Bài viết của Tùy Chí
[MINH HUỆ 24-12-2019] Gần đây, Tạp chí Nature đã công bố danh sách 10 nhà khoa học có ảnh hưởng nhất trong năm 2019. Một trong số đó là Giáo sư Wendy Rogers, chuyên khoa Đạo đức Lâm sàng tại Đại học Macquarie của Úc.
Giáo sư Rogers bắt đầu chú ý đến đạo đức trong ngành cấy ghép nội tạng vào năm 2015 sau khi xem bộ phim tài liệu Hard to Believe (Điều khó tin). Một năm sau, bà trở thành chủ tịch của Liên minh Quốc tế về Chấm dứt Lạm dụng Cấy ghép ở Trung Quốc (ETAC), một tổ chức phi lợi nhuận.
Bà chủ trì một nhóm để xem xét lại các bài báo nghiên cứu do các bác sỹ cấy ghép nội tạng Trung Quốc công bố. Bà cho rằng những phát hiện được công bố của nhóm hồi tháng 2 năm 2019 sẽ hạn chế nạn cưỡng bức cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc.
Tạp chí Nature cho biết một nhóm chuyên gia quốc tế cũng đưa ra kết luận tương tự Giáo sư Rogers. Nhóm này do Ngài Geoffrey Nice, một luật sư nhiều kinh nghiệm trong việc truy tố tội phạm chiến tranh, dẫn đầu. Nhóm đã đăng một bài báo nghi vấn về số ca cấy ghép mà chính quyền cộng sản Trung Quốc công bố và kết luận rằng có nhiều tù nhân lương tâm hơn đã bị cưỡng bức mổ lấy nội tạng quan trọng và tội ác đó rất có khả năng vẫn đang diễn ra.
Dưới thời cựu lãnh đạo Giang Trạch Dân, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã phát động cuộc bức hại Pháp Luân Công trên toàn quốc vào tháng 7 năm 1999. Nó đã thành lập Phòng 610, một tổ chức ngoài vòng pháp luật với chức năng duy nhất là xóa bỏ Pháp Luân Công theo chỉ thị “bôi nhọ thanh danh, vắt kiệt tài chính và hủy hoại thân thể [các học viên]”.
Kể từ đó, hơn 4.300 học viên được xác nhận là đã thiệt mạng do bị bức hại, và vô số học viên đã bị cầm tù, bị tra tấn, bị tẩy não và lao động cưỡng bức, thậm chí còn bị mổ lấy nội tạng phục vụ ngành công nghiệp ghép tạng.
Chính quyền cộng sản đã sử dụng tất cả các cơ quan nhà nước để bức hại Pháp Luân Công và thực hiện chính sách “[tính] tất cả các trường hợp tử vong của các học viên Pháp Luân Công là tự sát” và “hỏa táng thi thể mà không ghi lại danh tính của họ”.
Nhiều học viên bị giam giữ thường xuyên phải thực hiện các xét nghiệm máu và kiểm tra sức khỏe khác trong các nhà tù và trại lao động cưỡng bức. Đồng thời, một số lượng lớn học viên đã mất tích.
Chính quyền Trung Quốc đã luôn phủ nhận hành vi thu hoạch nội tạng từ các tù nhân lương tâm và tuyên bố rằng họ đã thiết lập một hệ thống hiến tạng. Tuy nhiên, tạp chí Forbes đã viện dẫn một bài báo từ Tạp chí Đạo đức Y khoa BMC (BMC Medical Ethics) xuất bản vào ngày 16 tháng 11 năm 2019, rằng chính quyền cộng sản đã ngụy tạo dữ liệu trong Hệ thống Phản ứng Cấy ghép Nội tạng Trung Quốc (COTRS) một cách kỹ lưỡng để che đậy tội ác giết người hàng loạt này.
Tất cả những bài báo này đều đi đến cùng một kết luận.
Báo chí quốc tế lần đầu tiên đưa tin về tội ác thu hoạch nội tạng do nhà nước Trung Quốc hậu thuẫn vào đầu tháng 3 năm 2006. Các bài báo cho hay, có hơn 36 trại tập trung, kể cả Tô Gia Đồn, đã cưỡng bức mổ lấy nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công còn sống.
Vào tháng 2 năm 2012, Vương Lập Quân, cựu cảnh sát trưởng thành phố Trùng Khánh đã xin tị nạn tại Lãnh sự quán Hoa Kỳ tại Trùng Khánh. Ông đã giao nộp cho chính phủ Hoa Kỳ một số tài liệu, trong đó có các bằng chứng khả quan của tội ác thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc.
Ông David Matas, luật sư nhân quyền người Canada, gọi nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng là “một tội ác chưa từng có trên hành tinh này”. Nghị sỹ Canada Borys Wrzesnewskyj cũng đã mô tả vấn nạn này như “tội ác đen tối nhất của thời đại ngày nay”.
Ngoài việc lên án chính quyền Trung Quốc, một số quốc gia đã xây dựng các đạo luật nhằm ngăn công dân của họ thực hiện việc cấy ghép nội tạng bất hợp pháp ở Trung Quốc, bao gồm Israel, Tây Ban Nha, Ý, Na Uy, Bỉ và Đài Loan.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/12/24/397393.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2020/1/21/182259.html
Đăng ngày 25-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.