Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Canada
[MINH HUỆ 28-07-2019] Kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các bạn đồng tu!
Tôi đã tham gia vào hạng mục truyền thông được hơn mười năm. Tôi muốn chia sẻ với các đồng tu về quá trình tu luyện của bản thân từ khi chuyển đến Toronto năm 2018.
Học cách trở thành một nhân viên làm báo chăm chỉ
Đầu năm 2018, nhóm truyền thông có kế hoạch đẩy mạnh phát triển tờ báo Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh. Một số học viên ở Ottawa vừa động viên vừa thúc giục tôi tới Toronto phỏng vấn.
Thời điểm đó, tôi nghĩ bản thân không có đủ năng lực làm việc cho Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh, trên thân thể lại đang tiêu nghiệp. Do đó, tôi không hứng thú lắm với sự kiện này. Cuối cùng, tôi chỉ đi với thái độ hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi trở về Ottawa, tôi tiếp tục công việc dàn trang cho đặc san và báo cáo của Shen Yun. Khi có thời gian, tôi lại tới Đại Sứ Quán Trung Quốc để thỉnh nguyện trong vài giờ.
Tôi không kỳ vọng Đại Kỷ Nguyên Toronto mời tôi đi làm, và tôi cũng chưa bao giờ thích sống ở một thành phố lớn vì nhiều quan niệm khác nhau. Tôi nghĩ rằng làm việc tại một tờ nhật báo như Đại Kỷ Nguyên Toronto đòi hỏi phải có trạng thái tu luyện tốt và các kỹ năng chuyên nghiệp, khẳng định tôi không đạt được tiêu chuẩn của họ. Áp lực để hoàn thành việc ra báo hàng ngày cũng rất đáng sợ. Bên cạnh đó, Toronto là một thành phố lớn, người nhiều xe đông. Tôi sợ mình sẽ suốt ngày đi lạc. Tuy nhiên, đầu tháng 5 năm 2018, tôi đã chuyển đến Toronto. Trong tâm tôi đầy lo lắng, theo sau là đủ loại khảo nghiệm tâm tính đến từ những chấp trước và quan niệm người thường.
Khảo nghiệm đầu tiên là về cái tình. Khi tôi còn làm việc cho tuần báo, hầu hết thời gian là công tác một mình, hoặc cùng các học viên khác làm việc qua mạng Internet. Sau khi chuyển tới Toronto, tôi nhìn thấy nhiều học viên cùng nhau làm việc trong các hạng mục trợ Sư chính Pháp. Bên cạnh đó, còn có rất nhiều nhóm học Pháp và chia sẻ. Tôi cảm thấy cao hứng và tràn đầy nhiệt huyết. Tôi cảm giác không còn phải chiến đấu một mình nữa.
Tâm hoan hỉ, tâm hiển thị cùng chấp trước ỷ lại vào người khác của tôi, tất cả đều thể hiện ra bề mặt. Vì công việc ở nhật báo phức tạp hơn làm tuần báo, tôi bắt đầu sinh tâm ỷ lại vào đồng tu, nghĩ rằng mình sẽ mắc ít lỗi hơn khi có các đồng tu giám sát công việc. Tuy nhiên, trái với mong đợi, tôi ngày càng mắc nhiều lỗi, và các lỗi ngày càng quá đáng. Tôi cảm thấy bản thân không có khả năng làm việc gì. Tôi bắt đầu băn khoăn không biết mình có nên tiếp tục làm ở hạng mục truyền thông hay không. Có lẽ tôi nên tập trung vào việc nâng cao kỹ năng.
Sư phụ đã giảng:
“Tướng do tâm sinh” (Giảng Pháp tại hội nghị Đại Kỷ Nguyên [2009])
Sau đó, quản lý nói với tôi rằng họ cần cắt giảm nhân sự để tiết kiệm tài nguyên và tăng hiệu quả của các vị trí khác. Vì tôi đang trong giai đoạn thử việc nên có thể không được giữ lại.
