Bài viết của Tịnh Tâm, một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở tỉnh Sơn Đông
[MINH HUỆ 11-11-2017] Vào cuối năm 2016, cô Vương, một đồng tu trong vùng chúng tôi đã được phóng thích khỏi trại tạm giam. Cô cho chúng tôi biết còn một học viên nữa ở khu vực khác, tên Diêu, vẫn đang bị giam giữ tại trại tạm giam. Phòng 610 địa phương đã cố gắng tuyên án cô một năm rưỡi tù, và cô đang ở trong tình trạng suy sụp tinh thần.
Ở trong môi trường thù địch khiến cô Diêu không thể học Pháp luyện công. Cô đã vô cùng tuyệt vọng, vì để được trả tự do sớm, cô đã nhận tội trước cáo buộc ngụy tạo trong phiên tòa đầu tiên của mình.
Tôi nói với cô Vương rằng không phải ngẫu nhiên khi chúng tôi biết về tình hình cô Diêu.
Sư phụ giảng:
“Việc của bạn cũng là việc của mình, việc của mình cũng là việc của bạn.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Washington DC năm 2002)
Chúng tôi thảo luận làm thế nào để giải cứu được học viên Diêu. Sư phụ không muốn bỏ rơi bất kỳ một đệ tử nào và chúng tôi cũng cảm thấy đó là trách nhiệm của mình.
Chúng tôi không biết bất cứ một học viên nào ở nơi cô ấy sinh sống. Sau đó, chúng tôi liên lạc với các học viên ở gần địa khu cô ấy ở và nhờ họ tìm hiểu vì sao cô bị bắt giữ. Tuy nhiên, không ai biết Diêu hay bất cứ điều gì về việc cô bị bắt giam.
Chúng tôi quyết định liên lạc với cha mẹ Diêu và tới ngôi làng của họ bằng xe hơi, nhưng trên đường tới đó chúng tôi đã bị lạc. Một suy nghĩ đột nhiên xuất hiện trong tâm trí tôi: tìm một lái xe taxi. Rồi chúng tôi nhìn thấy một tài xế taxi phía bên lề đường đang xếp đồ trên xe. Anh đã chỉ đường tường tận cho chúng tôi.
Chúng tôi lái xe được một lúc thì lại bị lạc lần nữa. Đột nhiên tôi nghĩ: đi tới trạm xăng. Và thật sự là chúng tôi đang tới gần một trạm xăng. Khi chúng tôi lái xe vào thì một chiếc mô tô ba bánh rời đi. Khi tôi hỏi đường người lái xe thì anh cười và nói: “Đi theo tôi, tôi đang đến đó đây.” Chúng tôi thực sự cảm thấy rằng Sư phụ đang ở bên chúng tôi.
Cuối cùng chúng tôi đã đến ngôi làng của cha mẹ Diêu. Khi chúng tôi nói với họ lý do của chuyến viếng thăm, cha mẹ cô đã không sẵn lòng hợp tác với chúng tôi. Tôi nói: “Dù có chuyện gì xảy ra, Diêu cũng là con gái của hai bác. Hai bác chắc hẳn sẽ không bao giờ muốn con gái mình bị giam giữ trong một phòng giam cùng với hơn chục tù nhân khác, chật cứng như bị đóng cá hộp vậy.”
Bố Diêu nói: “Cứ để nó ở đó. Nếu không, nó sẽ phát tài liệu Pháp Luân Công ngay khi nó được thả ra.”
Chúng tôi đã nói chuyện với mẹ của Diêu, bà cũng là học viên Pháp Luân Công. Bà nói trong nước mắt: “Cha con bé và tôi đã lên thành phố tới nơi mà con bé bị giam giữ. Chúng tôi đã cố gắng đi tới các cơ quan chức năng để yêu cầu thả con gái ra và nói với các nhân viên chính phủ rằng Hiến pháp quy định mọi người được quyền tự do tín ngưỡng.”
“Nhưng những văn phòng đó đẩy qua đẩy lại trách nhiệm cho nhau và họ không có động thái nào. Chúng tôi chạy tới chạy lui trong hơn bốn tháng, mà chưa từng được vào thăm con bé. Không ai tiếp chuyện chúng tôi. Chúng tôi chán nản vô cùng và không thể chi trả cho các chuyến đi thêm nữa. Chúng tôi cảm thấy bất lực.”
