Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ

[MINH HUỆ 03-03-2020] Gần đây, Hoa Kỳ đã bắt đầu có hành động đối với bộ máy tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Mỹ. Chính quyền nước này chỉ ra năm hãng truyền thông cộng sản là “Phái đoàn nước ngoài” (Foreign Missions), và bắt đầu đóng cửa các Viện Khổng Tử, một cơ quan khác do chính phủ Trung Quốc tài trợ nhằm truyền bá tư tưởng cộng sản sang các nước phương Tây.

Năm cơ quan truyền thông cộng sản được coi là “đại diện nước ngoài”

Vào ngày 18 tháng 2 năm 2020, Bộ Ngoại giao tuyên bố năm cơ quan truyền thông chính thức của ĐCSTQ là “Phái đoàn nước ngoài” , bao gồm Tân Hoa Xã (Xinhua News Agency), Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (China Global Television Network – CGTN), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (China Radio International – CRI), Trung Quốc Nhật báo (China Daily) và Cơ quan Phát triển Hai Tian Hoa Kỳ, nơi phân phối Nhân dân Nhật báo (People Daily) tại Hoa Kỳ.

Tuyên bố này có hiệu lực ngay tức thì, theo đó năm cơ quan này phải cung cấp tên, chi tiết cá nhân và tình hình tuyển dụng nhân viên tại Hoa Kỳ cho Bộ Ngoại giao; yêu cầu báo cáo tài sản, địa ốc của họ là thuộc sở hữu của họ hay thuê; và yêu cầu phải xin phép trước nếu họ có kế hoạch mua bất động sản tại Hoa Kỳ.

Một quan chức của Bộ Ngoại giao cho biết: “Không có gì phải tranh cãi về việc cả năm tổ chức này đều thuộc bộ máy tuyên truyền nhà nước của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (CHNDTH). Ý tôi là, họ nhận lệnh trực tiếp từ chóp bu, còn chúng tôi chỉ là ghi nhận điều đó bằng cách đưa họ vào danh sách phái đoàn nước ngoài của chúng tôi thôi.”

Nhân dân Nhật báo, Tân Hoa Xã và Tập đoàn Truyền thông Trung Quốc, cơ quan điều hành Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN) và Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc (CRI), là ba tổ chức tuyên truyền lớn của ĐCSTQ. Trung Quốc Nhật báo (China Daily), chủ yếu xuất bản báo tiếng Anh, từ lâu cũng là cơ quan tuyên truyền quan trọng của ĐCSTQ tại các nước khác.

Nhân dân Nhật báo trực thuộc Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Tân Hoa Xã là một đơn vị kinh doanh cấp bộ thuộc Quốc Vụ viện Trung Quốc. Trung Quốc Nhật báo có trụ sở chính của Mỹ ở New York là trực thuộc Ban Tuyên giáo Trung ương ĐCSTQ và được điều hành bởi Phòng Thông tin của Quốc vụ viện. CGTN ban đầu là kênh tiếng nước ngoài của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), có Đài Truyền hình Bắc Mỹ đặt tại Thủ đô Washington DC. CRI có một studio sản xuất ở Los Angles.

Trong một tuyên bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết: “Ở Trung Quốc, tất cả các cơ quan truyền thông đều phục vụ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), Tổng Bí thư Tập Cận Bình đã tuyên bố rõ ràng như vậy. Vì các tổ chức này làm việc cho ĐCSTQ, nên việc chúng tôi coi họ là phái đoàn nước ngoài mới là phù hợp, nghĩa là họ phải tuân theo quy định của Bộ Ngoại giao.”

Đây không phải là lần đầu tiên Hoa Kỳ có hành động đối với truyền thông của ĐCSTQ. Tháng 9 năm 2018, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cũng đã yêu cầu Tân Hoa Xã và CGTN đăng ký với tư cách “cơ quan đại diện nước ngoài”.

Năm 2019, đơn xin cấp lại giấy chứng nhận phóng viên truyền thông tại Quốc hội của CGTN đã bị từ chối. Hiệp hội Phóng viên Phát thanh và Truyền hình (RTCA) đã tuyên bố rằng theo quy định, các tổ chức đại diện nước ngoài không được cấp giấy chứng nhận phóng viên để vào Quốc hội.

Đóng cửa “Viện Khổng Tử”

Bắc Kinh đã triển khai đề án Viện Khổng Tử thông qua Hán Ban (tên chính thức là Văn phòng Hội đồng Ngôn ngữ Trung Quốc Quốc tế, một cơ quan cấp vụ thuộc Bộ Giáo dục Trung Quốc) có trụ sở chính tại Bắc Kinh.

Lý Trường Xuân, cựu ủy viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị ĐCSTQ, người phụ trách công tác tuyên truyền từng phát biểu: “(Đề án Viện Khổng Tử) đã có đóng góp quan trọng trong việc cải thiện quyền lực mềm của chúng ta.”

Theo các trang web chính thức của Bắc Kinh, trong vòng 15 năm, từ năm 2004 đến 2019, ĐCSTQ đã chi mấy tỷ đô la để thành lập 535 Viện Khổng Tử và 1.134 lớp học Khổng Tử, đã đào tạo 1,87 triệu sinh viên ở 158 quốc gia và khu vực.

Vài năm trước, Hoa Kỳ vẫn còn khoảng 110 Viện Khổng Tử, nhưng một số trường đại học đang có hành động để đóng cửa các viện này.

Ngày 17 tháng 1 năm 2020, Trường Đại học Maryland đã tuyên bố sẽ đóng cửa Viện Khổng Tử trong năm nay theo quy định của liên bang. Đây là Viện Khổng Tử đầu tiên ở Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 2004.

Trường Đại học Missouri cũng tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử vào tháng 8 năm 2020. Trong hai năm qua đã có gần 20 Viện Khổng Tử tại Hoa Kỳ đã bị đóng cửa.

Trường Đại học McMaster ở Canada đã chỉ ra rằng tiêu chuẩn thuê giáo viên của Viện Khổng Tử có sự phân biệt đối xử với tôn giáo, vi phạm tự do ngôn luận, nên đã quyết định đóng cửa viện này vào năm 2013.

Trường Đại học Chicago đã đóng cửa Viện Khổng Tử vào năm 2014, sau khi hơn 100 giáo sư ký thư kiến nghị phản đối viện này.

Năm 2017, đạo diễn Doris Liu đã ra mắt bộ phim tài liệu “In the Name of Confucius” (Mượn danh Khổng Tử) nhằm vạch trần cách ĐCSTQ truyền bá tuyên truyền chính trị của mình dưới vỏ bọc quảng bá ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2020/3/3/401938.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/3/8/183563.html

Đăng ngày 11-03-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share