Bài viết của một học viên Pháp Luân Đại Pháp ở Toronto

[MINH HUỆ 8-8-2016] Con xin kính chào Sư phụ tôn kính và chào các bạn đồng tu!

Tu luyện với vai trò là một điều phối viên

Mỗi năm, chúng tôi đều thuê 3-4 chiếc xe buýt lớn để đến Pháp hội New York. Gần đây, chúng tôi bắt đầu chỉ định một vài điều phối viên phụ trách việc này và tôi là một trong số những điều phối viên đó. Do việc này chỉ xảy ra một hoặc hai lần trong năm nên đây là cơ hội duy nhất để tôi tu luyện. Tôi hiểu rằng làm điều phối viên cũng không dễ dàng gì. Trong quá trình phục vụ những người khác, có rất nhiều chấp trước được phơi bày và loại bỏ. Tôi đã thật sự nhận được nhiều lợi ích qua hoạt động này!

Ban đầu, tôi đã rất sợ xảy ra sai sót. Trong khi thu tiền phí xe buýt, tôi sợ rằng số tiền này có thể không chính xác. Khi chúng tôi vượt qua biên giới vào nước Mỹ, tôi sợ rằng một số học viên có thể gặp vấn đề và tác động tiêu cực đến lịch trình của chúng tôi. Khi chúng tôi tạm dừng để nghỉ ngơi, tôi lại lo có học viên bị bỏ lại phía sau.

Khi chúng tôi tham gia các hoạt động trong thời gian diễn ra Pháp hội, tôi sợ rằng các đồng tu có thể bị trễ hoặc không có mặt khi đến giờ khởi hành. Điều này đã xảy ra khi chúng tôi phải ngồi chờ một hoặc hai học viên trong khu vực trung tâm thành phố đông đúc. Tôi sợ rằng cảnh sát có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và rằng chúng tôi sẽ để lại ấn tượng xấu cho người tài xế. Trên đường đến đó, tôi hiếm khi ngủ và luôn lo lắng về điều tiếp theo. Tuy nhiên, khi thấy người điều phối chính trông rất bình hòa, thản nhiên giải quyết tất cả các loại tình huống lớn nhỏ, tôi mới thấy sự khác biệt giữa trạng thái tu luyện của mình và của anh ấy. Các học viên đã giúp đỡ và động viên tôi. Vai trò làm người điều phối xe buýt tạm thời đã để lại cho tôi một kỷ niệm rất trân quý.

Khi chúng tôi tham gia xong các hoạt động sau Pháp hội New York của năm ngoái, tất cả chúng tôi đã gặp lại nhau ở điểm đón khách của xe buýt. Bốn chiếc xe buýt đã chờ sẵn ở đó. Mọi người muốn rời khỏi trung tâm thành trước giờ cao điểm. Tuy nhiên, có hai thành viên trên xe của chúng tôi bị lạc. Chúng tôi đã gọi điện cho họ nhưng họ không trả lời. Tài xế của ba chiếc xe buýt kia không muốn chờ lâu hơn nữa nên đã quyết định đi trước. Tôi bắt đầu phàn nàn về hai học viên này.

Khi ấy, chúng tôi nhận được cuộc điện thoại của hai học viên, họ đã mượn được một chiếc điện thoại từ một học viên địa phương và gọi cho chúng tôi. Họ hỏi chúng tôi rằng tại sao họ lại không gặp chúng tôi tại vị trí bắt đầu của cuộc diễn hành. Tôi bực mình và nói rằng những người khác đều biết sẽ phải chờ nhau ở vị trí kết thúc buổi diễn hành, trừ hai người họ! Chúng tôi nhờ bác tài xế chạy đến đón họ ở điểm họ đang đứng, tuy nhiên vì đã đến giờ cao điểm nên ông ấy lo ngại rằng việc đó khó thực hiện. Tôi đành phải bảo hai người họ tự đến. Chúng tôi đã chờ họ từ 4 giờ chiều tới 6 giờ tối, nhưng họ vẫn không xuất hiện.

