Bài viết của Hạ Duyên Sơ, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 1-8-2018] Mới đây, Hiệp hội các Bác sỹ Chống Thu hoạch Nội tạng (DAFOH) đã tổ chức một hội thảo về tầm quan trọng của tự do tôn giáo và nhấn mạnh vấn đề các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đang bị giết hại để lấy tạng. Pháp Luân Công là một môn tu luyện và thiền định, bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại kể từ năm 1999. Hội thảo được tổ chức tại Câu lạc bộ Cosmos vào ngày 26 tháng 7 năm 2018, ngày cuối cùng của Hội nghị các Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo do Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lần đầu tiên tổ chức, từ ngày 24 đến 26 tháng 7 năm 2018.
“Cuộc diệt chủng máu lạnh”
Tiến sỹ Torsten Trey, Bác sỹ Y khoa, Giám đốc Điều hành của DAFOH, phát biểu rằng kể từ khi bắt đầu cuộc bức hại vào tháng 7 năm 1999, “Hoạt động cưỡng bức thu hoạch nội tạng này chẳng khác gì một cuộc ‘diệt chủng máu lạnh’. Trong trường hợp này, mục đích của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là nhổ tận gốc Pháp Luân Công.” Vào thời điểm cuộc bức hại bắt đầu, ước tính có khoảng 70 đến 100 triệu người tu luyện pháp môn này.
Tiến sỹ Torsten Trey, Bác sỹ Y khoa, Giám đốc Điều hành của DAFOH
Bà Jessica Russo, Bác sỹ Y khoa, nhà tâm lý học tại Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson ở bang Philadelphia, giải thích rõ hơn khái niệm ‘diệt chủng máu lạnh’ là xóa sổ một nhóm người nào đó một cách bí mật. Bà cho rằng chính quyền Trung Quốc đang cố gắng tiêu diệt các học viên Pháp Luân Công về mặt thể chất, tinh thần và xã hội. Các phương tiện tra tấn mà họ sử dụng không được tiết lộ ra công chúng, và thực tế là phần đông người dân Trung Quốc đã dần dần chấp nhận và coi cuộc đàn áp này là “bình thường”.
Tiến sỹ Russo đề nghị các đại biểu hình dung một tình huống có thực xảy ra ở Trung Quốc: “Cảnh sát bắt quý vị đi chỉ vì quý vị từ chối từ bỏ đức tin của mình. Họ thay phiên nhau tra tấn quý vị bằng mọi hình thức. Nếu quý vị là phụ nữ, có thể họ sẽ lột hết quần áo và quẳng quý vị vào một phòng giam tù nhân nam. Với bất cứ trường hợp nào, các tù nhân khác được lệnh đánh đập quý vị. Quý vị nghe thấy cảnh sát nói: “Đánh vào đâu cũng được, chỉ cần không làm tổn thương nội tạng là được.” Trong khi quý vị bị thương và chảy máu, cảnh sát đem quý vị đi khám sức khỏe toàn diện bao gồm xét nghiệm máu và mẫu mô của quý vị. Quý vị biết rằng, người hiến tạng kế tiếp chính là quý vị.”
“Rồi một hôm, họ lôi quý vị ra khỏi buồng giam và ghì quý vị trên bàn mổ có cảnh sát và nhân viên y tế xung quanh. Họ tiêm thuốc làm cho quý vị tê liệt đi, nhưng quý vị vẫn cảm nhận được. Một lưỡi dao sắc rạch lên da quý vị, và đau đớn không chịu đựng nổi. Quý vị cảm nhận như thể họ đang giết quý vị và cuộc đời của quý vị vậy là kết thúc.”
Tiến sỹ Jessica Russo, Bác sỹ Y khoa, nhà tâm lý học tại Bệnh viện Đại học Thomas Jefferson tại bang Philadelphia
Một bộ phim tài liệu về thu hoạch nội tạng quay tại Thiên Tân, Trung Quốc, được trình chiếu tại hội thảo. Bộ phim này do đài truyền hình Chosun, một trong những hãng truyền hình lớn nhất Hàn Quốc, sản xuất và phát sóng. Các nhiếp ảnh gia đã đến thăm một bệnh viện cấy ghép tạng ở Thiên Tân và đóng giả một bệnh nhân đến từ Hàn Quốc. Trong vòng ba năm qua, chỉ riêng bệnh viện đó đã thực hiện hơn 3.000 ca cấy ghép tạng cho các bệnh nhân Hàn Quốc. Tại Hàn Quốc, người ta phải đợi đến năm năm cho một ca ghép gan. Nhưng tại Thiên Tân, sẽ chỉ phải đợi hai tuần nếu như người đó sẵn sàng trả 190.000 USD. Và nếu họ càng trả nhiều tiền hơn, thì việc ghép tạng càng nhanh chóng được thực hiện hơn. Bộ phim tài liệu đề cập việc một số bác sỹ ở đó được đào tạo tại Hoa Kỳ và nói tiếng Anh rất trôi chảy.
