Bài viết của Trịnh Thủy, một học viên ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc
[MINH HUỆ 24-05-2022] Người ta thường nói rằng “giang sơn khó đổi, bản tính khó dời.” Để thay đổi tính cách của một người quả là rất khó, cho dù người đó thực sự cố gắng. Tôi muốn kể lại câu chuyện về cách Pháp Luân Đại Pháp đã thay đổi tôi từ một cô gái nổi loạn và một người vợ đanh đá thành một người luôn quan tâm đến người khác như thế nào.
Một tomboy thường xuyên đi đánh nhau
Tôi sinh năm 1969. Cha mẹ đều kỳ vọng tôi, đứa con gái đầu lòng, là một cô gái ngoan, vì vậy họ khá ngạc nhiên khi nhận ra rằng tôi rất nghịch và không quan tâm gì đến người khác. Tôi cũng không biết tại sao mình lại như vậy.
Từ khi bắt đầu học tiểu học, tôi thường đánh nhau với bạn. Tôi để tóc ngắn, trông hoàn toàn giống như một tomboy mặc dù tôi gầy và thấp hơn so với tuổi. Thế nhưng tôi không bao giờ sợ đánh nhau. Tôi dùng bất cứ vật gì mà tay có thể cầm kể cả gạch, đá và thanh gỗ để đánh những đứa trẻ khác và mắng chửi chúng. Dù cha mẹ tôi mắng mỏ và đánh đập thế nào tôi cũng không bao giờ khóc lóc hay van xin. Mặc dù vậy, trong thâm tâm, tôi không trách bố mẹ đã đánh đòn tôi vì tôi biết mình sai.
Khi học trung học, tôi thậm chí còn ngổ ngáo hơn trước. Thậm chí đôi khi tôi còn đánh nhau với vài bạn một lúc. Bố mẹ các bạn thường xuyên đến nhà tôi để phàn nàn với bố mẹ tôi. Ngay sau khi họ rời đi, cha mẹ sẽ đánh đập tôi hy vọng tôi sẽ thay đổi, nhưng điều đó đã không xảy ra.
Mặc dù tôi hung hăng hiếu chiến nhưng tôi đọc rất nhiều sách, chẳng hạn những cuốn sách kinh điển như Tây Du Ký, Hồng Lâu Mộng, Tam Quốc Diễn Nghĩa và Phong Thần Diễn Nghĩa. Thực sự ngay từ nhỏ tôi đã có rất nhiều câu hỏi giống như: “Tại sao người ta lại chết? Sau khi chết người ta sẽ đến đâu? Sau khi chết chúng ta có được đầu thai nữa không? Có cách nào để đạt được trường sinh bất tử?”
Thế nhưng không ai có thể giải đáp cho tôi những câu hỏi đó. “Sao con cứ lãng phí thời gian suy nghĩ về mấy việc vô bổ kia làm gì?” mẹ tôi thường kêu la. “Cha mẹ không mong gì hơn ngoài việc con được ăn học tử tế.” Tuy vậy tôi thích đọc những truyện cổ tích và truyền thuyết về những người đắc Đạo thành tiên. Khi ai đó trong làng qua đời, tôi thường cảm thấy thương xót cho sự ngắn ngủi của đời người.
Cuộc hôn nhân trắc trở
Ở quê các cô gái thường sang tuổi 20 đã lấy chồng rồi. Sau khi thi trượt đại học, tôi ở nhà và mãi đến năm 24 tuổi mới lấy được chồng. Mẹ tôi thường mắng tôi quá kén chọn, lúc ấy tôi buồn bực nói với bà: “Thôi được rồi, mẹ đừng la mắng con nữa. Lần sau có người cầu hôn con sẽ chấp nhận ngay, mặc kệ đui què mẻ sứt hay không, miễn là một người đàn ông.“
Năm 1993, có người làm mối cho tôi với Lôi, một cựu quân nhân cao khoảng 1 mét 80. Thế nhưng, Lôi không được học hành đến nơi đến chốn và không có việc làm ổn định sau khi giải ngũ – hơn nữa gia đình anh ấy cũng nghèo. Vì điều này mà mẹ tôi kịch liệt phản đối chúng tôi hẹn hò. Mẹ của anh Lôi cũng không thích kiểu người thẳng tính như tôi. Tuy vậy, 3 tháng sau chúng tôi đã cưới nhau và tôi cũng không đòi hỏi sính lễ của nhà trai.