Sau khi đợi hai giờ đồng hồ, chúng tôi được biết rằng họ đang đi bộ đến chỗ chúng tôi. Một vài học viên đã đi ra ngã tư gần đó để tìm họ. Một số học viên ngồi chờ trong xe buýt và phát chính niệm. Một số nói rằng tôi phải nên nghiêm khắc và than phiền điều này với người điều phối chính, những người khác hối hận vì họ đã không chọn đi chiếc xe buýt lớn. Mặc dù bác tài xế xe buýt trông rất tử tế nhưng ông ấy cũng không thể làm được gì hơn. Cuối cùng tôi đã gọi cho người điều phối chính, anh bảo tôi hãy tiếp tục chờ. Tâm tôi dao động và các tư tưởng xấu tiếp tục nổi lên. Không có cách nào để liên lạc được với họ vì họ không có điện thoại. Tôi đứng đó, nhìn vào đám đông. Tôi biết mình đã sai vì tâm tôi bị dao động. Tôi liên tục phàn nàn về họ và rất nhiều tư tưởng xấu tiếp tục nổi lên. Tôi đã không hướng nội.

Sư phụ giảng:

“Trong bất kỳ hoàn cảnh gian nan nào, mọi người đều [phải] vững tâm. Một tâm bất động sẽ ức chế vạn động!” (Giảng Pháp tại Pháp hội miền Trung Mỹ Quốc [1999])

Tôi không thể giữ cho mình được bình tĩnh và không bị dao động. Tôi đã cầu xin Sư phụ cho tôi một cơ hội để chính lại bản thân. Ngay khi xuất ra niệm này, tôi nhìn thấy họ đang chạy về phía chúng tôi. Tôi đã cảm thấy vô cùng nhẹ nhõm!

Họ bảo tôi rằng họ muốn đến nhanh nên đã quyết định đi xe buýt. Tuy nhiên giao thông tắc nghẽn quá tệ, họ đã rất lo lắng và không có cách nào để liên lạc với tôi. Tôi hiểu rằng đó không phải lỗi của họ. Khi chúng tôi có những chấp trước người thường mạnh mẽ, kết quả có thể đi sang phía phản diện. Chúng tôi càng lo lắng thì kết quả càng tệ hơn. Thể ngộ của tôi là, điều này xảy ra là vì chúng tôi đã không xem mình là người tu luyện, chúng tôi đã không thật sự tín Sư tín Pháp, chúng tôi đã không hướng nội và thiện đãi các học viên.

Cuối cùng, khi tất cả chúng tôi đều đã ở trên xe buýt, tôi chia sẻ nhận thức của mình với các đồng tu. Tất cả mọi người hướng nội và chúng tôi đã có được một buổi chia sẻ rất tốt. Tôi cảm thấy những phàn nàn của mình hoàn toàn tan biến. Khi nhìn hai vị đồng tu này, tôi thấy họ dường như rất đáng yêu. Tất cả các học viên khác đều rất cởi mở và vui vẻ chia sẻ suy nghĩ của họ. Tất cả chúng tôi đều có lợi ích qua chia sẻ này. Bác tài xế đã lái xe liên tục không dừng. Sau hai hoặc ba giờ đồng hồ, chúng tôi thấy xe buýt của chúng tôi đã vượt qua hai chiếc xe buýt mà đã khởi hành trước. Mọi người rất vui và tin rằng Sư phụ đang khích lệ chúng tôi tu tâm tính.

Buông bỏ tự ngã

Trước Pháp hội New York năm nay, người điều phối của Đoàn nhạc Tian Guo đã yêu cầu [các học viên] Toronto mang theo các nhạc cụ lớn gồm: Sousaphones, Tubas, v.v… đến New York để cho các đoàn nhạc đến từ các quốc gia khác dùng. Vì tôi phụ trách chiếc xe buýt lớn cho đoàn nhạc, người điều phối yêu cầu tôi phải mang những nhạc cụ này đến New York.