Chúng tôi hoàn toàn thấu hiểu nỗi thống khổ mà họ đang phải gánh chịu. Chúng tôi nói với mẹ Diêu rằng chúng tôi sẽ không từ bỏ nỗ lực giải cứu con gái bà cho dù có khó khăn đến đâu, và chúng ta cần nâng cao nhận thức về cuộc bức hại để yêu cầu Diêu được trả tự do.
Sau đó, chúng tôi đã liên lạc với các học viên trong huyện của Diêu và tại nơi cha mẹ cô ở sau nhiều lần nỗ lực phối hợp giải cứu thất bại. Các học viên ở khu vực chúng tôi cũng tham gia vào nỗ lực giải cứu này.
Dũng cảm tiến lên dưới sự dẫn dắt của Sư phụ
Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm với các học viên trong huyện của Diêu về việc giải cứu cô. Mọi người đều đồng ý phối hợp và phát chính niệm.
Chúng tôi cũng biết được rằng các học viên trong huyện của Diêu từng liên lạc nhiều lần với chồng cô, anh ấy không phải là học viên. Với nỗ lực muốn vợ mình được thả sớm hơn, chồng Diêu đã thuê một luật sư để luận tội cho cô với hy vọng rằng tòa sẽ giảm án. Chồng Diêu đã tìm kiếm các mối quan hệ và chi rất nhiều tiền cho việc này. Nhưng gần một năm nay, tất cả những việc này không mang lại kết quả gì.
Một học viên 80 tuổi ở khu vực của tôi quyết định đi cùng với mẹ Diêu đến thành phố nơi Diêu đang bị giam giữ để yêu cầu trả tự do cho cô. Mẹ Diêu miễn cưỡng đồng ý. Sau chuyến đi trong hai giờ đồng hồ, họ đã tới nơi. Họ đi đến đồn cảnh sát, Viện kiểm sát, tòa án, trại tạm giam và các phòng ban liên quan khác, nhưng không được phép vào bất cứ phòng ban nào. Họ cũng nói chuyện với lính canh tù về cuộc bức hại.
Trước tình cảnh như vậy, mẹ Diêu cảm thấy thất vọng, bà nói: “Tôi đã nói với mọi người rằng chúng ta không nên đến đây. Tôi từng tới đây rất nhiều lần. Thậm chí chúng tôi còn không được phép vào văn phòng. Không ai giúp chúng ta cả.”
Một số học viên cũng bắt đầu phàn nàn. Một số nghĩ rằng làm thế này là lãng phí thời gian và vô ích. Một số học viên ở khu vực của tôi nói rằng đó là vấn đề của khu vực khác và chúng tôi còn rất nhiều việc cần phải làm. Một số thậm chí khuyên tôi không nên nỗ lực phối hợp giải cứu giữa các huyện với nhau.
Sau khi suy nghĩ kỹ về sự việc này, học viên Vương và tôi đã tới thăm cha mẹ Diêu một lần nữa. Khi chúng tôi lái xe, gió mạnh và tuyết rơi nặng hạt khiến chúng tôi khó có thể nhìn thấy đường đi. Tuy nhiên, một lát sau, trời đột nhiên trở nên quang đãng.
Chúng tôi đi được một lúc thì tuyết lại rơi trở lại, rồi đột nhiên trời lại trở nên quang đãng trong chốc lát. Tôi ngộ ra rằng Sư phụ đang điểm hóa cho chúng tôi biết rằng chúng tôi chỉ có thể tiến lên phía trước mà không được thoái lui, và dù có khó khăn đến đâu đi nữa, thì kết quả cuối cùng sẽ là điều tốt đẹp. Chúng tôi đã gặp cha mẹ Diêu và động viên họ.
Sau đó, chúng tôi yêu cầu một vị luật sư địa phương tới thăm Diêu tại trại tạm giam. Chúng tôi chép lại một số bài giảng của Sư phụ Lý và nhờ luật sư mang vào cho Diêu. Vị luật sư hoang mang, lo sợ sẽ mất việc nếu các tài liệu Đại Pháp bị phát hiện.
