Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.

[MINH HUỆ 13-08-2019] Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2018, sau khi hoàn thành bài viết cuối cùng mà tôi được giao để biên tập và gửi lên Pháp hội chia sẻ kinh nghiệm Trung Quốc lần thứ 15 của Minh Huệ, tôi cảm thấy lòng mình thật nhẹ nhõm. Trong quá trình đó tôi đã gặt hái được rất nhiều.

Được truyền cảm hứng từ những câu chuyện của các học viên

Trong quá trình chỉnh lý các bài chia sẻ, tôi đã đọc được những trải nghiệm trong tu luyện của nhiều đồng tu và những câu chuyện đó đã khích lệ tôi rất nhiều. Họ đã giúp tôi chính lại những thiếu sót trong tu luyện và từ đó nhận thức được sự an bài tỉ mỉ của Sư phụ Lý để tôi thực hiện công việc này.

1. Chiểu theo Pháp trong mọi việc

Con gái của một học viên muốn trở thành một giáo viên dạy thay. Học viên này đã không đi cửa sau để có một vị trí tốt cho con gái như hầu hết mọi người làm. Thay vào đó, con gái ông đã đi dạy ở một trường tiểu học ở một vùng nông thôn, nhờ một người quen tình cờ giới thiệu. Đến cuối học kỳ, một trường học trong thành phố cần tìm một giáo viên dạy thay và muốn cô ấy đảm nhận vị trí đó. Nhưng vị học viên này và con gái ông nghĩ về những em nhỏ mà cô ấy đang dạy, cô không đành lòng bỏ rơi học trò của mình vào giữa học kỳ, nếu cô rời đi sẽ không có giáo viên nào dạy thay. Vì vậy, họ từ chối không nhận dạy ở trường mới.

Sau kỳ nghỉ hè, trường học ở nông thôn kia không cần cô trở lại trong khi trường học ở thành phố vẫn giữ vị trí dạy thay đó cho cô, mặc dù có rất nhiều ứng viên cạnh tranh. Ban giám hiệu nhà trường nói rằng: “Vì học sinh, cô đã sẵn sàng từ bỏ một cơ hội việc làm tốt hơn. Ngày nay, rất khó để tìm được một giáo viên trẻ có nhân cách và chính trực như vậy.” Nhờ chiểu theo Pháp, cô con gái này đã có một công việc tốt mà không cần phí tổn công sức hay quà cáp biếu xén.

2. Tìm về chân ngã

Một học viên cao tuổi, trông rất đỗi bình thường. Gần đây bà gặp một tai nạn xe hơi khi đang trên đường về nhà sau khi dán các tài liệu giảng chân tướng. Vụ tai nạn đó đã có thể lấy đi sinh mạng của bà. Bà bị thương rất nặng, nhưng vẫn không hề nghĩ đến việc tới bệnh viện dù chỉ là một ý niệm. Tâm trí bà luôn nghĩ đến việc cứu nhiều người hơn nữa, trong tâm bà luôn nghĩ về người khác, với người nhà cũng không muốn làm phiền. Bà không biết dùng lời nào để diễn tả suy nghĩ và cảm xúc của mình, nhưng tín tâm của bà vào Sư phụ là vô cùng vững chắc. Bà không thừa nhận bất kỳ triệu chứng nào, từng tư từng niệm đều chiểu theo Pháp, vết thương của bà dần lành lại và hồi phục hoàn toàn trong vòng 10 ngày dưới sự gia trì của Sư phụ.

Tôi thấy được tâm thuần tịnh của bà. Tôi cũng nhận ra sự chênh lệch giữa bản thân và bà. Nếu cảm thấy hơi mệt mỏi, tôi sẽ nghỉ ngơi và chỉ mong được phục hồi nhanh chóng, mà hoàn toàn quên rằng mình là một học viên. Tôi thực sự cảm thấy mình cần loại bỏ các chấp trước của bản thân và tìm về chân ngã.