Sau đám cưới tôi mới biết rằng Lôi thực sự là người vô công rồi nghề. anh ấy chỉ cờ bạc và đánh nhau suốt ngày. Hai người anh trai và 1 chị gái trong nhà đã lập gia đình riêng, chỉ còn 1 cô em gái vẫn còn độc thân sống cùng bố mẹ trong căn nhà gỗ hai phòng. Vậy nên chúng tôi chuyển tới sống cùng gia đình anh cả vì không có tiền để thuê hay mua nhà riêng.
Lôi vẫn tiếp tục đánh bạc như thường lệ. Trước đám cưới mẹ tôi đưa cho tôi 400 nhân dân tệ nhưng chỉ một ngày sau đám cưới, anh ấy đã nướng sạch số tiền đó vào canh bạc. Nếu anh ấy thắng bạc, anh sẽ mua đồ ăn về nhà. Nếu thua thì tay trắng ra về.
Ở nhà chồng tôi hiếm khi nói chuyện và cũng không trả lời khi tôi hỏi han. Nếu tôi có nói vài lời thì anh ấy sẽ tỏ ra khó chịu. Đôi khi anh ấy đi qua đêm ở đâu đó và sẽ nổi giận nếu tôi hỏi anh đã đi đâu. Mỗi ngày sau khi về nhà anh ấy đều uống rượu và không bao giờ hỏi thăm xem tôi thế nào.
Mẹ chồng tôi nổi tiếng là người tốt bụng và hay nói chuyện. Bà ấy luôn luôn vui vẻ và sẵn sàng giúp đỡ hàng xóm láng giềng. Nhưng bất cứ khi nào nhìn thấy tôi, khuôn mặt bà lại lạnh tanh. Thế nhưng bố chồng lại đối xử rất tốt với tôi. Càng tệ hơn là mẹ chồng tôi thường nói xấu tôi ngay trước mặt chồng tôi, dẫn đến việc chồng tôi thỉnh thoảng lại cãi nhau với tôi. Tôi rất ác cảm với bà nên từ đó tôi không đến nhà mẹ chồng nữa.
Rất nhanh sau đó tôi mang thai. Tôi thèm ăn hoa quả nhưng chồng tôi không mua cho tôi ăn vì anh ấy không thích ăn hoa quả. Cảm thấy vô vọng, tôi không còn muốn vun đắp mối quan hệ vợ chồng này nữa. Rốt cuộc, chúng tôi đã không tìm hiểu rõ về nhau trước khi kết hôn. Hiện giờ chúng tôi như kẻ thù. Bất cứ khi nào nhìn thấy nhau, chúng tôi đều cãi nhau. Chúng tôi đã thỏa thuận ly hôn sau khi sinh đứa con đầu lòng. Nếu đứa bé là con trai, anh ấy có quyền nuôi con; nếu là con gái tôi sẽ nhận nuôi.
Chúng tôi sống xa cha mẹ tôi 40 dặm và mẹ tôi thỉnh thoảng đến thăm tôi. Nhưng tôi không thể phàn nàn với bà về những nỗi khổ của mình. Rốt cuộc thì cuộc hôn nhân này là do tôi chọn lựa. Tôi cũng không muốn cha mẹ phải tiếp tục lo lắng cho tôi vì họ cũng đã già rồi. Không có ai để giãi bày tâm sự, tôi vô cùng chán chường và đếm từng ngày cho đến ngày ly hôn.
Năm 1995, tôi và chồng quyết định ký giấy ly hôn một ngày sau sinh nhật 1 tuổi của con gái. Tuy nhiên buổi sáng hôm sau, một người hàng xóm bị khó thở vì đau lưng. Khi chồng tôi đưa ông ấy đến bệnh viện chụp X-quang, anh ấy cũng chụp X-quang miễn phí vì có người nhà làm ở bệnh viện. Hàng xóm không bị làm sao, nhưng chồng tôi bị chẩn đoán mắc bệnh lao. Bác sỹ nói anh ấy đã bị bệnh này một thời gian rồi.
