Bài viết của Chính Tín

[MINH HUỆ 27-08-2012] Vào ngày 01 tháng 07 năm 2012, tôi có đọc một bản tin trên mạng về cuộc hoả hoạn vào ngày 30 tháng 06 tại trung tâm mua sắm Lai Đức, là trung tâm mua sắm lớn nhất tại huyện Kế, Thiên Tân.  Báo cáo viết rằng khói cháy dày đặc bao trùm cả thành phố. Nhiều người bị kẹt trong trung tâm mua sắm khi trận hoả hoạn xảy ra, và họ phải tìm cách tự cứu mình bằng cách nhảy ra từ các cửa sổ của trung tâm khi nó đang cháy – một cảnh tượng thật hãi hùng cho những người đứng xem tại đó. Theo những nhân chứng có mặt lúc đó, vì trận hỏa hoạn xảy ra vào ngày 30 tháng 06, vào ngày thứ Bảy, trung tâm mua sắm tràn ngập những người đi mua hàng. Con số người chết ước tính ít nhất là 100 người. Tuy nhiên, theo Tân Hoa Xã của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), thì ước tính ban đầu được xác nhận là chỉ có 10 người bị chết và 16 người bị thương nhẹ. Theo như hãng tin, nguyên nhân gây ra trận hoả hoạn vẫn còn đang được điều tra.

Trung tâm mua sắm Lai Đức là một toà nhà năm tầng đã cũ với đầy những quầy bán hàng. Những cầu thang được nối với thang máy và một thang máy mỗi lần chỉ chở được 12 người. Vài người trong cuộc nói: “Chỉ những người ở tầng trệt mới thoát khỏi đám cháy. Cơ hội cho những người ở từ tầng ba trở lên rất hiếm.” Những diễn đàn trên các trang mạng xã hội nhanh chóng có đầy những phản ứng giận dữ từ công chúng: “Hơn 100 người đã chết ngay tại chỗ, nhưng báo cáo chính thức của chính phủ chỉ xác nhận có 10 người chết. Chính quyền đang dùng báo chí để che đậy sự thật vì bản chất của họ là trốn tránh trách nhiệm. Họ cố tình làm ngơ trước những người đã bỏ mạng. Họ là những kẻ máu lạnh”. “Các cấp chính quyền có liên quan đã viết những báo cáo sai sự thật trong khi ngăn cấm không cho các phương tiện truyền thông khác đăng tin sự thật. Những cơ quan này rất độc đoán, dù họ biết họ không làm tròn trách nhiệm quản lý. Còn bây giờ, với những người có thân nhân bị chết trong hỏa hoạn…”. “Những ý kiến của tôi đã bị xoá bốn lần. Tôi rất giận. Có phải trường hợp này quá tế nhị để có ý kiến không?” “Không thể tin được! Chính quyền đã bịa đặt bằng những dữ kiện không đúng với sự thật, ngay cả khi có rất nhiều người biết được trận hoả hoạn có tổn thất nghiêm trọng như thế.”

Người dân Trung Quốc thừa hiểu những thủ đoạn xấu xa mà ĐCSTQ dùng để lừa mị dân chúng. Trong những trường hợp tồi tệ như tai họa được gây ra bởi con người hay thảm họa tự nhiên, ĐCSTQ sẽ giảm thiểu số người chết đến mức thấp nhất, trong khi cung cấp những thông tin mơ hồ, ví dụ như “nguyên nhân của tai nạn vẫn đang được điều tra.”

Giảm thiểu tối đa số người chết giúp ĐCSTQ giữ vững sự ổn định của xã hội và thêu dệt sự giả tạo về thịnh vượng và xã hội đang ở trong tình trạng tốt đẹp dưới sự cai trị của đảng. Mục đích khác là giảm thiểu tính khốc liệt của tai nạn, vì thế sẽ làm giảm bớt trách nhiệm của các cấp chính quyền có liên quan. Câu nói“nguyên nhân của vụ việc vẫn đang trong vòng điều tra” cho ĐCSTQ thêm thời gian để tìm những lý do đáng tin nhất để lừa dối dân chúng. Cái mánh lới này cũng đã được sử dụng bởi ĐCSTQ trong vụ hoả hoạn tại thành phố Lạc Dương, tỉnh Hà Nam cách đây hơn mười năm, vụ hỏa hoạn gần đây là vào ngày 15 tháng 11 năm 2011 tại Thượng Hải, và vụ hoả hoạn bên cạnh cơ quan của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV). Trong tất cả những tai nạn này, con số người chết đều bị giấu kín và không có chi tiết nào được tiết lộ.

