Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 15-03-2019] Tôi trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp (còn được gọi là Pháp Luân Công), dường như là thông qua những mối duyên tiền định. Tôi không phải chịu đựng bất cứ căn bệnh nghiêm trọng nào và tôi cũng không tìm kiếm điều gì trong cuộc sống. Tuy nhiên, tôi đã bắt đầu nhận ra ý nghĩa nhân sinh thực sự của đời người sau khi đọc cuốn Pháp Luân Công và nghe băng các bài giảng Pháp của Sư phụ. Kết quả là, nhân sinh quan của tôi thay đổi và tôi sống vui vẻ và hạnh phúc hơn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, tiêu chuẩn tu luyện trở nên nghiêm khắc hơn, nên tôi đã bắt đầu trải qua những giai đoạn vô cùng đau khổ và mệt nhọc trong suốt thời gian vượt quan đầy thử thách. Tôi đã trải qua những cảm xúc tương tự trước khi trở thành một học viên, và sự trỗi dậy của các cảm xúc tiêu cực này đã để lại cho tôi những phiền muộn và bối rối.

Rất lâu sau đó, tôi nhận ra lý do đằng sau trạng thái tiêu cực của mình là do tình dẫn khởi. Mặc dù tôi đã trải qua một số khổ nạn, vốn là bắt nguồn từ tình, nhưng những tình huống khác nhau đó đã khiến tôi khó có thể xác định được chính nó là trở ngại thực sự cho việc tu luyện của tôi.

Trong Chuyển Pháp Luân, Sư phụ Lý giảng:

“Bất kể sự việc gì cũng có quan hệ nhân duyên; vì sao người ta có thể làm người? Chính là vì người ta có ‘tình’; người ta vì cái ‘tình’ này mà sống; tình cảm thân quyến, tình cảm nam nữ, tình cảm với cha mẹ, cảm tình, tình bè bạn, thực thi công việc cũng có tình, ở đâu cũng không tách khỏi cái ‘tình’ ấy; muốn làm hay không, cao hứng hay không, yêu và ghét, hết thảy mọi thứ trong toàn bộ xã hội nhân loại đều từ cái ‘tình’ ấy mà ra.” (Bài giảng thứ tư,Chuyển Pháp Luân)

Tôi lớn lên dưới ảnh hưởng của phong trào giáo dục chủ nghĩa xã hội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), cuộc Cách mạng Văn hoá, chiến dịch chống cánh hữu và chiến dịch phê phán những lời răn dạy của Khổng Tử. Hơn nữa, gia đình tôi và chồng tôi bị coi là nằm trong nhóm “Năm diệt [Thuật ngữ cách mạng văn hoá dành cho những nhóm người bị xem là “kẻ thù của cách mạng”, ví dụ: địa chủ, tư sản, v.v…]. Là một mục tiêu của cuộc bức hại và bôi nhọ, tôi dần quen với sự thất vọng, gian khổ và cô độc. Kết quả là, tôi có rất ít cơ hội để xem xét một cách cẩn thận hay vướng vào những cảm tình người thường khác.

Tình là chướng ngại cự đại trên con đường tu luyện

Sau khi đắc Pháp, tôi đã cố gắng để theo kịp các tiêu chuẩn của một học viên. Tuy nhiên, niềm tin kiên định và nỗ lực tu luyện tinh tấn của tôi đã bị huỷ hoại bởi chấp trước vô thức vào tình. Rốt cuộc là, điều này đã ảnh hưởng tiêu cực tới việc tu luyện của tôi và tạo ra rất nhiều vấn đề cho chỉnh thể tu luyện ở địa phương.

Một đồng tu đã giúp đỡ và hỗ trợ tôi rất nhiều khi tôi phải sống lang bạt vì cuộc bức hại. Khi anh ấy được thả sớm khỏi trại lao động, tôi đã không tin vào việc có thể anh ấy đã bị ĐCSTQ tẩy não. Những học viên khác thậm chí còn cảnh báo tôi rằng anh ấy đã thông đồng với chính quyền trong trại lao động để bắt giữ tôi. Tuy nhiên, những ký ức về lòng tốt của anh cùng tình đồng tu giữa chúng tôi trước đây luôn khắc sâu trong tâm trí tôi, và tôi đã nói với anh ấy nơi tôi ở hiện tại. Sau đó, anh ấy đã đích thân dẫn một nhóm cảnh sát đến trước ngưỡng cửa nhà tôi. Tôi đã bị bắt cóc, cùng với một học viên khác ở cùng nhà với tôi. Mặc dù vậy, tôi vẫn không nhận ra những thiếu sót của bản thân.

