Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại New York

[MINH HUỆ 2-10-2018] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính! Xin chào các đồng tu!

Tôi là một học viên phương Tây đã tu luyện và làm việc trong Tập đoàn Truyền thông tại thành phố New York gần 14 năm. Trong một lần hướng nội gần đây, tôi đã nhận ra một số thiếu sót và chấp trước của mình. Tôi xin chia sẻ về những thể nghiệm khi tham gia và làm việc tại Tập đoàn Truyền thông với các đồng tu.

Phần I: Tâm thuần tịnh và nhận ra thệ ước

Tôi nhớ tôi từng đến Chicago để hỗ trợ giảng thanh chân tướng. Hồi đó là năm 2003, và tôi mới chỉ tu luyện được vài năm. Tôi tinh tấn học Pháp, luyện công, và phát chính niệm vào những thời điểm đã định, nhưng tôi vẫn cứ chần chừ chưa tham gia giảng thanh chân tướng. Tại thời điểm đó thì đúng là như vậy.

Bấy giờ, tôi nhận được một cuộc điện thoại ngẫu nhiên của một học viên trong khu vực nơi tôi ở, hỏi tôi có thể lái xe đưa một nhóm học viên đến Chicago tham gia sự kiện giảng thanh chân tướng được không. Đó là chuyến đi trong vài ngày vào giữa tuần, và mặc dù tôi phải nghỉ phép mấy ngày đó, nhưng tôi vẫn quyết định đi.

Tôi không thể bày tỏ được tôi đã vui như thế nào. Được đóng một vai trò tích cực trong việc cứu độ chúng sinh, được thấy một nhóm đông các học viên vô tư vô ngã trong Chính Pháp, và là một phần của chỉnh thể đệ tử Đại Pháp khi thực hiện sứ mệnh này. Nhiều người lấy tờ rơi giới thiệu và đọc thông tin, những nụ cười trên gương mặt họ chứng tỏ chúng tôi đã khởi tác dụng đáng kể.

Tôi có thể cảm nhận được bóng dáng của Sư phụ đang mỉm cười ở đường chân trời.

Khi chúng tôi trở về quê nhà của tôi ở Ohio, tôi thấy thật mãn nguyện trong lòng. Rồi tôi đi gặp một nhóm bạn người thường tại một quán rượu địa phương. Chúng tôi trò chuyện và chia sẻ về những gì đang diễn ra trong cuộc sống của mỗi người, và tôi đã có dịp kể về chuyến đi gần đây của mình đến Chicago. Tôi rất vui vì đã hoàn thành sứ mệnh của mình, rằng tôi đã làm xong một việc mà tôi thường muốn làm, và rằng, tôi có thể lại làm các việc bình thường trong cuộc sống. Hồi đó, tôi sắp xếp thời gian tu luyện vào sau giờ làm việc, tức là sau khoảng thời gian từ 9h sáng đến 5h chiều. Lúc đó tôi vừa tan sở.

Rồi điện thoại của tôi bắt đầu rung khi có cuộc gọi đến. Tôi nhận ra số đó. Đó là người học viên điều phối địa phương. Anh nói anh gọi cho tôi để hỏi xem tôi có thể quay lại Chicago và đưa một vài học viên đi cùng hay không.

Bấy giờ, chúng tôi mới trở về chưa đầy 12 tiếng, nên tôi không chắc một chuyến đi nữa có hợp lý hay không. Vì vậy, tôi nói với anh rằng tôi sẽ gọi lại và cho anh ấy biết quyết định của tôi.

Khi quay lại trò chuyện với bạn bè, tôi bắt đầu suy nghĩ xem có nên đi tiếp hay không. Tôi cân lên đặt xuống, chút thời gian trôi qua mà như là lâu lắm, đúng trước lúc đưa ra phương án hợp lý, tôi nghe thấy giọng nói của Sư phụ vang vọng trong tâm:

“Hãy kiến lập uy đức của con!”

Tôi lập tức mở điện thoại và trong chốc lát đã nhận lời đi. Thật không thể tin được, tôi thấy mãn nguyện hơn trong tâm, và ánh sáng mặt trời chiếu rọi vào các song cửa sổ cũng trở lên rực rỡ hơn bao giờ hết.

Đó là vì tôi nhận thức sâu sắc được thệ ước của mình! Khoảnh khắc ấy mãi lắng đọng trong tôi.

