Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Hàn Quốc
[MINH HUỆ 15-10-2018] Hôm Chủ Nhật, ngày 14 tháng 10 vừa qua, gần 2.000 học viên đã tham dự Hội Giao lưu Tâm đắc Thể hội Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp (Pháp hội) Châu Á ở Seoul.
Đại sư Lý Hồng Chí, nhà sáng lập Pháp Luân Đại Pháp, viết trong lời chào mừng gửi tới Pháp hội:
“Chư vị là hy vọng của chúng sinh.” (Gửi Pháp hội Châu Á 2018)
15 học viên đến từ Hàn Quốc, Indonesia, Đài Loan, Hồng Kông, và các vùng miền khác đã đọc bài chia sẻ tại Pháp hội.
Chủ đề của các bài chia sẻ tập trung vào cách các học viên đã áp dụng để chứng thực nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn tại nơi làm việc, trong cuộc sống hàng ngày, và tại ngôi trường mà họ đang theo học. Các học viên miêu tả quá trình họ tống khứ các chấp trước, đề cao tâm tính, và giảng chân tướng cho những người khác về Pháp môn tu luyện tinh thần này trong khi tu luyện.
Hội Giao lưu Tâm đắc Thể hội Tu luyện Pháp Luân Đại Pháp 2018 (Pháp hội) Châu Á tổ chức tại Seoul vào hôm Chủ Nhật, ngày 14 tháng 10
Tu luyện vững chắc
Bà Lý Nhuận Tĩnh đến từ Busan, Hàn Quốc, là một giáo viên trung học cơ sở. Từ khi còn nhỏ, bà thường tới các ngôi đền cùng với cha mẹ, và sau đó bà bắt đầu tu luyện Phật giáo. Một người bạn đã giới thiệu Pháp Luân Đại Pháp cho bà vào năm 2012, và bà đã đọc cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Đại Pháp.
“Tôi thật sự đã rất sốc”, bà nhớ lại. “Nhiều thắc mắc khi tôi còn tu luyện trong Phật giáo đều được giải khai trong cuốn sách này. Tôi vô cùng phấn khởi vì tôi đã không biết rằng có một cuốn sách tiết lộ cho chúng ta rất nhiều thiên cơ thần bí như vậy.”
Trong suốt năm năm đầu tu luyện, bà Lý độc tu và không biết nhiều về phát chính niệm và giảng chân tướng về Đại Pháp. Một hôm, bà truy cập vào trang web của Pháp Luân Đại Pháp khi bà trông thấy đường dẫn này trên trang Minh Huệ. Sự việc này đã giúp bà liên lạc với các học viên ở địa phương, họ đã cho bà biết về học Pháp nhóm và chia sẻ thể ngộ tu luyện. Vào tháng 1 năm 2018, bà bắt đầu tham gia học Pháp nhóm và luyện công cùng các đồng tu.
Dần dần, bà Lý vượt qua các chấp trước sợ hãi và sợ mất thể diện, và bắt đầu giảng chân tướng cho mọi người về Pháp Luân Đại Pháp. Là một giáo viên, bà có nhiều cơ hội tốt để hướng dẫn các bài công Pháp cho các học sinh và giáo viên khác. Thông qua Triển lãm Nghệ Thuật Quốc tế Chân – Thiện – Nhẫn và Shen Yun, bà đã tìm ra nhiều cách để giới thiệu cho giáo viên và học sinh về môn tu luyện. Kết quả thu được khá tốt, và bà có thể cảm nhận được rằng họ đã chờ đợi để được nghe chân tướng.
15 học viên chia sẻ các bài viết về thể nghiệm tu luyện tại Pháp hội
Bản chất của cuộc sống
Ông Lâm Thành Tuấn đến từ Sejong cho biết ông đã tìm kiếm mục đích của đời mình trong nhiều thập kỷ qua, và rất vui khi cuối cùng cũng tìm thấy Pháp Luân Đại Pháp.
“Khi tôi lên bốn, tôi đã bắt đầu suy nghĩ về những vấn đề như: ‘Tôi là ai?’ ‘Tôi từ đâu tới?’ và ‘Tại sao tôi lại ở đây?’“, ông bộc bạch. Với những câu hỏi đó, ông đã tu luyện trong Phật giáo ở một ngôi đền và trở thành một tăng nhân khi 23 tuổi. Tuy nhiên, vài năm trôi qua, ông vẫn chưa tìm được lời giải cho những câu hỏi đó, vì vậy, ông rời khỏi ngôi đền và trở lại xã hội người thường với tư cách là một Phật tử.
