Bài viết của đệ tử Đại Pháp tại Trung Quốc Đại lục

[MINH HUỆ 27-8-2016]: Sư phụ giảng

“Khi mà giúp đỡ tôi họ đều có ẩn giấu việc bảo hộ cho tư tâm của bản thân họ, đều chỉ muốn cải biến người khác mà chẳng muốn cải biến bản thân mình, không ai muốn động đến mình hết, thậm chí còn bảo toàn ở mức tối đa những gì mà bản thân mình chấp trước không bỏ được.” (Giảng Pháp luân lưu tại Bắc Mỹ)

Khi còn ở Trung Quốc Đại lục, tôi cùng phối hợp với một đồng tu làm tài liệu chân tướng. Tôi in tài liệu còn đồng tu sắp xếp trang, đồng tu làm gì cũng rất nhanh nhưng hơi cẩu thả, khi làm tài liệu chân tướng định kỳ, cô ấy thường xếp lộn trang, lần nào tôi cũng nhìn thấy, tôi nói với cô ấy: “Chị xếp nhầm thứ tự trang rồi,” cô ấy liền tức giận nói: “Sao lần nào tôi xếp nhầm là chị lại trông thấy vậy, sao chị cứ phải chăm chăm vào tôi như thế?” Tôi liền nói: “Chính là Sư phụ an bài để tôi nhìn thấy đó, không để cho những cuốn tài liệu bị xếp nhầm trang như vậy được phát đi, ảnh hưởng đển hiệu quả cứu độ chúng sinh.”

Lúc đó tôi còn tưởng rằng mình rất có lý, cũng không hướng nội tìm, nhưng đồng tu lại không nghe lời tôi. Tôi bắt đầu oán hận cô ấy, đã sai lại còn không chịu nghe người khác nói, làm việc không tận tâm như vậy thì sao có thể cứu người đây? Vậy là mâu thuẫn này không qua được. Đồng tu điều phối thấy chúng tôi đều không tìm ở bản thân, lại còn chỉ trích lẫn nhau, lo lắng chúng tôi sao có thể phối hợp được? Sao có thể cứu được chúng sinh đây? Thấy chúng tôi căng thẳng như vậy liền tách chúng tôi ra.

Một năm sau khi gặp lại nhau, chúng tôi đều thấy rất hối hận, hối hận vì lúc đó không hướng nội tìm và cũng bỏ qua cơ hội đề cao tâm tính, sau khi giao lưu chia sẻ, chúng tôi xin lỗi nhau, cảm thấy việc mình không hướng nội tìm thực sự đã ảnh hưởng đến hạng mục cứu người.

Sư phụ giảng:

“Tu luyện chính là hướng nội mà tìm, dù đúng hay sai cũng đều tìm trong bản thân mình; tu chính là tu bỏ cái tâm con người. [Nếu] cứ không tiếp thu chỉ trích và phê bình, cứ hướng ngoại mà chỉ trích, cứ phản bác ý kiến và phê bình của người khác, [thì] đó là tu luyện sao? Đó là tu luyện thế nào vậy? Đã quen với việc chỉ nhìn thấy chỗ thiếu sót của người khác, từ trước đến nay vẫn không coi trọng việc tự xét bản thân; người ta tu tốt cả rồi còn chư vị vẫn như vậy hay sao? Sư phụ chẳng phải đang trông chờ chư vị tu tốt ư? Tại sao chư vị không tiếp thu ý kiến và chỉ luôn đi nhìn vào người khác? Mà không hướng nội tu và [tự] tìm trong bản thân mình? Mỗi khi bị nói về bản thân mình, tại sao chư vị thấy không vui? Các vị ngồi ở đây liệu có bao nhiêu người nếu đột nhiên bị người ta trỏ vào mặt rồi chửi mà vẫn có thể làm được ‘tâm tình thật thản nhiên’? Có mấy người khi đối diện với [tình huống] bị người khác phê bình và chỉ trích mà tâm bất động và [tự] tìm nguyên nhân của bản thân mình?” (Giảng Pháp tại thành phố Los Angles)

Tôi còn có tâm muốn cải biến người khác, từ trước đến nay tôi vẫn tồn tại vấn đề này, trước đây tôi không biết sử dụng máy tính, cũng không muốn học máy tính, tôi cho rằng đó là thứ của người ngoài hành tinh, thôi cứ để người trẻ học đi, nhưng trong một lần giao lưu chia sẻ, một đồng tu nói: “Chị nên học sử dụng máy tính, sau này các điểm sản xuất tài liệu nở rộ khắp nơi, cần có nhiều kỹ thuật viên, vài người trẻ tuổi thì sao dạy được hết?” Tôi cảm thấy lời đồng tu nói có lý, trong thời kỳ phi thường này, chúng ta phải đặt việc cứu độ chúng sinh lên hàng đầu.

Vậy là tôi bắt đầu học sử dụng máy tính, lên mạng, tải tài liệu, biên tập, in ấn,… Sau đó tôi dạy cho các đồng tu khác, tôi vừa học vừa dạy, trong quá trình đó, tôi gặp rất nhiều khảo nghiệm và cọ sát về tâm tính. Chẳng hạn như một lần tôi và một đồng tu đến một nơi khá xa, đi tàu hỏa mất cả ngày, để dạy cách sử dụng máy tính, biên tập, in ấn cho một đồng tu, tôi nói với đồng tu: “Đầu tiên anh phải ghi chép lại, chỗ nào không biết thì mở sổ ra xem.” Anh ấy nói: “Không cần ghi đâu, chị thao tác một lần là tôi nhớ rồi.” Tôi liền dạy anh ấy các thao tác máy tính và cách in ấn đơn giản trước, anh ấy nói đã nhớ rồi.

