Bài viết của học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Bắc Kinh, Trung Quốc

[MINH HUỆ 1-10-2019] Gần đây tôi có giúp một vài học viên viết ra những thể nghiệm của họ và gửi các bài chia sẻ đi. Trong quá trình đó, tôi đã có được thể ngộ thâm sâu hơn về những lời giảng của Sư phụ.

Sư phụ giảng:

“[Tôi] nói rõ cho chư vị một chân lý: toàn bộ quá trình tu luyện của người ta chính là quá trình liên tục tống khứ tâm chấp trước của con người.” (Bài giảng thứ nhất, Chuyển Pháp Luân)

Đó là lần đầu tiên những học viên này tham gia Pháp hội trên Internet. Lúc đầu, nhiều học viên nghĩ rằng họ không có nhiều điều để viết vì họ cảm thấy họ chưa tu luyện tốt. Jo Anne (bí danh) và tôi đã khích lệ họ, nói rằng dù tu luyện tốt hay không thì tất cả chúng ta đều có điều gì đó để viết ra. Cuối cùng, nhờ Sư phụ giúp đỡ, mọi người đã quyết định viết bài chia sẻ.

Chỉ một vài người trong số họ có thể đánh máy. Họ không muốn thêm gánh nặng cho tôi. Nhưng tôi nói với họ rằng điều đó không thành vấn đề và tôi sẽ cố hết sức để giúp họ đánh máy. Sau khi làm xong nhiệm vụ, tôi nhận ra rằng đó là cơ hội mà Sư phụ an bài để tôi đề cao bản thân. Trong quá trình này, nhiều chấp trước của tôi đã được phơi bày để tôi tu bỏ đi.

Xóa bỏ tâm oán giận

Trước tiên tôi muốn chia sẻ về trải nghiệm của bản thân trong khi viết bài chia sẻ của chính mình. Trong khi đang viết về mâu thuẫn giữa mình và May (bí danh), tôi đã không thể bình tâm. Tôi nghĩ rằng mâu thuẫn đã được giải quyết và tôi đã buông rồi. Tuy nhiên, khi viết ra những chi tiết, sự phẫn nộ và thù hận trong tâm tôi lại nổi lên. Tôi không thể bình tĩnh. Tôi nhận ra rằng mình cần nhìn nhận lại bản thân. Tôi luôn nghĩ rằng mình khá khoan dung với các học viên khác. Nhưng tại sao tôi lại tức giận? Tôi đã giật mình khi hướng nội đào sâu vào bản thân mình.

Trước đây, bất cứ khi nào có mâu thuẫn với các học viên khác, sự việc sẽ qua rất nhanh. Lần đó tôi và May vượt quan với nhau nhưng tôi cho rằng mình không có lỗi gì cả. Tôi đã vì cô ấy mà làm rất nhiều việc, cô ấy không những không cảm tạ tôi mà còn phàn nàn về tôi, điều đó khiến tôi sinh tâm oán hận với cô ấy. Tôi nhận ra rằng đó là một khảo nghiệm tâm tính lớn đối với bản thân. Sau khi học Pháp và hướng nội, tôi cảm giác trong lòng đã buông xuống và tiếp tục nói chuyện với cô ấy như trước.

Vài tháng trôi qua, khi viết lại những gì đã xảy ra trong bài chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi nhận ra mình vẫn còn tâm oán hận. Nó đã phơi bày tâm oán hận của tôi. Chuyện đã xảy ra mấy tháng trước rồi nhưng tôi vẫn cứ canh cánh trong lòng. Điều đó cho thấy tâm oán giận trong tôi lớn như thế nào. Không thể được, tôi phải tu bỏ chủng nhân tâm này đi.

Trong quá trình viết bài chia sẻ kinh nghiệm của mình, tôi cũng nhận ra mình vẫn còn tồn tại nhân tố văn hóa Đảng. Chuyện như sau:

May nhận ra rằng cô ấy bị ảnh hưởng từ văn hóa Đảng. Cô quyết định thanh lý hết tất cả những cuốn sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các ấn phẩm khác liên quan trong nhà. Cô ấy nhờ tôi thu gom những tài liệu này và loại bỏ chúng. Tôi đã làm điều này hai lần, mà đó không phải là một nhiệm vụ dễ dàng. Tôi không hiểu tại sao cô ấy lại nhờ mình làm điều này. Tôi nghĩ: “Phải chăng mình bị ảnh hưởng từ văn hóa Đảng?” Nhưng tôi không suy nghĩ thêm nữa. Sau này khi May phàn nàn về tôi, tôi nghĩ rằng tôi đã nỗ lực rất nhiều vì cô ấy nhưng cô ấy đối xử với mình như thế. Vì thế mà đã sinh tâm oán hận.