Sau khi gặp được Pháp Luân Đại Pháp vào năm 2006, ông Lâm hạnh phúc khi đã tìm thấy lời giải cho những thắc mắc mà ông từng có. Trong khoảng hơn hai năm sau, ông và vợ cùng tu luyện nhưng cả hai vẫn không thể buông bỏ tâm hận thù và tâm truy cầu. Kết quả là, ông bà đã dừng tu luyện. Quyết định này thường khiến ông cảm thấy hối hận.
Năm 2017, ông bà cùng nhau trở lại tu luyện cùng với con gái của họ. Biết ơn sự từ bi của Sư phụ, ông Lâm bật khóc. “Tu luyện Pháp Luân Công đã khiến gia đình tôi hòa thuận và hạnh phúc. Thú vị là, sau khi buông bỏ chấp trước về tiền bạc, chúng tôi thực sư nhận được nhiều hơn thế”, ông nói.
Là một trưởng thôn, ông Lâm cho biết dân làng thường chia bè chia phái và có nhiều mâu thuẫn. Việc ông tu luyện Pháp Luân Công cũng tác động tới những người dân trong làng và mang tới những thay đổi tích cực. “Hiện giờ, chúng tôi giờ đây trở nên đoàn kết hơn. Các vụ thu hoạch được mùa hơn và thiên tai cũng ít hơn”, ông nói thêm: “Vì vậy, tôi mong nhiều dân làng hơn nữa có thể học Pháp Luân Đại Pháp và thu được lợi ích từ Đại Pháp.”
Niềm tin vững chắc vào Pháp Luân Đại Pháp
Cô Aidiya đến từ Indonesia bắt đầu bước vào tu luyện khi học ở trường trung học. Sau khi tốt nghiệp đại học, cô làm việc cho chính phủ. Sáu tháng sau khi tu luyện, cô gặp vấn đề về tu luyện chuyên nhất.
“Mọi người ở đất nước tôi cần theo một tôn giáo, đặc biệt ở ngôi làng mà tôi đang sống. Bạn phải tham tự tất cả các loại lễ nghi tôn giáo. Nếu không, bạn sẽ bị gọi là một kẻ vô thần. Quả là thực sự khó khăn khi nói với cha mẹ và người thân trong đại gia đình của tôi rằng tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và rằng, tôi phải tu luyện chuyên nhất.”
Ban đầu, cha mẹ cô hiểu rằng Pháp Luân Đại Pháp là tốt, nhưng họ không thể chấp nhận việc cô chỉ tu luyện một môn. Chính vì điều đó mà sau một nghi lễ tôn giáo, mẹ cô đã đuổi cô ra khỏi nhà.
“Tôi không hề ngạc nhiên bởi điều đó và nghĩ rằng nếu đã phải như vậy thì cứ để như vậy. Sau tất cả, tôi đã trở thành một học viên Pháp Luân Đại Pháp vào thời gian đó. Tôi biết, nếu tôi tu luyện tinh tấn, Sư phụ sẽ ban cho tôi những gì tốt nhất và tôi sẽ không để lỡ mất bất kì điều gì.”
Thời gian đó, cô còn là một sinh viên đại học. Vì vậy, cô đã để lại laptop, ô tô, và mọi thứ mà cha mẹ cho để tới sống cùng một học viên khác. Trước sự quyết tâm của cô, mẹ cô sau đó gọi điện bày tỏ sự hối hận khi đã nói với cô như vậy và bảo cô quay về nhà. Người học viên kia cũng nói chuyện với cha mẹ cô và giải thích với họ về những gì cô đã suy nghĩ. Bây giờ, cha mẹ Aidiya không còn bắt cô tham gia những lễ nghi tôn giáo nữa và gia đình họ lại sống hạnh phúc, như thể chưa có gì xảy ra vậy.
Chứng kiến Aidiya tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi và tìm được một công việc tốt trong chính phủ, cha mẹ cô rất tự hào. Aidiya nói đó là phúc lành mà Pháp Luân Đại Pháp ban tặng, cha mẹ cô cũng đồng ý như vậy.
Cứu giúp một gia đình tan vỡ
Bà Lý Thiện Chân, cũng đến từ Hàn Quốc, kể về những xung đột trong gia đình bà. Khi bà đối xử với các thành viên trong gia đình như những gì mà một học viên nên làm, chồng bà đã ủng hộ và mối quan hệ của ông bà đã được cải thiện.