Sáng hôm sau tôi hỏi anh ấy: “Thế nào, anh có thể thao tác được chưa?” Anh ấy nói: “Những điều học hôm qua tôi đã quên hết cả rồi.” Tôi rất tức giận nói: “Sao anh lại không biết khiêm tốn như vậy? Bảo anh ghi lại thì anh lười biếng không chịu viết, còn cho rằng mình rất thông minh, giờ tôi còn chưa đi mà anh đã quên hết rồi, khi chúng tôi đi rồi, nếu có chuyện gì anh đừng có gọi chúng tôi lập tức đến đấy nhé, đường đi xa như vậy, chúng tôi cũng không thể chỉ phục vụ một mình anh.”

Đồng tu đi cùng tôi nhắc nhở tôi đừng nóng vội, tôi lập tức tỉnh ra, trầm tĩnh lại hướng nội tìm, lời lẽ của tôi mang tâm áp chế mạnh mẽ, trao đổi với đồng tu mà không mang thiện ý, lại còn nóng vội muốn dạy anh ấy cho nhanh để còn quay về. Tôi coi đó là nhiệm vụ phải làm, không nghĩ rằng dạy đồng tu làm tài liệu cũng là cứu người, cũng là quá trình tu tâm của mình. Tôi bình tâm xuống, tìm kiếm tâm tự tư của bản thân, nhận ra tâm muốn cứu người của đồng tu, vì lúc đó khu vực của anh ấy không có tài liệu, anh ấy muốn đảm nhận việc làm tài liệu cung cấp cho các đồng tu trong khu vực để cứu người, tôi nghĩ nhất định phải dạy đồng tu, liền nói với anh ấy: “Xin lỗi anh.” Anh ấy cũng chẳng nói gì, liền cầm bút và sổ đến bảo tôi dạy lại.

Anh ấy ghi chép lại rất cẩn thận, sau ba ngày anh ấy đã có thể in được quyển chân tướng tuần, anh ấy rất cảm động, nói rằng vậy là vùng anh ấy đã có tài liệu cứu người rồi. Sau đó chúng tôi lại đến đó một lần nữa, cùng nhau học Pháp, chia sẻ làm cách nào biên tập, sắp trang, dụng tâm làm tài liệu chân tướng, về sau anh ấy có thể tự mình biên tập được tài liệu, cũng biết in cả “Cửu Bình” nữa, còn có thể tự mình sửa máy in. Anh ấy nói: “Con cảm tạ Sư phụ đã an bài hoàn cảnh để chúng con cùng nhau đề cao.”

Sư phụ giảng:

“Trước kia tôi từng giảng, người nào mang theo mục đích của bản thân mà giảng nói với người khác muốn cải biến người khác, hoặc muốn thuyết phục người khác, thì dù lời của chư vị có lý đến đâu, người khác cũng vẫn rất khó mà tiếp thu hoàn toàn, cũng không đả động được tâm người ta. Vì sao vậy? Kỳ thực tôi cho mọi người hay, là vì lời chư vị nói ra mang theo tất cả tư duy của chư vị.” (Giảng Pháp tại Pháp hội ở Geneva, Thụy Sỹ [1998])

Còn có một lần, tôi hướng dẫn một đồng tu dùng dao cắt giấy để cắt cuốn cửu bình và các quyển tài liệu nhỏ, tôi đã nói với cô ấy đặt khoảng cách dao thế nào, dùng lực ra sao, làm lại mấy lần cho cô ấy xem, tôi dường như đã rất kiên nhẫn với đồng tu, nhưng kỳ thực tôi vẫn không yên tâm, chỉ muốn đồng tu làm được giống như tôi, không nhận ra chấp trước của bản thân, lúc đó người điều phối đi cùng tôi lớn tiếng nói với tôi: “Chị đừng cho rằng mình làm gì cũng được, người khác làm không bằng chị, ai cũng biết làm, không cần nói nhiều như thế.” Tôi còn nghĩ người này tại sao lại nói năng như vậy? Lúc đó còn hơi cảm thấy mất mặt, không buông tâm xuống được, tôi nói: “Tôi chỉ không muốn đồng tu đi đường vòng mà thôi.” Khi về nhà tôi hướng nội tìm, vẫn là tâm muốn đồng tu làm theo ý mình, đây chẳng phải là tâm muốn cải biến người khác sao? Tôi cảm thấy thật xấu hổ, tôi thực sự rất cảm ơn đồng tu đó, nếu không có lời nhắc nhở kịp thời của đồng tu thì tôi thực sự không nhận ra tâm chấp trước và tâm chứng thực bản thân của mình.

Chúng ta khi gặp vấn đề phải tìm ở bản thân, tu bỏ tâm muốn cải biến người khác. Trân quý cơ duyên cùng nhau tu luyện của chúng ta, một khi bỏ qua sẽ không thể quay trở lại nữa, dẫu có khó nạn gì cũng đều phải hướng nội tìm, hết thảy mọi thứ của chúng ta đều là Đại Pháp ban cho. Sư phụ từ bi vĩ đại mỗi thời mỗi khắc đều đang trông chừng các đệ tử, cho nên chúng ta đều phải trân quý cơ duyên vạn cổ này, trợ Sư chính Pháp, cứu độ nhiều chúng sinh hơn nữa.

Mong các đồng tu từ bi chỉ ra những điều chưa thỏa đáng.


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/27/333580.html

Đăng ngày 24-10-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share