Bài của một học viên tại Minnesota

[MINH HUỆ 22-10-2017] Thượng nghĩ sỹ bang Minnesota, ông Jim Abeler (R), mới đây đã viết một lá thư ngỏ tới Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để bày tỏ quan ngại về cuộc bức hại Pháp Luân Công tại Trung Quốc.

Trong thư, Thượng nghị sỹ Abeler hối thúc Chủ tịch Tập Cận Bình chấm dứt cuộc bức hại và giải quyết nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở Trung Quốc do chính quyền nước này bảo hộ.

Lá thư được gửi tới cả Tổng thống Trump và các hạ nghị sỹ và thượng nghị sỹ ở Minnesota.

e53e7e6eec144299974018d23f27fd5f.jpg

Thượng nghị sỹ bang Minnesota, ông Jim Abeler

Một học viên Pháp Luân Công địa phương đã phỏng vấn Thượng nghị sỹ Abeler và được ông trả lời như sau:

“Tôi cho rằng các vấn đề nhân quyền cần phải trở thành một bộ phận trong các cuộc đối thoại chính trị của chúng ta với các nước. Và tôi hy vọng vấn đề này có thể trở thành một nội dung trong thảo luận đó. Hy vọng chính phủ của ông Trump cũng đồng ý rằng vấn đề này là vô cùng nghiêm trọng và không ngừng nêu ra và thu thập tin tức về nó.”

“Ở giác độ mang tính xây dựng, việc này không chỉ là vấn đề mà các nhóm được cả hai đảng ủng hộ đều có thể tán thành và bắt đầu tái thiết niềm tin vào Washington, mà còn cứu được những con người vô tội này, những người chẳng làm gì sai trái ngoài việc có đức tin.”

Dưới đây là một vài câu hỏi mà Thượng nghị sỹ Abeler đã trả lời trong buổi phỏng vấn.

Hỏi: Điều gì đã thôi thúc ông viết thư gửi trực tiếp tới Chủ tịch Tập Cận Bình?

Thượng nghị sỹ Abeler: À, một học viên Pháp Luân Công đến nói cho chúng tôi về những điều khủng khiếp đang diễn ra ở Trung Quốc mà tôi chưa từng nghe. Khi tôi được biết Trung Quốc đang thu hoạch nội tạng từ người còn sống, tôi không thể hình dung nổi lại có loại hành vi dã man đến vậy. Người học viên đó nói rằng chúng tôi có thể làm gì đó, thế là chúng tôi quyết định viết lá thư này.

Hỏi: Vậy các cộng sự của ông phản ứng như thế nào khi họ biết ông viết lá thư này?

Thượng nghị sỹ Abeler: Họ rất ủng hộ. Chúng tôi có 103 chữ ký rồi, và hẳn là còn nhiều người nữa muốn ký, nhưng chúng tôi không còn thời gian nữa. Nhìn chung, ai cũng kinh ngạc vì việc này vẫn tiếp diễn – Đảng Cộng hòa, Đảng Dân chủ, Đảng Độc lập, Đảng Xanh, Đảng Cộng sản – tất cả đều thấy kinh hoàng. Không có ai ở Mỹ là không cho rằng đây là hành vi giết người. Và chúng tôi đều phản đối việc giết người. Chúng tôi đều phản đối tra tấn. Vậy nên, tôi lấy làm vinh dự khi khởi xướng dự án này, để giúp cho nỗ lực chấm dứt loại hành vi đáng ghê sợ kia.

Hỏi: Ông sẽ đề nghị các nghị sỹ khác – từ các nước khác – hành động như ông khi tiếp xúc trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc chứ?

Thượng nghị sỹ Abeler: Tôi sẽ đề nghị họ làm điều chính nghĩa và đứng lên phản đối loại hành vi này. Có rất nhiều áp lực chính trị khiến họ phải hòa hảo với Trung Quốc bởi vì Trung Quốc là một đối tác thương mại lớn. Nhưng với tôi, người ta phải làm điều hợp lẽ phải. Một trong số những người thầy dẫn dắt tôi từng dạy thế này: “Làm điều sai trái thì không bao giờ đúng, mà làm điều đúng đắn thì không bao giờ sai; làm điều đúng thì không bao giờ là quá muộn.” Vì thế, tôi khuyến nghị những ai quan tâm tới việc này hãy tích cực tham gia bàn luận về nạn tra tấn này và hãy trở thành một kênh để giải quyết nó. Tôi nghĩ nếu có các nhà lập pháp, các quốc gia và lãnh đạo các nước đủ đông tham gia vào vấn đề này thì Trung Quốc sẽ phải bẽ mặt mà chấm dứt hành động đó.