Trở về nhà từ bệnh viện, chồng tôi rất khổ sở vì không thể hút thuốc, uống rượu, nổi nóng hay làm việc nặng. Ngoài ra anh phải cố gắng ăn uống bồi bổ. Thấy hoàn cảnh chồng mình như vậy, tôi quyết định ở lại giúp anh ấy và gác lại việc ly hôn.
Người bị bệnh lao cần uống thuốc hằng ngày, mà nó rất hại cho gan và thận. Để chống lại tác dụng phụ của thuốc, chồng tôi phải ăn uống đầy đủ, nhưng hoàn cảnh chúng tôi khó khăn nên tôi quyết định đi tìm việc làm. Tôi nhờ mẹ trồng trông cháu giúp khi tôi đi làm nhưng bà không đồng ý. Không còn cách nào khác tôi đành gửi con gái nhỏ về ở với ông bà ngoại. Vì cha mẹ tôi ở cách xa nhà, tôi chỉ có thể gặp con vào những ngày nghỉ và dịp lễ tết. Con gái tôi sống với ông bà ngoại đến năm 7 tuổi. Tôi rất oán hận mẹ chồng mình: “Làm sao bà ấy có thể chơi mạt chược cả ngày mà không thèm ngó ngàng gì tới đứa cháu gái của mình cơ chứ?”
Nhờ người hàng xóm giới thiệu, tôi tìm được một công việc bán giày ở chợ đầu mối. Đó là những năm 1990 và khi đó thu nhập của mọi người còn thấp. Mỗi tháng tôi kiếm được 600 nhân dân tệ trong khi đó còn phải mua đồ ăn trưa. Hằng ngày tôi phải làm công việc vất vả trong suốt 11 tiếng đồng hồ từ 6 rưỡi sáng đến 5 rưỡi chiều. Để tiết kiệm tiền, tôi đi làm bằng chiếc xe đạp cũ mà chồng tôi tìm được thay vì đi xe buýt. Tôi đạp xe rất nhanh và có thể đi được 5 dặm trong nửa giờ.
Những năm đó vào mùa hè trời mưa rất nhiều. Dù đã mặc áo mưa nhưng tôi vẫn bị ướt sũng, chịu lạnh và nhịn đói. Mùa đông, mặt đường bị đóng băng và trơn trượt. Tôi thường bị ngã tới bầm tím cả người. Để tiết kiệm tiền, tôi thường mua 1 chiếc bánh bao 1 tệ và 1 quả dưa chua 50 xu. Nhờ vậy mỗi tháng tôi có thể tiết kiệm được thêm 100 tệ và đưa hết 500 tệ cho chồng để anh ấy mua đồ ăn. Chồng tôi rất cảm động và trong vòng 3 năm sau sức khỏe của anh ấy đã hồi phục hoàn toàn.
Từ khi đi làm tôi đã được gặp gỡ nhiều người. Dần dần tôi trở nên cởi mở hơn. Thế nhưng tôi vẫn tiếp tục mắng chửi khách hàng và đôi khi tôi còn đánh nhau với họ.
Trở thành một học viên Pháp Luân Công
Một buổi sáng năm 1997, sau khi lau chùi xong giày ở quầy của mình tôi nhìn sang bên cạnh thấy một người bán hàng khác tên là Chu đang đọc sách. Vì thích đọc sách từ nhỏ nên tôi đã hỏi mượn cuốn sách về đọc.
“Tôi xin lỗi, nhưng cuốn sách này không dành cho chị đâu. Đây là một môn tu luyện của Phật gia. Tính chị nóng nảy và hay chửi thề, chắc không hợp đâu” cô ấy vừa nói vừa lắc đầu.
“Đưa đây nào, người nhà tôi ai cũng tín Phật. Tôi đọc được chứ?” Tôi hỏi lại.
Nhưng cô ấy vẫn lắc đầu và tôi không nói thêm câu nào nữa.
