Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ tại tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc

[MINH HUỆ 18-12-2017] Một cư dân ở huyện Tử Kim bị cầm tù vì đức tin của mình đã nộp đơn kiến nghị tái thẩm định vụ kiện của ông sau khi đơn kháng cáo bị từ chối.

Ông Tăng Lưu Minh bị bắt vào ngày 24 tháng 9 năm 2016 vì không chịu từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại. Ông đã bị xét xử vào ngày 19 tháng 1 năm 2017, và chánh án đã hoãn phiên xử mà không đưa ra phán quyết.

Gia đình ông đã đến Trại tạm giam huyện Tử Kim vào ngày 10 tháng 7 và hết sức bàng hoàng khi biết rằng ông đã bị chuyển đến Nhà tù Tứ Hội vào ngày 19 tháng 6 để chịu bản án 3 năm tù. Tòa án địa phương không hề thông báo cho gia đình về phán quyết dành cho ông.

Nhà tù thông báo cho gia đình rằng họ phải gọi và xin phép trước mỗi khi muốn tới thăm ông. Đến nay, gia đình ông Tăng vẫn chưa được thăm ông trong tù lần nào.

Ông Tăng đã nộp đơn kháng cáo phản đối bản án, nhưng Tòa án Phúc thẩm thành phố Hà Nguyên đã bác đơn liền sau đó.

Luật sư của ông Tăng đã đến nhà tù vào ngày 9 tháng 11, nhưng không được lính canh cho gặp thân chủ của mình với nhiều lý do. Luật sư trở lại vào sáng hôm sau, cuối cùng cũng được gặp ông Tăng. Luật sư thấy bốn lính canh giữ chặt ông Tăng khi đến phòng gặp mặt. Ông Tăng đã ký văn bản mà luật sư mang theo để nộp kiến nghị tái thẩm định vụ kiện của ông.

Ông Tăng quyết tâm tìm kiếm công lý cho mình vì không có luật nào ở Trung Quốc quy kết Pháp Luân Công là phạm pháp. Ông còn định phơi bày việc cảnh sát, công tố viên và tòa án vi phạm thủ tục pháp lý và truy tố ông dựa trên bằng chứng ngụy tạo.

Lời khai của ông Tăng về việc truy tố phi pháp:

Nhân chứng được nêu không có mặt khi khám xét nhà

Bản án kết tội tôi có ghi: “… nhân chứng là một phụ nữ tên là Cam Đình Phân, cảnh sát đã quay phim toàn bộ quá trình khám xét nhà bị cáo Tăng Lưu Minh vào ngày 24 tháng 9 năm 2016.”

Không có người phụ nữ nào trong khi khám xét nhà. Hôm đó, khi tôi đang ở nhà tôi thì hơn chục người đàn ông đột nhập vào. Một người hơn 50 tuổi giơ cái gì đó lớn hơn thẻ căn cước một chút lên và nói họ là cảnh sát. Tôi không thấy rõ cái đó nên yêu cầu ông ta cho xem lại. Ông ta từ chối và bắt đầu lục soát nhà tôi cùng những người khác mà không đưa ra lệnh khám xét nào.

Tầm 10 phút sau, ba người họ đưa tôi đến Đồn Cảnh sát Lam Đường, trong khi những người còn lại vẫn ở nhà tôi và tiếp tục khám xét. Cảnh sát Hứa Tiểu Tùng, sau này tôi mới biết tên, liền thẩm vấn tôi ngay khi đến đồn cảnh sát. Tôi yêu cầu tháo còng tay để tôi sử dụng nhà vệ sinh, nhưng ông ta nói là không có chìa khóa. Tôi đã phải đeo còng trong hơn hai tiếng bị thẩm vấn.

Một cảnh sát khác ghi âm lại cuộc thẩm vấn và hỏi ông Hứa là tôi phạm tội gì. Ông Hứa nói: “lợi dụng tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật” (một tội danh thường được chính quyền cộng sản Trung Quốc sử dụng để kết tội và bỏ tù các học viên Pháp Luân Công).

Kết thúc cuộc thẩm vấn, ông Hứa gọi điện thoại, và tôi nghe thấy ông ta hỏi các cảnh sát đã khám xét nhà tôi xong chưa. Ông ta đã bảo viên cảnh sát đang ghi âm cuộc thẩm vấn rằng còn rất nhiều thứ ở nhà tôi cần khám xét nên người của ông ta cần thêm thời gian.

70.500 nhân dân tệ giảm xuống còn vài trăm

Sau đó, ông Hứa bảo tôi: “Chúng tôi đã trả lại toàn bộ số tiền tịch thu từ nhà ông cho mẹ ông rồi.” Trước khi bị bắt, tôi có 70.500 nhân dân tệ ở nhà, nhưng mẹ tôi nói bà chỉ nhận lại được vài trăm nhân dân tệ. Vậy số tiền còn lại của tôi đã đi đâu?

Ông Hứa nói rằng vợ tôi đã bị bắt tại một khu mua sắm địa phương cùng thời điểm họ bắt tôi, nhưng phán quyết ghi rằng: “… cảnh sát không tìm được vợ của ông Tăng.”

Điện thoại di động của tôi đã bị tịch thu, nhưng bản cáo trạng và phán quyết không nhắc đến nó.

Thay đổi địa điểm xét xử và không đưa ra bằng chứng chính của vụ truy tố

Tôi được lên lịch xử tại Phòng xử án Số 1 của một tòa án địa phương, nhưng phiên tòa lại được tổ chức ở trại tạm giam huyện Tử Kim. Gia đình tôi không được báo trước về việc thay đổi địa điểm. Khi họ biết ngày xét xử của tôi, họ vội chạy đến trại tạm giam thì không được cho vào.

Công tố viên từ chối bật băng ghi hình buổi khám xét nhà, nhưng chủ tọa đã nêu đoạn băng ghi hình trong bản án làm bằng chứng chính để buộc tội tôi.

Những lần bị bức hại trước đó của ông Tăng

Đây không phải là lần đầu tiên ông Tăng trở thành mục tiêu bị bức hại vì đức tin của mình. Khi còn là sinh viên của trường Đại học Nông nghiệp miền Nam Trung Quốc, ông mắc một số bệnh hiểm nghèo nên gặp khó khăn trong học hành. Sau đó, ông bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công và các căn bệnh nhanh chóng biến mất. Ông đã đủ sức khỏe để hoàn thành khóa học rồi xin được công việc giảng dạy tại một trường cao đẳng cộng đồng ở quê nhà huyện Tử Kim.

Cuộc bức hại Pháp Luân Công bắt đầu vào năm 1999 đã khiến cuộc sống của ông Tăng bị đảo lộn. Ông bị bắt năm lần và một lần bị cưỡng bức lao động 3 năm 4 tháng. Ông bị tra tấn đến gần chết ở trại lao động địa phương. Cảnh sát không ngừng theo dõi ông sau khi ông được trả tự do. Họ liên tục theo dõi ông, nên ông phải chuyển hết nơi này đến nơi khác để tránh bị sách nhiễu.

Vì bị mất việc do bị bắt nên ông Tăng phải kiếm sống bằng nghề lái xe taxi. Gia đình ông đang phải vật lộn để kiếm sống sau khi ông bị bắt giữ lần thứ sáu vào năm 2016.

Bài viết liên quan:
Phiên xử phi pháp ông Tăng Lưu Minh kết thúc không có bản án


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/12/18/358036.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/12/22/166843.html

Đăng ngày 23-1-2018; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share