Các bác sỹ tại hội thảo kêu gọi hành động
Tiến sỹ Marcel Horowitz, Bác sỹ Y khoa, chuyên gia tiết niệu làm việc tại Baltimore, cho biết: “Tình trạng ở Trung Quốc, rõ ràng là cần phải thảo luận, cần phải được công khai tại đất nước này, bởi vì chắc chắn là rất ít người biết về nó.”
Tiến sỹ Glynn Gilcrease III, bác sỹ chuyên khoa ung thư tại Đại học Y khoa Utah, nhấn mạnh rằng các điều lệ của các tổ chức y hoa chuyên nghiệp phải bổ sung những điều khoản về y đức để kiềm chế những hành vi phi đạo đức này. Ông cũng kêu gọi các trường y tế chấm dứt đào tạo các bác sỹ cấy ghép tạng đến từ Trung Quốc.
Tiến sỹ Gilcrease cho rằng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nên xem xét cung cấp thêm thông tin về nạn cấy ghép tạng cưỡng bức khi xem xét cấp thị thực và cảnh báo cho các hành khách lúc khởi hành. Ví dụ như những người đã từng tham gia vào các ca cấy ghép tạng cưỡng bức cần bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ, và cảnh báo cho những bệnh nhân chuẩn bị đến Trung Quốc để ghép tạng.
Tuyên bố về Tự do Tôn giáo ở Trung Quốc
Vào ngày diễn ra hội thảo, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ban hành một “Tuyên bố Quan ngại” về vấn đề tự do tôn giáo ở Trung Quốc. “Là đại diện của cộng đồng quốc tế, chúng tôi quan ngại sâu sắc về những hạn chế lớn về tự do tôn giáo ở Trung Quốc và kêu gọi chính quyền Trung Quốc tôn trọng nhân quyền của người dân. Nhiều thành viên của các nhóm tôn giáo thiểu số ở Trung Quốc, bao gồm người Ngô Duy Nhĩ, người Maori, người Hồi giáo Kazakh, Phật tử Tây Tạng, người Công giáo, người theo Đạo Tin lành, và các học viên Pháp Luân Công – đang phải đối mặt với sự đàn áp và phân biệt đối xử chỉ vì đức tin của họ. Các cộng đồng này liên tục báo cáo các vụ việc, trong đó có cáo buộc chính quyền đã tra tấn, ngược đãi thân thể, tùy tiện bắt giữ, giam cầm, kết án tù, hoặc sách nhiễu các tín đồ của các nhóm tôn giáo đã đăng ký và chưa đăng ký các hoạt động liên quan đến tín ngưỡng tôn giáo và các pháp môn ôn hòa của họ.”
Ông Frank Wolf, nguyên Đại biểu Quốc hội tiểu bang Virginia, phát biểu về nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng nhắm vào học viên Pháp Luân Công, tại Hội nghị các Bộ trưởng về Thúc đẩy Tự do Tôn giáo
Ông Frank Wolf, nguyên Đại biểu Quốc hội tiểu bang Virginia, đặc biệt đề cập đến nạn cưỡng bức thu hoạch nội tạng từ các học viên Pháp Luân Công. “Các học viên Pháp Luân Công đang phải đối mặt với sự bức hại nghiêm trọng, và có những báo cáo chân thực về việc thu hoạch nội tạng, mà các học viên bị giết hại và lấy nội tạng để bán. Phải chăng chúng ta không cần phải chịu trách nhiệm gì trước cuộc đàn áp tôn giáo bất công nghiêm trọng như vậy đang diễn ra trên toàn thế giới?”
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2018/8/1/371934.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2018/8/2/171365.html
Dịch ngày 05-08-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.