Buổi sáng hôm sau khi vừa lau dọn xong giày dép, tôi rửa tay và tới quầy của Chu để mượn cuốn sách.
“Cho tôi mượn cuốn sách đi. Nếu không cô cũng đừng nghĩ đến chuyện đọc sách nữa,” tôi nói.
“Được rồi. Của chị đây. Chị có thể đọc,” cô ấy đáp. “Nhưng nếu chị không tin những gì viết trong sách thì cũng đừng nói điều gì thất lễ, vì như thế sẽ không tốt cho chị.”
“Cảm ơn cô. Tôi sẽ không làm thế đâu,” tôi trả lời.
Cuốn sách có tiêu đề là “Pháp Luân Công.” Sách không dày lắm và sáng hôm đó tôi cũng vắng khách, vậy nên tôi đã đọc xong cuốn sách trước buổi trưa.
“Cuốn sách này hay quá. Tôi cũng muốn học Pháp Luân Công,” Tôi nói với cô Chu khi trả lại cuốn sách.
“Chị lúc nào cũng mắng chửi người khác. Chị làm sao mà tu luyện được?” Cô Chu bảo tôi.
“Tôi sẽ thay đổi. Hãy tin tôi,” tôi trả lời cô ấy.
Vậy là hằng ngày sau giờ làm việc, tôi tới nhà của Chu để xem video 9 bài giảng của Sư phụ Lý, nhà sáng lập Pháp Luân Công. Tôi đã học 5 bài công pháp và sau đó đã thỉnh được một cuốn Pháp Luân Công.
Qua các bài giảng, tôi biết rằng đức rất quan trọng vì có đức mới có thể tu luyện. Đặc biệt với những người làm trong công việc phục vụ như tôi, sẽ bị mất đức nếu như chửi mắng, đánh nhau hay thậm chí coi thường người khác. Vậy nên tôi phải tu chính lại tất cả những hành vi này. Các bài giảng của Pháp Luân Công cũng nghiêm cấm việc sát sinh, vậy nên từ đó tôi cũng không mua cá sống nữa mà chỉ mua cá đông lạnh.
Sư phụ Lý cũng dạy rằng người phụ nữ cần dịu dàng và chăm sóc chồng mình chu đáo. Thực ra đã là một học viên thì cần đối xử tốt với tất cả mọi người. Thậm chí nếu ai đó đối xử tệ với mình, có thể là do nợ nghiệp từ kiếp trước. Với suy nghĩ này, tôi cảm thấy hối hận vì cách cư xử của mình với chồng trước đây.
Trong các bài giảng, Sư phụ cũng nói rằng bất kể ai dù đến từ giai tầng nào cũng đều có thể tu luyện. Tôi ngộ rằng mình phải có trách nhiệm đối với gia đình, chăm chỉ làm việc, không tranh với đời và không lợi dụng người khác trong kinh doanh. Càng ngẫm nghĩ tôi càng nhận thấy môn tu luyện này quả là tuyệt vời. Tu luyện giúp tất cả mọi người từ quan chức tới thường dân đều có thể trở nên tốt hơn. Việc tu luyện là hoàn toàn tự nguyện và thuận tiện cho mọi người bất kể dân tộc, tuổi tác hay giàu nghèo như thế nào. Thêm vào đó, chỉ cần một người nỗ lực và chân tâm tu luyện, có thể đạt đến viên mãn. Điều này thật quá tuyệt vời!
Thuận theo thời gian, tôi ngày càng ngộ được nhiều điều hơn. Ví dụ, tu luyện nghĩa là buông bỏ những chấp trước và nhân tâm. Mặt khác, bệnh tật là do nghiệp lực của người ta tạo thành. Những câu hỏi từ thời thơ ấu của tôi nay đã được giải đáp. Chừng nào tôi còn tu luyện chiểu theo Pháp Luân Công, Sư phụ sẽ quản mọi việc.