Chúng tôi đã thỏa thuận với vị luật sư chỉ gửi tới Diêu một số câu đơn giản như: “Kiên định, chính niệm và phủ nhận an bài của cựu thế lực.” Chúng tôi trò chuyện với vị luật sư về Pháp Luân Đại Pháp và cuộc bức hại, và cô ấy đã đồng ý thoái xuất khỏi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và các tổ chức liên đới của nó.
Sau khi vị luật sư tới thăm Diêu tại trại tạm giam, chúng tôi đã đưa cho cô một số thông tin về tự do tín ngưỡng và tội ác đàn áp Pháp Luân Công của ĐCSTQ trên cơ điểm luật pháp. Chúng tôi hy vọng rằng cô ấy có thể hiểu được các vấn đề.
Mỗi lần luật sư vào thăm Diêu, chúng tôi đều cung cấp cho Diêu những thông tin khác nhau, gồm cả việc các học viên Pháp Luân Công nhận được sự bảo vệ mạnh mẽ của các luật sư khác. Lần tiếp theo chúng tôi yêu cầu luật sư đến thăm Diêu, cô ấy vui vẻ mang theo các bài giảng của Sư phụ Lý mà chúng tôi đã nhờ cô mang trước đây.
Trong khi đó, Diêu đã khởi được chính niệm mạnh mẽ trong trại tạm giam sau vài lần thăm viếng của luật sư. Vị luật sư sau đó đã gọi điện cho tôi và nói rằng tòa án nghi ngờ sự thay đổi của Diêu là do cô ấy đã tới thăm và bày tỏ sự lo lắng của mình.
Chỉ khi đó tôi mới bắt đầu nhìn nhận mọi việc trên cơ điểm của nữ luật sư, tôi nói với cô ấy rằng chúng tôi quan tâm đến sự an toàn của cô và về những vấn đề phát sinh mà cô có thể phải gánh chịu khi tham gia bào chữa cho Diêu. Ngay khi cô trở về sau chuyến thăm Diêu, tôi đã hỏi cô tình hình của Diêu. Đột nhiên tôi tự nhủ tại sao tôi chỉ quan tâm đến người học viên bị bắt giam mà không quan tâm đến luật sư. Nên tôi đã hỏi: “Cô có khỏe không? Trại tạm giam có gây khó khăn gì cho cô không?”
Tôi có thể hội rằng vô ngã là một biểu hiện của sự đề cao trong Pháp của một học viên.
Trước Tết Nguyên đán hai ngày, học viên Vương và tôi đã tới thăm cha mẹ Diêu. Đó là chuyến đi lần thứ sáu của chúng tôi tới đó. Lần đó, chúng tôi lái xe trong trời mưa tuyết. Đường đóng thành băng khiến Vương không thể lái được trong điều kiện đường xá như vậy. Cô ấy chỉ cho tôi đi dọc một con đường quanh núi gập ghềnh, hiểm trở. Tôi lái xe với cả hai tay nắm chặt vô lăng và trong tâm cầu xin Sư phụ giúp đỡ. Hai chân tôi bị tê cứng và toàn thân bất động. Cuối cùng, sau nửa giờ chúng tôi đã ra đến đường bằng.
Cha mẹ Diêu rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi. Chúng tôi nói lại rằng chúng tôi chưa bao giờ gặp Diêu, nhưng vì các học viên Đại Pháp là một chỉnh thể và chúng tôi cần nỗ lực giải cứu cô ấy. Chúng ta cần phối hợp cùng nhau để Diêu được trả tự do. Sau khi nghe tôi nói vậy, cha cô ấy cảm động và nói: “Ngày nay, chỉ có các học viên Pháp Luân Đại Pháp mới có thể làm được như vậy!”