Tôi nghe loạt bài phát thanh trên Minh Huệ về văn hóa Đảng trong khi viết bài chia sẻ này. Tôi nhận ra rằng mình thực sự bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ văn hóa Đảng. Với tôi, nó biểu hiện ra bản ngã mạnh mẽ. Tôi luôn áp đặt ý kiến ​​của riêng mình trong khi chia sẻ kinh nghiệm với người khác và cho rằng thể ngộ của mình tốt hơn so với họ. Nó biểu hiện ra bề mặt theo nhiều hình thức khác nhau như bất cẩn, qua loa, lớn tiếng và không câu nệ tiểu tiết, v.v.. Cảm tạ Sư phụ đã lợi dụng cơ hội viết bài lần này để giúp con nhìn thấy những nhân tâm này!

Vì tôi thường xuyên liên hệ với các học viên khác, có thể tôi đã làm một chút gì đó cho họ và vì thế mà tôi được khen ngợi. Điều đó đã làm tăng cường tâm hoan hỷ và hiển thị của tôi. Khi ai đó nói điều gì tiêu cực về tôi thì tôi sẽ trở nên khó chịu. Tôi nhận ra rằng mình nên cảm ơn đồng tu May.

Buông bỏ tâm thiếu kiên nhẫn và chứng thực bản thân

Ann (bí danh) là học viên đầu tiên đưa cho tôi bài chia sẻ của cô ấy. Bài viết khá dài nên tôi quyết định đánh máy càng sớm càng tốt. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Chỗ tôi ở khá chật hẹp và không có nơi thích hợp để đặt máy tính để bàn. Tôi đặt nó lên một chiếc ghế đẩu, và để cho chân thoải mái một chút, tôi ngồi song bàn hoặc đơn bàn.

Khi tôi vừa mới bắt đầu đánh máy, tâm oán trách liền nổi lên. Tôi cho rằng cô ấy viết dông dài, viết về cả những điều nhỏ nhặt, giọng điệu thì cứ phàn nàn không thôi. Tôi rất nôn nóng mong đánh máy cho xong bài chia sẻ. Trong khi tôi đang làm thì một học viên khác đến tìm tôi có việc. Tôi liền phàn nàn về bài viết này với cô ấy. Cô chỉ ra rằng: “Cô lại mất kiên nhẫn rồi. Mỗi học viên đều có cách biểu đạt của riêng mình. Có lẽ cô ấy muốn thuyết minh rõ ràng một chút, hẳn là có dụng ý của cô ấy. Cô không thể phán xét theo quan niệm của mình được.”

Tôi đột nhiên giật mình, đúng vậy, đây chẳng phải là Sư phụ đang mượn lời của cô ấy để điểm hoá cho mình sao. Tôi cần gạt bỏ cái tôi và thay đổi quan niệm của mình. Sau đó, tôi nhận thấy bài chia sẻ của Ann được viết tốt. Không những nội dung hay mà trình độ văn chương cũng rất tốt.

Trong khi tôi đang đánh máy bài viết của Ann, điều kỳ diệu đã xảy ra. Cô ấy trích dẫn Pháp của Sư Phụ nhưng không ghi rõ trích dẫn từ bài giảng nào. Cô ấy nói đoạn Pháp có thể được trích từ “Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019” và nhờ tôi kiểm tra có chính xác không. Khi tôi gõ xong một phần ba bài viết của cô, tôi dừng lại và quyết định học Pháp trước. Vì đã cho một học viên khác mượn cuốn “Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2019,” nên tôi quyết định đọc bài “Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC 2018.” Đột nhiên tôi thấy đoạn Pháp mà Ann trích dẫn trong bài chia sẻ của cô ấy. Tôi liền chắp tay trước ngực nói: “Con xin cảm tạ Sư tôn.” Điều đó thật thần kỳ.

Các học viên khác giúp tôi đề cao tâm tính

Tôi có nhờ một học viên liên lạc với hai học viên khác mà tôi không có thời gian để liên hệ trực tiếp và bảo họ đưa bài chia sẻ kinh nghiệm cho anh ấy. Anh ấy nói với tôi rằng Linda (bí danh) không muốn làm phiền tôi và quyết định không viết bài chia sẻ. Tôi lập tức hướng nội và nhớ ra điều gì đó. Lần trước, cô ấy đã viết một bài chia sẻ. Bài chia sẻ được viết bằng bút chì và các chữ khá nhỏ. Tôi bảo cô ấy chép lại và cũng chỉ ra một số phần cần viết lại. Tôi nhận ra mình nên nói chuyện riêng với cô ấy.

Khi tôi gặp Linda và hỏi về bài chia sẻ của cô, cô ấy nói: “Ồ, tôi không muốn viết bài chia sẻ vì những gì đã xảy ra lần trước. Tôi quyết định không làm phiền bạn, nên bạn sẽ không phải đánh máy bài chia sẻ của tôi nữa. Lần này, tôi đã viết hai bài chia sẻ. Tôi đã đọc trước [Pháp tượng của] Sư phụ và sau đó đốt đi. Việc bạn giúp mọi người đánh máy tất cả những bài chia sẻ đó thật không dễ dàng.”

Nghe xong những lời của cô, tôi đã rất bất ngờ, trong lòng thấy áy náy, có chút tư vị nào đó. Tôi liền nói: “Tôi thực sự xin lỗi cô. Tôi không biết đã khiến cô tổn thương nhiều như vậy.” Tôi liên tục xin lỗi cô ấy.