Bà Lý nhập cư vào Hàn Quốc cách đây gần chín năm. Thời gian đầu, chồng bà, một người đàn ông gốc Hàn Quốc, đã có một công việc tốt và khỏe mạnh. Nhưng rồi tất cả đã tan biến, khiến ông không muốn đối mặt với cuộc sống hay trách nhiệm với gia đình trong suốt 6 năm tiếp theo. Để trốn tránh sự thật, ông chơi các trò chơi điện tử và thường xuyên nói những lời không hay với bà Lý. “Mẹ chồng tôi mắc bệnh Alzheimer, còn con tôi lên 6 tuổi mà vẫn chưa nói được. Tất cả những gánh nặng đó dồn lại, thật khó có thể chịu đựng được”, bà nhớ lại.
Để kiếm sống, bà Lý đã phải bắt đầu kinh doanh nhỏ lẻ. Có khoảng thời gian mà mẹ chồng gây cho bà những khó khăn, hầu hết bà vẫn có thể dùng chính niệm để đối đãi với các sự việc.
“Tôi biết Pháp Luân Đại Pháp là hòa ái và không thể hủy hoại được. Tôi cũng biết Sư phụ mong muốn chúng ta là người tốt ở bất cứ nơi đâu.” Những hành động của bà đã làm mẹ chồng bà cảm động, mẹ chồng bà đã ca ngợi bà trước mặt họ hàng: “Con dâu tôi đối xử với tôi rất tốt.”
Chồng bà cũng bắt đầu thay đổi. Sau đó, ông tìm được công việc là trưởng phòng tài chính-kế toán của một công ty . Sau khi nhận được lời mời làm việc, ông nói với bà rằng ông cũng muốn tu luyện [Pháp Luân Đại Pháp]. “Trước khi phỏng vấn, tôi liên tục niệm “Pháp Luân Đại Pháp hảo” và “Chân – Thiện – Nhẫn hảo” như bà đã nói với tôi”, ông kể lại với bà.
“Chính Sư phụ đã giúp chồng và cứu vớt gia đình tôi”, bà Lý nói với lòng biết ơn. Cùng với sự động viên của bà, các con bà cũng bắt đầu học những bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp. Hiện giờ, bà càng cởi mở hơn và thậm chí trở nên đẹp hơn.
Môi trường làm việc
Cô Jasmine Trương làm việc cho một phòng khám ở Hồng Kông chuyên chữa trị các vấn đề về chậm phát triển và khuyết tật khác ở trẻ em. Đôi khi, bọn trẻ hoặc cha mẹ chúng tỏ ra không hợp tác, điều đó làm cô bực bội và cáu gắt. Việc tu luyện Pháp Luân Đại Pháp nhắc nhở cô phải đối đãi với những tình huống như vậy bằng sự nhẫn nại và từ bi. Khi cô có thể làm được điều đó, cô nhận thấy rằng, trường năng lượng của người tu luyện có thể thay đổi hoàn cảnh trở nên tốt đẹp hơn.
“Tôi thật sự trải nghiệm được rằng khi tôi hành xử theo nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn, hoàn cảnh xung quanh tôi đã thay đổi”, cô tổng kết.
Tại nơi cô làm việc còn có những loại khảo nghiệm khác nữa. Vì cô đáng tin cậy, mà sếp của cô đã giao cho cô nhiều việc, bao gồm cả những việc mà những người khác không làm. Kết quả là, cô thường phải làm việc thêm giờ. “Đôi khi, tôi để ý rằng khi những người khác đã ra về sau giờ làm việc, tôi là người duy nhất ở lại để hoàn thành công việc. Thêm vào đó, lương tháng của tôi cố định, và không có tiền thưởng để ghi nhận sự chăm chỉ của tôi”, cô giải thích. Dù sao đi nữa, cô biết rằng là một học viên, cô cần phải làm tốt công việc bất kể hoàn cảnh thế nào đi nữa. Vì vậy mà những cảm xúc tiêu cực và oán hận dần tan biến.
Cũng có thể thấy được sự từ bi này khi cô đi tới các địa điểm du lịch để giảng chân tướng cho du khách Trung Quốc về Pháp Luân Đại Pháp và sự thật về cuộc bức hại mà chính quyền Cộng sản Trung Quốc phát động ở đất nước này. Một số người giơ ngón tay cái lên tán đồng, trong khi một số khác lại nguyền rủa cô vì những người đó đã bị Đảng Cộng sản Trung Quốc tuyên truyền những tư tưởng thù hận. Khi tâm tính của cô đã được đề cao trong tu luyện, cô có thể đối đãi với những sự việc ấy với một tâm thái hòa ái.
