Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Mỹ

[MINH HUỆ 30-7-2018] Sáu năm trước, kế hoạch chuyển tới New York của chúng tôi không thành, chồng tôi quay trở lại công ty cũ. Khi chúng tôi nộp tờ khai thuế vào tháng 4 năm nay, chồng tôi chợt nhận ra rằng do quá bận rộn với hạng mục Thần Vận, anh ấy đã không hoàn thiện các giấy tờ khi quay lại công ty. Trong đó quan trọng nhất là anh ấy đã không nối lại khoản nộp tiền vào quỹ hưu trí của công ty. Kết quả là, anh ấy đã mất đi khoản trợ cấp hưu trí trong 5 năm vừa qua của công ty và đã thanh toán thừa tiền thuế. Tổng cộng tổn thất lên tới hơn 10.000 đôla. Khi chồng tôi nói với tôi về chuyện xảy ra, tôi đã sốc. Mặc dù tôi ngay lập tức nhớ đến lời giảng của Sư phụ: “cái gì của chư vị thì sẽ không mất” (Chuyển Pháp Luân), tôi vẫn rất khó buông bỏ được chuyện này. Trong thời gian sau đó, trong tư tưởng của tôi xuất hiện nhiều can nhiễu và niệm đầu bất hảo. Thông qua việc học Pháp thường xuyên, tôi dần dần đã ngộ ra được những gì Sư phụ giảng trong cuốn Chuyển Pháp Luân:

“Do đó sau này khi gặp mâu thuẫn, chư vị không được coi đó là ngẫu nhiên. Bởi vì khi xảy ra mâu thuẫn, [nó] đột nhiên xuất hiện; tuy vậy [nó] không hề tồn tại [một cách] ngẫu nhiên; đó là để đề cao tâm tính chư vị. Chỉ cần chư vị coi mình là người luyện công, chư vị sẽ có thể xử lý chúng được tốt.”

Sư phụ cũng giảng rằng:

“Cần làm cho chư vị vứt bỏ những tâm nào mà chưa vứt bỏ được ở nơi người thường. Tất cả các tâm chấp trước, miễn là chư vị có, thì cần phải vứt bỏ tại các chủng hoàn cảnh [khác nhau]. [Sẽ] làm cho chư vị trượt ngã, từ đó mà ngộ Đạo; tu luyện là như thế.”

Sau khi hướng nội, tôi nhận ra rằng mình đã không chăm sóc tốt việc nhà cũng như các vấn đề trong gia đình. Tôi cũng phát hiện ra mình có rất nhiều chấp trước vào các sở thích cá nhân. Vợ chồng tôi đã có một cuộc nói chuyện thẳng thắn và chỉ ra những chấp trước của nhau. Chúng tôi quyết định cần đặt tâm hơn vào những sự việc cần xử lý trong cuộc sống hàng ngày. Sau khi tiếp tục hướng nội, tôi cũng tìm ra thêm nhiều tâm chấp trước, như chứng thực bản thân, coi thường người khác, không nghĩ cho người khác trước, tâm tật đố, hiển thị, và không tu khẩu.

Giờ đây, khi học Pháp, tôi dễ dàng tập trung hơn vào những nội hàm thâm sâu hơn đằng sau các câu chữ, và tôi có thể cảm thấy mình đang đề cao trong tu luyện. Vài ngày trước, trong khi đang luyện công cùng các học viên khác, tôi đột nhiên cảm thấy nhạc luyện công thật mỹ diệu, thần thánh, có thể cùng các đồng tu đắm chìm trong Pháp quang của Sư phụ quả là niềm may mắn lớn lao, mỗi vị đồng tu đều đáng trân quý. Khi nghe khẩu quyết của Sư phụ: “Toàn Pháp chí hư, Tâm thanh tự ngọc; Phản bổn quy chân, Du du tự khởi”, tôi ngộ ra rằng sau khi tu bỏ tâm chấp trước, tâm của chúng ta sẽ quay trở lại với chất ngọc nguyên sơ, quay về với bản tính thuần chân tiên thiên của mình.