Ngay sau đó, văn phòng Đại Kỷ Nguyên ở một thành phố khác đã đề nghị tôi tham gia với họ. Do khác biệt thời gian nên tôi thấy khó khăn. Đề nghị này đã khiến tôi động tâm và không thể tập trung vào công việc. Hướng nội tìm, khi nói chuyện với các học viên ở địa khu trước kia, tôi có tâm hiển thị rằng tôi có một môi trường tu luyện tốt. Tôi thậm chí còn có tư tưởng nguy hiểm rằng Sư phụ an bài cho tôi môi trường này vì tôi đã tu luyện tốt.
Sau đó, tôi đã dừng tán gẫu với các học viên, nhưng vẫn mang nặng những chấp trước và tư tưởng người thường. Tôi bắt đầu nghiêm túc hơn trong việc tu khẩu, suy nghĩ trước khi nói. Một thời gian sau, tôi thấy mình ít có nhu cầu nói hơn, các tư tưởng bất chính ít đi rất nhiều. Tôi ý thức được cần phải trân quý môi trường tu luyện mới mà Sư phụ an bài cho, cần phải có đột phá trong tu luyện chứ không chỉ hoàn toàn dựa vào việc nâng cao các kỹ năng. Kết quả tôi được nhận làm nhân viên toàn thời gian. Về sau, mỗi khi phạm lỗi, tôi sẽ cố gắng rà soát lại tâm lý khi đang làm việc lúc đó.
Tu luyện như thuở ban đầu
Tôi đã đọc bài chia sẻ của các học viên Trung Quốc Đại lục trên trang Minh Huệ. Nhiều học viên cao tuổi chưa từng đụng vào máy tính, nhưng họ đã quyết tâm thiết lập điểm sản xuất tài liệu giảng chân tướng. Dưới sự chỉ dẫn và bảo hộ của Sư phụ, họ đã có thể vận hành các điểm sản xuất tài liệu xuyên khắp Trung Quốc. Khi mới bắt đầu, suy nghĩ của chúng tôi rất đơn thuần. Chúng tôi phát chính niệm rất nghiêm túc. Mỗi khi gặp khó khăn, chúng tôi cầu Sư phụ giúp. Mặc dù nhân lực rất giới hạn, chúng tôi vẫn có thể xuất bản tờ báo tuần mà không bị gián đoạn.
Sư phụ đã giảng:
“Tu luyện ấy, có một câu này, trước đây tôi đã giảng cho mọi người, “tu luyện như thuở đầu, thì tất thành”. (vỗ tay nhiệt liệt) Rất nhiều người tu luyện không thành, chính là khi thời gian dần trôi họ đã không vượt qua được. Tịch mịch, buồn tẻ, đối với một việc đã quen thuộc tới mức không muốn lại động tới nữa, hoặc đã biến thành quen quá hoá bình thường. Bất kể sự tình gì cũng sẽ khiến người ta trở thành giải đãi.” (Giảng Pháp ngày Pháp Luân Đại Pháp Thế giới [2014])
Tôi nhận ra mình đã buông lơi tu luyện, đồng thời phát triển chấp trước mạnh mẽ vào công việc. Khi gặp vấn đề trong công việc, tôi không tu luyện bản thân, và quên mất hạng mục cũng là con đường tu luyện của tôi. Tôi mang nhân tâm tranh giành đúng sai rất lớn. Thậm chí cảm ân đối với sự cứu độ của Đại Pháp cũng dần dần mờ nhạt. Tôi không còn cảm giác thần thánh khi tham gia trợ Sư chính Pháp.
Trong ba năm qua, mỗi năm tôi đều tham gia hỗ trợ báo cáo hậu trường cho hàng chục buổi diễn Shen Yun. Trong quá trình này, khi nghe được những lời cảm ơn thuần khiết của khán giả đối với Đại Pháp, tôi thường cảm động rơi nước mắt. Nhưng đồng thời, tôi cảm thấy buồn và lo lắng bởi tôi không còn cái tâm này. Tại sao lòng biết ơn của tôi đối với sự cứu rỗi của Đại Pháp không bằng những người thường?