Điều phối hạng mục
Bà Hoàng Thục Nữ, cựu quản lý của một nhà sách ở Đài Loan, chia sẻ về hành trình tu luyện của bản thân khi bà điều phối một hạng mục. Khi bà mới trở thành người điều phối, bà nhận ra rằng các ý kiến khác nhau của các thành viên trong nhóm về các kỹ thuật nhất định đã tạo nên rào cản giữa các học viên.
Nhận ra mình cần giải quyết vấn đề thay vì trốn tránh nó, bà Hoàng bắt đầu từ một nhóm học Pháp chuyên sâu. Khi các học viên đề cao tâm tính, những kỹ năng kỹ thuật của họ cũng đồng thời được nâng lên. Rồi bà Hoàng trao đổi với một số thành viên trong nhóm về tâm từ bi, và họ cũng đồng ý thay đổi.
“Khi trò chuyện với các thành viên khác trong nhóm, tôi cũng đã học được sự từ bi”, bà nói. Một thành viên trong nhóm đã thay đổi rất nhiều và không còn chỉ tay vào những người khác như trước đây nữa.
Trong quá trình tu luyện, bà Hoàng cũng nhận thấy rằng mình thiếu tự tin. Bà thường cảm thấy mình kém cỏi hơn so với người điều phối trước, cảm thấy rằng mình không đủ khả năng và không có tài hùng biện. Bà cũng lo sợ phạm sai lầm hoặc tranh luận với người khác.
Thiếu tự tin và sợ hãi đã nhắc nhở bà Hoàng về tính ích kỷ. “Lo lắng vì bị tổn thương có nghĩa là tôi đang bảo vệ chính mình, trong khi sợ người khác chỉ trích có nghĩa là tôi đang quan tâm quá mức vào danh tiếng của bản thân”, bà Hoàng cho biết. Bà nhận ra rằng tất cả điều đó đều là những chấp trước mà bà cần phải tống khứ.
Xã hội chủ lưu
Cô Tào Tuệ Linh, chuyên gia báo chí ở Đài Bắc, tóm tắt quá trình mà cô đã tương tác với những người trong giới chủ lưu và nói với họ về cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Trước đây, cô Tào không thích giao lưu. Nhưng nhận ra tầm quan trọng của việc giảng chân tướng về Pháp Luân Công và sự tàn bạo ở Trung Quốc, cô đã tu bỏ những quan niệm đó và bắt đầu giao thiệp với những người khác để mở rộng mạng lưới của mình.
Có dịp, một người đàn ông đứng tuổi mà cô nói chuyện đã hiểu sai về Pháp Luân Đại Pháp và từ chối lắng nghe. Thực tế, cha mẹ ông đã bị ĐCSTQ bức hại, nhưng ông ấy lại được các quan chức cộng sản đối xử tốt trong những năm gần đây chỉ vì ông có những ảnh hưởng trong kinh doanh và xã hội. Cô Tào đã không từ bỏ và trao đổi với ông từ những góc độ khác nhau. Cuối cùng, ông cũng chấp nhận quan điểm của cô, và nói rằng điều đó giống như “thức dậy từ một giấc mơ”.
“Con người thấy được nỗ lực mà chúng ta đã đặt tâm làm”, cô Tào nói, “Đôi khi trông tôi thật vụng về trong các sự kiện xã hội. Nhưng khi mà mọi người thấy chúng ta luôn cố gắng, sự kiên trì của chúng ta sẽ giành được sự tôn trọng và thậm chí ngưỡng mộ từ họ.”
Sự lựa chọn của các cảnh sát
Cô Trần Minh Liên đến từ Indonesia chia sẻ rằng các học viên trong khu vực của cô đã đến Lãnh sự quán Trung Quốc để kháng nghị cuộc bức hại ở Trung Quốc hàng tuần trong vài năm. Nhưng một ngày, cả cảnh sát và chính quyền thành phố bắt đầu can nhiễu và viện nhiều lý do để cố gắng ngăn chặn không cho họ kháng nghị tại đó.
Cô Trần cho biết là công dân, các học viên có quyền tổ chức các sự kiện như thế và được luật pháp Indonesia bảo vệ. “Chúng tôi đã tư vấn cho một công ty luật và nói với họ điều gì đã xảy ra”, cô cho biết, “Áp lực tuy rất lớn, nhưng chúng tôi có thể bảo trì chính niệm và hành động một cách lý trí.”