3. Đề cao sự tự tin trong tu luyện của chính mình

Một học viên ở độ tuổi 50 cố gắng học lái xe tại một trường dạy lái xe. Người hướng dẫn của bà liên tục đả kích bà và thậm chí cố gắng thuyết phục bà từ bỏ. Bà xem đó như một quá trình tu luyện, tiến lên không ngần ngại, và vượt qua bài kiểm tra cuối cùng một cách phi thường với một màn trình diễn hoàn hảo.

Tôi biết rằng từ lâu tôi vẫn luôn thiếu tự tin vào tu luyện của chính mình. Trái lại, bà ấy có niềm tin mãnh liệt vào bản thân, bất chấp người hướng dẫn của bà đả kích như thế nào, đức tin của bà đối với Đại Pháp vẫn mười phần tròn đầy, Đại Pháp ban cho bà sức mạnh để vượt qua tất cả.

Câu chuyện của bà đã truyền cảm hứng cho tôi. Tôi cần chiểu theo Pháp và không để các quan niệm người thường cùng những can nhiễu từ bên ngoài lèo lái. Tôi đã lấy lại sự tự tin trong việc đề cao bản thân và chính lại những thiếu sót của mình.

4. Khuếch đại dung lượng tâm

Trong những ngày chỉnh lý các bài viết của các đồng tu, chính niệm chính hành của họ đã cổ vũ cho tôi khiến tâm tôi tràn đầy chính niệm.

Một học viên 83 tuổi trong gần 20 năm qua vẫn một mực kiên trì giảng thanh chân tướng bất kể nắng mưa. Ông chỉ nói mấy lời giản dị là có thể thuyết phục mọi người thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Tôi thấy trong ông lòng từ bi to lớn của một đệ tử Đại Pháp.

Một nữ học viên khác phải chịu vô số khổ nạn, mất tất cả những gì mình có, nhưng nhờ tu luyện, hết thảy cô đều có lại. Kinh nghiệm của cô là một minh chứng cho Pháp lực vô biên của Đại Pháp cùng hồng ân hạo đãng của Sư tôn.

Những câu chuyện như vậy làm tôi xúc động đến rơi nước mắt. Khi nhận ra mình thật nhỏ bé, dung lượng tâm của tôi cũng được khuếch đại lên.

Khi được giao thêm nhiều bài viết hơn, tôi không còn thiếu kiên nhẫn như trước. Có thêm nhiều đồng tu tham dự Pháp hội thì chẳng phải là chuyện tốt hay sao? Tôi có thể giúp các đồng tu đánh máy và biên tập các bài chia sẻ kinh nghiệm, đây chẳng phải vinh dự cho tôi hay sao? Đây chẳng phải là một phần trong bổn phận thần thánh của một học viên như tôi để viên dung những gì Sư phụ yêu cầu hay sao?

Hướng nội khi đối mặt với khổ nạn

Một bài viết trong số những bài được giao của tôi viết rất dài và bố cục lủng củng. Tôi đã rất bối rối và không biết làm sao để biên tập bài viết đó.

Khi gặp một đồng tu khác tôi nói rằng: “Thời hạn nộp bài cho Pháp hội đã gần đến nhưng có một bài viết khó tôi vẫn chưa biết làm sao để biên tập.” Cô ấy nhắc nhở tôi: “Bạn không cần phải biên tập. Các bài chia sẻ Pháp hội là bài tập về nhà của các học viên nộp cho Sư phụ. Việc của bạn là thu thập và nộp các bài chia sẻ đó. Thế là được rồi. Có vẻ như bạn có thói quen sửa bài viết của họ. Trước đây khi chúng ta kiện Giang Trạch Dân, một số học viên đã phàn nàn về điều đó. Vì không tiện lắm, nên tôi đã không nói điều này với bạn. Nhưng họ nói rằng bạn đã thay đổi những gì họ viết theo lối viết của chính quyền, sử dụng ngôn từ nguyên gốc của họ sẽ tốt hơn nhiều.”