Ngăn chặn sự bức hại tinh vi ở ngoài Trung Quốc Đại Lục

Sư phụ giảng:

“Đương nhiên trong phản bức hại, đối với cuộc bức hại này của tà đảng Trung Cộng thì mọi người đều lên tiếng, đi ngăn chặn và vạch trần bức hại, đó là trách nhiệm của chúng ta, mà chủ yếu chư vị không phải cứu người sao, [học viên] ở địa phương [nào] thì vẫn là cần cứu người địa phương [đó].” (Giảng Pháp tại Pháp hội New York 2015)

Bằng cách gian lận trong thương mại quốc tế, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã thu được nguồn lợi nhuận khổng lồ. ĐCSTQ cũng đã tiêu tốn rất nhiều tiền để xuất khẩu hệ tư tưởng của nó sang phương Tây, và thông qua đó, mở rộng cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp ra nước ngoài. Điều đó đã khiến nhiều người mất đi cơ hội được đắc cứu. Một trong những dự án tốn kém nhất là thành lập Viện Khổng Tử tại nhiều trường đại học ở nước ngoài. Bộ ngoại giao của ĐCSTQ đã tài trợ cho Viện Khổng Tử tại các trường đại học phương Tây thông qua hợp đồng liên kết giữa các trường đại học Trung Quốc và trường đại học phương Tây. Sau đó ĐCSTQ gửi các giáo viên và sách học sang để tẩy não người nước ngoài.

Đến năm 2014, 476 Viện Khổng Tử đã được thành lập. Mục tiêu của ĐCSTQ là tới năm 2020, sẽ thiết lập 1.000 Viện Khổng Tử. May mắn rằng ngày càng nhiều người đã nhận ra mục đích thật sự của Viện Khổng Tử, và 8 trong số đó đã bị đóng cửa.

Tháng 4 vừa qua, tôi đã gửi email đến một số lãnh đạo tại một trường đại học ở địa phương, nơi có Viện Khổng Tử. Tôi cũng đính kèm một số bài báo và báo cáo. Tôi muốn cho họ biết bản chất thực sự của ĐCSTQ để họ có thể có quyết định đúng đắn đối với bản thân và với trường đại học của họ. Vài ngày sau, tôi nhận được hồi đáp từ hiệu phó nhà trường. Lời lẽ trong thư rất nặng nề. Ông ấy nói rằng Viện Khổng Tử không phải do ĐCSTQ kiểm soát, rằng nó phù hợp với các quy định của trường đại học. Ông nói rằng giám đốc của Viện Khổng Tử là một giáo sư có quốc tịch Trung Quốc. Ông chỉ ra rằng Viện Khổng Tử được đồng sáng lập bởi một trường đại học danh tiếng ở Trung Quốc, v.v., ngoài ra còn nhiều lý lẽ khác nữa, tổng cộng 10 mục.

Sau khi đọc email, tôi nhận ra rằng vị hiệu phó trường đại học đã không biết chân tướng và đã bị đầu độc bởi ĐCSTQ. Tuy nhiên, ông ấy đã liệt kê ra nhiều mục, bao gồm cả những giáo sư người Trung Quốc trong thư. Tôi cần phải trả lời một cách thận trọng. Tôi chưa biết phải chuẩn bị hồi đáp như thế nào, nên đã chuyển tiếp thư tới một số đồng tu và một người bạn tên Mike (bí danh). Tôi xin họ lời khuyên và đã nhận được một số gợi ý. Và tôi cũng cảm động trước phản hồi của một học viên: “Đừng lo lắng. Chúng tôi ở đây để hỗ trợ bạn.”

Mike là một giáo sư đã về hưu và đã làm nhiều nghiên cứu về Viện Khổng Tử. Ông đã dành hai ngày cuối tuần để soạn thư trả lời dài bốn trang để phủ định từng luận điểm của vị hiệu phó. Ông đã nêu ra nhiều sự kiện, đưa ra các câu hỏi phản vấn, ngữ khí rất mạnh. Tôi cẩn thận rà soát nội dung và chỉnh lý thành bài trả lời dài năm trang rồi gửi cho một số học viên. Một học viên phản hồi lại rằng email quá dài, nên rút ngắn lại. Tôi nghĩ điều này có lý.

Sau khi thảo luận với chồng, tôi đã soạn lại bức thư dài một trang rưỡi. Tất cả đều dựa trên sự thật, với ngữ khí bình hòa và đúng mực. Tôi đã chỉ ra mối liên hệ giữa Viện Khổng Tử và ĐCSTQ, chỉ ra lịch sử lừa dối và bạo lực của ĐCSTQ, đã không ngừng hủy hoại nền văn hóa truyền thống Trung Hoa, sự tẩy não một cách có hệ thống con người Trung Quốc, cuộc đàn áp Pháp Luân Đại Pháp, tôi cũng nói thêm về nạn thu hoạch nội tạng sống. Tôi kiến nghị ông ấy nên đọc Cửu Bình để hiểu được bản chất của ĐCSTQ.