Chỉ có một vụ cháy mà ĐCSTQ đã đối đãi một cách hoàn toàn trái ngược. Mỉa mai thay, vụ cháy này được đăng tin nhiều lần, sau khi nó xảy ra được hai tiếng đồng hồ, và những báo cáo bằng tiếng Anh cũng được truyền bá khắp nơi trên thế giới. Cảnh tượng vụ cháy được quay đầy đủ từ mọi phía, bao gồm từ khoảng cách xa và nhiều cảnh từ khoảng cách gần. Hoàn toàn trái hẳn với những thông lệ trước đây, ĐCSTQ đã gia tăng tối đa ảnh hưởng của sự kiện này và không hề nói đến “nguyên nhân của vụ việc còn trong vòng điều tra.” Chúng tôi muốn nói đến cái gọi là “tự thiêu” được dàn dựng tại Quảng trường Thiên An Môn vào chiều ngày 23 tháng 01 năm 2001. Không cần điều tra, ĐCSTQ chỉ đơn giản tuyên bố vụ việc này là “vụ tự thiêu” được thực hiện bởi các học viên Pháp Luân Công.

Nó là một thảm họa, không giống như những vụ hỏa hoạn ở trên. Nhưng tại sao nó được đối xử khác thường như vậy? Lý do thật đơn giản. Tất cả những vụ hỏa hoạn, như tại huyện Kế hay tại thành phố Lạc Dương, tất cả có thể truy nguyên đến sự thất bại của chính quyền trong việc duy trì hệ thống phòng cháy chữa cháy. Ngay cả khi một tòa nhà được trang bị thiết bị phòng cháy nghèo nàn, có thể bị tổn thất vì hỏa hoạn, nhưng thông qua mưu mẹo và thậm chí là hối lộ, những người sở hữu tòa nhà vẫn có giấy phép của chính quyền để kinh doanh. Tuy nhiên, vì muốn phỉ báng Pháp Luân Công và kích động lòng thù ghét của dân chúng đối với [Pháp Luân Công], ĐCSTQ liên tục loan tin vụ “tự thiêu” tại Quảng trường Thiên An Môn – đây là lần đầu tiên – trên toàn quốc, và đến toàn thế giới với đầy đủ chi tiết. Chính quyền Giang Trạch Dân làm thế là vì sau 18 tháng đàn áp Pháp Luân Công, môn tu luyện vẫn đứng vững vàng, và càng ngày càng có nhiều người bắt đầu phản đối chính sách bức hại và sẳn sàng ủng hộ các học viên Pháp Luân Công: “Tại sao lại không cho những người đàn ông, đàn bà đó tu luyện? Nếu họ muốn luyện Pháp Luân Công, thì để cho họ luyện. Đừng để ý tới!” Do vậy chính quyền thấy cần phải không chỉ lừa dối dân chúng về Pháp Luân Công, mà còn phải kích thích lòng thù ghét của dân chúng đối với nhóm này.

Tại vụ hoả hoạn ở huyện Kế, nhiều người đã chứng kiến cảnh nhiều người bị chết khi họ nhảy ra từ cửa sổ trên các tầng lầu của toà nhà đang bị cháy. Có ít nhất mấy chục mạng người bị chết được đưa đi hoả táng. Tuy nhiên, ngay cả khi có nhiều nhân chứng, chính quyền vẫn khăng khăng là có “10 người chết và 16 người bị thương nhẹ.” Chúng tôi có thể mong họ sau này sẽ báo cáo con số người chết cao hơn, nhưng chúng tôi không bao giờ mong đợi họ báo cáo sự thật. Cách lập luận của họ là, không cần biết có bao nhiêu người chứng kiến tại hiện trường, họ chỉ là một số ít người tại địa phương, so với những người trên toàn Trung Quốc không có mặt tại đó. Bộ máy tuyên truyền của nhà nước, hoàn toàn bị ĐCSTQ nắm trong tay, đã truyền đến hàng trăm triệu người dân Trung Quốc. Những người dân địa phương có thể không bị lừa, nhưng những người khác có thể bị lừa, vì họ không có cách nào để biết sự thật. Được thuyết phục bởi khẩu hiệu thâm độc của ĐCSTQ, “sự thật không có gì hơn một lời nói dối được lặp lại hàng nghìn lần”, ĐCSTQ nhất định lừa dối mọi người thông qua những thủ đoạn trơ tráo của nó.

