Bài viết của phóng viên Minh Huệ tại tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc
[MINH HUỆ 18-10-2018] Dưới đây là câu chuyện của một gia đình tan vỡ đã được hàn gắn nhờ tu luyện Pháp Luân Công. Tuy nhiên, cuộc bức hại kéo dài 19 năm nhắm đến Pháp Luân Công đã khiến gia đình họ tan nát: một cô con gái bị mất việc làm; người chồng cựu chiến binh bị đánh đập và qua đời vì trầm cảm; một cô con gái khác nhiều lần bị giam giữ và gần đây nhất đã bị kết án 8 năm tù.
Đó là lý do tại sao bà Lưu Ngọc Cần ở thành phố Đại Liên đang kiếm tìm công lý. Bà Lưu và con gái là Chu Hải Vân cùng bị bắt giữ vào ngày 8 tháng 10 năm 2017. “Tội” duy nhất của họ là tu luyện Pháp Luân Công, một môn tu luyện giúp cải thiện cả thân lẫn tâm.
Bà Lưu,73 tuổi, bị đưa đến Trại tạm giam Diêu Gia và được thả vào ngày 16 tháng 10 năm 2017. Con gái bà, cô Chu, hiện vẫn đang bị giam giữ. Kể từ đó đến nay, bà Lưu đã đến gặp nhiều cơ quan chính phủ để yêu cầu trả tự do cho con gái bà, trong đó có cảnh sát, viện kiểm sát và các tòa án. Tuy nhiên, bà hầu như không nhận được hồi âm nào từ họ.
Gần đây, bà Lưu mới biết rằng con gái bà đã bị kết án 8 năm tù và bị đưa đến Nhà tù Nữ Tỉnh Liêu Ninh.
Một gia đình tan vỡ nhận được phúc báo
Chồng bà Lưu là một bác sỹ không quân nhưng ông lại không thể chữa lành bệnh tật cho chính mình. Ông bị mắc nhiều loại bệnh như viêm gan, bệnh tim và cao huyết áp. Ông có ba đứa con và cha mẹ già nằm liệt giường cần phải chăm sóc, trong khi bà Lưu sức khỏe kém và thường xuyên chán nản. Hai vợ chồng bà thường xuyên cãi nhau và cuộc hôn nhân đứng trên bờ vực tan vỡ.
Con trai bà, một học sinh trung thực, đã trở nên tồi tệ hơn khi một lần bị điểm kém và bị giáo viên khiển trách, rồi bị mẹ đánh. Cậu trở nên chán nản, bỏ học, thậm chí còn có ý định tự tử và sau đó sinh bệnh rối loạn lưỡng cực (một loại bệnh lý tâm thần gồm cả phấn khích và trầm cảm). Các bác sỹ không thể giúp gì được và điều đó tạo nên một áp lực vô cùng lớn đối với gia đình.
Hai vợ chồng bà Lưu bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào tháng 5 năm 1995, sức khỏe và tâm tính của họ đều được cải thiện nhanh chóng sau đó. Khi hai vợ chồng bà Lưu bắt đầu hòa thuận với nhau, ba người con của họ cũng trở thành học viên. Đặc biệt, bệnh tâm thần của con trai họ đã được phục hồi, và cậu đã có lại một thái độ tích cực và cởi mở hơn.
Nỗi thống khổ của gia đình
Ngay cả sau khi Pháp Luân Công bị cấm vào tháng 7 năm 1999, gia đình bà Lưu vẫn muốn chia sẻ lợi ích của môn tu luyện, nhưng họ đã gặp phải sự bức hại tàn bạo. Con gái nhỏ của bà Lưu làm việc tại Cục Chứng nhận và nhận được nhiều khen thưởng nhờ thành tích tốt trong công việc nhưng cô đã bị sa thải.
Chồng bà Lưu bị một cảnh sát trẻ đánh đập thậm tệ và bị thương nặng ở đầu. Sau đó ông bị ép phải trả tiền phạt 1.000 Nhân dân tệ. Sau khi ông trở về nhà vào ngày hôm sau, cảnh sát tiếp tục sách nhiễu và đe dọa ông. Phục vụ trong quân đội gần 40 năm, ông chưa bao giờ bị ngược đãi thân thể, chứ chưa nói đến việc viên cảnh sát trẻ đó chỉ đáng tuổi cháu ông. Vì quá thất vọng, chán nản và không được tự do tu luyện, ông đã sinh bệnh, rồi qua đời.
Cô Chu, con gái lớn của bà Lưu, bị đưa đến trại lao động cưỡng bức hai lần với tổng thời gian hơn 5 năm. Cô bị bắt giữ vào tháng 10 năm 2017 trong một chiến dịch bức hại Pháp Luân Công của cảnh sát Đại Liên. Vào thời điểm đó, có tất cả 19 học viên bị giam giữ. Hơn 10 cảnh sát đã xông vào còng tay cô Chu. Họ lôi cô vào một chiếc xe cảnh sát và một cảnh sát đã dùng cả hai nắm tay đấm vào đầu cô. 15 ngày sau, khi luật sư đến thăm cô, đầu cô vẫn còn đau.
Trong số 19 học viên, 8 học viên đã có lệnh bắt giữ sau đó và phiên xét xử đã được tổ chức bí mật trong thời gian từ tháng 4 đến tháng 6 năm 2018. Ngoài bà Chu, một số học viên khác cũng bị cầm tù. Như trường hợp của ông Hác Phúc Khuê, 81 tuổi, được thả tại ngoại vào tháng 10 năm 2017 nhưng sau đó lại bị kết án 3 năm tù và bị đưa trở lại nhà tù vào đầu năm 2018.
Chính sách tư pháp
Để ngăn chặn các luật sư bào chữa cho các học viên Pháp Luân Công, Phòng Tư pháp Đại Liên và Tòa Trung thẩm Đại Liên đã ban hành một chính sách yêu cầu các luật sư phải được sự chấp thuận của phòng tư pháp phụ trách công ty luật của họ cũng như phòng tư pháp phụ trách tòa án nơi tổ chức vụ án. Nếu không có sự chấp thuận đó, các luật sư sẽ không được phép đại diện cho các học viên Pháp Luân Công.
Tuy nhiên, một số văn phòng tư pháp cho biết họ không đưa ra những yêu cầu như vậy bởi trong luật không quy định điều đó khi các luật sư tiếp nhận một vụ việc.
Báo cáo liên quan:
Tám học viên bị kết án ở Nhà tù Thành phố Đại Liên
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/18/375930.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/23/172973.html
Đăng ngày 30-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.