Bài viết của một đệ tử Pháp Luân Đại Pháp ở Trung Quốc Đại lục
[MINH HUỆ 11-8-2016] Đèn báo nguồn điện máy in của tôi đột nhiên ngừng hoạt động. Tôi đã không để ý lắm và nghĩ rằng nó sẽ hoạt động trở lại vào ngày hôm sau.
Tuy nhiên, nó đã không hoạt động trở lại, nên tôi bắt đầu hướng nội. Tôi đã làm theo những gì các đồng tu vẫn làm khi gặp những tình huống như thế, như phát chính niệm hướng vào máy in và nói chuyện với nó. Nhưng không có tác dụng gì.
Một đồng tu đã giúp tôi kiểm tra máy in thì phát hiện bo mạch chủ và đầu in đã bị cháy. Nó không dễ sửa. Tôi cảm thấy có lỗi và hổ thẹn vì vấn đề của máy in phản ánh trạng thái tu luyện kém tinh tấn của tôi, mặc dù tôi cũng chưa hoàn toàn nhận thức được vấn đề của tôi là gì.
Tâm không chính
Ở nhóm học Pháp, tôi đã tình cờ gặp một học viên tên là Zanna, bà muốn thiết lập một điểm in ấn các tài liệu Đại Pháp tại nhà mình. Bà đã nhờ tôi giúp đỡ, vì vậy tôi đã hứa sẽ hỗ trợ bà về kỹ thuật cài đặt máy in.
Sau khi máy in của bà được giao, Zanna đến gặp tôi. Tuy nhiên, Zana không biết gì nhiều về máy tính nên cần nhiều thời gian để hướng dẫn bà. Khi chúng tôi chuẩn bị bắt đầu, thì chồng tôi, vốn không tu luyện Pháp Luân Công, trở về nhà. Lúc đó là buổi trưa, sau khi Zanna rời khỏi, chồng tôi đã hét lên: “Zana là ai? Bà ấy từ đâu đến? Tại sao lại tới nhà chúng ta? Cô đang cố gắng để trở thành một người chủ chốt của Pháp Luân Công phải không?”.
Tôi thấy anh thật vô lý nên đã phản ứng lại, điều này càng khiến anh ấy khó chịu. Anh nhấc máy in lên và ném nó ra ngoài sân.
Sư phụ giảng:
“Tuy nhiên, thường khi mâu thuẫn đến, (nếu) chẳng làm kích động đến tâm linh người ta, (thì) không đáng kể, không tác dụng, không đề cao được.” (Chuyển Pháp Luân)
Tôi đã không chính niệm. Tôi đã phẫn uất, tức giận và chấp trước vào các thiếu sót của chồng, ví như anh có thể đi chơi mạt chược bất cứ khi nào anh cảm thấy thích, bỏ mặc mình tôi trông hai đứa con. Càng suy nghĩ về việc này thì tôi lại càng cảm thấy oán hận. Điều khiến tôi bực mình hơn nữa là anh ấy khá bình tĩnh về tất cả và thậm chí còn cười được nữa.
Tôi nhận ra rằng tôi đã bị mắc bẫy của tà ác. Chồng tôi đã tạo nghiệp, nhưng tôi cũng không thể tự kiềm chế được cảm xúc cùa mình. Tôi không thể đối mặt với tình huống này. Tôi rời khỏi bàn ăn và đi học Pháp với các đồng tu.
May mắn thay nhờ có sự điểm hoá từ Sư phụ và các đồng tu giúp đỡ, tôi đã xác định được vấn đề của mình: Tôi vẫn bị ảnh hưởng của văn hoá Đảng sau nhiều năm bị nhồi nhét.
Tôi luôn nghĩ chồng mình, một người vô thần đã bị ảnh hưởng văn hoá Đảng sâu đậm hơn tôi. Đó là lý do tại sao chồng tôi không tin vào sức mạnh của Đại Pháp. Giờ đây tôi nhận ra tôi cũng thường dùng tư duy văn hoá Đảng để xử lý mọi việc, như tin vào việc dùng ác trị ác và luôn yêu cầu người khác phải thay đổi.
Quan trọng hơn, tôi nhận ra cách nói chuyện của tôi như ra lệnh, hay hỏi vặn và coi thường người khác. Tôi thậm chí còn nói móc châm chọc chồng, mặc dù không bao giờ tôi nói những lời thô tục.
Buông bỏ tâm chấp trước oán hận
Chồng tôi là một người hướng ngoại và luôn thích ra ngoài. Tôi thì lại muốn anh dành nhiều thời gian cho tôi và các con, nhưng anh không bao giờ làm vậy. Tôi đã oán giận vì điều đó. Hơn nữa tôi còn cảm thấy ghen tị. Tôi ghen tị vì anh yêu quý bạn bè của mình hơn cả tôi.