Cách lý luận tương tự cũng được áp dụng cho vụ “tự thiêu” tại Quảng trường Thiên An Môn.  Vào ngày 14 tháng 08 năm 2001, sáu tháng sau khi vụ này được dàn dựng, Tổ chức Giáo dục và Phát triển quốc tế của Liên hiệp quốc đã đưa ra tuyên bố: “Dựa theo đoạn băng mà chúng tôi có, chúng tôi đã kết luận rằng sự vụ này là được dàn dựng dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc.” Những người đại diện của ĐCSTQ có mặt trong buổi họp đã im lặng trước lời tuyên bố này. Vào tháng 11 năm 2003, một bộ phim tài liệu“Lửa giả”, đã phân tích kỹ lưỡng sự kiện này, và cuốn phim được trao giải thưởng danh dự tại Liên hoa Phim Điện ảnh và Truyền hình Columbia quốc tế lần thứ 51. Vậy tại sao khi cộng đồng quốc tế đã biết sự thật về vụ việc được dàn dựng dưới sự chỉ đạo của chính quyền Trung Quốc, thì ĐCSTQ vẫn trơ trẽn nhồi nhét những lời dối trá cho người dân Trung Quốc? Không phải nó vẫn áp dụng lý luận tương tự? Cho dù sự thật của vụ dàn dựng này đã được cộng đồng quốc tế biết rõ, nhưng người dân Trung Quốc, bị giới hạn đằng sau bức tường lửa thông tin của ĐCSTQ, vẫn không biết sự thật. Bên trong bức tường lửa là những tin tức và ý kiến mà ĐCSTQ muốn họ phải xem và nghe. Trong khi đó, người dân bị ngăn cấm, không được nghe những gì mà ĐCSTQ không muốn cho họ nghe. Cái gọi là “tự do ngôn luận của người dân Trung quốc” thật ra đó chỉ là “tự do ngôn luận của ĐCSTQ”.

Nói dối cuối cùng vẫn là lời dối trá, cho dù có được che đậy kỹ lưỡng đến mấy. Tôi xin được nhắc lại lời nói của Abraham Lincoln:“Bạn có thể luôn luôn lừa dối một số người, và tất cả mọi người một vài lần, nhưng bạn không thể luôn lừa dối được tất cả mọi người.”

Cách đây mười năm, khi tôi đi xe taxi tại Bắc Kinh, tôi có đề cập với người tài xế sự thật về “vụ tự thiêu” tại Quảng trường Thiên An Môn. Trước khi tôi có thể nói thêm, ông ấy trả lời ngay: “Tất cả mọi người tại Bắc Kinh đều biết rằng sự vụ này là giả tạo!” Thậm chí những người tại các làng mạc hẻo lánh, người ta đều biết sự thật về sự vụ này đã được ĐCSTQ dàn dựng. Vào năm 2006, khi tôi nói chuyện về Pháp Luân Công với người chị em họ của tôi, cô ấy  nói:“Tôi có nghe rằng vụ tự thiêu tại Quảng trường Thiên An Môn là giả tạo. Tôi có nghe từ ông tài xế xe chở hàng khi tôi ngồi trên xe của ông ấy để vào thành phố. Ông ấy nói là đã nghe sự vụ này được dàn dựng để lừa mị và thậm chí còn liệt kê được nhiều điểm đáng ngờ trong đoạn băng công bố chính thức về vụ tự thiêu của ĐCSTQ”.

Người ta không thể dùng giấy để che đậy lửa. Khi càng ngày càng nhiều người đã thấy được sự lừa dối của ĐCSTQ thì cái mặt nạ giả tạo của nó sẽ bị xé rách, và thế giới sẽ tận mắt nhìn thấy bộ mặt ác quỷ của nó. Khi đó, nó sẽ bị chặt nát bởi lưỡi gươm công lý.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2012/7/3/同样的烈火焚身,“待遇”为何如此不同–259730.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2012/8/27/135166.html

Đăng ngày 13-10-2012; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share