Chấp trước của tôi được phơi bày rõ hơn khi một học viên và người vợ thứ hai của anh, tìm đến tôi nhờ giúp đỡ vì họ không còn nơi chốn để đi về. Học viên này đã bị bắt giữ bất hợp pháp, bị tra tấn và bị sa thải khỏi nơi làm việc. Người vợ đầu tiên đã ly dị anh và mang theo đứa con trai duy nhất của họ. Sau khi cân nhắc về tình trạng tài chính và sự an toàn của họ, tôi đã để họ vào. Hành động tốt bụng ban đầu với mục đích giúp đỡ đồng tu chắc chắn là đúng.

Nhưng trong những năm tiếp theo, một cách vô thức tôi bắt đầu đan xen chấp trước vào tình của người thường vào trong giao tiếp giữa chúng tôi. Ban đầu, bởi vì tôi tin tưởng vào kỹ năng chuyên môn của họ trong một số công việc, tôi đã cho họ ăn uống và sống trong nhà tôi như là một sự bù đắp. Chẳng bao lâu, môi trường tu luyện của chúng tôi biến thành cuộc sống hàng ngày của một gia đình. Chúng tôi đã quên giữ bản thân theo các tiêu chuẩn của một người tu luyện và thay vào đó lại đối đãi với nhau như những người họ hàng thân thiết. Hành động của chúng tôi đã bị các đồng tu khác quan sát được, và họ cảnh báo tôi rằng: “Đừng mang cái tình của người thường vào trong tu luyện Đại Pháp!” Tuy nhiên tôi đã làm ngơ những lời khuyên của họ.

Một ngày, một học viên khác đã nói lại những lời nhận xét của tôi về người học viên sống cùng tôi. Mặc dù những lời này đã bị đoạn chương thủ nghĩa, nhưng mối quan hệ giữa chúng tôi vẫn bị rạn nứt. Cuối cùng, vợ chồng người học viên đó đã quyết định rời khỏi nhà tôi. Mặc cho những mất mát xảy ra, tôi đã không hướng nội tìm rõ nguyên nhân cho sự trượt ngã của bản thân, mà thay vào đó lại dùng quan niệm của người thường để xem xét vấn đề. “Những năm tháng tôi đã hy sinh và nỗ lực vì lợi ích của họ đã bị coi thường chỉ bởi vài lời nhận xét nhỏ nhặt đã bị đoạn chương thủ nghĩa?” Tôi vẫn không thể buông bỏ cái tình trong tu luyện. Sự cố này đã gây rắc rối cho nhiều học viên địa phương và ảnh hưởng tới toàn bộ hoàn cảnh tu luyện của chỉnh thể chúng tôi.

Sự cố này, và cả những sự cố khác, đã ảnh hưởng nặng nề tới tâm trí tôi. Tôi bắt đầu cảm thấy cay đắng và mệt mỏi. Tuy nhiên, Sư phụ vẫn tiếp tục cấp thêm cho tôi cơ hội. Sau khi nhận thức được tầm quan trọng của việc hướng nội, cuối cùng tôi đã phát hiện ra thiếu sót của bản thân. Tôi đã hướng về các đồng tu để lấp đầy những khao khát về tình cảm của mình. Tôi đã nhầm lẫn giữa tình và từ bi, khi dùng cảm xúc và tư duy logic của người thường để nhìn nhận các vấn đề phát sinh trên con đường tu luyện của mình. Những hành động của tôi đã không dựa trên Pháp. Từ đó trở đi, tôi quyết tâm loại bỏ tất cả cái tình mà tôi đã đem vào trong tu luyện.

Biểu hiện của tình

Người tu luyện có chấp trước thường bộc lộ chúng ra dưới dạng cảm xúc người thường. Tôi đã quan sát bản thân tôi và những học viên khác, những cảm xúc mãnh liệt đã dẫn tới mâu thuẫn giữa các học viên và gây ra gián cách cho chỉnh thể tu luyện.

