Bài viết do Tiêu Ngọc chỉnh lý
[MINH HUỆ 17-11-2009]
Truyền thuyết Lão Tử
Lão Tử là người làng Khúc Nhân, huyện Khổ, nước Sở thời kỳ Xuân Thu. Ông họ Lý, tên là Trọng Nhĩ, tự Bá Dương. Tương truyền mẫu thân của ông một lần trông thấy ngôi sao băng lớn trên trời bay qua, sau đó hoài thai. Lão Tử vốn là Thần phách tinh linh ở trên trời, do khí Thần linh trên thượng giới xuất hiện ở nhà họ Lý, do đó Lão Tử sau khi sinh ra mang thân phàm họ Lý. Mẫu thân Lão Tử có thai ông 72 năm mới mổ nách trái sinh ra ông, vừa mới sinh ra tóc đã bạc trắng. Cũng có ghi chép rằng, mẫu thân Lão Tử sinh ra ông ở dưới gốc cây mận (lý), Lão Tử vừa mới sinh ra đã biết nói, chỉ cây mận (lý) và nói: “Mẹ hãy dùng nó làm tên họ cho con”.
Lão Tử ở thời Thượng Tam Hoàng chính là Huyền Trung Pháp Sư, Hạ Tam Hoàng chính là Kim Khuyết Đế Quân, thời Phục Hy thị chính là Úc Hoa Tử, thời Thần Nông thị chính là Cửu Linh Lão Tử, thời Chúc Dung chính là Quảng Thọ Tử, thời Hoàng Đế chính là Quảng Thành Tử, thời Chuyên Húc chính là Xích Tinh Tử, thời Đế Khốc chính là Lộc Đồ Tử, thời Nghiêu chính là Vụ Thành Tử, thời Thuấn chính là Doãn Thọ Tử, thời Hạ Vũ chính là Chân Hành Tử, thời Ân Thương chính là Tích Tắc Tử, thời Chu Văn Vương làm Thủ Tàng Sử. Ở nước Tề chính là Si Di Tử, ở nước Ngô chính là Đào Chu Công.
Khổng Tử đã từng đánh giá Lão Tử rằng: “Nếu ta gặp người có tư tưởng phóng đạt như chim bay, ta có thể dùng luận điểm chính xác sắc bén như cung tên của mình bắn hạ họ, khuất phục họ. Nếu tư tưởng của họ chạy nhanh như hươu nai, ta có thể dùng chó săn đuổi nó, nhất định khiến họ bị luận điểm của ta chế phục. Nếu tư tưởng của họ ngao du trong vực sâu của lý luận như con cá, ta có thể dùng lưỡi câu bắt họ. Nhưng nếu tư tưởng của họ như con rồng, cưỡi mây, ngao du nơi huyễn cảnh thái hư, vô hình vô ảnh, không thể nào nắm bắt được, thì không thể nào đuổi và bắt họ được. Ta gặp Lão Tử, cảm thấy cảnh giới tư tưởng của ông giống như con rồng ngao du trong thái hư, khiến ta cứ há miệng mà không nói nên lời, lưỡi thè ra mà không thu lại được, khiến ta tâm thần bất định, không biết ông rốt cuộc là người hay là Thần đây.”
Câu chuyện đằng sau “Đạo Đức Kinh”
Lão Tử sắp sửa ra khỏi Quan Tây, dự kiến lên núi Côn Luân. Doãn Hỷ giữ quan, thông qua chiêm bói biết trước sẽ có Thần nhân đi qua đây, liền lệnh thuộc hạ quét dọn 40 dặm đường để nghênh đón, quả nhiên là Lão Tử đến.