Sau đó, Linda đã gửi bài chia sẻ của cô ấy cho tôi. Bài đó vẫn được viết bằng bút chì và các chữ vẫn nhỏ. (Thực tế thì cô ấy đã viết bài chia sẻ một cách cẩn thận và chữ viết rất gọn gàng.). Lần này, tôi không phàn nàn gì về bài viết của cô ấy.

Sau khi trở về nhà, tôi đã suy nghĩ và thấy mình quá chấp trước vào bản thân. Tôi đã không đặt mình vào vị trí của người khác và cân nhắc đến cảm nhận của họ. Linda rất minh bạch về các Pháp lý, ngộ tính tốt. Các bài chia sẻ kinh nghiệm của cô từng được đăng trên trang Minh Huệ. Những gì tôi đã làm đã gây tác động tiêu cực đối với một đồng tu như vậy đó. Tôi cứ một mực xử lý mọi việc theo cách nghĩ của mình. Tôi cũng thường sửa đổi từ ngữ của họ để phù hợp với lối nghĩ của mình.

Những gì tôi đã làm cho các học viên địa phương không có gì đáng kể. Khi nghĩ về những vất vả nỗ lực mà các học viên nói đến trong bài chia sẻ của họ và những học viên làm việc cho trang web Minh Huệ, tôi thực sự thấy mình thật thua kém. Linda đã giúp tôi đề cao tâm tính.

Một điều tuyệt vời khác đã xảy ra trong khi tôi đang đánh máy bài viết của Linda. Ngay sau khi hoàn thành, tôi đã huỷ bản viết tay của cô ấy. (Đó là thói quen lo lắng cho sự an toàn của tôi. Cũng là vì trong tôi còn có nhân tố sợ hãi) Sau này khi xem lại bài viết đó, tôi nhận thấy có một câu Pháp của Sư phụ mà tôi cần xác định được trích dẫn từ đâu. Lúc này tôi mới nhớ nó đã được ghi ở cuối bài viết nhưng tôi đã bỏ qua mất. Tôi thực sự lo lắng và nhận ra sự bất cẩn của mình đã gây ra vấn đề này.

Trước đây, các học viên khác đã từng chỉ ra sự bất cẩn của tôi, nhưng tôi không thực sự để tâm. Không nghĩ rằng vì tính bất cẩn đó mà gây ra sự tình như thế này. Nếu tôi gửi bài viết này cho Minh Huệ, thì sẽ khiến họ phải mất công hơn. Tôi thực sự cần phải chính lại bản thân và nghiêm túc đối đãi mọi vấn đề trong tu luyện.

Khi tôi ý thức được chấp trước của mình, trong lòng không còn cảm thấy bất an nữa. Tối hôm đó, khi đang đánh máy một bài viết khác, đột nhiên trong đầu tôi xuất hiện một câu ở mục “Vấn đề sát sinh“ trong Bài giảng thứ bảy. Tôi mở cuốn Chuyển Pháp Luân ra và lập tức tìm thấy đoạn Pháp mà Linda đã trích dẫn trong bài chia sẻ của cô. Đọc lại, tôi biết mình khá quen thuộc với câu Pháp này. Làm sao tôi lại không thể nhớ ra được? Tôi nhận ra rằng đó là an bài của Sư phụ để cho tôi tìm ra khuyết điểm của mình và tôi cần phải loại bỏ chúng. Đó là một điều thần kỳ khác. Tôi hợp thập trước ngực và nói: “Con xin cảm tạ Sư tôn!”

Kết luận

Tôi muốn nói về Jo Anne. Từ lúc bắt đầu cho đến khi hoàn thành các bài chia sẻ kinh nghiệm của chúng tôi, cô ấy đã giúp tôi và những học viên khác. Cô ấy có thể đánh máy nhưng không thành thạo lắm vì bình thường cô ấy không sử dụng máy tính. Lần này, để giảm bớt công việc cho tôi, cô đã chủ động đánh máy bài viết của mình và cô cũng bảo tôi đừng lo lắng vì cô có thể trợ giúp tôi. Cô cũng giúp tôi rất nhiều ở phương diện đề cao tâm tính. Trong bài chia sẻ này, tôi cũng muốn cảm tạ cô ấy.

Lần này tất cả chúng tôi đều viết bài chia sẻ kinh nghiệm. Hai học viên vừa mới tham gia nhóm học Pháp, cũng viết bài chia sẻ. Thông qua việc viết bài chia sẻ, mọi người tìm thấy những thiếu sót của bản thân và cảm thấy được khích lệ để tu luyện tinh tấn hơn. Tôi thấy chính mình là người thu hoạch được nhiều nhất trong ​​quá trình này. Tôi có được thể ngộ sâu sắc hơn về đoạn Pháp của Sư phụ:

“Nghĩa là hết thảy những gì chư vị làm, kể cả chút việc nhỏ, đều là làm cho mình, không có một việc nào là làm cho Đại Pháp, không có một việc nào làm cho tôi, Sư phụ.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ quốc năm 2004)


Bản tiếng Hán: https://minghui.org/mh/articles/2019/10/1/393986.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/10/30/180534.html

Đăng ngày 17-12-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share