Sư phụ đã cho tôi một cuộc đời mới hoàn toàn, ban cho tôi những thứ tốt nhất, và tôi không cách nào báo đáp nổi. Tôi đã nguyện tu xuất tâm thuần tịnh để bày tỏ lòng cảm ân tới Sư phụ. Tôi đã cố gắng tránh công việc toàn thời gian trong hạng mục truyền thông, với quan niệm sai lầm rằng làm việc trong hạng mục truyền thông có thể khiến tôi mất đi chính niệm. Thực tế, tôi đang hướng ngoại, và không đối đãi với hạng mục truyền thông như con đường tu luyện của bản thân.
Tạo đột phá
Tôi cũng nhận ra mình có chấp trước cố đẩy trách nhiệm cho người khác, cũng như mong đợi người khác tu hộ mình. Khi còn làm việc cho tuần báo, tôi có thói quen lấy nội dung hoặc các trang có sẵn từ trụ sở chính hoặc các tờ nhật báo, tôi coi đó là điều hiển nhiên. Nếu không có được thứ tôi cần, tôi sẽ phàn nàn.
Cuối cùng tôi cũng nhận ra những tư tưởng đó bất hảo thế nào. Không chỉ vậy, khi thấy học viên nào có năng lực hơn, tôi sẽ đẩy công việc cho họ. Đó cũng là tự ngã và tâm tật đố của tôi thể hiện ra. Quá trình đi từ chỗ không có những kỹ năng cần thiết cho đến học hỏi và trưởng thành, bản thân nó cũng chính là tu luyện. Nhưng tôi lại cố gắng chuyển những cơ hội tu luyện đó cho người khác, và mang rắc rối tới cho những người vốn đã rất bận. Sư phụ dạy chúng ta luôn nghĩ cho người khác trước, kể cả khi đang trong khó khăn. Nhưng tôi lại cứng đầu ôm giữ tự ngã và tâm vị kỷ, chọn việc dễ dàng hơn cho mình, nên rất khó đột phá lên được.
Sư phụ đã giảng:
“Nếu như người tu luyện mà chỉ là buông bỏ được trên bề mặt, nhưng khi bên trong nội tâm vẫn còn bảo thủ – cố chấp một thứ gì, cố chấp vào cái lợi ích bản chất nhất kia của chính chư vị mà không để người gây tổn hại, tôi bảo cho mọi người, đó là tu luyện giả! Nội tâm của chính chư vị mà không động, thì một bước chư vị cũng không thể đề cao nổi, đó là đánh lừa chính mình. Chỉ có là chư vị thực sự đề cao từ nội tâm, chư vị mới là đề cao thực sự.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])
Nghĩ lại, tôi luôn cho rằng tôi chỉ nên làm những gì tôi cần phải làm, không cần quan tâm người khác nói gì về tôi. Khi các học viên chỉ ra chấp trước vào danh và tâm hiển thị của tôi, tôi đã không đồng ý lắm. Một lần chúng tôi tổ chức lại văn phòng. Các học viên khác cũng đến giúp. Một học viên phụ trách đã nói gì đó tương tự như “bạn rất có khả năng.” Tôi nghĩ chỉ là cô ấy lịch sự. Sau đó, hình ảnh khi các đồng tu chỉ ra chấp trước vào danh và tâm hiển thị của tôi xuất hiện. Cuối cùng tôi bắt đầu cảnh tỉnh bản thân.