Ngay khi biết mình được phân công phụ trách chiếc xe buýt lớn, tôi đã bị nhức đầu. Chúng tôi không biết nên giao những nhạc cụ này cho ai hay họ đến từ nước nào. Sao chúng tôi có thể giao nhạc cụ cho những học viên đó trong khoảng thời gian ngắn trước khi buổi diễu hành bắt đầu? Ai sẽ giúp tôi làm tất cả những việc này? Chúng tôi có trên 20 học viên [tham gia] đoàn nhạc đi trên xe buýt này, còn 30 thành viên khác, liệu họ có muốn giúp tôi di chuyển các nhạc cụ không? Khi đến New York nếu như không có ai đến nhận những nhạc cụ này thì sẽ thế nào? Tất cả những câu hỏi này đã khiến tôi lo lắng, tôi thật sự cảm thấy có một chấp trước mà tôi không thể buông bỏ. Loại tâm lý này đã buộc tôi phải hướng nội và khi ấy tôi phát hiện ra rằng mình vẫn còn đang dùng những tư tưởng người thường của mình để suy nghĩ mọi việc, hoàn toàn quên rằng mình có Sư phụ.

Tôi đã hoàn toàn nhẹ nhõm khi nhận ra rằng Sư phụ sẽ an bài [mọi chuyện]. Tôi tự nhủ điều tôi cần làm là chiểu theo lời dạy của Sư phụ để hướng nội. Tôi sẽ dẫn đầu việc học Pháp, trân quý mỗi đồng tu và chắc chắn sẽ hoàn thành nhiệm vụ này. Theo mong đợi, Sư phụ đã an bài mọi việc tốt nhất và tôi chỉ phải phân chia công việc cho các học viên trên xe buýt. Mọi người sẽ cùng nhau mang ba chiếc Sousaphones và hai chiếc Tubas đến cho các thành viên trong đoàn nhạc đến từ bốn quốc gia khác. Kết quả là, những nhạc cụ này đã đóng vai trò quan trọng trong đoàn diễu hành.

Trên đường trở về nhà, tôi hy vọng các đồng tu của mình sẽ chia sẻ trải nghiệm của họ. Đây là lý do tại sao tôi luôn thích đi xe buýt. Mỗi khi lắng nghe chia sẻ của các đồng tu, tôi cảm thấy như được khai sáng. Tôi ghi nhớ những chia sẻ chân thành và xúc động của từng đồng tu!

Tôi cũng nhìn ra chấp trước truy cầu và cảm thấy hài lòng về bản thân. Trước đây khi chúng tôi có những chia sẻ hay, các đồng tu sẽ khen ngợi tôi và tôi cảm thấy vui vì mình đã hoàn thành nhiệm vụ mà Sư phụ giao phó. Tôi cũng chấp nhận lời khen rằng: “Là một người chủ trì, tôi đã làm khá tốt công việc, vì thực ra các đồng tu có được buổi chia sẻ tốt là nhờ tôi đã làm tốt việc động viên họ.” Mặc dù đã cố gắng xua tan ý nghĩ này, nhưng tôi vẫn đặt bản thân mình ở vai trò quan trọng. Tâm ích kỷ của tôi lúc này hóa ra lại là một trở ngại.

Lúc đầu, tôi không nhận ra rằng đây là vấn đề của mình, tôi cố gắng thuyết phục mọi người rằng chúng ta cần phải trân quý cơ hội được ngồi lại với nhau, và rằng chúng ta sẽ hối tiếc nếu chúng ta không chia sẻ. Tôi đã nhờ một số học viên được cho là giỏi chia sẻ bước ra. Sau khi một đồng tu có một bài chia sẻ hết sức cảm động, tôi đã đọc tên của một vài học viên khác nhưng họ đã không bước ra. Một vài ý nghĩ xấu đã nổi lên: “Có phải là vì họ mệt không? Tôi cũng mệt. Có rất nhiều trở ngại ngay cả khi tôi có gắng động viên bạn chia sẻ. Tôi không có gì để nói. Bị ai đó ép phải chia sẻ sẽ không mang lại giá trị gì. Bạn sẽ hối tiếc nếu chúng ta dừng chia sẻ ở đây”.