Sau khi nhờ đồng tu phương Tây chỉnh lý, tôi mất tổng cộng một tuần để hoàn thành bức thư trả lời. Khi viết thư, Pháp của Sư phụ thường xuyên xuất hiện trong đầu tôi:

“Lợi bút trước hoa chương
Từ kính cú uẩn cường
Khoa học mãn thân động
Ác đảng y bái quang”

Tạm dịch:

“Bút bén viết văn hay
Từ cứng câu hùng mạnh
Khoa học đầy thiếu sót
Ác đảng lột xiêm y”

(Đọc Học Viên Văn Chương – Hồng Ngâm II)

Trước khi gửi email, tôi cảm thấy do dự, tôi lo lắng Mike sẽ không chấp nhận việc bài viết của ông ấy bị sửa quá nhiều. Cuối cùng tôi chỉ sử dụng hai đoạn văn của ông ấy. Tôi vẫn quyết định nói với ông ấy. Tôi gửi cho ông ấy bản sửa và gọi điện cho ông. Tôi chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của ông. Tôi nói rằng hy vọng ông hiểu được vì sao tôi phải chỉnh sửa bài viết của ông. Tôi cũng nói với ông rằng Pháp Luân Đại Pháp dạy chúng ta Thiện và Nhẫn. Tôi giải thích tôi không muốn tranh đấu với vị hiệu phó.

Sau khi chúng tôi nói chuyện và ông ấy đã đọc email của tôi, Mike cảm ơn tôi đã chia sẻ bức thư với ông ấy. Ông ấy hy vọng ông có thể trở nên từ bi hơn. Tôi cảm động và nhận ra rằng chỉ khi chúng ta tuân theo các tiêu chuẩn của Pháp, uy lực của Pháp sẽ triển hiện. Cuối cùng tôi gửi email cho vị hiệu phó và vị giáo sư người Trung Quốc. Theo gợi ý của Mike, tôi cũng gửi cho hiệu trưởng cùng một số quan chức trong bộ giáo dục của tiểu bang.

Vài ngày sau, tôi nhận được hồi âm của hiệu phó. Ông ấy vẫn không thay đổi quan điểm của mình, và cũng gửi kèm cho một vị lãnh đạo khác, người đã đưa Viện Khổng Tử vào trường đại học. Lúc đầu tôi không định trả lời. Sau đó Mike nói: “Ông ấy đã đưa thêm người mới đến để nghe cô nói. Nếu cô không nói cho họ, làm sao họ có thể biết chân tướng?” Tôi nhận ra rằng Sư phụ đã mượn lời của Mike để nhắc nhở tôi. Tôi không thể dừng lại nửa chừng, tôi cần tiếp tục nói cho họ biết chân tướng, và đã viết thư trả lời.

Gần đây, Mike đã được mời tới diễn thuyết về Viện Khổng Tử trong câu lạc bộ các giáo sư đã nghỉ hưu của một trường đại học khác. Sau bài nói chuyện dài 60 phút, hơn 20 người đã hiểu ra mục đích thật sự của ĐCSTQ khi thiết lập các Viện Khổng Tử ở phương Tây. Tôi cũng đã chia sẻ những hiểu biết của bản thân về cách thức mà ĐCSTQ tiến hành tẩy não một cách có hệ thống đối với học sinh sinh viên Trung Quốc ở trường học. Và giờ đây, hệ thống tẩy não này, như một khối u di căn, đang thâm nhập vào nước Mỹ dưới vỏ bọc của Viện Khổng Tử.

Sau buổi nói chuyện, một giáo sư về hưu đã nhận một chiếc đĩa CD cửu bình và nói bà sẽ chia sẻ nó với tất cả các bạn ở một tổ chức khác. Nhà tổ chức sự kiện cũng cân nhắc việc mời chúng tôi phát biểu về chủ đề “Vì sao Pháp Luân Công bị đàn áp ở Trung Quốc?”

Tôi sẽ luôn ghi nhớ lời dạy của Sư phụ, tu luyện cá nhân thật tốt, nói cho nhiều người hơn nữa biết về cuộc đàn áp và cứu nhiều chúng sinh hơn!

Con xin cảm tạ Sư phụ, xin cảm ơn các bạn đồng tu!

(Bài chia sẻ tại Pháp hội miền trung Mỹ quốc năm 2018)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/7/30/修好自己-救度众生-371847.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/1/171348.html

Đăng ngày 27-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share