Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 4-12-2018] Một phụ nữ ở thành phố Song Áp Sơn, tỉnh Hắc Long Giang không qua khỏi trước căn bệnh ung thư 15 tháng sau khi bà được tại ngoại điều chữa trị y tế.
Bà Quách Hồng Hà bị bắt vào tháng 10 năm 2014 và bị kết án 3,5 năm tù vào tháng 11 năm 2016 chỉ vì tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang bị chính quyền Cộng sản Trung Quốc bức hại từ năm 1999.
Do bị ngược đãi trong thời gian tạm giam trước khi kết án, bà Quách đã trở nên tiều tụy khi bị đưa tới nhà tù vào tháng 6 năm 2017, từ đó sức khỏe của bà tiếp tục xấu đi. Bác sỹ chẩn đoán bà bị bệnh ung thư chưa đầy hai tháng và được bảo lãnh tại ngoại để điều trị vào tháng 8 năm 2017. Bà qua đời vào ngày 27 tháng 11 năm 2018 ở tuổi 57.
Bà Quách Hồng Hà
Thẩm phán vi phạm thủ tục pháp lý trong quá trình tố tụng
Bà Quách bị bắt cùng với 14 học viên Pháp Luân Công địa phương khác vào tháng 10 năm 2014. Trong khi mười học viên được tại ngoại hoặc bị giam tại nhà thì năm người, tính cả bà Quách, vẫn bị giam tại Trại Tạm giam Thành phố Song Áp Sơn.
Viện Kiểm sát Quận Tiêm Sơn đã gửi hồ sơ của các học viên này tới Tòa án Quận Tiêm Sơn vào tháng 5 năm 2015. Trong 17 tháng sau đó, thẩm phán Cao Chí Tân đã ba lần trả lại hồ sơ cho công an để yêu cầu thêm bằng chứng.
Theo luật pháp Trung Quốc, thẩm phán sẽ ra quyết định về các hồ sơ hình sự trình về tòa trong hai tháng, và chỉ có viện kiểm sát mới có thể trả hồ sơ về lại cho cảnh sát, nhiều nhất là hai lần, để lấy thêm bằng chứng.
Trong khi đó, thẩm phán Cao lại không cho luật sư xem hồ sơ của học viên. Ông ta cũng tránh nói chuyện với luật sư khi được yêu cầu giải thích quyết định của ông ta.
Cuối cùng, thẩm phán Cao cũng cho phép luật sư xem hồ sơ, rồi ông ta lên lịch mở phiên xử các học viên sau đó bảy ngày, trong khi luật pháp quy định thời gian để luật sư xem xét hồ sơ vụ việc trước khi mở phiên xử là 10 ngày.
Sau hai năm bị giam cầm kéo dài, bà Quách cùng năm học viên khác (trong đó, có một người được tại ngoại) bị đưa ra xét xử tại Tòa án Tiêm Sơn vào ngày 18 tháng 10 năm 2016. Các luật sư biện hộ đã biện hộ vô tội cho các thân chủ và lập luận về việc thiếu căn cứ pháp lý của cuộc bức hại, cũng như sự vi phạm thủ tục pháp lý trong quá trình truy tố của luật sư.
Thẩm phán Cao đã kết án tù các học viên vào ngày 28 tháng 11 năm 2016. Bà Quách kết án 3,5 tù, bà Trương Lệ Diễm 7,5 năm tù, ông Vương Đông Sinh 7 năm tù, bà Vương Ngọc Chi 4 năm tù, bà Đan Kim Lị 3 năm tù và ông Tổ Vạn Hải 3 năm tù.
Thẩm phán đã gặp các học viên ở trại tạm giam vào ngày 7 tháng 12 năm 2016 để thuyết phục họ không kháng án.
Khi bà Quách bị chuyển tới Nhà tù Cáp Nhĩ Tân vào tháng 6 năm 2017, bà đã có triệu chứng bệnh, thường xuyên bị ho. Bà được chẩn đoán mắc bệnh ung thư hai tháng sau đó và được tại ngoại chữa trị vào tháng 8 năm 2017.
Thống khổ trong thời gian ở trại lao động cưỡng bức
Lần đầu bà Quách bị bắt là tháng 10 năm 1999 chỉ vì đi thỉnh nguyện cho Pháp Luân Công ở Bắc Kinh. Bà bị sa thải và kết án hai năm lao động cưỡng bức ở Trại Lao động Cưỡng bức Tây Cách Mộc ở thành phố Giai Mộc Tư. Ở trại lao động, bà bị cho ăn ngô mốc trộn với thức ăn cho gà và bị ép lao động hơn 10 tiếng mỗi ngày, chủ yếu là gọt vỏ và nhặt đậu. Vì thế, bà bị đau nặng ở lưng và ngón tay.
Sau đó, bà tuyệt thực để phản đối bị bức hại nhưng lại bị lính canh bức thực. Đồ ăn gia đình gửi vào cho bà đều bị lính canh tịch thu.
Bà đã kể lại trải nghiệm của mình cho một phóng viên báo Minh Huệ trước khi bà qua đời. Bà nói: “Khi tôi được thả về nhà, nỗi ám ảnh về những lần tra tấn tàn khốc khiến tôi chẳng còn nghĩ được gì nữa. Tôi thấy trong mình thật trống rỗng. Cảnh sát thường xuyên sách nhiễu tôi và tôi rất sợ khi đi ra ngoài, sợ rằng công an sẽ đến bắt tôi bất cứ lúc nào.”
Bà cho biết, cứ nhớ lại những lần tra tấn là lại khoét sâu vào nỗi đau của bà vậy.
Báo cáo liên quan:
Hắc Long Giang: Năm người đối mặt với việc xét xử vì đức tin của họ
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/12/19/378623.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/12/20/173696.html
Đăng ngày 01-01-2019; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.