Cảm giác không thoải mái cũng khiến tôi phải hướng nội và tìm thấy tâm ích kỷ của mình. Tôi phát chính niệm để loại bỏ nó. Tôi đã phơi bày tâm ích kỷ của mình ngay tại đó trước các đồng tu trên xe buýt. Tôi nói: “Tôi thật sự hy vọng rằng các đồng tu sẽ không bị chấp trước của tôi tác động. Chúng ta cần cởi mở và cùng nhau đề cao.” Khi tôi nói điều này, các đồng tu lại bắt đầu tích cực chia sẻ.

Khi ấy có một học viên trẻ, trước đây từng đắc Pháp và tu luyện cùng mẹ rất tốt, nhưng vài năm trở lại đây đã bị lạc lối trong xã hội người thường, bước ra chia sẻ với chúng tôi về những mất mát, đau đớn, và giằng xé của mình và việc cậu đã xúc động ra sao khi nghe bài giảng của Sư phụ. Các đồng tu khen ngợi cậu. Mẹ của cậu cũng bước ra chia sẻ. Sau họ, có một vài học viên trẻ tầm tuổi 20 bắt đầu nói về những trải nghiệm của họ. Các câu chuyện của họ rất cảm động. Tôi cảm thấy mừng cho họ.

Tôi nhận ra rằng có lẽ người điều phối không cần có bản sự mạnh hoặc phải tự làm mọi thứ. Người điều phối càng buông bỏ tự ngã được nhiều thì anh ấy càng có thể động viên các học viên khác hoàn thiện những khả năng của họ. Thậm chí, anh ấy cần đặt bản thân sang một bên để người khác có thể hoàn thành trách nhiệm mình.

Trân quý những người quanh chúng ta

Con gái của tôi bắt đầu tu luyện cùng tôi khi cháu được bốn tuổi. Khi cháu lên sáu, chúng tôi chuyển đến sống ở Canada. Sau khi cuộc đàn áp bắt đầu, cháu đã cùng tôi đi khắp nơi để tham gia các hoạt động chứng thực Pháp. Cháu đã cùng tôi đến Geneva hai lần. Năm chín tuổi, cháu đã cùng tôi đến Quảng trường Thiên An Môn để giăng một biểu ngữ. Cháu đã cùng tôi đến Mỹ để dự Pháp hội và các hoạt động khác một vài lần. Cháu là một trong những họ viên nhỏ tuổi đầu tiên tham gia Đoàn nhạc Tian Guo. Cháu đã quay lại tu luyện Pháp Luân Đại Pháp cùng tôi sau một khoảng thời gian ngắn dừng tu luyện.

Vì trạng thái tu luyện của tôi lên xuống, nên tôi không thể buông bỏ được chấp trước của mình vào cô con gái. Sau khi lớn lên, cháu tự tách mình ra khỏi Đại Pháp ngày càng xa và cũng ngừng cùng tôi tham gia các hoạt động chứng thực Pháp. Cháu trở nên bướng bỉnh và nổi loạn. Khi nói điều gì đó, cháu nói một cách thẳng thắn, đôi khi đụng vào phần chấp trước rất đau đớn. Tôi cố gắng hết sức để kiểm soát tâm tính của mình và không để mình bị dao động. Tôi nghĩ mình biết cách hướng nội và sẽ không đối xử với cháu như cháu đã đối xử với tôi. Nhưng tại sao tình trạng của cháu vẫn không cải thiện? Cháu vẫn thường xuyên nổi nóng và trông chán nản. Tôi biết chuyện này có liên quan đến tôi, nhưng tôi nghĩ nếu mình có thể đạt được trạng thái bất động tâm, thì khi đó tôi sẽ nhẫn được đầy đủ. Có lẽ người khác thì đã sớm nóng nảy. Khi tâm trạng tốt cháu cũng nói rằng tôi đã rất khoan dung trước thái độ của cháu.

