Bài viết của phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc
[MINH HUỆ 14-10-2017] Bà Tôn Diễm Hoàng, một giáo viên 58 tuổi bị bắt vào ngày 24 tháng 12 năm 2015 vì đệ đơn kiện cựu độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân.
Pháp Luân Công là một phương pháp rèn luyện tinh thần bị bức hại ở Trung Quốc từ năm 1999. Bà Tôn đã được tại ngoại sau khi đóng tiền bảo lãnh, nhưng vào ngày 8 tháng 11 năm 2016, cảnh sát lại bắt bà và kể từ đó bà bị giam ở Trại tạm giam Giai Mộc Tư.
Bà Tôn bị xét xử hôm 27 tháng 9 năm 2017 với cáo buộc “sử dụng tổ chức tà giáo để chống lại việc thực thi pháp luật”, một tội danh mà chính quyền cộng sản Trung Quốc thường sử dụng để quy tội và kết án các học viên Pháp Luân Công. Bà Tôn không nhận tội và lập luận rằng bà đang thực hiện quyền hiến pháp của mình về tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng. Sau khi luật sư của bà trình bày luận cứ, chủ tịch Tòa án quận Đông Phong đã trả lại vụ việc cho công tố viên vì không đủ bằng chứng.
Khi phiên tòa thứ hai của bà Tôn diễn ra vào ngày 16 tháng 10, công tố viên đã thu thập được thêm bằng chứng. Luật sư của bà Tôn lập luận rằng không có bằng chứng nào cho thấy bà Tôn phạm tội, ngoài ra bằng chứng đã thu thập được là bất hợp pháp. Công tố viên không đưa ra được một nhân chứng nào hay nhân viên đã thụ lý vụ án. Luật sư yêu cầu miễn nhiệm vụ việc và trả tự do cho bà Tôn ngay lập tức. Thẩm phán đã ngừng phiên điều trần mà không đưa ra phán quyết nào.
Luật sư bác bỏ các cáo buộc
Trong phiên điều trần thứ hai, luật sư lập luận rằng các cáo buộc đối với bà Tôn là vô căn cứ.
Ông chỉ ra rằng bà Tôn bị cáo buộc là đã vi phạm Điều luật 300 của Bộ luật Hình sự, quy định rằng những người sử dụng tà giáo để chống lại việc thực thi pháp luật sẽ bị truy tố đến mức tối đa.
Tuy nhiên, vì Quốc hội Nhân dân (cơ quan lập pháp của Trung Quốc) chưa bao giờ ban hành luật nào quy kết Pháp Luân Công là một “tà giáo”, nên vào tháng 11 năm 1999, cựu lãnh đạo độc tài Trung Quốc Giang Trạch Dân đã chỉ đạo Tòa án Nhân dân Tối cao và Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành một bản diễn giải Điều luật 300 quy định rằng bất cứ ai tu luyện hoặc truyền bá Pháp Luân Công đều bị truy tố đến mức tối đa.
Sau đó, luật sư nêu rằng bản giải thích luật mới thay thế phiên bản cũ năm 1999 đã có hiệu lực vào ngày 1 tháng 2 năm 2017. Bản giải thích luật mới không đề cập gì đến Pháp Luân Công và nhấn mạnh rằng bất kỳ cáo trạng nào buộc tội bất kỳ ai tham gia vào một tà giáo phải được ban hành dựa trên cơ sở pháp lý rõ ràng. Do không có điều luật nào ở Trung Quốc quy định Pháp Luân Công là một tà giáo nên bản cáo trạng đối với bà Tôn là thiếu cơ sở pháp lý.
Một ví dụ về bằng chứng buộc tội bà Tôn là bà sở hữu, đọc và phổ biến các sách Pháp Luân Công. Cảnh sát và các công tố viên cũng trích dẫn hai thông báo do Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc ban hành vào tháng 7 năm 1999 về việc cấm xuất bản sách Pháp Luân Công. Tuy nhiên, năm 2011, chính quyền đã ban hành lệnh bãi bỏ lệnh cấm này, và hiện nay pháp luật cho phép các học viên sở hữu sách Pháp Luân Công.
Tổng Cục Báo chí và Xuất bản Trung Quốc bãi bỏ lệnh cấm xuất bản sách Pháp Luân Công
Bà Tôn đối chứng với cảnh sát
Vào cuối phiên điều trần thứ hai, bà Tôn đã làm chứng về việc cảnh sát vi phạm các thủ tục pháp lý và cố gắng tạo bằng chứng giả chống lại bà. Bản cáo trạng nói rằng bà bị bắt tại nhà, nhưng bà Tôn cho biết cảnh sát đã bắt bà trên đường phố và giam giữ bà ở đồn cảnh sát, rồi lấy chìa khóa nhà bà. Họ lục soát nhà bà để thu thập “bằng chứng” và không cho bà biết họ đã lấy đi những gì.
Ban đầu, bà Tôn bị buộc tội khởi kiện cựu lãnh đạo nhà nước. Sau khi Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao ban hành một thông báo vào năm 2017 cho phép công dân sử dụng bí danh để khiếu nại cựu lãnh đạo nhà nước thì vụ việc của bà được chuyển sang một cơ quan thẩm quyền khác, và bà bị buộc tội: “sử dụng tổ chức tà giáo để phá hoại việc thực thi pháp luật”.
Ngoài ra, trong danh sách bằng chứng bỗng nhiên xuất hiện bằng chứng về “500 cuốn tài liệu giới thiệu Pháp Luân Công” mà bà chưa bao giờ sở hữu, và công tố viên đã không giải trình được trước tòa về bằng chứng này. Đó không phải là bằng chứng duy nhất tự nhiên xuất hiện trong hồ sơ vụ án của bà Tôn. Bà Tôn cho biết bà đã từ chối ký xác nhận vào bản bằng chứng giả mạo hôm 13 tháng 7 năm 2017, nhưng vài tuần sau đó chứng cớ này lại xuất hiện trong hồ sơ của bà khi luật sư của bà xem xét vụ án này.
Cuối cùng, bản cáo trạng nêu rằng bà Tôn đã tham gia kháng cáo bất hợp pháp lên tòa án tối cao của tỉnh vào tháng 10 năm 2015, hành động này sau đó đã được sử dụng làm bằng chứng chống lại bà. Bà Tôn tuyên bố rằng bà tới tòa án tối cao của Cáp Nhĩ Tân để báo cáo việc giam giữ bất hợp pháp các học viên Pháp Luân Công tại một trung tâm tẩy não địa phương và việc tòa án địa phương vi phạm các thủ tục pháp lý khi xét xử các học viên. Bà Tôn nhấn mạnh rằng đó là quyền hiến pháp khi kháng cáo các vi phạm về quyền lợi hợp pháp.
Các báo cáo liên quan:
Bài liên quan bằng tiếng Trung:
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/10/14/355471.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/30/166221.html
Đăng ngày: 8-11-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.