Tôi nhớ nhiều lần khi có học viên nói rằng họ đã làm rất nhiều việc và chăm chỉ thế nào, tôi sẽ trả lời “Ồ bạn làm thật tốt”. Nhưng trong tâm tôi thực sự cảm thấy khó chịu, tôi nghĩ: “Bạn đang hiển thị rằng bạn làm được rất nhiều việc. Bạn đang làm hạng mục để truy cầu danh.” Tôi nhận ra vào thời điểm ấy, lối suy nghĩ này chứa đầy những chấp trước, như tâm danh, hiển thị, tranh đấu, chứng thực bản thân chứ không chứng thực Đại Pháp.
Suy xét lại bản thân, khi nói chuyện với các học viên, tôi thường nói rằng tôi đã làm được nhiều thế nào. Đây chính là tâm hiển thị. Chẳng khác nào tôi muốn nói: “Tôi làm được rất nhiều, tôi tu được rất nhiều”, và sâu xa tôi muốn mọi người thấy tôi đang thực tu, hoặc tôi đã làm phần của mình, phần còn lại không phải lỗi của tôi. Tôi không thể buông tâm xuống, thay vào đó lại cố gắng giữ lấy những chấp trước.
Sư phụ đã giảng:
“Nhưng một khi chư vị gặp phải mâu thuẫn thì đều đẩy ra ngoài, tìm nhược điểm, khuyết điểm của người khác, chư vị chính là làm không đúng. Chư vị sẽ khiến công tác Đại Pháp chịu tổn thất, chư vị sẽ khiến Đại Pháp phải chịu tổn thất. Chư vị không nghĩ tới rằng chư vị đều đang dùng Đại Pháp, dùng công tác Đại Pháp để lấp kín thiếu sót của bản thân, che giấu chấp trước của bản thân mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc [1999])
Trừ bỏ văn hoá Đảng
Sư phụ đã nhiều lần nhấn mạnh rằng các học viên đến từ Trung Quốc đại lục cần phải chú trọng tu bỏ văn hoá Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tôi ra nước ngoài khi còn tương đối trẻ. Nhiều học viên lớn tuổi nói rằng tôi không có nhiều văn hoá đảng. Trước đây tôi thường cảm thấy rất tốt, tôi thật may mắn khi được thoát ly sớm.
Tuy nhiên, mỗi lần tới các thành phố khác để hỗ trợ các hạng mục Đại Pháp, tôi gặp các học viên từ Đài Loan và Hồng Kông, họ chỉ ra rằng tôi vẫn còn mang văn hoá đảng rất nặng khi nói chuyện. Tôi xin họ lời khuyên và cố gắng thay đổi cách nói chuyện, nhưng vẫn không hiểu tại sao đó là văn hóa đảng.
Tôi sinh ra trong môi trường của ĐCSTQ. Từ nhà đến trường học, đều đắm mình trong văn hóa đó. Làm thế nào có thể khác được? Sau khi nghe và đọc loạt bài đặc biệt của Đại Kỷ Nguyên về “Mục đích cuối cùng của Đảng Cộng Sản” và “Ma quỷ đang thống trị thế giới chúng ta”, cuối cùng tôi bắt đầu nhận ra văn hoá đảng thể hiện trong hành vi và tư tưởng của tôi như thế nào, từ đó có thể trừ bỏ nó.
Lấy ví dụ, khi nhân viên phụ trách bán hàng hỏi xem tôi đã gọi điện cho khách hàng của anh ấy để cập nhật quảng cáo chưa, câu trả lời của tôi sẽ là: “Tôi đã gọi nhưng họ chẳng bao giờ trả lời điện thoại của tôi.” Tôi khiến nó nghe như là tôi đã thực hiện rất nhiều cuộc gọi, nhưng thực tế, tôi chỉ gọi một hoặc hai lần. Giờ tôi nhận ra rằng tôi đã không tuân theo nguyên lý “Chân” và tôi có chấp trước giữ thể diện. Tôi muốn làm cho mình trông thật bận rộn. Khi hướng nội sâu hơn, tôi thấy nó có quan hệ với văn hoá đảng. Nó rất giống với ĐCSTQ luôn cường điệu về sự vĩ đại, quang vinh và chính trực của nó, sử dụng toàn những từ ngữ phóng đại.