Mãi cho đến sau Pháp hội và nghe các đồng tu chia sẻ tôi mới ngộ được thực ra cách tôi hướng nội trước đây chỉ là trên bề mặt. Cái nhẫn của tôi

“ …là cái nhẫn của người thường với chấp trước vào tâm lo nghĩ” (Thế nào là Nhẫn?, Tinh Tấn Yếu Chỉ)

Tôi cảm thấy rằng mình không thể làm bất cứ điều gì cho con gái của mình. Tôi đã không lấy thái độ của cháu để nhìn lại mình và không tự hỏi tại sao cháu lại hành xử như vậy. Có phải là vì tôi có vấn đề gì đó chăng? Khi tôi bắt đầu nghĩ theo cách này, tôi nhận ra rằng mình đã không thật sự biết cách hướng nội. Con gái và chồng tôi, tiếp tục “diễn trò,” “diễn trò đau đớn” trước mặt tôi để giúp tôi nhìn thấy những chấp trước của mình. Tệ hơn nữa là trong tâm tôi đã phàn nàn về họ: cháu có ngộ tính kém, chấp trước quá nhiều vào tiền bạc! Anh ấy có tâm tranh đấu rất mạnh và dễ tranh cãi với người khác. Đôi lúc tôi thậm chí còn tự hỏi tại sao hai người này lại được an bài ở cạnh mình. Con cái của những học viên khác rất ngoan ngoãn! Tại sao? Cuối cùng, tôi đã hiểu được rằng cho dù họ cư xử hay diễn trò gì đi nữa thì nó cũng chỉ là phản ánh trạng thái tu luyện của tôi. Đó là để tôi nhìn ra những vấn đề của chính mình. Gần đây tôi mới nhận ra điều này.

Tôi cảm thấy vô cùng biết ơn những người quanh tôi. Tôi đã quyết định rằng mình sẽ tu luyện bản thân thật tốt để sống với họ, mặc dù họ không nhận thức được an bài này. Khi tôi bắt đầu nghĩ theo cách này, không ngừng hướng nội vô điều kiện, thái độ của họ thay đổi. Tôi có thể cảm nhận được rằng họ thấy thoải mái trong trường năng lượng của tôi và thái độ của họ thường đột nhiên thay đổi.

Gần đây tôi cần đến Ottawa, New York và Montreal. Tôi đang cố gắng nhìn mọi thứ từ góc độ của chồng mình và đồng cảm với anh vì cuộc sống của anh cũng không dễ dàng gì. Tôi tin rằng chồng mình, sâu trong tâm cũng đang tìm kiếm Đại Pháp. Nếu anh không hài lòng với tôi việc tôi đi, thì hẳn là tôi đã không làm tốt điều gì. Tôi chân thành chính lại bản thân mình. Trong trạng thái này, khi tôi bảo anh rằng tôi cần phải đi, anh đã rất bình tĩnh, nói chuyện với tôi một cách bình thường. Con gái tôi cũng vậy. Bất cứ khi nào cháu nóng giận, tôi lập tức nhận ra rằng mình có vài vấn đề và nhanh chóng hướng nội. Tôi thừa nhận rằng mình đã sai và chân thành nhận ra rằng cháu đã đúng. Tại sao mẹ lại không nhận ra điều này nhỉ? Cháu lập tức xin lỗi vì thái độ tệ của mình. Bằng cách này, tôi nhanh chóng vượt qua khảo nghiệm. Tôi cũng nhận thức được rằng cái tình của tôi vẫn rất mạnh – Tôi hy vọng cháu có thể nhanh chóng quay trở lại con đường tu luyện.