Tôi đã giật mình khi nghe điều đó, tôi hoàn toàn không ý thức được vấn đề nghiêm trọng như vậy. Tôi cảm thấy mình như tỉnh lại từ một giấc mộng. Tại sao tôi lại cố gắng thay đổi bài viết của học viên khác cơ chứ? Khi nhận thức được sai lầm của mình, tư duy của tôi liền trở nên khoáng đạt. Tôi nhanh chóng chỉnh lý và nộp bài viết mà tôi nghĩ là rất khó xử lý đó. Cũng vậy, nhiều bài viết khác cũng được nhanh chóng chỉnh lý và nộp lên trang Minh Huệ.

Sau này khi đọc lại bài viết đó, tôi đã rất ngạc nhiên khi nhận ra rằng nó được viết rất tốt và thể hiện cảnh giới tu luyện của tác giả, vượt quá nhận thức trước đây của tôi. Có những điều mà các học viên khác viết ra cũng vượt quá khả năng lĩnh hội của tôi, vì tôi chưa tu đến cảnh giới đó.

Tôi có thể biên tập ở mức độ phù hợp, chẳng hạn như sửa lỗi chính tả trong lúc đánh máy, xác minh các đoạn trích dẫn Pháp, để người khác có thể xem là hiểu được. Nhưng tôi không nên sửa đổi quan điểm của tác giả và cải biến bài viết của họ thành của riêng tôi, kết quả là tất cả bài viết đều cùng một khuôn mẫu. Việc biên tập bài viết phải đặt giới hạn ở một chừng mực nhất định.

Sư phụ giảng:

“Như vậy là một đệ tử Đại Pháp mà nói, làm việc gì cũng rất nhanh. Khi chư vị buông bỏ càng nhiều ‘cái tôi’, trí huệ để chứng thực Pháp sẽ tự nhiên mà có.” (Giảng Pháp trong buổi họp mặt học viên khu vực Châu Á – Thái Bình Dương)

Đó thực sự là cái tự ngã mà tôi phải buông bỏ. Đó chính là thứ phong bế trí huệ của tôi, trì hoãn quá trình chỉnh lý các bài viết, lãng phí thời gian của tôi.

Sau đó, một bài viết khác do một học viên địa phương chỉnh lý khiến tôi nhận ra khoảng cách trong tu luyện của mình. Bài viết đó có thể truyền tải nguyên ý của tác giả, bài viết thuần khiết hơn và có thể chạm đến trái tim của mọi người. Còn tôi, vì mang theo chấp trước của bản thân và cảnh giới tu luyện còn hạn chế, nên các bài viết mà tôi biên tập có mang theo các nhân tố bất thuần của bản thân, không truyền tải được điều tác giả muốn biểu đạt. Tôi cảm thấy có lỗi vì đã không cân nhắc đến các đồng tu, những người đã đặt rất nhiều tâm sức để viết ra bài chia sẻ thần thánh của họ.

Tin tưởng vào an bài của Sư phụ

Một hôm khi tôi đang viết bài chia sẻ này, một học viên đến gõ cửa nhà tôi và mang theo một bài viết được chép bằng tay của một học viên cao tuổi. Trước đó tôi được cho biết là sẽ nhận được một bản mềm, nhưng cô con gái không phải là học viên của tác giả đã đánh máy rồi sau đó xóa nhầm.

Lần này, trong lòng tôi không bất mãn hay oán giận, vì tôi đã hướng nội dựa trên Pháp. Nếu là trước đây thì tôi sẽ cho các đồng tu biết rằng mình đang tức tối. Lần này, tôi đã không thuận theo chấp trước người thường. Tôi rất minh bạch rằng cựu thế lực đang can nhiễu và gây ra sự chậm trễ này. Tôi tự nhủ rằng mình có thể làm kịp tiến độ nếu ngủ ít đi và đánh máy lại bài viết vào tối hôm đó. Tôi biết mình nhất định sẽ đánh máy xong và nộp bài viết trước hạn chót.