Ví dụ, các đồng tu hoà hợp với nhau thường có xu hướng nói chuyện không ngừng. Họ cũng dễ dàng phối hợp với nhau. Các đồng tu không hoà hợp thì thường có thái độ khinh thường người khác. Họ có xu hướng tránh bên kia và từ chối phối hợp khi người đó gặp vấn đề. Khi thành lập các nhóm học Pháp, nhiều học viên cũng cố gắng tìm kiếm những người có quan niệm phù hợp với mình. Những học viên bị xem thường sẽ bị bài xích, đây chẳng phải là cách cư xử kiểu văn hoá đảng sao? Những hành động như vậy có thể cản trở tiến trình tu luyện của học viên, nuôi dưỡng tâm oán hận giữa các học viên và ảnh hưởng tới việc chúng ta cứu độ chúng sinh.

Ngoài ra, tôi còn nhận thấy cái tình quá mức giữa các học viên, biểu hiện ra như là tình thân, tình vợ chồng, và tình yêu cha mẹ dành cho con cái. Những học viên này không thể phân định rõ tu luyện với các mối quan hệ gia đình. Họ dành quá nhiều công sức vào việc chuẩn bị và nấu các món ăn cho những buổi tụ họp gia đình vào cuối tuần. Tuy nhiên, mặc dù đã tu luyện Đại Pháp hơn 20 năm, họ không dám nhắc đến ba từ “Pháp Luân Công” ở nhà và lén lút trốn gia đình để tham gia các hoạt động của Pháp Luân Đại Pháp.

Những học viên này cũng thường sử dụng lý do phù hợp tối đa với xã hội người thường mà đưa gia đình họ đi du lịch, cả trong và ngoài nước. Tuy nhiên, họ không dám trưng bày công khai các sách Đại Pháp ở nhà, hoặc nói chuyện cởi mở với người thân và bạn bè rằng họ đang tu luyện Pháp Luân Công. Họ sống rất thận trọng, và tận tâm chăm sóc cho người thân. Tuy nhiên, hoàn cảnh tu luyện ở nhà của họ lại bị trì trệ trong suốt hơn 20 năm qua. Ngoài ra, có nhiều học viên lớn tuổi lại dành quá nhiều thời gian và tinh lực vào việc chăm sóc cho những đứa cháu của họ.

Những học viên còn không buông bỏ chấp trước vào tình thái quá và không chân chính tu luyện cuối cùng sẽ gây hại cho chính bản thân họ và gia đình.

Tình là chấp trước căn bản

Sư phụ giảng:

“Vì con người có ‘tình’, nóng giận là ‘tình’, ưng ý là ‘tình’, yêu là ‘tình’, hận cũng là ‘tình’; vui thích làm điều [nào đó] là ‘tình’, không thích làm điều [nào đó] cũng là cái ‘tình’ ấy; thấy người này hay người kia dở, yêu thích làm gì đó hoặc chẳng yêu thích làm gì đó, hết thảy đều là ‘tình’; người thường chính là vì cái ‘tình’ ấy mà sống. Như vậy làm một người luyện công, một người siêu thường, thì không thể dùng cái [đạo] lý ấy để nhận định được, cần đột phá điều này. Do đó [đối với] rất nhiều tâm chấp trước xuất phát từ ‘tình’, chúng ta cần xem nhẹ, cuối cùng hoàn toàn vứt bỏ.” (Bài giảng thứ sáu, Chuyển Pháp Luân)

Kỳ thực, tình được sinh ra từ sự vị tư của chúng ta. Tâm tật đố, tâm tranh đấu, tâm cầu danh, tâm oán hận, tự tư, tự đại, tất cả đều bắt nguồn từ tình. Các đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp nên có một trái tim thuần khiết và từ bi. Từ bi và tình là hoàn toàn khác nhau. Từ bi là vị tha, không bị lay động ngay cả khi đối diện với mất mát và đau thương. Việc nhận ra sự khác biệt này và tu khứ chấp trước căn bản là vô cùng quan trọng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2019/3/15/382749.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2019/4/8/176426.html

Đăng ngày 25-04-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share