Bài viết của Tịnh Khinh, một học viên Pháp Luân Đại Pháp tại Trung Quốc

[MINH HUỆ 7- 4-2017]

Từ khi còn nhỏ, tôi đã luôn coi mình là trung tâm và ngày càng bộc lộ tâm tranh đấu vô cùng mạnh mẽ do ảnh hưởng của văn hóa Đảng.

Tôi ngưỡng mộ những người có khả năng tranh luận giỏi trong các chương trình truyền hình. Mỗi lần xem các chương trình đó, tôi sẽ học các kỹ thuật của họ để hoàn thiện thêm khả năng của mình.

Khi người khác đồng ý với tôi, tôi thấy hạnh phúc và tự mãn về bản thân. Nhưng khi họ không đồng ý, tôi sẽ nghĩ rằng họ không biết nhiều như tôi. Khi tôi nói chuyện với bạn bè, tôi luôn nghĩ mình giỏi hơn họ. Thi thoảng tôi cao hứng đến nỗi tôi lên giọng và nghe giống như tôi đang tranh cãi.

Sau khi tôi bắt đầu tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, tôi nghĩ rằng mình đã tu bỏ được tâm tranh đấu. Nhưng theo thời gian, tôi nhận ra rằng không phải như vậy. Tâm tranh đấu đã ăn sâu trong tôi đến nỗi nó sẽ hiển lộ ra ngay cả khi tôi nói với mọi người về Pháp Luân Công.

Ví dụ, tôi thích sử dụng các ví dụ cực đoan và đặt các câu hỏi khoa trương. Nếu như ai đó không thừa nhận những gì tôi nói, tôi sẽ tìm đủ mọi ví dụ để thuyết phục người đó. Và nếu anh ấy hay cô ấy vẫn không nghe, tôi trở nên mất kiên nhẫn và nghĩ rằng người đó sẽ không được cứu. Tâm tranh đấu mạnh mẽ của tôi đã ngăn tôi tu xuất tâm từ bi trong cứu độ chúng sinh.

Đôi khi tâm tranh đấu không chỉ hiển lộ trong cuộc sống hàng ngày của tôi. Sư phụ cũng đã cho tôi biết chấp trước của mình mạnh mẽ đến nhường nào trong các giấc mơ.

Một ngày, tôi mơ mình đang ở trong một lớp học chính trị của trường trung học. Phần lớn những gì thầy giáo giảng là về chế độ cộng sản vĩ đại như thế nào. Hầu như tôi để ngoài tai cho tới khi thầy đột nhiên vu khống Pháp Luân Công.

Tôi giận dữ đến nỗi tôi đã nhảy lên và bắt đầu đánh lộn với thầy. Cảm giác giận dữ đó rất thật, như thể một điều gì đó mà tôi đã kìm nén trong một thời gian dài đột nhiên bùng nổ. Cả lớp hướng ánh mắt nhìn vào tôi, còn thầy giáo thì không biết nên làm gì với tôi.

Sau khi tỉnh dậy, tôi vẫn còn cảm thấy rất tức giận. Tôi đã bị chấn động. Tại sao tâm tranh đấu của tôi lại mạnh mẽ đến vậy? Trong những giấc mơ khác cũng thế, tôi đã đánh nhau với những người khác sau các cuộc hội thoại nảy lửa. Tôi đã cư xử như một người khác trong các giấc mơ, một người mang đầy tức giận, hận thù và hiếu thắng.

Đột nhiên tôi nhớ đến có lần Sư phụ đã giảng:

“Có người tu luyện nói ban ngày anh ta có thể làm rất tốt, trong mơ thì không, [ấy] là sâu trong tư tưởng anh ta vẫn không vững chắc, trong mộng khảo nghiệm anh ta để xem anh ta vững chắc hay không vững chắc.” (Giảng Pháp tại Pháp hội Sydney [1996])

Tôi nhận ra rằng, khi tôi thức thì tâm tranh đấu của tôi được che đậy rất sâu, bởi vì tôi lo sợ bị mất mặt. Do vậy tôi kiềm chế không để bị mất bình tĩnh trước mặt người khác.

Nhưng thực chất thì tâm này vẫn hiển lộ khi tôi giảng chân tướng. Tôi thấy thật tự nhiên khi đưa ra câu hỏi với bất kỳ ai tôi đang nói chuyện nhằm chứng tỏ rằng tôi đã đúng. Tôi không bao giờ nghĩ làm như vậy có gì sai.

Tuy nhiên, khi tôi đặt mình vào vị trí của họ, tôi đột nhiên nhận ra rằng sự hung hăng của mình đã làm tổn thương cảm xúc của nhiều người. Nhiều người vì vậy đã mất hứng thú khi nói chuyện với tôi và sau đó họ tránh tiếp xúc với tôi.

Những gì tôi muốn làm là cứu độ chúng sinh, chứ không phải đẩy họ ra xa. Giọng điệu hiếu chiến của tôi – một biểu hiện của văn hóa Đảng trong con người tôi – có thể đẩy mọi người đi. Chừng nào những lời tôi nói ra vẫn chứa đựng những nhân tố bất thuần này thì nó sẽ không đủ thuần tịnh để giải thể các nhân tố tà ác phía sau chúng sinh hoặc thể hiện vẻ đẹp của Đại Pháp.

Tôi nhận ra rằng tâm tranh đấu của mình không chỉ là một chấp trước thông thường. Nó đã ảnh hưởng đến việc tôi chứng thực Pháp và cứu độ chúng sinh. Và nếu như tôi không nhận ra mức độ nghiêm trọng của vấn đề, tà ác có thể sẽ nắm lấy sơ hở và phóng đại chấp trước này. Lý do chúng ta giảng chân tướng và phơi bày những tội ác của Đảng là để cứu người, chứ không phải để chứng thực bản thân.

Sau khi nhận ra vấn đề của mình, tôi đặc biệt chú ý đến giọng điệu và lựa chọn từ ngữ khi nói. Tôi đặt bản thân mình vào vị trí của người khác và tự hỏi liệu tôi có muốn nghe những gì tôi đang nói không. Khi tôi dần dần tu bỏ tâm tranh đấu, tôi cảm thấy mình trở nên bình tĩnh và thân thiện hơn.

Sư phụ giảng:

“Tư tưởng người ta có một nhược điểm; mọi người qua việc giảng chân tướng một thời gian lâu cũng phát hiện ra vấn đề này rồi; đó là ‘tiên nhập vi chủ’” (Giảng Pháp tại hội thảo luận Đài truyền hình Tân Đường Nhân [2009])

Ấn tượng ban đầu là vô cùng quan trọng. Nếu ai đó chưa từng bao giờ tiếp xúc với một học viên Đại Pháp, thì họ sẽ đưa ra phán xét dựa trên việc chúng ta đã ứng xử như thế nào. Chỉ khi chúng ta trò chuyện với mọi người với vẻ từ bi và thuần tịnh, chúng ta mới có thể chạm tới tâm họ và thực sự cứu họ.


Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2017/4/18/162880.html
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2017/4/7/345255.html
Đăng ngày: 11-5-2017; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share