Nhìn lại bản thân, tôi thậm chí còn thấy ngạc nhiên về chính mình. Trong suốt bao năm bị cha mẹ la mắng đánh đập vô số lần nhưng đều vô dụng, không thể khiến tôi thay đổi. Vậy mà chỉ sau khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi luôn mỉm cười và đối xử tốt với mọi người. Hơn thế, tôi luôn cảm thấy tràn đầy năng lượng và tinh thần lạc quan. Thái độ của tôi đối với chồng và mẹ chồng tôi đã cải thiện đáng kể. Mọi tâm oán hận đã biến mất.
Nhân dịp về thăm nhà bố mẹ đẻ vào dịp Tết, tôi đã mở 9 bài giảng Pháp của Sư phụ cho bạn bè, người thân và hàng xóm xem. Cha tôi và em gái thứ hai cũng bước vào tu luyện, có vài người họ hàng cũng bước vào tu luyện. Khi những người trong làng ngạc nhiên vì sự thay đổi của tôi, tôi đều nói với họ: “Chính là nhờ Pháp Luân Công đã dạy tôi trở thành một người tốt.”
Đề cao tâm tính
Một thời gian ngắn sau khi bước vào tu luyện, những khảo nghiệm giúp tôi đề cao tâm tính bắt đầu xuất hiện.
Một lần, ngay sau khi tôi lau giày xong, một khách hàng tới thử hết đôi này đến đôi khác, gần như thử hết tất cả những đôi giày nam mà tôi có trong cửa hàng. Tôi tất bật tìm giày để ông ấy thử xem có thoải mái không. Cuối cùng ông ra khỏi cửa hàng mà không mua một đôi nào.
Một người bán hàng khác bình phẩm: “Nhìn ông khách này xem. Tôi không nghĩ là ngay từ đầu ông ta đến đây để mua giày đâu.” Nhìn cảnh tượng giày và hộp la liệt khắp nơi, tôi không cảm thấy bực mình mà chỉ đơn giản đi sắp xếp gọn lại. Thực ra lúc đó tôi cũng ngạc nhiên tại sao mình có thể giữ được sự bình tĩnh đến thế. Nếu việc này mà xảy ra trước đây, tôi sẽ chửi mắng và thậm chí có thể còn đánh ông ấy nữa. Nhưng tất cả những sự bất bình đều biến mất. Một vài người bán hàng chờ đợi xem tôi sẽ xử lý người khách đó như thế nào, nhưng cuối cùng chẳng có chuyện gì xảy ra cả. Mỗi ngày tôi đều cảm thấy rất hạnh phúc. Khi không có ai ở xung quanh, tôi thậm chí còn nhảy lên vì vui sướng. Vào buổi sáng, tôi luyện công xong tới nơi làm việc, buổi tối tôi đi tới điểm luyện công để học Pháp, sau khi đả tọa xong mới về nhà.
Vì tâm tính tôi đã cải biến, môi trường xung quanh cũng thay đổi theo. Chồng tôi đã hoàn toàn bình phục và anh ấy làm nghề thợ điện. Anh chăm sóc gia đình và đôi khi còn mua sắm đồ đạc cho chúng tôi. Mẹ chồng tôi vẫn không ưa tôi nhưng tôi đã không còn để bụng chuyện đó mà đối xử với bà tốt hơn. Thỉnh thoảng tôi mua hoa quả và nấu đồ ăn mang sang cho bà. Còn bố chồng thì lúc nào cũng yêu quý tôi. Thuận theo thời gian, mẹ chồng tôi bắt đầu mỉm cười vui vẻ với tôi. Em gái của chồng tôi cũng bắt đầu quý mến và thỉnh thoảng còn tặng tôi vài món quà nhỏ như quần áo.
Khi chồng tôi gặp tình cờ gặp bạn đồng ngũ, anh thường bảo họ: “Hãy bảo vợ các ông đến học vợ tôi đây này. Một khi đã học Pháp Luân Công, họ sẽ không gây gổ với chồng và ông cũng chẳng cần lo sợ họ đi ngoại tình.”
“Mẹ chồng cháu nói rằng cháu bây giờ đã tốt hơn ngày xưa rất nhiều rồi và còn kiếm tiền về giúp gia đình nữa,” một người hàng xóm nói với tôi.
