Bài viết của Thanh Thanh, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc

[MINH HUỆ 04-09-2019] Tôi năm nay 80 tuổi và đã bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp từ năm 1997. Sau khi bắt đầu tu luyện, tôi luôn chiểu theo lời dạy của Sư phụ Lý (Nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp) và nghiêm khắc yêu cầu bản thân hành xử chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn.

Sư phụ giảng:

“Chư vị phải tiếp xúc với người khác, lấy thiện đãi người, làm việc trước tiên nghĩ tới người khác.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Bắc Mỹ lần đầu [1998])

Mặc dù từng hai lần bị tai nạn ô tô nghiêm trọng, nhưng tôi đều nhanh chóng hồi phục bằng cách chiểu theo những yêu cầu của Sư phụ.

Bị ngã ra khỏi xe buýt đang chạy

Mùa thu năm 2017, tôi bắt xe buýt đi thăm một người bạn. Khi chuẩn bị xuống xe buýt tại trạm dừng, khi tôi vừa mới bước một chân ra khỏi cửa xe thì tài xế đã đột nhiên đóng cửa, khiến chân còn lại của tôi bị cửa xe kẹp chặt.

Lúc đó, tôi nghe thấy tiếng một hành khách trong xe la lên: “Bà ấy còn chưa kịp xuống xe mà anh đã vội đóng cửa rồi!” Người tài xế đã không nghe thấy tiếng cô ấy và cho xe chạy tiếp. Cuối cùng, tôi đã bị văng ra khỏi xe và ngã nhào xuống đường. Hai hành khách vừa xuống xe buýt trước tôi đã đỡ tôi đứng dậy. Tôi rất đau và đứng không vững.

Cuối cùng tài xế xe buýt cũng nhận biết được chuyện gì đã xảy ra và cho xe quay lại, nhanh chóng xuống xe và hỏi tôi có bị làm sao không. Tôi nghĩ: “Mình là học viên Pháp Luân Đại Pháp. Sư phụ yêu cầu các học viên phải nghĩ cho người khác trước khi làm bất cứ điều gì. Người tài xế không cố ý gây ra chuyện này. Nếu công ty xe buýt phát hiện ra sự việc này, thì cậu ấy sẽ bị phạt hoặc bị sa thải. Cậu ấy cũng cần đưa các hành khách khác đến trạm của họ ngay bây giờ.”

Tôi nói với người tài xế: “Bác không sao. Nhưng từ giờ trở đi cháu cố gắng tập trung khi lái xe vì an toàn là trên hết, cháu nhé.” Cậu ấy đồng ý và cảm ơn tôi.

Đôi chân tôi đau đến mức không thể đi lại. Một người bạn của tôi đã phải gọi một chiếc taxi để đưa tôi về nhà.

Ở nhà, tôi phải dùng gậy chống. Tôi không muốn người nhà lo lắng hay gây phiền phức cho người tài xế xe buýt, nên tôi đã giả vờ rằng tôi bị ngã trên nền nhà trơn trượt.

Sau một thời gian, tôi nghĩ: “Mình là học viên và có Sư phụ bảo hộ. Nhưng nếu công ty xe buýt không hướng dẫn các tài xế của họ chú ý đến sự an toàn thì đều tương tự sẽ lại xảy ra, và nó sẽ đem lại rắc rối không cần thiết cho người khác. Nó sẽ là một tổn thất lớn cho công ty và các cá nhân có liên quan.” Tôi quyết định viết một lá thư đề cập đến chuyện này gửi cho công ty xe buýt để họ chú ý hơn.

Trong lá thư, tôi thông báo cho họ biết những gì đã xảy ra, mà không tiết lộ tuyến xe buýt và tên người tài xế. Tôi đề nghị họ tập trung đào tạo các tài xế về vấn đề an toàn. Tôi cũng đề cập rằng tôi là một học viên và Sư phụ Lý đã dạy tôi trở thành một người thiện lương. Tôi kết thúc lá thư với hy vọng họ sẽ nhớ rằng: “Pháp Luân Đại Pháp hảo, Chân-Thiện-Nhẫn hảo!”

Sau khi gửi thư, tôi nhanh chóng hồi phục sau chấn thương.

Bị xe taxi tông

Vào tháng 1 năm 2019, tôi đã đến một nhà tắm công cộng để tắm. Khi tôi đang đợi xe buýt để về nhà, thì một taxi xuất hiện phía sau tôi. Người tài xế xe không đạp thắng kịp nên đã tông tôi ngã xuống đất.

Tài xế xe bước xuống xe và hỏi tôi: “Bác có sao không? Bác có bị đau ở đâu không?” Lúc đó, tay tôi rất đau, nhưng tôi nhớ rằng Sư phụ yêu cầu chúng ta luôn nghĩ cho người khác trước. Tôi nghĩ: “Nếu mình đi bệnh viện, thì tài xế sẽ phải tốn thời gian và tiền bạc. Người tài xế taxi chắc cũng có hoàn cảnh khó khăn tương tự như người khác thôi.”

Tôi trả lời: “Bác không sao. Lần tới khi cháu lái xe, hãy chú ý hơn nhé. Bây giờ thì cháu có thể đi được rồi.” Những người đứng xem đều nói: “Sao bà để cậu ta đi dễ dàng như thế? Sao không lấy số điện thoại của cậu ấy? Hoặc là biển số xe? Bà quả thực là một người tốt!”

Về nhà, đôi tay tôi sưng lên, nên người nhà nhất mực yêu cầu tôi đi bệnh viện để chụp X-quang. Kết quả chụp phim cho thấy tôi đã bị gãy xương. Khi được hỏi có biết biển số xe và số điện thoại của người tài xế hay không, tôi nói tôi đã không hỏi cậu ấy. Người nhà trách tôi, và các nhân viên bệnh viện cũng nghĩ rằng tôi thật ngốc nghếch. Tôi chỉ mỉm cười: “Tôi là một học viên Đại Pháp. Tôi không ngại bị xem là ngốc.”

Ở nhà, tôi chú tâm học Pháp và luyện công. Tôi đã hồi phục rất nhanh chóng.

Nếu không có Sư phụ bảo hộ, thì làm sao một người trong độ tuổi 80 như tôi lại có thể hồi phục nhanh chóng như thế?

Thông qua hai vụ tai nạn, tôi minh bạch rằng sinh mạng tôi được kéo dài là nhờ Sư phụ và Đại Pháp. Kể từ bây giờ, thậm chí tôi sẽ nghiêm khắc hơn nữa với bản thân và chiểu theo tiêu chuẩn Chân-Thiện-Nhẫn trong mọi việc tôi làm.

Con xin cảm tạ Sư tôn!


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/4/392271.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/21/179985.html

Đăng ngày 12-10-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share