Cùng thời gian đó, cô Trần còn trao đổi với các nhân viên cảnh sát. Cô tống khứ tâm sợ hãi, và các quan chức ở các ban ngành khác nhau trong chính phủ đã biết được chân tướng về Pháp Luân Đại Pháp. “Khi toàn chỉnh thể chúng tôi đề cao tâm tính, thì cảnh sát và chính quyền thành phố không gây phiền phức cho chúng tôi nữa. Một số nhân viên cảnh sát còn trở thành những người bạn của chúng tôi”, cô cho biết thêm.
Một cảnh sát trẻ kể với sếp của anh về thông tin mà anh đã nghe được, sếp của anh đã mời các học viên tới văn phòng để trò chuyện. Sau cuộc gặp, vị này đã chỉ thị với cấp dưới của mình không được can nhiễu sự phản kháng ôn hòa của các học viên thêm nữa. “Tất cả chúng tôi đều thấy vui mừng cho ông ấy vì đã có một quyết định đúng đắn”, cô Trần nói.
Một thời gian ngắn sau đó, người quản lý này đã được thăng chức. “Trong vòng chưa đến một năm, chúng tôi nghe được ông ấy lại được thăng chức lần nữa. Chúng tôi biết ông ấy đã nhận phúc báo cho những gì ông ấy đã làm”, cô Trần cho biết.
Trong trường đại học
Ally là một sinh viên đến từ Trung Quốc Đại lục đang du học tai Seoul. Cô cho biết cô lớn lên trong một gia đình học viên. “Pháp Luân Đại Pháp nuôi dưỡng tôi và đã trở thành một phần không thể thiếu được của tôi”, cô chia sẻ.
Ở trường, Ally áp dụng những điều cô đã học được từ các bài giảng của Pháp Luân Đại Pháp khi cô giao tiếp với bạn bè và các bạn cùng lớp. Cô còn kể cho các giáo sư và những sinh viên khác về cuộc đàn áp ở Trung Quốc.
Cô đã tìm ra nhiều cách để giảng chân tướng cho mọi người về cuộc bức hại ở Trung Quốc, bao gồm những dự án mà cô đã tham gia, và thảo luận tại các tiết học liên quan tới nhân quyền. Tại tiết học lịch sử, cô tóm tắt sự tàn phá mà các phong trào cộng sản Trung Quốc đã gây ra, và tại tiết học nghệ thuật, cô giới thiệu những giá trị văn hóa đích thực mà Shen Yun mang đến. Vào dịp chia sẻ những câu chuyện cá nhân, cô thường chia sẻ về việc cô và gia đình đã bị ngược đãi như thế nào ở Trung Quốc chỉ vì đức tin của họ.
Pháp hội kết thúc tốt đẹp vào lúc 5 giờ chiều. Nhiều học viên cho biết họ đã học hỏi được nhiều điều và xúc động bởi những bài chia sẻ chân thành.
Đây là lần đầu tiên học viên Koo ở Hàn Quốc tham gia một Pháp hội quy mô lớn như vậy. Ông nói ông nhận thấy khoảng cách lớn giữa bản thân ông với những học viên khác. “Đặc biệt là câu chuyện của học viên đến từ Indonesia, cô đã phải mất 8 năm để thuyết phục gia đình chấp nhận đức tin của cô. Tôi có thể hình dung cô ấy đã phải chịu đựng rất nhiều nỗi đau trong những năm tháng đó. Đây là phương diện mà tôi cần làm tốt hơn nữa”, ông nói.
Là một cựu nhân viên chính phủ, ông Koo cho hay ông đã nhận ra nhiều phương diện mà ông có thể đề cao thông qua việc so sánh con đường tu luyện của ông với các học viên khác.
Ông Bruce Lee, chủ doanh nghiệp đến từ Autralia, cũng đồng ý: “Tôi rất cảm động trước lòng tốt của các học viên”, ông nói: “Chẳng hạn như, tại một địa điểm du lịch, một nhân viên cảnh sát lúc nào cũng chửi rủa các học viên. Nhưng bởi vì hàng ngày anh ta tới để xem các video Cửu Bình, các học viên không ngừng giảng chân tướng cho anh ta bằng sự nhẫn nại và từ bi. Tôi đã cảm động sâu sắc bởi tinh thần đó, tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Đó cũng là những gì mà chúng ta thật sự cần phải học hỏi từ họ.”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/15/375817.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/16/172879.html
Đăng ngày 22-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.