“Tất cả gia đình cháu phải cảm tạ Pháp Luân Công,” tôi trả lời họ.
Bây giờ khi chúng tôi tình cờ gặp nhau trên đường, mẹ chồng chào hỏi tôi chứ không còn phớt lờ tôi như trước kia nữa. “Nếu ai ai cũng tu luyện Pháp Luân Công thì thế giới này sẽ tốt lên biết bao,” bà thường nói với mọi người như vậy. “Chúng ta thậm chí còn không cần tới cảnh sát nữa vì ai ai cũng đều là người tốt cả.”
Vào lúc đó, việc đề cao tâm tính tương đối dễ dàng. Tuy nhiên để ngồi được song bàn đả tọa quả là khó khăn với tôi. Hai chân tôi rất cứng khiến tôi rất vất vả. Phải mất đến 1 năm để tôi có thể bắt chéo hai chân lên đúng vị trí.
Ở chỗ làm, tôi luôn cảm thấy hạnh phúc suốt cả ngày. Tôi không còn cãi cọ và đánh chửi người khác. Tôi thậm chí còn không nhớ tới những câu chửi thề trước kia mình hay nói. Nhìn thấy tôi cũng nào cũng mỉm cười vui vẻ, một số người bán hàng xung quanh hỏi lý do. Tôi trả lời họ: “À, bây giờ tôi đã là một học viên Pháp Luân Công rồi, môn tu luyện này giúp tôi khỏe mạnh và hạnh phúc, sao lại không vui cho được?”
Thuận theo việc tinh tấn học Pháp nhiều hơn, tôi đã hoàn toàn thay đổi và trở nên quan tâm tới chồng nhiều hơn. Anh ấy cũng thay đổi theo. Khi ở nhà, anh ấy dọn dẹp nhà cửa, giặt giũ, lau dọn sàn nhà, mua sắm đồ dùng và nấu ăn cho cả nhà. Anh ấy cũng rất ủng hộ tôi tu luyện, khiên tôi càng hạnh phúc hơn.
Nhưng không phải lúc nào mọi việc cũng dễ dàng như vậy. Một lần trong bữa cơm, chồng tôi bỗng nhiên tát vào mặt tôi hai cái. Tôi không hiểu tại sao và đi ra ngoài khóc. Từ nhỏ tới lớn, tôi luôn là người đi đánh người khác. Nhưng sau khi đắc Pháp tu luyện, bây giờ tôi lại bị người ta đánh. Tuy nhiên tôi cũng hiểu được tầm quan trọng của nhẫn ngay cả khi rất khó nhẫn. Vậy nên tôi lau nước mắt và đi vào nhà để dọn dẹp bàn ăn.
Sau đó chồng tôi nói rằng không hiểu sao lại đánh tôi. Thực ra anh ấy thậm chí còn không biết chuyện gì đã xảy ra. Tôi ngộ ra đó chính là Sư phụ đang khảo nghiệm mình và thông qua hành động của chồng tôi mà giúp tôi đề cao tâm tính.
Có một đoạn thời gian tôi thường nấu bữa sáng hằng ngày cho bố mẹ chồng trước khi đi làm. Mẹ chồng tôi rất vui mừng vì gia đình hòa thuận nên đã dùng tiền tích cóp của mình để xây một ngôi nhà 3 gian ngay trên lô đất mà căn nhà hai gian cũ hiện tại ông bà đang ở. Người cô bên nhà chồng tôi muốn mời chị gái và anh rể đến đón Tết cùng gia đình tôi. Chồng tôi hỏi ý kiến tôi về việc này và tôi đã đồng ý. Vậy là cha mẹ chồng tôi, người cô và một người cháu trai nữa cùng ở trong nhà mới, trong khi tôi và chồng ở căn nhà cũ của ông bà. Cả gia đình chúng tôi bữa ăn nào cũng quây quần ăn cơm cùng nhau.