Những tuần, tháng và năm sau đó trôi qua thật nhanh, nhưng khoảnh khắc ấy và lời của Sư phụ luôn vang vọng trong tâm tôi.

Mỗi lần điện thoại đổ chuông là tôi lại có một chuyến đi, một hạng mục, một nỗ lực khác, lần nào cũng được nghe lời của Sư phụ. Rồi tôi ngày càng ít lưỡng lự khi nhận lời và thực hiện vài trò của mình.

Một trong những cuộc điện thoại đó là cuộc gọi của văn phòng The Epoch Times (Thời báo Đại Kỷ Nguyên) tại New York mời tôi tới làm việc. Lần đó là mùa đông năm 2004, khi tôi đang thất nghiệp, khi mà vô vàn suy nghĩ dựa trên logic và lý luận lại đan xen trong đầu.

“Hãy kiến lập uy đức của con!”

Phần II: Tâm tật đố và tâm tranh đấu trong khi tu luyện tại Tập đoàn Truyền thông

Sư phụ kết thúc phần Tâm tật đố trong Bài giảng thứ bảy của cuốn Chuyển Pháp Luân bằng lời giảng sau:

“Vấn đề tâm tật đố rất nghiêm trọng, bởi vì nó liên quan trực tiếp đến vấn đề chúng ta có thể tu viên mãn được hay không.”

Mấy tháng qua, mỗi khi đọc đoạn này, lời của Sư phụ lại hiện lên rõ ràng hơn bao giờ hết, và tôi thấy mình phải hướng nội. Tôi tự hỏi tại sao tôi không nghiêm túc coi trọng những lời giảng của Ngài trong thời gian tu luyện gần đây. Tâm thuần tịnh của tôi đâu rồi? Cái tâm sẵn sàng thực hiện công việc, nhiệm vụ vô tư vô ngã, và hướng nội vô điều kiện đi đâu mất rồi.

Khi hướng nội sâu hơn, tôi nghĩ đến Tập đoàn Truyền thông và môi trường đang thay đổi, và tôi nhớ lại những điều Sư phụ giảng:

“Bản lai của không gian vũ trụ là lương thiện, là mang đầy đủ chủng đặc tính Chân Thiện Nhẫn; con người sinh ra cùng với vũ trụ là đồng tính. Nhưng sản sinh ra nhiều thể sinh mệnh rồi; thì cũng phát sinh quan hệ xã hội [trong] quần thể. Trong đó có một số người có thể tăng thêm tư tâm; tầng của họ dần dần rất chậm hạ thấp xuống.” (Chuyển Pháp Luân)

Lần đầu tiên đến Epoch Times tiếng Anh (EET) cách đây hơn 13 năm, văn phòng còn rất nhỏ, chỉ bằng một phần mấy diện tích văn phòng bây giờ. Số nhân viên cũng ít. Hầu như việc gì, trách nhiệm gì chúng tôi cũng cùng gánh vác. Biên tập viên có thể vừa trực điện thoại vừa gửi giấy tờ. Nhân viên bán hàng có thể viết những câu chuyện để bổ sung cho phần kiến thức bị thiếu trong chủ đề nào đó, còn phóng viên có thể làm việc thâu đêm và ngủ lại tại văn phòng cho đến khi hoàn thành ấn phẩm của số báo tuần đó.

Những nhân viên không làm công việc bán hàng, mà ban ngày làm việc người thường, còn buổi tối mới làm cho EET thì không được trả lương, và nhân viên bán hàng cũng thường phải nghỉ việc vì lương hầu như không đủ để chi trả sinh hoạt hàng ngày. Nhưng dù thế nào, chúng tôi luôn tràn đầy động lực và tinh thần cống hiến cho tờ báo. Nếu nghĩ đến một gia đình nghèo khó nhưng ấm áp, các thành viên cùng chung lưng đấu cật trong những thời điểm khó khăn, đó cũng là tinh thần và văn hóa tại EET vậy. Tất nhiên, tinh thần ấy cũng được thể hiện qua các hạng mục truyền thông khác. Song, tất cả những phương diện này đều dựa trên thể ngộ của chúng ta về sự phó xuất cho quá trình giảng thanh chân tướng và cứu độ chúng sinh.