Sư phụ giảng:

“Đặc biệt là trong thời kỳ Chính Pháp, tất cả các sinh mệnh chính-phụ trong vũ trụ đều muốn có thể được cứu độ trong Chính Pháp lần này, kể cả vô lượng những Thần rất lớn ở tầng tầng lớp lớp cao nhất, và đặc biệt là chúng sinh của thế giới của họ, vì họ đều đặt một chân ở tại thế gian, ở trong tam giới, họ có thể bỏ qua cơ hội cứu mạng mà vạn kiếp không gặp được chăng? ‘Các vị cần phải cứu tôi’, đều nói ‘các vị phải cứu tôi, các vị phải cứu tôi’, nhưng hình thức biểu hiện không có giống như nhận thức luận lý của thế gian, [rằng khi yêu] cầu người cần phải rất lễ phép, rất khiêm tốn mới được: ‘các vị cứu tôi, tôi phải trước tiên cảm kích các vị, tôi cung cấp thuận tiện cho các vị’, nhưng không phải thế đâu. Như họ xem xét, ‘các vị muốn có thể cứu tôi, các vị phải có thể đạt tới tầng thứ của tôi mới được, các vị phải có uy đức ấy, các vị mới có thể cứu tôi được. Các vị không có uy đức ấy, các vị không đạt đến cao như tôi, thì cứu tôi sao đây?’ Vậy họ bèn để chư vị vấp ngã, chịu khổ, trừ bỏ chấp trước của chư vị, sau đó khiến uy đức chư vị được kiến lập, chư vị tu luyện đến tầng thứ nào đó rồi, chư vị mới có thể cứu họ được, [họ] đều làm như thế cả.” (Đệ tử Đại Pháp nhất định phải học Pháp – Giảng Pháp tại Pháp hội vùng Metro Area ở Washington DC 2011)

Giờ tôi mới hiểu rằng mình cần phải bỏ đi tất cả suy nghĩ và quan niệm người thường, chỉ tập trung vào tu luyện bản thân cho thật tốt. Nó tương tự như, để cứu được lượng chúng sinh mà chúng ta đã được giao phó, chúng ta cần tu xuất được uy đức và cảnh giới của mình, để họ mong được chúng ta cứu. Sư phụ đã an bài tốt nhất rồi, chúng ta chỉ cần thực hiện.

Cho dù là là do cựu thế lực hay Sư phụ an bài đi chăng nữa, thì những người xung quanh chúng ta đều là đến để trợ giúp các học viên Đại Pháp tu luyện. Khi các đệ tử Đại Pháp có thể thật sự hướng nội vô điều kiện, xem mọi thứ xung quanh chúng ta như một tấm gương phản chiếu tu luyện của chính bản thân, thay vì nhìn vào người khác, khi chúng ta tu luyện bản thân thật tốt, thì chính là chúng ta đang cứu họ và vô lượng chúng sinh phía sau họ.

Với các đồng tu cũng vậy. Cách các đồng tu hành xử không hẳn là trạng thái tu luyện thật sự của họ. Những hành vi của họ là để tôi nhìn được và tu luyện chính mình. Tôi không nên tập trung vào họ mà nên tu luyện bản thân. Chính Sư phụ đã an bài họ hành xử như vậy để phơi bày các tâm chấp trước của tôi.

Tôi hy vọng chúng ta sẽ xứng với mong đợi của Sư phụ và bước đi tốt trên đoạn đường cuối cùng này. Con xin cảm tạ Sư phụ! Cảm ơn tất cả mọi người.

(Bài chia sẻ tại Pháp hội giao lưu tâm đắc thể hội Canada năm 2016)


Bản tiếng Hán: https://www.minghui.org/mh/articles/2016/8/8/332537.html

Bản tiếng Anh: https://en.minghui.org/html/articles/2016/8/11/158211.html

Đăng ngày 1-10-2016; Bản dịch có thể được hiệu chỉnh trong tương lai để sát hơn với nguyên bản.

Share