Một ngày nọ, mẹ chồng tôi nói bà có thể nấu bữa sáng vì bà đã dậy sớm hơn. Tôi rất biết ơn nên sáng hôm sau đã không dậy sớm như thường lệ. Ngạc nhiên là khi tôi dậy đã nghe thấy tiếng bà phàn nàn với chồng tôi trong phòng kế bên: “Vợ con thật là lười biếng. Đã không phải dậy sớm nấu cơm mà còn ngủ tới giờ mẹ nấu nướng xong xuôi mới dậy.” Tôi không thanh minh cho bản thân mà chỉ tiếp tục nấu bữa sáng cho cả nhà. Mẹ chồng tôi cuối cùng cũng không phàn nàn nữa. Chồng tôi cũng càng ngày trở nên tốt hơn trước, bất luận mẹ chồng có nói gì về tôi, anh cũng không còn tranh cãi với tôi như trước kia nữa.
Người mang tới cho tôi khảo nghiệm tâm tính lớn nhất là anh Lương, anh trai thứ hai của chồng tôi. Anh ấy chạy một chiếc xe ba bánh và cũng có một chút thu nhập. Nhưng anh ấy chưa bao giờ bỏ ra một đồng tiền ăn. Hằng ngày anh ấy đến ăn sáng cùng nhà tôi nhưng không bao giờ chịu chi một xu để gửi tiền ăn ngay cả khi mẹ chồng tôi yêu cầu anh đóng 30 tệ một tháng. Anh ấy cũng rất hay phàn nàn về tôi: “Món cá hôm nay nhạt quá. Món kia quá mặn hoăc quá cay. Cơm quá nhão hay canh quá nhừ, rau củ thái không đúng kiểu, v.v.” Khi mẹ chồng tôi hỏi sao anh ấy không ăn cơm ở nhà, anh ấy nói đồ ăn ở đây ngon hơn ở nhà.
Từ khi tôi về nhà chồng, anh Lương thường chê bai mỗi khi thấy tôi. Đôi khi anh ấy nói tôi quá ngu ngốc và thậm chí không bằng một đứa bé 3 tuổi. Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công, anh ấy bảo tôi là đồ ngốc. Việc này diễn ra trong suốt 20 năm. Tôi nghĩ hẳn là kiếp trước tôi đã làm anh ấy đau khổ nhiều lắm.
Mẹ chồng tôi có một vườn rau xanh, diện tích khoảng 1/3 mẫu đất. Bà dự định sẽ cho vợ chồng tôi mảnh vườn đó để xây nhà. Nhưng anh Lương đã bán nhà và ngày nào cũng đòi lấy mảnh đất đó. Cuối cùng anh ấy cũng lấy được miếng đất. Sau đó anh tính sẽ xây thêm mấy ngôi nhà trên miếng đất để lấy được thêm tiền đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng đô thị của nhà nước.
Vì anh ấy không có tiền, anh bảo với những người trong làng là bất cứ ai đầu tư xây nhà thì sẽ nhận được 50% tiền bồi thường sau này. Nhưng không ai đưa anh ấy tiền để làm. Để anh ấy đỡ mất mặt, tôi và chồng đưa toàn bộ số tiền tích cóp được gửi cho anh. Anh ấy đã xây một căn nhà, một chỗ để xe và một nhà kho. Hai vợ chồng anh chị hứa sẽ chia cho chúng tôi một nửa tiền đền bù của nhà nước sau này.
Cả tôi và chồng đều rất vui vì nghĩ rằng chúng tôi sẽ kiếm được nhiều tiền từ việc này. Chúng tôi mơ ước dùng số tiền này để mua một căn hộ lớn và một chiếc ô tô cho con gái mình. Nhưng khi chính quyền thực sự tiếp quản đất và đền bù cho vợ chồng anh Lương, họ đã ký vào tất cả các thủ tục giấy tờ mà chúng tôi không hề hay biết. Họ nhận lấy tiền và nhanh chóng rời đi.