Trong một giai đoạn thời gian, tôi đã gặp nhiều khó khăn bởi văn hoá đảng vẫn đang tồn tại, những suy nghĩ tiêu cực của tôi càng ngày càng trở nên mạnh mẽ. Ban đầu tôi đã nghĩ đó là bản ngã của tôi, lối suy nghĩ tiêu cực và nghiệp tư tưởng, nhưng sau đó tôi thấy rằng chúng trở nên mạnh hơn nhờ văn hóa đảng. Dưới chế độ cộng sản, đó luôn là chỉ trích và đấu tranh. Lối suy nghĩ đó khiến tôi luôn muốn chỉ trích người khác, nghĩ học viên này học viên kia không tuân theo Pháp lý. Tôi luôn cảm thấy là mình đúng bởi tôi nhìn vào trong. Tôi bực bội với những người có quan niệm không phù hợp với tôi.
Lối suy nghĩ cộng sản không thể thấy được điểm mạnh của người khác, nhưng văn hoá truyền thống, hoặc thậm chí văn hoá bình thường của phương Tây có suy nghĩ tích cực, nhận ra mặt tích cực và bản chất tốt của con người, mọi người thật sự tôn trọng nhau. Nhưng bởi vì có văn hoá đảng, tôi không những không nhìn thấy điểm tốt của người khác, mà còn nghĩ rằng mình hiểu việc hơn, hoặc tôi là người đúng, và áp đặt những thứ mà tôi cho là tốt đó lên người khác. Với lối tư tưởng cộng sản, tôi luôn có xu hướng tranh đấu, phàn nàn và tìm cớ. Tất cả những tư tưởng này đã trở thành rào cản trong việc phối hợp và làm hạng mục.
Sư phụ đã giảng:
“Chư vị là người tu luyện, phải hiểu được chỗ thiếu sót của mình; nó không chỉ là vấn đề ảnh hưởng hình ảnh một dân tộc. Trách nhiệm chư vị mang trên thân là cứu độ chúng sinh toàn thế giới, so ra thì còn lớn hơn; cho nên chư vị nhất định phải cải biến tư tưởng [và] hành vi của mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019)
Chỉ khi tu luyện tốt bản thân, chúng ta mới có thể phối hợp tốt hơn trong các hạng mục Đại Pháp.
Trân quý môi trường tu luyện
Trong một thời gian dài, tôi luôn băn khoăn không rõ làm việc trong hạng mục truyền thông có phải là con đường của tôi không, bởi vì không giống các học viên khác, tôi không có xu hướng làm một công việc từ đầu tới cuối. Do thiếu nhân lực, tôi đã làm nhiều việc khác nhau, nhưng không có việc nào đạt đến mức độ chuyên nghiệp. Mặc dù để động viên tôi, nhiều đồng tu đã nói: “Bạn có thể làm được mọi thứ,” nhưng tôi không tự tin. Một ngày, đồng tu cũng làm việc trong hạng mục truyền thông ở nhiều vị trí khác nhau đã chia sẻ kinh nghiệm của cô, khiến tôi thật sự xúc động. Cô ấy nói dù làm việc gì, cô luôn cố gắng hợp tác với mọi người để hoàn thành nhiệm vụ cứu người.
Sư phụ đã giảng:
“Dù chư vị ở kênh truyền thông là khởi tác dụng thế nào, phân công [làm] gì, [thì] đó chính là con đường tu luyện của chư vị.” (Pháp hội Tân Đường Nhân và Đại Kỷ Nguyên năm 2018)
Cuối cùng tôi đã nhận ra con đường hay nhiệm vụ của bản thân trong truyền thông cũng giống như vậy. Cho dù làm công việc gì, tôi phải cố gắng hết mình để phối hợp với các đồng tu, hoàn thành việc sản xuất báo và đưa chân tướng đến cứu người.
