[MINH HUỆ 27-4-2017] Ngày nay con người không ngừng tìm kiếm thông tin từ Internet và dường như ngày càng không thể sống thiếu nó. Rất nhiều thông tin vì thế luôn tồn tại sẵn trên mạng và rất dễ tìm kiếm. Tuy nhiên, Internet không phải lúc nào cũng mở và có sẵn tại Trung Quốc như ở các nước phương Tây.

Có hơn 700 triệu người dùng Internet ở Trung Quốc. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc lại kiểm soát nó nhiều hơn tất cả các quốc gia khác. Chính quyền không chỉ chặn trang web mà còn theo dõi luôn cả việc truy cập Internet của cá nhân. Sự kết hợp giữa các công cụ lập pháp và công nghệ này được gọi là Tường lửa Trường thành Trung Quốc.

Theo dõi thông tin dưới sự cai trị của Đảng Cộng sản

Ngăn chặn thông tin đến với công chúng chính là biện pháp thường dùng dưới sự cai trị của chế độ cộng sản chứ không chỉ riêng ở Trung Quốc. Chẳng hạn như thảm họa hạt nhân tai hại nhất trong lịch sử đã xảy ra ở Chernobyl năm 1986. Liên bang Xô-viết đã không công khai thừa nhận vụ tai nạn này trong gần ba ngày sau khi nó diễn ra. Ngay cả các quan chức địa phương cũng không được thông báo về mức độ nghiêm trọng của tai nạn. Việc xả các chất phóng xạ ảnh hưởng không chỉ đến Liên bang Xô-viết mà cả các nước láng giềng, bao gồm Thụy Điển, Phần Lan, Hy Lạp, Ý và các nước khác.

Trong số khoảng 600.000 “nhân viên thanh lý” đã tham gia vào việc dọn sạch Chernobyl, khoảng 50.000 người phải làm việc như là “robot sinh học”, trong điều kiện bức xạ cực mạnh đến nỗi mà các robot điện tử phải ngừng hoạt động. Rất nhiều người trong số họ đã chết. Dưới sự thống trị của Đảng Cộng sản Liên Xô, các báo cáo về vấn đề sức khoẻ liên quan đến bức xạ đã được che giấu một cách có hệ thống.

Tương tự như trên, dịch SARS lần đầu tiên xuất hiện ở Trung Quốc vào tháng 11 năm 2002, nhưng các quan chức chính phủ Trung Quốc đã không thông báo cho Tổ chức Y tế Thế giới cho đến tận tháng 2 năm 2003. Đến thời điểm WHO hành động thì trên thế giới đã xảy ra hơn 500 trường hợp tử vong và thêm 2.000 trường hợp khác đã bộc phát trên toàn thế giới. Nhiều nhân viên chăm sóc sức khoẻ ở các quốc gia đã mạo hiểm và hy sinh mạng sống khi điều trị bệnh nhân và cố gắng để kiềm chế sự lây nhiễm.

Trong trận động đất ở Tứ Xuyên năm 2008, hơn 90.000 người đã mất mạng. Ước tính 9.000 học sinh đã chết vì trường học đổ sụp lên các em do quy trình xây dựng trường học kém chất lượng. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc đã bắt giam các nhà hoạt động lên tiếng cho vụ động đất và áp đặt sự im lặng với giới truyền thông khi cha mẹ các em học sinh đòi công lý trong vụ sập trường.

Bởi vì chính phủ Trung Quốc kiểm soát tất cả các phương tiện truyền thông trong nước, sự thật thường luôn bị cấm công khai cho người dân. Bất kỳ nỗ lực nào để vượt qua sự phong tỏa thông tin đều có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng .

Ngày 5 tháng 3 năm 2002, một số học viên Pháp Luân Công từ Trường Xuân đã chèn sóng truyền hình cáp ở các thành phố Trường Xuân và Tùng Nguyên để phát sóng các video “Đại Pháp hồng truyền” và “Là tự thiêu hay là vở kịch của ĐCSTQ”. Hành động phản kháng sự tuyên truyền đầy thù hận của chính phủ này được xem như lần đầu tiên các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc đột phá thành công sự phong tỏa về truyền thông.

Sau vụ việc này, 5.000 học viên Pháp Luân Công đã bị bắt và ít nhất sáu người đã chết trong khi giam giữ. Anh Lưu Thành Quân, một trong những thành viên chính tham gia vụ chèn sóng, đã chết trong tù một năm sau đó, sau khi bị tra tấn dã man.

Tường lửa Trường thành Trung Quốc

Không có gì đáng ngạc nhiên khi chính phủ Trung Quốc coi Internet là mối đe dọa tiềm ẩn đối với việc kiểm soát công dân của mình. Tường lửa Trường thành Trung Quốc được tạo ra để kiểm duyệt nội dung trực tuyến ở Trung Quốc. Nó chặn các trang web đã chọn, lọc từ khoá khỏi các tìm kiếm được khởi tạo từ các máy tính ở Trung Quốc và yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến quốc tế lưu trữ thông tin khách hàng người Trung Quốc của họ ngay tại Trung Quốc. Các đại diện thương mại của Hoa Kỳ đã tuyên bố: “Hệ thống lọc kiểm duyệt của Trung Quốc nhằm kiểm soát lưu lượng Internet đã tạo ra khó khăn đáng kể cho các nhà cung cấp nước ngoài.”

Theo một nghiên cứu của Harvard, ít nhất 18.000 trang web đang bị chặn ở Trung Quốc Đại Lục, trong đó có 12 trong số 100 trang web hàng đầu thế giới. Các trang web tập trung vào các chủ đề chính trị sẽ bị kiểm duyệt nhiều nhất. Một số trang mạng xã hội phổ biến bị chặn hoàn toàn, bao gồm Gmail, Google, YouTube, Facebook và Instagram.

Một trong những mục đích của Tường lửa Trường thành Trung Quốc là hạn chế và giám sát các hoạt động trực tuyến của người dùng. Các công ty cung cấp Internet bị gây áp lực để xác định và ngăn chặn việc truyền tải thông tin mà chính phủ cho là dùng để phản đối họ.

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều người Trung Quốc đang cố gắng thu thập thông tin không bị kiểm duyệt từ thế giới bên ngoài bằng cách đột phá phong tỏa mạng Internet. Nhiều người sử dụng phần mềm kết nối với một proxy nước ngoài để vượt qua tường lửa.

Dưới đây là cách để tải các phần mềm đó:

1. Sử dụng tài khoản email ở bên ngoài Trung Quốc và gửi email tới freeget.one@gmail.com hoặc xiazai@upup.info với bất kỳ chủ đề và nội dung nào (không được để trống)

2. Bạn sẽ nhận được hồi âm trong vòng 10 phút với một số trang web để tải phần mềm

3. Giải nén và thực hiện theo các hướng dẫn kèm theo


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/27/346199.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/6/9/164193.html

Đăng ngày 28-7-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share