Cuối cùng, nhóm chúng tôi cũng lớn mạnh hơn và có nhiều nhân viên tham gia. Các công việc được quy hoạch vào thành các phòng và bộ phận khác nhau. Người quản lý được giao trách nhiệm cụ thể, tùy theo kỹ năng và năng lực mà quyết định vai trò của họ; các vị trí cũng có quy định yêu cầu khác nhau về chuẩn mực. Mọi người cuối cùng cũng được nhận lương, điều mà trước đây chưa từng xảy ra.

Tất cả những điều này dường như là tự nhiên khi việc kinh doanh phát triển. Cuối cùng, cái gì cũng phải cải biến và thành thục hơn. Tập đoàn Truyền thông được thành lập và chúng tôi cùng làm việc dưới một mái nhà.

Kỹ năng và năng lực của từng nhân viên cũng vượt xa rất nhiều so với trước đây, điều đó đã khích lệ và củng cố niềm tin rằng Tập đoàn Truyền thông, sau này, sẽ trở thành hãng truyền thông lớn nhất và có ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Tuy nhiên, với yêu cầu kỹ năng ngày càng cao, quy mô và cơ cấu tổ chức ngày càng lớn đã khiến cho môi trường, tư chất và cách thức giao tiếp cũng ngày càng phức tạp. Một đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp tinh tấn thì sẽ có cái nhìn tích cực về môi trường như thế, là cơ hội để đề cao tầng thứ trong tu luyện và sẽ đóng vai trò lớn hơn nữa trong việc cứu độ chúng sinh.

Trong quãng thời gian đó, được sự khích lệ của các đồng tu, tôi đã nghỉ công việc người thường toàn thời gian để tận tâm tận lực vào công việc truyền thông. Tôi tập trung trau dồi kiến thức và kỹ năng hoạch định chiến lược và các doanh thu của phương tiện truyền thông và kinh doanh truyền thông kỹ thuật số.

Khi tôi bắt đầu nâng cao kiến thức và tập trung hơn, và thấy có tác dụng hơn trong phạm vi công việc mà tôi phó xuất cho Tập đoàn Truyền thông. Tuy nhiên, khi thời gian trôi qua, tôi ngày càng ít để tâm vào tu luyện hơn, giống như cái bập bênh, lúc lên lúc xuống trong xã hội người thường.

Thoạt nhìn có vẻ như sự thay đổi này không vấn đề gì lắm, tôi còn tìm cách lý giải để hợp lý hóa nó, kiểu như dù sao đi nữa, đây là một doanh nghiệp và phương diện kinh doanh là vô cùng quan trọng. Nhưng theo thời gian, ở một tầng thâm sâu hơn, tâm thuần tịnh của tôi không còn nữa, trong công việc truyền thông, tôi chỉ tập trung vào bản ngã, kỹ năng, cá tính, và năng lực của bản thân, mà không chú trọng vào tu luyện cá nhân và quên mất đó chỉ là phương tiện cứu độ chúng sinh.

Mọi thứ trở thành một cuộc thi, và tôi bắt đầu khó chịu trong tâm trước thành công của những người khác. Trên bề mặt, tôi ghi nhận thành công của họ, nhưng ở ẩn sâu trong tâm, tôi ngày càng xa rời Pháp. Theo thời gian, cảm giác khó chịu này cũng ngày càng tăng lên.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện chân chính giảng chuyên nhất, không xuất hiện thiên sai nào hết. Người tu Đạo chân chính cũng có phản ánh [vấn đề tâm tật đố] này, đối với nhau không phục; [nếu] tâm tranh đấu không bỏ, cũng dễ sinh ra tâm tật đố.” (Chuyển Pháp Luân)

Ý muốn đạt được chức vị, trách nhiệm nào đó, muốn được học viên khác tôn trọng trở nên quan trọng hơn cả cơ hội quý báu để hoàn thành thệ ước và mong muốn hỗ trợ các học viên khác cứu độ chúng sinh.

Với bản ngã và vị tư ngày càng mạnh, tôi còn sinh tâm oán hận với những người hiểu nhầm tôi hoặc không nghe hay không làm việc với tôi. Tôi còn phân ra thành người thì có thể làm việc cùng, người kia không làm việc cùng. Tôi nhận ra rằng những yếu tố này cũng được phản ánh trong môi trường tu luyện trong toàn hạng mục truyền thông.

Việc hợp tác và phối hợp trở nên chọn lọc. Một số học viên chỉ thích làm việc với những người mà họ thích, trong khi một số học viên mà cá nhân đó không thích sẽ bị loại ra.