Chúng tôi thường cãi nhau và mỗi lần tôi đều thấy đau khổ. Khi anh đối tốt với tôi, anh thực sự ngọt ngào. Tuy nhiên, anh cũng rất dễ cáu giận, lòng tự trọng và niềm kiêu hãnh của tôi bị tổn thương. Tính ích kỷ ẩn sâu trong tôi đã bị động chạm đến.
Tôi nhận ra tính ích kỷ này là một đặc tính của vũ trụ cũ. Dù sao thì Sư phụ dạy chúng ta luôn suy nghĩ cho người khác trước, để cuối cùng đạt được sự vị tha vô tư vô ngã. Nếu vẫn ôm giữ quan niệm cũ, làm sao tôi có thể đạt được tiêu chuẩn của vũ trụ mới đây?
Ngày hôm sau, khi tôi cùng Zanna phát chính niệm toàn cầu 15 phút vào giờ trưa, tôi đã rơi lệ và đột nhiên nhận ra bản thân đã không làm theo lời dạy của Sư phụ về “Chân – Thiện – Nhẫn”. Tôi đã không dùng thiện niệm để đối đãi với người nhà và cũng không làm được chữ Nhẫn.
Sau khi phát chính niệm, Zanna cùng tôi đi đến nhà một học viên khác để học Pháp.
Sư phụ giảng,
“Khi chư vị cảm thấy người khác làm không tốt, khi trong tâm chư vị không vượt qua được, thì chư vị hãy nghĩ thử xem, vì sao trong tâm tôi lại không vượt qua được? Họ có thực sự có vấn đề không? Hay là trong tâm bản thân tôi có vấn đề? Phải nghĩ cho kỹ. Giả như thực sự mình không có vấn đề gì, xác thực họ làm có vấn đề, vậy thì chư vị hãy thiện ý mà nói với họ, vậy sẽ không có mâu thuẫn, đảm bảo là như vậy.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ Quốc 1999)
Cho nên nhất thiết phải chú ý, dù chư vị trong bất kể hoàn cảnh nào, đặc biệt là chư vị tu luyện trong người thường, tất nhiên là trong mâu thuẫn, tất nhiên là trong can nhiễu về tâm tính mới có thể đề cao tâm tính. Trong mỗi lần giảng Pháp tôi đều nhắc tới vấn đề này. Lúc đó chư vị ngồi tại đây nghe Pháp đều rất minh bạch, nhưng hễ ra khỏi cửa thì lại không được nữa, lại quên đi mất.” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Tây Mỹ Quốc 1999)
Mỗi lời dạy của Sư phụ như vang lên trong tâm tôi. Tôi đã cư xử không tốt và quên rằng mình là một học viên. Tôi bình tĩnh lại và tự hỏi điều gì đã làm tôi khó chịu. Có phải tôi cảm thấy khổ sở vì chồng mình đã tạo nghiệp? Hay là tôi cảm thấy khổ sở vì người nhà là những chúng sinh không được cứu? Hay vẫn là vì chính mình chịu uỷ khuất bị tổn thương mà khổ sở?
Tôi đột nhiên nhận ra rằng vì chính mình bị tổn thương mà khổ sở. Tôi thấy xấu hổ vô cùng.
Thông qua học Pháp, tôi đã thanh tỉnh và loại bỏ tâm oán hận, tôi như loại bỏ được một gánh nặng lớn. Khi tôi trở về nhà vào tối hôm đó, lần đầu tiên tôi có thể nói lời xin lỗi gia đình của mình. Tôi thừa nhận trong khi làm các việc, mình đã không nghĩ đến cảm xúc của người khác.
Trước đây việc tôi xin lỗi là điều chưa từng xảy ra. Chồng tôi cũng đưa ra quan ngại của mình, như là lo sợ về cuộc đàn áp, sợ mất vợ, sợ con mình sẽ mất mẹ.
Phá “võng tình”
Mặc dù tình hình đã dịu đi, nhưng chồng tôi vẫn không nhượng bộ để tôi sử dụng máy in. Tôi cảm thấy rất thất vọng vì anh phản đối tôi tham gia hạng mục Đại Pháp. Đúng là tôi đã có thể bình tĩnh hơn nhiều nhưng vẫn là không có được tâm đại thiện đại nhẫn để giảng chân tướng cho anh.
Khi hoà tan trong Pháp, tôi đột nhiên phát hiện ra rằng tôi đã bị chấp trước vào tình. Tôi cảm thấy áy náy với cha mẹ mình và bất mãn với cha mẹ chồng, oán giận chồng và bất lực với các con. Quá nhiều chấp trước vào tình! Tôi cảm thấy mình gần như đã bị nhấn chìm trong tình.
Tại sao tôi lại bị mắc trong cái tình này? Đó là vì chính mình biết nhưng không chịu nhảy thoát ra. Khi đặt mình ở vị trí của người khác để suy nghĩ, tôi thấy rằng cái tình không còn ảnh hưởng được đến tôi nữa.
Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/11/332790.html
Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/9/17/159187.html
Đăng ngày 20-12-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.