Tuyết đã rơi khi chúng tôi lái xe về nhà vào chiều hôm đó. Khi chúng tôi sắp về đến nhà, mặt trời vẫn ở trên cao mà đáng lẽ ra vào thời điểm đó nó đã lặn từ lâu. Đột nhiên tôi nhớ tới bài thơ của Sư phụ:
Tuyệt vi tuyệt hồng bại vật bình,
Hồng vi thập phương khán thương khung;
Thiên thanh thể thấu càn khôn chính,
Triệu kiếp dĩ quá trụ vũ minh.(Kiếp Hậu – Hồng Ngâm)
Tạm dịch:
Cái xấu lớn nhỏ thảy dẹp xong,
Lớn nhỏ mười phương thấy thương khung;
Trong xanh thấu khắp càn khôn chính,
Triệu kiếp trôi qua vũ trụ minh.
(Kiếp Hậu – Hồng Ngâm)
Tôi biết rằng đó là Sư phụ khích lệ chúng tôi tiến lên phía trước và không bỏ cuộc.
Các học viên phối hợp như một chỉnh thể và học viên Diêu được trả tự do
Mẹ của Diêu bắt đầu gọi điện cho giám đốc trại tạm giam nơi Diêu bị bắt giữ. Bà đã nói chuyện với ông ta về cuộc bức hại. Bà đã bị mắng nhiếc và nguyền rủa. Chúng tôi đã chia sẻ kinh nghiệm và khích lệ lẫn nhau.
Các học viên trong khu vực của tôi gọi điện cho vị thẩm phán phụ trách xét xử Diêu và trò chuyện với ông về Pháp Luân Công và cuộc bức hại. Ban đầu vị thẩm phán có thái độ tiêu cực và từ chối lắng nghe các học viên nói chuyện. Tuy nhiên, dưới trường năng lượng từ bi và nhẫn nại của các học viên, vị thẩm phán đã dần thay đổi thái độ. Một lần, ông đã lắng nghe lời giải thích của một học viên một cách cẩn thận và kiên nhẫn trong vòng sáu hay bảy phút. Ông nói ông sẽ sớm yêu cầu một phiên xét xử mới.
Vào giữa tháng Hai, buổi xét xử thứ hai của phiên tòa đầu tiên đã được tổ chức ở tòa án địa phương thuộc huyện của Diêu. Nhiều học viên ở huyện của cô, cũng như khu vực của tôi và ở thành phố nơi cha mẹ Diêu sinh sống đã bày tỏ sự ủng hộ và phát chính niệm cự ly gần ngay sát tòa án.
Trong phiên xét xử, thẩm phán yêu cầu Diêu nhận tội để cô sớm được trả tự do. Vị luật sư mà chồng Diêu thuê cũng đã đưa ra đề nghị tương tự. Nhưng Diêu đã không lay động. Cô đã lấy lại được chính niệm sau khi chia sẻ với các học viên và học các bài giảng Pháp của Sư phụ mà chúng tôi đã nhờ vị luật sư mang vào cho cô.
Tại phiên tòa, Diêu nói với vẻ chính trực và uy nghiêm: “Chúng tôi có quyền tự do tín ngưỡng. Không có gì sai khi đặt niềm tin vào Pháp Luân Công.” Diêu đã luôn kiên định và hoàn toàn phủ nhận tất cả các cáo buộc mà thẩm phán cố ép lên cô.
Sau khi phiên xét xử được hoãn lại, các học viên từ ba khu vực đã chia sẻ chung một thể ngộ: chúng ta không được bỏ cuộc và cần tiếp tục phối hợp cùng nhau trong việc gửi thư, gọi điện và phát chính niệm. Các học viên trong khu vực của tôi đã gọi điện cho vị chủ tọa một lần nữa. Vị chánh án đã đề nghị các học viên không gửi thư hay gọi điện cho ông ta. Các học viên ngộ rằng các nhân tố tà ác trong không gian khác không thể chịu được áp lực này.
Vài ngày sau đó, học viên Diêu được trả tự do mà không có bất kỳ cáo buộc nào. Khi thấy Diêu bước ra khỏi trại tạm giam tôi đã bật khóc. Cô ấy không nói gì với chúng tôi bởi cô ấy không hề biết chúng tôi. Điều duy nhất lúc đó trong tôi là lòng cảm ân vô cùng sâu sắc đối với Sư phụ!
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/11/11/356198.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/11/12/166367.html
Đăng ngày: 7-12-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.