Lão Tử từ khi xuất hành, cả vùng Trung Nguyên ông cũng không truyền thụ thứ gì, ông biết Doãn Hỷ trong mệnh đã định là đắc Đạo, bèn lưu lại ở đó. Có một người tên là Từ Giáp từ thuở thiếu niên được được Lão Tử thuê làm người hầu, Lão Tử mỗi ngày trả anh ta 100 tiền, tổng cộng đã nợ anh ta tiền công là 720 vạn tiền. Từ Giáp thấy Lão Tử ra khỏi quan ải đi xa, muốn mau chóng đòi tiền công lại sợ không được, bèn cầu người viết cáo trạng chuyển đến chỗ Doãn Hỷ. Người viết cáo trạng cho Từ Giáp không biết Từ Giáp đã theo Lão Tử hơn 200 năm, chỉ biết là nếu anh ta đòi được tiền công mà Lão Tử thiếu thì sẽ thành phú ông, liền đồng ý gả con gái cho Từ Giáp. Từ Giáp thấy cô gái đó rất đẹp, càng vui mừng, liền đem cáo trạng kiện Lão Tử chuyển đến cho Doãn Hỷ.
Doãn Hỷ xem xong cáo trạng thì giật mình kinh ngạc, bèn đi nói với Lão Tử. Lão Tử nói với Từ Giáp rằng: “Lẽ ra người chết từ lâu rồi. Ban đầu ta làm quan nhỏ, nhà nghèo, ngay cả người thay ta làm việc tạp vụ cũng không có, bèn thuê ngươi, đồng thời cho ngươi bùa “Thái Huyền Thanh Sinh Phù”, do đó ngươi mới sống đến ngày hôm nay. Tại sao ngươi lại kiện ta? Ban đầu ta đã đồng ý với ngươi rằng, nếu ngươi sau này đến ‘cõi yên nghỉ’, khi đó ta sẽ dùng vàng tính tiền công của ngươi, trả lại hết cho ngươi. Tại sao ngươi lại vội vàng không đợi chờ thế này?” Nói xong rồi bảo Từ Giáp cúi mặt xuống đất há miệng ra, chỉ thấy bùa ‘Thái Huyền Chân Phù’ lập tức bị nôn ra, chữ chu sa trên bùa vẫn như mới viết, còn Từ Giáp lập tức biến thành bộ xương khô.
Doãn Hỷ biết Lão Tử là Thần nhân, liền quỳ xuống dập đầu nói lời xin cho Từ Giáp, đồng thời tự nguyện hoàn trả tiền thiếu nợ cho Lão Tử. Lão Tử bèn ném bùa Thái Huyền Chân Phù cho Từ Giáp, Từ Giáp lập tức sống lại. Doãn Hỷ bèn đưa cho Từ Giáp 200 vạn tiền rồi bảo ông ta đi. Doãn Hỷ cung kính thi lễ đệ tử với Lão Tử, Lão Tử bèn đem bí kíp Đạo trường sinh truyền thụ cho Doãn Hỷ. Doãn Hỷ lại thỉnh cầu Lão Tử dạy bảo răn dạy thêm, Lão Tử bèn thuật 5.000 chữ, Doãn Hỷ trở về chép lại. Đây chính là kinh điển nổi tiếng của Lão Tử – Đạo Đức Kinh.
Doãn Hỷ tu hành chiểu theo lời dạy bảo của Lão Tử, quả nhiên cũng thành Tiên.
Thực ra Lão Tử và Đạo Đức Kinh mà ông để lại đều là muốn truyền Đạo và văn hóa tu luyện cho mọi người. Đạo sở dĩ huyền diệu chính là vì nó đã giải thích sự tồn tại chân thực của việc phản bổn quy chân từ góc độ tự nhiên, nó nói cho mọi người biết, trong hồng trần cuồn cuộn, danh, lợi, tình đều là khói mây bay qua trước mắt, chỉ tồn tại trong thoáng chốc, không thể trường tồn, chỉ có trong tự nhiên toàn tâm lĩnh ngộ ý nghĩa đích thực của Đạo thì mới là việc có giá trị nhất của sinh mệnh.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2009/11/17/212734.html
Đăng ngày 01-06-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.