Hiện tượng chọn lọc trong hợp tác này còn bành trướng hơn, khiến tôi loại trừ nhân viên người Trung Quốc khỏi các cuộc họp hay thảo luận bằng tiếng Anh, và không mời các nhân viên nói tiếng Anh hay người phương Tây vào các cuộc họp và thảo luận bằng tiếng Trung. Sự gián cách này không ngừng tăng lên.

Việc phối hợp và hợp tác đã được giảng thành lời trong những bài giảng Pháp mà chúng tôi thường đọc và nghe, cũng thường được đọc lên trong các buổi chia sẻ, nhưng tại tập đoàn truyền thông chúng tôi đã không thực tu về phương diện này.

Tất cả những điều này triển hiện trước mắt tôi hết sức rõ ràng, lại một lần nữa tôi không hướng nội vô điều kiện và không xem những yếu tố bên ngoài này chính là biểu hiện của tâm tranh đấu và tật đố của tôi.

Sư phụ giảng:

Tu thành được hay không là tùy vào cái tâm này mà tu, đều như nhau, kém một chút là không được.” (Chuyển Pháp Luân)

Không phải là tôi đã chưa đọc đoạn Pháp này nhiều lần hay không ngộ được Pháp của Sư phụ. Mà là vì tôi đã không đặt tâm vào tu luyện.

Khi hạng mục truyền thông không ngừng phát triển, thì kỹ năng và khả năng kinh doanh là vô cùng cần thiết, nhưng chúng ta cũng cần liên tục nâng cao tiêu chuẩn. Tuy nhiên, tại sao chúng ta cần cố gắng nâng cao những kỹ năng này, và tại sao việc nâng cao những năng lực ấy không phải là vì bản thân hay bản ngã của chúng ta, cũng không phải vì để được công nhận, vì danh tiếng, hay lợi ích cá nhân.

Bởi vì kỹ năng và năng lực phải là những hạt giống được gieo trồng trên mảnh đất của cái tâm thuần tịnh và chính niệm, chỉ lấy thệ ước cứu độ chúng sinh làm động lực duy nhất; chỉ khi đó, chúng ta mới có thể thấy những năng lực này triển hiện và phát huy một cách tối đa.

Phần III: Chạy nước rút để về đích như một đệ tử Đại Pháp thời Chính Pháp

Hồi còn học năm thứ ba ở trường trung học, tôi đã trải qua điều mà người ta thường gọi là khám phá tiềm năng của bản thân. Tôi quyết định thử tham gia vào một đội bóng rổ.

Tôi chỉ cao có hơn một mét rưỡi, và chưa từng tham gia đội bóng của trường nên việc tham gia đội bóng trường gần như là không thể.

Dù vậy, không hiểu vì lý do gì mà tôi cứ muốn thử. Tôi yêu bóng rổ, và tôi muốn chơi môn này.

Quá trình tuyển chọn thành viên cho đội bóng của trường gồm có yêu cầu thể chất và tập luyện, vì vậy mà trong khoảng năm tuần, ngày nào chúng tôi cũng chạy, chuyền bóng và đánh bóng vào rổ.

Tôi tham gia năm trên năm khóa luyện tập đầy đủ trên sân với nhiều thành viên đội bóng của trường, có điều tôi không phải là ngôi sao sáng trên sân bóng.

Vào ngày tập luyện cuối cùng, chúng tôi kết thúc bằng cuộc chạy đua nước rút trong năm phút quanh sân vận động của trường.

Hầu hết các cầu thủ của trường chạy nhanh rồi chậm dần và gần như chạy bộ vào cuối vòng thứ nhất.

Khi bắt đầu chạy theo tốc độ của họ, tôi ý thức được rằng mình sẽ không được chọn, và tôi không sao cầm được nước mắt lăn dài trên má.

Tôi đã thực sự dốc hết tâm sức mình chưa? Tôi đã thực sự tận tâm cho từng trận đấu, từng đường truyền, từng pha tranh bóng, lấy bóng và ném bóng chưa?

Khi muộn phiền và hối tiếc bắt đầu lắng xuống, thay vì tiếp tục chạy bộ, tôi bắt đầu chạy nước rút cho toàn bộ chặng đường còn lại.

Tôi đã chạy nhanh hơn bất kể lần chạy nào trước đây trong năm tuần qua. Nhanh đến nỗi tôi gần như không kịp hít thở để lấy hơi.

