Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 19-8-2017] Tôi năm nay 66 tuổi và từng là hiệu trưởng của một trường học. Tôi đã tu luyện Pháp Luân Công trong suốt 19 năm qua.

Mỗi khi gặp tôi, câu đầu tiên mà hàng xóm và bạn bè tôi thường nói là: “Làm thế nào mà chị càng ngày càng trẻ ra vậy?”

Phục hồi kinh ngạc

Trước khi tu luyện Pháp Luân Công, tôi từng bị hen suyễn suốt 47 năm, một chứng viêm khí quản mãn tính khiến tôi thường xuyên thở khò khè và hụt hơi.

Mẹ tôi kể với tôi rằng tôi đã từng chết hụt một lần khi còn nhỏ, do viêm bị phổi nặng. Tình trạng của tôi trở nên xấu đi, khiến mẹ tôi vô cùng lo lắng.

Trong cơn tuyệt vọng, mẹ tôi đã đề nghị bác sĩ thực hiện một quy trình thử nghiệm đối với tôi, mặc dù nó có nguy cơ rủi ro cao. Bác sĩ cảnh báo: “Tôi sẽ tiêm cho cô bé loại thuốc này, đây là cơ hội cuối cùng để cứu cháu.”

May mắn thay, tôi đã vượt qua cơn nguy hiểm. Tuy nhiên, do không được điều trị kịp thời nên tôi đã bị hen phế quản nặng.

Trong suốt 47 năm đó, dường như tôi không có một ngày nào sống yên ổn. Tôi trở nên già, ốm yếu và phải uống rất nhiều loại thuốc. Tôi bị tiêm nhiều đến nỗi xung quanh chỗ tiêm đã xuất hiện các vết sẹo màu đỏ và cứng. Sau này, cứ ba ngày là tôi phải truyền nước hai lần.

Khi khí công trở nên phổ biến vào những năm 80, tôi đã học hai loại khí công. Tuy nhiên, sức khỏe của tôi không có bất kỳ cải thiện nào, do đó tôi đã ngừng tập luyện.

Vào ngày 8 tháng 4 năm 1998, có người đã giới thiệu với tôi về Pháp Luân Công. Chỉ sau vài ngày tập luyện, tôi cảm nhận thấy sức khỏe của mình được cải biến rõ rệt.

Sau đó, tôi bắt đầu đọc Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính của Pháp Luân Công. Cuối cùng, tôi đã trả lời được các câu hỏi lớn của cuộc đời mình: Con người từ đâu đến? Con người cần đi về đâu? Tại sao phải làm người? Tại sao con người bị bệnh tật? Làm thế nào để trở thành người tốt?

Sau khi tôi đọc sách và luyện công vài ngày, căn bệnh hen suyễn mà tôi phải chịu đựng suốt 47 năm cuối cùng đã biến mất không còn dấu vết!

Quản lý trường học một cách đường đường chính chính

Tôi nghĩ sẽ rất tuyệt nếu mọi người đều biết các nguyên lý của Pháp Luân Công. Vì vậy, tôi đã mở các video bài giảng của Sư phụ Lý trong văn phòng và yêu cầu các giáo viên xem trong giờ ăn trưa. Ngay sau đó, ba giáo viên đã quyết định bước vào tu luyện Pháp Luân Công.

Tôi luôn nỗ lực tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn tại nơi làm việc. Trong đội ngũ giáo viên có sự khác biệt về tuổi tác, kinh nghiệm giảng dạy, tính cách và hoàn cảnh gia đình, do vậy cũng xuất hiện rất nhiều vấn đề khác nhau, tuy nhiên tôi luôn dùng thái độ bao dung và chỉ nhìn vào ưu điểm của các đồng nghiệp.

Bất cứ khi nào họ vướng mắc vào một vấn đề nào đó tại nơi làm việc hoặc ở nhà, tôi đều ngồi lại với họ để cùng tìm cách giải quyết với tâm thái chân thành, cởi mở, và thiện chí.

Ví dụ, một giáo viên trẻ tỏ ra rất chán nản sau khi biết rằng lớp học của cô có thành tích thấp nhất quận. Vì điều đó ảnh hưởng tiêu cực đến thành tích của toàn trường và danh dự của cá nhân tôi, nên một số giáo viên lo rằng tôi sẽ phạt cô ấy.

Tôi nghĩ: “Tôi là một người tu luyện và cần phải hướng nội bất cứ khi nào có vấn đề. Tôi cũng chịu một phần trách nhiệm về kết quả yếu kém của lớp cô ấy. Có lẽ tôi đã không đưa ra hướng đi tốt cho cô ấy.”

Trong cuộc họp với các giáo viên, tôi không những đã không phê bình cô ấy, mà còn khen ngợi những điểm mạnh và động viên cô ấy. Mọi người đều thể hiện sự tin tưởng vào đánh giá của tôi và cảm thấy yên tâm rằng mọi thứ sẽ có cải biến trong tương lai.

Một lần, hai giáo viên trẻ của trường chúng tôi đến giúp chấm điểm kỳ thi cuối kỳ cho các em học sinh trong quận, họ phát hiện rằng một số giáo viên của các trường khác đã thay đổi điểm kiểm tra của học sinh trường họ, cho các em điểm cao hơn.

Khi hai giáo viên nói với tôi về vụ việc này, họ đã rất bất bình. Họ đề nghị trường chúng tôi cũng làm điều tương tự để có thứ hạng cao, có như vậy mới không làm tổn hại đến danh tiếng của chúng tôi.

Trong khi lắng nghe họ nói, trong tâm tôi vẫn rất bình tĩnh. Sư phụ yêu cầu chúng ta tuân theo các nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn và không được sử dụng các tiêu chuẩn của người thường để phán xét mọi việc.

Trong cuộc họp hội đồng nhà trường, tôi đã nói với các giáo viên: “Người dân địa phương, các bậc phụ huynh và xã hội nói chung đều mong muốn chúng ta dạy dỗ và giáo dục con cái họ một cách thực chất. Đó là trách nhiệm của chúng ta để giúp tìm ra những nhân tài thực sự.”

“Nếu chúng ta tăng điểm kiểm tra của các em, thì lương tâm của chúng ta ở đâu? Bất kể người khác làm gì, chúng ta vẫn cần phải thẳng thắn và chân thành với những gì chúng ta đang làm.”

“Mọi người hãy tin rằng, dối trá sẽ không bao giờ thắng được sự thật. Miễn là chúng ta làm việc chăm chỉ, chúng ta sẽ được tưởng thưởng!”

Không lâu sau đó, điểm thi cuối kỳ của học sinh trường chúng tôi thường đạt hạng nhất hoặc nhì trong toàn quận. Kết quả là nhiều bậc phụ huynh muốn cho con em mình học trường của chúng tôi.

Do được định hướng đúng đắn, nên giáo viên trường tôi đã làm việc rất chăm chỉ. Một số đã nhận được nhiều giải thưởng trong công tác giảng dạy, thậm chí được yêu cầu chia sẻ lại kinh nghiệm giảng dạy.

Trong số 15 giáo viên của trường tôi, có 5 người đã được thăng cấp làm hiệu trưởng tại các trường học khác, và một người trở thành Vụ trưởng Vụ Tổ chức tại thành phố chúng tôi.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/8/19/352596.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/8/27/165183.html

Đăng ngày 17-10-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share