Hỏi: Điều gì khiến những tội ác chống loài người như thế này trở thành vấn đề quan trọng đối với nước Mỹ và công dân Mỹ? Và với người dân Minnesota thì thế nào ạ?

Thượng nghị sỹ Abeler: Quá khủng khiếp. Bạn biết đấy, Minnesota thông thương với Trung Quốc. Và có thể là Minnesota – việc này có lẽ sẽ giúp cho ra một tuyên bố đối với Trung Quốc. Tôi không biết liệu chúng tôi đã làm được gì thực chất để gây ảnh hưởng tới giới thương mại chưa. Chúng tôi chưa trao đổi với Bộ Phát triển Kinh tế; cơ quan này phụ trách một số vấn đề thương mại của Minnesota, thương mại quốc tế. Nhưng có lẽ, nếu thị trưởng quan tâm tới việc này, ông ấy cũng có thể có động thái nào đó. Không rõ các bạn đã tiếp cận theo hướng đó chưa. Có thể cũng đáng làm đấy.

Hỏi: Tôi biết Trường Đại học Minnesota có nhiều sinh viên Trung Quốc nhất ở Bắc Mỹ, nên tôi nghĩ – tôi không dám chắc, nhưng nếu chúng ta đào tạo bác sỹ ở đây thì liệu có thể có tác động xấu gì tới nạn thu hoạch nội tạng cưỡng bức ở kia.

Thượng nghị sỹ Abeler: Tôi cho rằng sinh viên Trung Quốc có thể có sức ảnh hưởng lớn. Sinh viên có thể làm nhiều việc. Vì thế, có lẽ bước tiếp theo là chúng ta cần có nhiều tiếng nói hơn. Cơ quan lập pháp đã lên tiếng. Chúng tôi đồng ý rằng việc này thật… – không có từ nào có thể lột tả mức độ khủng khiếp của nó – ghê tởm có lẽ là chưa đủ, nhưng nó thật đáng ghê tởm. Như vậy, nếu sinh viên Trung Quốc có thể tiếp cận thống đốc và ông Shawntera Hardy, ủy viên Bộ Phát triển Kinh tế, để đưa vấn đề này ra. Một bang có thể làm nên sự thay đổi nếu có khả năng. Nên có thể bước tiếp theo là cố gắng tiếp cận thống đốc để xem họ có sẵn sàng tiếp nhận việc này không. Tôi cho rằng thống đốc sẽ thuận tình khi thấy lá thư với 103 chữ ký của những người được cả hai đảng ủng hộ.

Hỏi: Chỉ cần vài tuần thanh tra quốc tế độc lập là có thể đưa ra câu trả lời rõ ràng về việc tù nhân lương tâm ở Trung Quốc, như các học viên Pháp Luân Công, có bị giết hại để lấy tạng hay không. Ông nghĩ vì sao chính quyền Trung Quốc lại cam chịu trước những chỉ trích và các báo cáo tiết lộ bằng chứng, mà không chịu cho phép tiến hành các cuộc điều tra như vậy?

Thượng nghị sỹ Abeler: Bởi vì nó chẳng gây hậu quả gì cho họ cả. “Ừ thì tôi đang bị làm cho bẽ mặt đấy, nhưng tôi kiếm được tỷ đô. Tôi cũng hơi hổ thẹn khi kiếm được tỷ đô. Phải có biện pháp gì chứ. Họ phải mất tiền. Vì vậy, chỉ hổ thẹn thôi là chưa đủ, bởi vì như thế không có tác dụng. Thế thì, giờ phải lấy đi nguồn tiền của họ – đây là chỗ mà Bộ Ngoại giao có thể đưa ra quy định: Nếu anh không chứng minh được rằng hầu hết người hiến tạng không phải là không tự nguyện và còn đang sống thì chúng tôi không để anh sang đó ghép tạng. Và hy vọng rằng các quốc gia khác sẽ chung sức vì nỗ lực này. Du lịch chữa bệnh nghe thì rất hay, trừ khi người ta nhận ra lá gan họ nhận được là từ một anh chàng 34 tuổi vẫn đang sống.

Hỏi: Còn câu hỏi nào tôi chưa đặt ra mà ông muốn trả lời nữa không ạ?

Thượng nghị sỹ Abeler: Tôi cho rằng đã đến lúc chính phủ liên bang cần phải thực sự tham gia vào vấn đề này. Đã đến lúc môi trường kinh doanh, cộng đồng doanh nghiệp, phải có hành động đúng đắn và đối mặt với vấn đề này.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/10/22/355782.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/10/23/166146.html

Đăng ngày 27-10-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share