Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 21-09-2019] Bộ phim tài liệu Thư từ Mã Tam Gia đã được trình chiếu tại Tòa nhà Văn phòng Rayburn trong khu vực Tòa nhà Quốc hội, Washington DC hôm 20 tháng 9 vừa qua. Một số nhân viên làm việc trong Quốc hội Hoa Kỳ đã tham dự buổi chiếu phim này. Đạo diễn Leon Lee đã trả lời các câu hỏi từ phía khán giả thông qua một hội nghị truyền hình.
Bộ phim kể về câu chuyện của một học viên Pháp Luân Công, ông Tôn Nghị. Để kêu gọi mọi người chú ý tới tình cảnh của ông và các học viên khác, ông đã giấu một bức thư trong một món đồ trang trí Halloween mà ông bị ép phải làm tại Trại Lao động Cưỡng bức Mã Tam Gia, thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc.
Trong bức thư, ông Tôn kể về những khổ nạn phải chịu khi làm lao động khổ sai ở Mã Tam Gia và mong rằng ai đó thấy được bức thư này sẽ chuyển nó tới một tổ chức nhân quyền quốc tế.
Sau khi cô Julie Keith, ở bang Oregon, mở chiếc hộp và đọc bức thư, cô đã tìm cách phơi bày tình cảnh của ông. Vào thời điểm đó, ông Tôn Nghị đã được thả từ trại lao động được hơn hai năm.
Bộ phim tài liệu Thư từ Mã Tam Gia được trình chiếu tại Tòa nhà Rayburn vào hôm 20 tháng 9 năm 2019
Một số người đã cảm động đến rơi lệ trong khi xem phim. Trong phần thảo luận, một người đã hỏi đạo diễn Leon Lee: “Ông mong khán giả biết được điều gì qua bộ phim về Trung Quốc này?”
Ông Lee đáp: “Cho dù Trung Quốc đã tuyên bố đóng cửa các trại lao động, và bất kể chính phủ Trung Quốc nói nhân quyền của nó đã được cải thiện ra sao, thì phóng sự này chính là một câu chuyện chân thực. Đây là điều mà các vị không thể thấy được nếu các vị chỉ mới tới Trung Quốc trong hai tuần hay thậm chí là hai năm.
“Điều quan trọng hơn là câu chuyện của ông Tôn Nghị không chỉ là một trường hợp đơn lẻ. Ở Trung Quốc, có rất nhiều người đang đấu tranh cho quyền lợi của họ. Những gì họ cần là sự quan tâm của chúng ta dành cho họ và trợ giúp họ.”
Ông nói thêm: “Nhiều người hỏi tôi: ‘Chúng tôi có thể làm được gì đây? Trung Quốc có vẻ quyền lực lắm.’ Điều mà bản thân tôi đúc kết được từ câu chuyện của ông Tôn Nghị là đôi khi, một hành động nhỏ cũng có thể dẫn đến sự thay đổi lớn. Ông Tôn Nghị hay cô Julie đều không thể hình dung được lựa chọn của họ sẽ có ảnh hưởng lớn đến vậy.”
Ông cũng nêu lên một vấn đề khác với khán giả: “Ông Tôn Nghị cho biết ông ấy đã viết 20 bức thư kêu gọi sự giúp đỡ. Vậy 19 bức thư còn lại đã đi đâu? Có lẽ, ai đó đã nhận được bức thư nhưng lại vứt nó đi. Bởi vậy, nếu mỗi khán giả xem bộ phim này làm được những gì họ có thể làm, giống như cô Julie vậy, thì sự lựa chọn của các vị có thể cũng có tác động rất lớn.”
Đạo diễn Leon Lee (trong video), ông Eric Meltzer, người dẫn chương trình, và ông Larry Liu, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington DC, trả lời các câu hỏi sau buổi chiếu phim.
Ông Larry Liu, người phát ngôn của Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington DC, cho biết nhiều người xem xong bộ phim nghĩ đây là câu chuyện của ông Tôn Nghị. Ông cảm nhận đây còn là câu chuyện của cô Julie nữa. Ông cảm thấy cô ấy là một người hùng. Sau khi không nhận được phản hồi gì từ các tổ chức nhân quyền, cô vẫn không từ bỏ. Cô đã liên lạc với các phóng viên đến từ kênh truyền thông tại địa phương của mình.
Ông Eric Meltzer, người dẫn chương trình của buổi chiếu phim, tiết lộ với khán giả rằng các thủ đoạn bức hại và tra tấn các học viên Pháp Luân Công còn được Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sử dụng để bức hại người Duy Ngô Nhĩ (nhóm dân tộc Hồi giáo thiểu số ở Trung Quốc). Điểm chung là họ đều là đối tượng của nạn thu hoạch nội tạng sống của ĐCSTQ do chính nhà nước này hậu thuẫn.
Văn hóa truyền thống của người Châu Á giữ nguyên vẹn thi thể của một người sau khi qua đời. Bởi vậy, ở Trung Quốc và các nước Châu Á khác có rất ít người hiến tạng. Điều này làm dấy lên mối nghi hoặc về việc tăng đáng kể số ca cấy ghép tạng ở các bệnh viện Trung Quốc sau khi cuộc bức hại Pháp Luân Công xảy ra.
Thời gian chờ để tìm được cơ quan tạng phù hợp chỉ từ khoảng vài tuần đến một tháng. Điều này chính là bởi Trung Quốc đã tiến hành nạn giết hại các học viên Pháp Luân Công và người Duy Ngô Nhĩ theo nhu cầu.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/9/21/《求救信》在美国国会大楼放映(图)-393624.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/9/25/180041.html
Đăng ngày 26-09-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.