Từ khi chuyển sang phía Tây, tôi vẫn chưa hoàn toàn ổn định, cho tới khi nhận ra tôi đã không tu luyện qua nhiều khảo nghiệm tâm tính. Thực tế tôi đã tránh né những khảo nghiệm đó. Năm ngoái sau khi tôi chuyển tới Toronto, theo kế hoạch ban đầu, chồng tôi cũng sẽ chuyển tới đó sau vài tháng. Nhưng kế hoạch đột ngột thay đổi, chồng tôi phải đến Mỹ tham gia một hạng mục. Do đó, tôi lại có cớ để không tu luyện qua những khảo nghiệm và khó nạn đó, tôi nghĩ rằng ngày nào đó mình cũng sẽ chuyển tới Mỹ cùng chồng.
Tôi đột nhiên nhận ra nếu đến Mỹ, tôi sẽ mất đi môi trường tu luyện này. Ít nhất sẽ không thể tham gia vào nhóm luyện công và học Pháp mỗi buổi sáng. Tôi cũng cẩn thận suy nghĩ về những gì tôi thực sự mong muốn. Chúng tôi đã từ bỏ cuộc sống tương đối thoải mái và dễ chịu, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn toàn ổn định. Tất cả những gì tôi thật sự muốn là một môi trường tu luyện tốt và trạng thái tu luyện ổn định.
Sư phụ đã an bài cho tôi điều tốt nhất, nhưng tôi không biết trân quý. Có một thời gian, tôi không thể dậy sớm luyện công buổi sáng, và tôi thường xuyên ngủ quá giờ. Vào cuối tuần, tôi vẫn ngủ dậy muộn mà không hướng nội tìm, luôn tìm đủ cớ mỗi khi gặp khảo nghiệm tâm tính. Nếu tôi thật sự tới Mỹ, môi trường tu luyện này không có nữa. Khi nhận ra điều này, tôi đã cố gắng để không bỏ lỡ buổi luyện công và học Pháp buổi sáng, tôi sợ một ngày nào đó tôi sẽ mất đi môi trường này. Một học viên đã nhắc nhở tôi rằng Sư phụ đã giảng:
“Sự sự đối chiếu
Tố đáo thị tu” (Thực Tu – Hồng Ngâm)
Do đó, tôi phải thực sự tu luyện trong thực tế, qua các khảo nghiệm tâm tính mà đề cao lên.
Sau khi tư tưởng của tôi tĩnh lại, chồng tôi từ Mỹ trở về và đã chuyển đến sống cùng tôi ở Toronto. Chúng tôi không còn gặp khó khăn về tài chính như khi ở cách xa nhau. Cuối cùng, chúng tôi đã có được môi trường ổn định trong tu luyện.
Với sự động viên của nhiều đồng tu, tôi bắt đầu học thuộc Pháp. Dù quá trình học tiến triển rất chậm, tôi thật sự trải nghiệm được sự kỳ diệu khi được hòa mình trong Pháp và tích cực trong tu luyện. Tôi ngộ được nhiều Pháp lý và hàm nghĩa thâm sâu hơn, những điều mà trước đây tôi không nhận thức ra, không hiểu ra. Khi tâm trí chứa nhiều Pháp hơn, tôi cảm nhận được các nhân tố phụ diện càng ngày càng ít đi. Tôi biết tôi vẫn còn nhiều tâm chấp trước và ham muốn người thường, và còn rất nhiều thử thách trong hạng mục truyền thông để cứu nhiều người hơn nữa. Tuy nhiên, tôi sẽ trân trọng những an bài của Sư phụ, cố gắng hết sức để đột phá trong tu luyện.
(Bài chia sẻ được trình bày tại Pháp hội Canada 2019)
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/7/28/在媒体中修炼成长-390676.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/7/31/178664.html
Đăng ngày 06-01-2020; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.