Cả tôi và chồng tôi đều bất bình vì chúng tôi không nhận được gì dù chỉ một đồng. Vào thời điểm đó, nhiều gia đình đã xảy ra xích mích nội bộ vì các vấn đề liên quan đến việc đền bù của nhà nước. Tôi biết rằng làm một học viên cũng đồng nghĩa với buông bỏ chấp trước vào danh lợi vật chất. Nhưng đối với một số tiền lớn như vậy (gần một triệu nhân dân tệ), thật sự rất khó để vượt qua nó. Trong khi đó, tôi phải thuyết phục chồng: “Anh đừng lo. Chúng ta không cần tiền. Mọi chuyện sẽ ổn miễn là tất cả chúng ta đều được bình an”. Nếu là trước đây, tôi sẽ không như vậy. Tôi sẽ tranh tranh đấu đấu vì tiền, thậm chí dù phải mất mạng.
Lan, em gái của chồng tôi cũng khảo nghiệm tôi rất nhiều. Cô ấy không phải là người xấu, nhưng rất nóng tính. Cô ấy có thể thay đổi thái độ trong vòng một nốt nhạc. Họ hàng và hàng xóm đều sợ cô ấy.
Nếu không tu luyện Pháp Luân Công, tôi đã không thể tồn tại dù chỉ một ngày trong gia đình này. Không ai trong gia đình dám nhận xét về Lan. Cô ấy cũng ném nhiều thứ — kéo, dao nấu ăn, bất cứ thứ gì cô ấy nhìn thấy. Khi cảm thấy khó chịu, cô ấy sẽ tìm người để gây rối. Cô ấy sẽ không dừng lại cho đến khi thấy quá mệt và tôi thường trở thành mục tiêu của cô ấy.
Một lần, tôi được nghỉ làm ở nhà và ngồi nói chuyện với mẹ chồng. Lan nghe lỏm câu chuyện của chúng tôi và khẳng định tôi đã nói xấu cô ấy trong khi thực tế tôi không hề nhắc đến cô ấy. Cô ấy đi theo tôi và chửi bới tôi trong khi hỏi tôi có nói những điều không tốt về cô ấy không. Tôi đã nói rằng tôi không nói xấu gì cô ấy cả. Cô ấy không tin và tiếp tục chửi bới tôi, thậm chí nói xấu bố mẹ tôi và những người mà tôi biết. Cô ấy kể lại những chuyện đã xảy ra nhiều năm trước. Mẹ chồng tôi không thể chịu nổi và nói rằng bà bảo đảm tôi không nói xấu gì cô ấy. Nhưng Lan không chịu, cho rằng bà có thành kiến với cô.
“Chị là một học viên Pháp Luân Công, chiểu theo Chân-Thiện-Nhẫn,” cô ấy nói. “Nếu chị không thể nhẫn nhịn thì chỉ là người giả tu mà thôi.”
Khi chồng tôi về nhà vào buổi tối hôm đó, Lan đã nói chuyện với anh ấy, yêu cầu anh “chấn chỉnh” tôi.
“Không cần đâu,” chồng tôi mỉm cười nói.
“Anh tin em có thể giải quyết mọi thứ.”
Sau khi chửi bới một hồi lâu, cuối cùng Lan cũng thấy mệt và hỏi tôi: “Chị nói đi, chị có thấy mình bị đối xử bất công không?”
“Không, chị không thấy thế,” tôi cười và nói. “Chị không nên nói xấu sau lưng người khác”. Sau đó, cô ấy vẫn chưa nguôi giận.
Lan đã sống cùng chúng tôi 20 năm. Khi tôi làm điều gì đó không tốt, cô ấy thường chỉ ra việc đó ngay lập tức. Khi tôi làm tốt, cô ấy sẽ khen ngợi Pháp Luân Công. Khi tôi bị can nhiễu vì đức tin của mình, cô ấy đã đứng lên và cố gắng hết sức để bảo vệ tôi. Khi tôi buộc phải xa nhà, cô ấy đã chăm lo cho cả gia đình của chúng tôi.
Bài viết chỉ thể hiện quan điểm hoặc nhận thức của tác giả. Mọi nội dung đăng trên trang web này thuộc bản quyền của Minghui.org. Minh Huệ sẽ biên soạn các nội dung trên trang web và xuất bản theo định kỳ hoặc vào những dịp đặc biệt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2022/5/23/442895.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2022/5/24/201482.html
Đăng ngày 11-07-2022; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.