Tôi biết một học viên khác cũng đang viết bài chia sẻ của cô ấy nhưng chưa đưa cho tôi. Mỗi khi đến nhà tôi, cô ấy đều gõ cửa rất nhẹ, tôi ở trong nhà có khi không nghe rõ, vì vậy tôi hy vọng cô ấy sẽ mang bài chia sẻ của cô đến nhà tôi sớm nhất có thể, sau đó tôi có thể yên tâm viết bài chia sẻ của mình mà không phải lo khi cô ấy tới mà tôi không hay biết. Chờ đợi hồi lâu không thấy cô tới nhưng tôi không phàn nàn vì tôi biết cô ấy muốn trau chuốt để bài viết tốt hơn thôi. Tuy nhiên, tâm tôi vẫn dao động, tôi biết đó là vấn đề trong tu luyện của bản thân mình, nhất định không phải lỗi của cô ấy.

Sau bảy giờ tối hôm đó, cuối cùng cô ấy cũng đến để nộp bài chia sẻ. Sau đó cô ấy mang một bản viết tay của học viên khác và nói với tôi rằng cô ấy sẽ đánh máy bài chia sẻ đó trước ngày mai, vừa kịp lúc để tôi nộp lên Minh Huệ trước khi hết hạn.

Sư phụ đã an bài hết thảy mọi thứ, kể cả việc cô ấy giúp đỡ tôi. Tôi nhận thức rõ ràng rằng khi đối mặt với thách thức, khổ nạn thì phàn nàn là vô ích. Bất cứ lúc nào tôi cũng không nên nghĩ rằng ma nạn kia là lớn; thay vào đó, tôi cần tin tưởng vào an bài của Sư phụ và chiểu theo Pháp mà làm cho tốt.

Hầu hết các bài chia sẻ đều có một số vấn đề khác nhau. Có bài viết tay khó tra ra chữ. Có bài thì trích dẫn Pháp của Sư phụ không chính xác hoặc không trích dẫn nguồn chính xác. Đọc những bài chia sẻ này đầu óc tôi cũng có chút khó chịu.

Sư phụ giảng:

“khi thấy không được đúng thì trước hết nghĩ chính mình, là tại sao để chư vị nhìn thấy [việc không đúng đó], phải chăng bản thân chư vị có vấn đề, tu là tu chính mình.” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2016)

Tôi nhận ra rằng bản thân cũng có những vấn đề tương tự. Ví dụ, tôi thường bất cẩn. Có lần tôi đã gửi một bài viết đến hộp thư của ban biên tập Minh Huệ, sau đó tôi phải gửi lại một lần nữa do nhầm lẫn, điều đó có thể gây rắc rối hoặc nhầm lẫn cho các biên tập viên. Về sau, tôi cần chú ý, làm việc gì thì cần nghĩ đến người khác, tận sức để không tạo phiền toái cho người khác.

Sau đó tôi nghĩ về các học viên làm việc cho trang Minh Huệ. Họ đảm nhận rất nhiều việc mỗi ngày! Tôi chỉ phải biên soạn và nộp một số bài chia sẻ của các học viên ở địa phương chúng tôi, trong khi những học viên Minh Huệ đó ​​phụ trách rất nhiều bài chia sẻ từ khắp nơi trên thế giới.

Sau khi ý thức được điều đó, thì tôi gặp phải một cách diễn đạt ít thấy trong một bài chia sẻ tôi đang biên tập. Tôi chưa từng thấy nó được sử dụng trước đây, vì vậy tôi hỏi lại tác giả bài viết. Anh ấy nói rằng anh đã thấy cách diễn đạt này từng được sử dụng trong bài viết của một học viên khác, vì vậy anh ấy đã sử dụng. Tôi lo ngại rằng cách diễn đạt này có thể không đúng, nên tôi đã tra cứu và viết chú thích cho nó để các biên tập viên Minh Huệ làm việc dễ dàng hơn. Mặc dù đó chỉ là một hành động nhỏ, nhưng tôi biết mình đã vị tha hơn, có thể biết suy nghĩ cho đồng tu.

Trên đây là chút thể ngộ của tôi trong quá trình tu luyện, có điểm nào chưa đúng, xin các đồng tu từ bi chỉ rõ.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/8/13/389014.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/30/180541.html

Đăng ngày 28-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share