Bài viết của một phóng viên báo Minh Huệ ở tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc

[MINH HUỆ 20-10-2017] Một người chồng tìm kiếm công lý cho vợ đang bị cầm tù sau khi Toà án Tối cao tỉnh Cát Lâm yêu cầu ông phải xuất trình giấy ủy quyền có chữ ký của vợ ông, tuy nhiên các cán bộ nhà tù này lại không cho bà ký văn bản đó.

Bà Vương Thục Thu, 66 tuổi, bị bắt vào ngày 25 tháng 10 năm 2016 vì từ chối từ bỏ Pháp Luân Công, một môn tu luyện đang bị chính quyền cộng sản Trung Quốc bức hại. Trong phiên xử án diễn ra vào ngày 19 tháng 1 năm 2017, luật sư của bà đã bị ép biện hộ có tội cho bà.

Toà án địa phương huyện Xương Ấp không thông báo bản án của phiên tòa này cho chồng của bà Vương. Mãi đến cuối tháng 5, ông mới nhận được bản án của tòa án. Ngày 11 tháng 5, ông mới biết là vợ mình đã bị kết án 3,5 năm tù giam.

Do luật pháp Trung Quốc không cấm Pháp Luân Công nên chồng bà Vương đã thuê một luật sư khác để bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng được hiến pháp nhà nước công nhận của vợ mình. Tòa án Phúc thẩm thành phố Cát Lâm đã vội vàng đưa ra quyết định giữ nguyên bản án ban đầu mà không cần ý kiến của luật sư cũng như thực hiện tái xét xử theo quy định của pháp luật.

Chồng bà Vương đã nộp đơn đề nghị xem xét lại vụ án, trong khi đó luật sư khiếu nại tòa án phúc thẩm về việc tước quyền đại diện cho thân chủ của ông trong quá trình kháng cáo.

Ngày 8 tháng 8, chồng bà Vương đã tới gặp thẩm phán xét xử vụ án của bà nhưng ông không nhận được thêm bất cứ thông tin nào về vợ của mình. Ngày 16 tháng 8, ông đã đến trại tạm giam địa phương nhưng vẫn không tìm được vợ mình. Khi đó, ông mới biết vợ ông đã bị chuyển đến nhà tù địa phương cách đây vài ngày.

Ngay sau đó, Tòa án Phúc thẩm thành phố Cát Lâm đã bác bỏ đề nghị xem xét lại vụ án. Chồng bà Vương thắc mắc về hiệu lực của phán quyết này, nhưng thẩm phán yêu cầu ông tới làm việc với cảnh sát và viện kiểm sát để hỏi. Ông đã cố gắng liên hệ với các cơ quan chức năng này nhưng lại được chỉ sang tòa phúc thẩm.

Sau đó, chồng bà Vương đã quyết định đệ đơn kháng cáo lên Tòa án Tối cao tỉnh Cát Lâm. Ngày 25 tháng 9, ông đã tới tòa nhưng được thông báo rằng phải xuất trình giấy uỷ quyền có chữ ký của vợ ông. Ông đã tới nhà tù, nhưng lính canh không cho ông gặp vợ mình.

Theo luật kháng cáo của Trung Quốc, ba nhóm người có thể được đệ trình đơn kháng cáo là người bị kết án, người đại diện hợp pháp và người thân. Do đó, Tòa án Tối cao tỉnh Cát Lâm đã vi phạm pháp luật khi đòi xuất trình giấy ủy quyền, và lấy đó làm lý do để từ chối quyền kháng cáo của bà Vương và chồng của bà.

Bài viết có liên quan: Tòa án ép luật sư biện hộ có tội cho thân chủ


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/10/20/355688.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/21/166128.html

Đăng ngày 5-11-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share