mẹ: “Nếu hôm nay cảnh sát bắt chị dâu đi, mẹ có thể nằm trước xe cảnh sát để ngăn họ đưa chị ấy đi.”

Mẹ chồng tôi gật đầu đồng ý. Trước khi cưới tôi, chồng tôi thường xuyên gây gổ với người khác và mẹ chồng tôi biết cách xử lý những tình huống khó khăn như thế này.

Khi biết rằng tôi đã đi khỏi nhà rồi, mẹ chồng tôi và Lan cũng yên tâm. Hai cảnh sát lôi chồng tôi lên xe nói rằng anh đã cản trở người thi hành công vụ. Mẹ chồng tôi đi tới xe cảnh sát nói lớn: “Tôi già rồi không còn tự lo được cho bản thân nữa. Con trai tôi đi đâu thì tôi theo đó.” Sau đó bà cũng bước lên xe. Nhìn thấy bà già tóc bạc ngồi đó, cảnh sát đã để chồng tôi đi.

Vì thường xuyên bị sách nhiễu nên sau đó tôi đã buộc phải sống xa nhà.

Phúc báo và lòng biết ơn Đại Pháp

Trong suốt những năm qua, tôi và gia đình đã đắc được nhiều phúc báo nhờ có Pháp Luân Công. Dưới đây là một số ví dụ.

Một ngày tháng 10 năm 2006 khi tôi đang đi xe máy, một chiếc xe taxi bất ngờ lao đến đâm hỏng xe của tôi. Tôi bị đẩy về phía trước, bay ra khỏi xe rồi rơi xuống phần đầu xe taxi. Cú đâm mạnh đến nỗi khiến kính chắn gió của chiếc xe vỡ nát. Người lái xe liền dừng xe đột ngột, khiến tôi bị ném xuống đường. Tôi đã bất tỉnh. Vì chiếc taxi chạy rất nhanh, khi dừng lại đột ngột như vậy, nó đã để lại một vệt dài và sâu trên mặt đường. Tất cả những ai chứng kiến sự việc hôm đó đều nghĩ rằng tôi không còn cơ hội sống nữa.

Người lái xe đưa tôi đến bệnh viện. Sau khi tỉnh lại, tôi nói với anh ấy rằng tôi sẽ ổn và sẽ không đòi tiền bồi thường. Chúng tôi nói chuyện về Pháp Luân Công và anh ấy đồng ý thoái xuất khỏi các tổ chức của ĐCSTQ. Sau đó anh ấy đưa tôi về nhà. Hai ngày sau người tôi đau nhức nhưng tôi vẫn không bận tâm mà tiếp tục học Pháp luyện công như thường lệ. Hai tuần sau sức khỏe của tôi đã bình thường trở lại. Con vô cùng cảm tạ Sư phụ Lý.

Bởi vì Lan tin rằng Pháp Luân Đại Pháp hảo và bảo vệ tôi, số phận của cô ấy đã thay đổi. Khi Lan còn trẻ, một thầy bói đã phán về đường tình duyên, con cái và một vài điều khác trong đường đời của cô. Những lời này đều đã thành sự thật, trừ lời dự báo rằng cô sẽ qua đời vào năm 47 tuổi. Hiện giờ Lan đã 52 tuổi và thậm chí còn khỏe mạnh hơn hồi cô ấy còn trẻ. Chồng cũ của cô cũng mua cho hai mẹ con cô một căn hộ.

Tôi cũng chăm sóc cha mẹ chồng chu đáo. Khi họ già yếu không thể ra khỏi giường, tôi bón cơm và vệ sinh cho họ. Họ đều không phải chịu nhiều đau đớn trước khi qua đời. Bố chồng tôi mất năm 85 tuổi. Mẹ chồng tôi vẫn thường niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo” trước khi mất năm 82 tuổi. Bà cũng kể với tôi rằng bà nhìn thấy vô số Pháp Luân màu đỏ đang quay.

Người anh cả của chồng tôi mất vào năm 2002 và vợ anh ấy đã tái giá và chuyển đi nơi khác. Con trai họ cũng là một người tốt và thỉnh thoảng cháu giúp tôi treo các tấm áp phích “Pháp Luân Đại Pháp hảo” lên các cột điện. Vì nhà cháu đã cũ và bị dột, vợ chồng tôi đã đổi ngôi nhà lớn hơn của chúng tôi cho cháu. Cháu rất cảm kích. “Cháu rất tự hào có người dì (chỉ tôi) là học viên Pháp Luân Công,” cháu thường nói với mọi người. “Dì của cháu luôn đối xử tốt với mọi người. Các học viên Pháp Luân Công là tốt nhất.” Cháu cũng bảo chồng tôi phải trân quý tôi.

Sau đó Lan chuyển đi chỗ khác nhưng vẫn thường đưa con về thăm chúng tôi. Con trai cô ấy rất thân thiết với chúng tôi và thường gọi điện cho chúng tôi nếu không được gặp mặt trong vài ngày.

Chồng tôi cũng đã thay đổi rất nhiều. Anh ấy rất chăm lo cho gia đình và thậm chí còn rửa bát (trong khi anh đã từng nói với tôi rằng sẽ không làm việc này). Anh ấy cũng không hề do dự khi tôi bảo anh rằng tôi muốn tổ chức một điểm học Pháp tại nhà. Anh ấy cũng rất tôn trọng các đồng tu đến nhà chúng tôi học Pháp. So với con người của anh trong quá khứ, con người hiện tại của anh ấy đã hoàn toàn thay đổi. Hiện giờ chồng tôi đã có một công việc khá nhàn hạ với mức lưng cao trong một nhà máy. Ai cũng nói rằng anh ấy rất may mắn.

Sức khỏe chồng tôi cũng rất tốt. Anh có nước da trắng hồng và tóc đen và anh nói đó là nhờ Pháp Luân Công. Khi tôi nói với mọi người chân tướng về Pháp Luân Công và cuộc bức hại, anh cũng thường hỗ trợ tôi.

Con gái chúng tôi đã tốt nghiệp đại học và công việc của cháu cũng rất thuận lợi. Mặc dù sống trong xã hội đầy hỗn loạn, cháu vẫn có thể sống thật với chính mình và giữ gìn sự chính trực. Cả cháu và chồng tôi đều treo bùa hộ mệnh của Đại Pháp trên xe ô tô.

Tôi hiểu rằng những phúc lành của gia đình tôi đều đến từ Pháp Luân Công. Con xin chân thành cảm tạ Sư phụ.

Tôi viết loạt bài này nhân dịp kỷ niệm 30 năm Đại Pháp hồng truyền. Tôi hy vọng sẽ có nhiều người hơn nữa trên thế giới này được thụ ích từ Pháp Luân Công như gia đình của chúng tôi.

(Kết thúc)

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/25/443983.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/27/201536.html

Đăng ngày 02-08-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share