Bài viết của Lý Tĩnh Phi, phóng viên báo Minh Huệ
[MINH HUỆ 22-7-2017] Hàng trăm học viên Pháp Luân Công đã tổ chức một buổi thắp nến tưởng niệm ở trước Đài tưởng niệm Lincoln vào ngày 20 tháng 7 để tưởng nhớ các học viên đã mất đi sinh mạng trong cuộc bức hại 18 năm của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Sự kiện trang nghiêm này kêu gọi chấm dứt tội ác ngay lập tức và đã thu hút được sự quan tâm của công chúng tới những người đang phải chịu đựng đau khổ ở Trung Quốc .
Vào buổi tối, hàng nghìn ngọn nến đã được giương cao để xếp thành ba chữ lớn bằng tiếng Hán “Chân- Thiện- Nhẫn”- nguyên lý chính của Pháp Luân Công. Âm nhạc trang nghiêm và ánh nến lấp lánh đã thu hút sự chú ý của người qua đường. Nhiều du khách đã dừng chân để tìm hiểu về Pháp Luân Công và cuộc bức hại chưa từng có này ở Trung Quốc. Một màn hình lớn chiếu những hình ảnh giới thiệu Pháp Luân Công và những nỗ lực chấm dứt cuộc bức hại của các học viên.
Thắp nến tưởng niệm trước Đài tưởng niệm Lincoln vào tối ngày 20 tháng 7 năm 2017.
Hàng nghìn ngọn nến xếp thành ba chữ lớn bằng tiếng Hán “Chân- Thiện- Nhẫn”.
Học viên Jia đến từ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc, nói rằng cuộc bức hại khiến cô thấy đau buồn. “Trước khi cuộc bức hại bắt đầu vào năm 1999, chúng tôi có thể tự do tu luyện Pháp Luân Công”, cô nhớ lại. “Mỗi người chúng tôi đều khỏe mạnh và hạnh phúc. Năm học viên mà tôi quen biết đã chết trong cuộc bức hại kể từ năm 1999”.
Học viên Vu Kính cầm một cây nến để tưởng nhớ các học viên đã chết vì bị bức hại.
Cô Vu Kính, hiện sống ở Mỹ, nói rằng cô đặc biệt nhớ người bạn Dương Túc, người đã bị tra tấn đến chết trong trại tạm giam Vũ Thanh tại Thiên Tân vài ngày trước. Cô Kính nói: “Ông Dương sống cách nhà tôi khoảng 10 phút lái xe. Ông đã bị tra tấn đến chết vào ngày 11 tháng 7. Cơ thể ông đầy những vết cắt và vết thâm tím. Hơn một trăm cảnh sát canh gác xác ông và đe dọa con gái ông, đe dọa cô không được thưa kiện. Vợ ông hiện vẫn bị tạm giam”.
Từ Hâm Dương, 16 tuổi đến từ tỉnh Liêu Ninh cầm di ảnh của cha em là Từ Đại Vi, người đã qua đời sau 13 ngày được thả từ nhà tù.
Học viên Pháp Luân Công Trì Lệ Hoa và con gái Từ Hâm Dương đến từ tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc đã tham gia thắp nến tưởng niệm trong nước mắt. Chồng của bà Trì là ông Từ Đại Vi đã bị bắt giam vì in tài liệu thông tin Pháp Luân Công và bị kết án 8 năm tù. Ông Từ gầy rộc và bị thương tích khắp người khi ông được thả vào năm 2009. Ông đã qua đời chỉ sau 13 ngày về nhà. Cha, anh trai và mẹ của bà Trì đã qua đời vì sự căng thẳng cùng cực của cuộc bức hại. Bà và con gái đã trốn khỏi Trung Quốc vào năm 2013.
Cái chết của 4.114 học viên Pháp Luân Công là kết quả trực tiếp của cuộc bức hại đã được ghi nhận, kể từ ngày 20 tháng 7 năm 1999. Tuy nhiên, do sự phong tỏa thông tin của ĐCSTQ, số người chết thực tế có thể cao hơn nhiều.
Nâng cao nhận thức về cuộc bức hại
Một học viên đến từ New York cầm một cây nến để tưởng nhớ các học viên đã qua đời trong cuộc bức hại.
Một học viên làm việc tại Bộ Giáo dục New York đã tham dự buổi thắp nến. Cô đã tu luyện Pháp Luân Công từ năm 2002. Cô nói: “Các học viên Pháp Luân Công ở Trung Quốc vẫn đang bị bức hại. Chúng tôi kêu gọi sự chú ý đến cuộc bức hại, vì nhiều người vẫn không biết về nó”.
Các học viên từ mọi tầng lớp xã hội đã tập trung để tưởng nhớ những học viên đã mất đi sinh mạng và để thu hút sự quan tâm đến cuộc bức hại.
Một học viên khác đến từ New York đã tu luyện Pháp Luân Công được 7 năm. Anh chia sẻ: “Tôi đã đi đến nhiều quốc gia để tìm kiếm chân lý. Sau khi đọc cuốn Chuyển Pháp Luân (cuốn sách chính của Pháp Luân Công), tôi đã quyết định tu luyện Pháp Luân Công. Kể từ đó, tôi đã có được thể chất và tinh thần rất khỏe mạnh”. Anh nói rằng anh tham gia buổi thắp nến tưởng niệm để thu hút sự chú ý đến cuộc bức hại ở Trung Quốc.
Du khách tìm hiểu về cuộc bức hại
Du khách từ khắp nơi trên thế giới đến Washington DC để thăm Đài tưởng niệm Lincoln. Nhiều du khách đã chụp ảnh buổi thắp nến.
Một du khách từ Đài Loan cho biết ông đã gửi các bức ảnh chụp buổi thắp nến cho các sinh viên của mình ở Đài Loan. Ông nói rằng một số sinh viên của ông cũng tu luyện Pháp Luân Công.
Ông nói thêm: “Tôi không hiểu tại sao Pháp Luân Công lại bị cấm ở Trung Quốc. Tôi mong rằng các học viên Pháp Luân Công có thể tự do tu luyện ở Trung Quốc”.
Một cặp đôi đến từ New York đã tìm hiểu về Pháp Luân Công và cuộc bức hại của ĐCSTQ từ buổi thắp nến.
Một cặp đôi đến từ New York đã chụp ảnh buổi thắp nến bằng điện thoại của họ. Họ nói rằng việc tổ chức sự kiện này tại Đài tưởng niệm Lincoln là rất ý nghĩa, vì nó giúp mọi người tìm hiểu về Pháp Luân Công và cuộc bức hại ở Trung Quốc. Nhiều người qua đường nói rằng họ mong chính quyền Trung Quốc sẽ thay đổi và cuộc bức hại sẽ chấm dứt.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/7/22/351485.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/7/23/164755.html
Đăng ngày 25-7-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.