Khi tôi vượt qua vòng một, tất cả các cầu thủ của đội bóng trường và huấn luyện viên bóng rổ của chúng tôi, đang trò chuyện với một cầu thủ bóng đá, đã quay sang nhìn tôi.

Họ đều nhìn tôi, và tôi lại vượt qua họ một lần nữa, họ nói “nhìn cậu ấy kìa”.

Và tôi đã chạy nước rút, chạy nước rút, và chạy nước rút.

Sáng hôm sau, huấn luyện viên đến và kéo tôi ra ngoài phòng học. Lúc đứng ở hành lang, ông nói thật tiếc là tôi không được chọn vào đội bóng của trường.

Ông ngừng lại rồi chia sẻ rằng mọi cầu thủ trong đội bóng trường rất khâm phục tôi, vì tôi đã cố gắng hết sức và nỗ lực hết mình.

Tôi cố ghìm nước mắt, và tôi nhận thấy huấn luyện viên cũng vậy.

Khoảnh khắc ấy đã lắng đọng trong tâm trí tôi rất lâu, những mãi tới gần đây, tôi mới nhận ra đầy đủ tầm quan trọng và sự ảnh hưởng của nó đối với tôi.

Sư phụ giảng:

“Những học viên chưa làm được tốt thì sẽ sao đây? Mọi người đều mong muốn nhìn thấy tôi mỉm cười với mọi người, nhưng chư vị biết đó, ấy là khích lệ, là kỳ vọng; [mà chư vị] đã từng nghĩ chưa, thời gian này cấp bách như vậy, những người tu chưa tốt thì sẽ làm sao? Có người còn có cơ hội, có người đã thậm chí ngay cả cơ hội cũng chẳng có; có người vẫn tới kịp, đối với một số người mà giảng thì chư vị chỉ có thể chạy [mới kịp], nhưng mà, không có cơ sở đó, không thể nhận thức Pháp ở mức độ đó, [thì] làm sao có được động lực kiên trì? Chư vị tinh tấn chăng? Không có cơ sở được lập tốt ở trong Pháp thì chư vị cũng làm không tới. Quyết tâm kia, tín niệm kiên định kia, là đến từ Pháp.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Miền Tây Mỹ quốc 2015)

Gần đây, tôi bắt đầu tự nhủ, mình có đang chạy không, mình có đang chạy nước rút không? Mình có toàn tâm toàn ý không? Mình có tu luyện như thủa đầu không? Mình có cố gắng hết sức không?

Khi việc cứu độ chúng sinh còn chưa đâu vào đâu, tôi có tinh tấn tu tâm không? Có hướng nội không? Có buông bỏ chấp trước không? Có tu bỏ tâm oán hận không? Có tu xuất và bảo trì tâm từ bi không?

Tôi có đang giúp đỡ các đồng tu trở nên tinh tấn hơn không?

Tôi có đang giúp đỡ ngay cả những học viên không hỗ trợ tôi không?

Là một đệ tử Đại Pháp thời kỳ Chính Pháp, thời gian tu luyện càng dài thì càng không nên dừng lại ở viên mãn bản thân, không được chú trọng vào bản thân, mà phải dùng tâm thuần tịnh và chính niệm để cứu độ chúng sinh. Đó mới chính là vô tư vô ngã thực hiện thệ ước thần thánh của mình.

Nhưng, điều này chỉ có thể đạt được khi chúng ta đạt tới tiêu chuẩn mà Sư phụ đề ra.

Giờ thì tôi nhận ra rằng khoảnh khắc từ thời niên thiếu là một lời nhắc nhở đối với tôi.

Còn trong tu luyện, đặc biệt là trong giai đoạn này, tôi không ngừng tự hỏi, tôi có đang chạy không? Tôi có đang chạy nước rút không? Tôi có tu luyện như thủa ban đầu không?

Xin cảm ơn các đồng tu. Tôi mong rằng chúng ta đều có thể chạy nước rút để cùng nhau hoàn thành thệ ước thiêng liêng, thần thánh nhất của mình.

Xin vui lòng chỉ ra những điều chưa phù hợp.

(Trình bày tại Hội Giao lưu Tâm đắc Thể hội 2018 dành cho những học viên nói tiếng Anh tại New York)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/10/2/375253.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/10/3/172694.html

Đăng ngày 15-10-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share